Kiêng gì khi mắc bệnh sởi?

Sởi là một bệnh cấp tính nguy hiểm, rất dễ lây lan và có thể phát triển thành dịch. Từ xưa ông bà ta luôn truyền tai nhau những “bí quyết” kiêng cữ khi trẻ mắc bệnh sởi nhưng “bí quyết” ấy có thể trở thành con dao hai lưỡi, không những làm cho bệnh không thuyên giảm mà còn có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng

Kiêng gì khi mắc bệnh sởi? Kiêng gì khi mắc bệnh sởi?

. Vậy bệnh sởi nên và không nên kiêng gì? Phòng ngừa và điều trị bệnh sởi ra sao? Chúng ta hãy cùng trả lời những câu hỏi trên sau khi đọc bài viết dưới đây nhé.

Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc bệnh sởi

Sởi là một bệnh truyền nhiễm rất dễ lây lan. Khoảng 90% người tiếp xúc với bệnh nhân sởi sẽ bị mắc bệnh nếu chưa được tiêm vắc xin ngừa bệnh. Sau khi tiếp xúc với mầm bệnh từ 10-12 ngày, trẻ có thể có các biểu hiện sau:

  • Sốt cao
  • Ho khan kéo dài
  • Chảy nước mắt, nước mũi; mắt đỏ và có gỉ kèm nhèm, mí mắt bị sưng nề
  • Mắt trẻ có biểu hiện khó chịu, nhạy cảm với ánh sáng
  • Trong miệng xuất hiện những hạt nhỏ li ti có màu xanh trắng ở trung tâm, được gọi là những hạt Koplik
  • Nổi ban theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất là vùng đầu, mặt, cổ; ngày tiếp theo ở ngực, lưng, cánh tay và ngày thứ 3 ban mọc ở bụng, mông, đùi, chân.
HoiBenh.vn-kieng-an-gi-khi-mac-benh-soi-body-2
Khoảng 90% người tiếp xúc với bệnh nhân sởi sẽ bị mắc bệnh nếu chưa được tiêm vắc xin ngừa bệnh

Kiêng gì khi mắc bệnh sởi?

Kiêng gì khi trẻ mắc bệnh sởi luôn là mối bận tâm của các bậc cha mẹ. Chúng ta hãy cùng điểm qua một số điều cần kiêng cử để giúp trẻ nhanh hồi phục:

  • Kiêng thức ăn nhiều chất béo như đồ chiên, xào chứa nhiều dầu mỡ vì chúng có thể gây khó tiêu, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của trẻ
  • Kiêng thực phẩm cay nóng, nhiều gia vị như ớt, tiêu, hành, tỏi...để tránh gây ra phản ứng nhiệt, nóng trong người, làm ban nổi nhiều hơn
  • Kiêng thức uống có ga, có cồn
  • Tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng vì mắt trẻ bị sởi rất nhạy cảm với ánh sáng và dễ bị tổn thương
HoiBenh.vn-kieng-an-gi-khi-mac-benh-soi-body-3
Kiêng thức ăn nhiều chất béo như đồ chiên, xào chứa nhiều dầu mỡ

Ngoài ra, các mẹ cần cho trẻ ăn nhiều rau củ và các loại quả giàu vitamin A, vitamin C như cà rốt, cà chua, cam...để giúp tăng cường miễn dịch, hạn chế nhiễm trùng và bảo vệ đôi mắt của trẻ. Các thực phẩm giàu kẽm như tôm, sò, thịt bò, cá...cũng rất quan trọng trong quá trình điều trị.

Mắc bệnh sởi có cần kiêng gió và nước ?

Đây là câu hỏi mà các bậc cha mẹ luôn thắc mắc khi con bị sởi và câu trả lời là không. Kiêng gió, kiêng nước là một quan niệm hoàn toàn sai lầm bởi sởi là bệnh có liên quan đến da. Nếu không vệ sinh thường xuyên sẽ khiến trẻ ngứa ngáy, khó chịu và dùng tay gãi khiến các vết ban chầy xước, nhiễm trùng. Tốt nhất các mẹ nên dùng khăn mềm, thấm nước ấm lau người và vệ sinh răng miệng thường xuyên cho trẻ.

Cách phòng bệnh sởi cho trẻ

  • Biện pháp an toàn và hiệu quả nhất chính là tiêm vắc xin phòng bệnh sởi. Tiêm vắc xin sởi mũi đầu tiên khi trẻ 9 tháng tuổi và mũi tiếp theo khi trẻ 18 tháng tuổi.
  • Dùng globulin miễn dịch để phòng ngừa hoặc giảm nhẹ mức độ của bệnh khi trẻ đã tiếp xúc với nguồn bệnh.
  • Cách ly trẻ với bệnh nhân mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi
  • Tắm rửa cho trẻ sạch sẽ và vệ sinh tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn
  • Cần đeo khẩu trang cho trẻ khi trẻ tiếp xúc với người bệnh
  • Cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, tăng cường thể trạng và sức đề kháng
HoiBenh.vn-kieng-an-gi-khi-mac-benh-soi-body-4
Biện pháp an toàn và hiệu quả nhất chính là tiêm vắc xin phòng bệnh sởi

Điều trị và chăm sóc trẻ mắc bệnh sởi

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị cho bệnh sởi, chủ yếu vẫn là điều trị triệu chứng, phòng ngừa và giảm nhẹ các biến chứng do sởi gây ra.

  • Cách ly trẻ trong phòng sạch, thông thoáng, đầy đủ ánh sáng nhưng không quá chói.
  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt. Lưu ý chỉ dùng kháng sinh khi nghi ngờ bội nhiễm vi khuẩn và phải có chỉ định của bác sĩ.
  • Vệ sinh răng miệng và thân thể cho trẻ hằng ngày. Đặc biệt không được kiêng gió, kiêng nước để tránh bệnh trầm trọng hơn.
  • Vệ sinh môi trường xung quanh cùng các đồ chơi, vật dụng của trẻ.
  • Vệ sinh mũi và mắt trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) hoặc dung dịch Chloromycetin, Argyrol...
  • Người chăm sóc trẻ cũng cần đeo khẩu trang, vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi tiếp xúc với trẻ.
  • Nếu trẻ vẫn đang bú mẹ thì cần tăng cường cho con bú. Đối với trẻ trên 6 tháng tuổi, cha mẹ nên cho con ăn uống hợp lý để rút ngắn thời gian lành bệnh. Nên chia nhỏ bữa ăn và cho trẻ ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu. Lưu ý, không nên kiêng khem quá mức, cần cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Cho trẻ uống nhiều nước, nước hoa quả.
  • Nếu trẻ có biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi cần bổ sung kẽm bằng đường uống.
  • Bổ sung Vitamin A để dự phòng thiếu vitamin A, giúp bảo vệ mắt.
HoiBenh.vn-kieng-an-gi-khi-mac-benh-soi-body-5
Cho trẻ uống nhiều nước, nước hoa quả

Đặc biệt, khi trẻ có các dấu hiệu sau cần lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất:

  • Sốt cao liên tục từ 39°C đến 40°C
  • Tiêu chảy nặng
  • Thở gấp, khó thở
  • Lơ mơ, mệt mỏi, không chịu ăn uống
  • Ban sởi đã mọc toàn thân nhưng vẫn sốt

Sởi là một bệnh nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể được phòng ngừa bằng cách cho trẻ tiêm vắc xin. Hiện nay, có một số cha mẹ không cho trẻ chủng ngừa vì quan niệm rằng vắc xin không tốt cho trẻ, khiến bệnh sởi xuất hiện ngày càng nhiều và có nguy cơ bùng phát thành dịch. Các bậc cha mẹ hãy loại bỏ ngay suy nghĩ lệch lạc ấy, cho trẻ chủng ngừa đủ 2 mũi vắc xin để trẻ có một tương lai khỏe mạnh.

Xem thêm

  • Biến chứng sởi: phổ biến hơn bạn nghĩ?
  • Thông tin cần biết về bệnh sốt phát ban dạng sởi ở người lớn
  • Trẻ em bị bệnh sởi kiêng gì các bà mẹ thông thái đã biết chưa