Kiến thức cần biết về bệnh viêm nướu răng

Hiện nay, bệnh viêm nướu răng đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Tổ chức Y tế Thế giới WHO ước tính có khoảng 1/4 số người lớn ít nhiều mắc phải tình trạng này, trong đó có từ 15-20% sẽ tiến triển nặng, gây khó khăn trong ăn uống, giao tiếp. Cùng HoiBenh tìm hiểu kiến thức cơ bản cần biết về viêm nướu qua bài viết sau đây.

Kiến thức cần biết về bệnh viêm nướu răng Kiến thức cần biết về bệnh viêm nướu răng

Viêm nướu răng là gì?

Viêm nướu là tình trạng nướu bị sưng do các mảng bám tích tụ và gây tổn thương tại đường chân nướu. Viêm nướu là giai đoạn đầu tiên của các bệnh về nướu. Nếu không điều trị đúng cách và kịp thời, tình trạng viêm nhiễm sẽ nghiêm trọng hơn, thành viêm nha chu. Viêm nướu răng và viêm nha chu là hai bệnh chính gây rụng răng ở người trưởng thành.

vicare.vn-kien-thuc-can-biet-ve-benh-viem-nuou-rang-body-1

Triệu chứng viêm nướu răng

Phần lớn người bị viêm nướu không biết mình đang viêm, do bản thân khá chủ quan về sức khỏe răng miệng. Cộng thêm việc các triệu chứng viêm nướu không xuất hiện hoặc xuất hiện mờ nhạt. Thông thường, khi bị viêm nướu sẽ gặp phải các triệu chứng dưới đây:

  • Nướu bị đỏ, nướu trở nên mềm hoặc sưng, chạm vào thấy đau.
  • Chảy máu nướu răng mỗi khi đánh răng hoặc xỉa răng
  • Nướu răng bị tụt xuống, bong ra khỏi chân răng.
  • Răng bị lung lay và nhạy cảm, có thể có ê buốt hoặc đau nhức.
  • Xuất hiện cảm giác bất thường trên răng và nướu khi nhai hoặc cắn, cảm giác đau.
  • Có mủ trên vùng nướu răng (hay còn gọi là viêm nướu răng có mủ)
  • Hàm răng giả không còn khớp vào như ban đầu
  • Viêm nướu sẽ kèm theo hôi miệng, mùi hôi này không giảm kể cả sau khi đánh răng xong.

Viêm nướu răng là do đâu?

  • Do mảng bám: Ở giữa điểm tiếp xúc giữa chân răng và nướu răng có một khoảng không gian rỗng, nhỏ gọi là rãnh. Sau khi ăn, thức ăn và mảng bám dễ bị kẹt tại vùng không gian này. Mảng bám kết hợp với nhau tạo thành cao răng, có thể dẫn đến nhiễm trùng nướu răng, ảnh hưởng tổn thương vùng nướu.
  • Thay đổi sức khỏe răng miệng theo tuổi tác: viêm nướu răng dễ xảy ra ở người lớn tuổi (70% người trên 65 tuổi).
  • Nguyên nhân di truyền: các vấn đề về răng miệng là một phần của cấu trúc gen. Ngay khi đã giữ vệ sinh thật kỹ thì vẫn có thể bị viêm nướu do di truyền.
  • Tác dụng phụ trên răng miệng của một vài loại thuốc: Một số loại thuốc có tác dụng phụ gây khô miệng ảnh hưởng đến sức khỏe nướu răng, thuốc có tác dụng phụ gây chảy máu nướu như Aspirin và anticoagulants, thuốc ngừa thai...

Yếu tố nguy cơ gây viêm nướu răng

  • Người nghiện hút thuốc lá
  • Người mắc bệnh tiểu đường
  • Dùng thuốc có tác dụng phụ (thuốc ngừa thai đường uống, thuốc chống co giật, thuốc gây rối loạn canxi, hóa trị liệu điều trị ung thư...)
  • Răng mọc không đều và chồng lên nhau có nguy cơ viêm nướu cao.
  • Kỹ thuật niềng răng không đúng.
  • Răng bị nứt mẻ do va đập
  • Phụ nữ mang thai.
  • Yếu tố di truyền
  • Suy giảm miễn dịch (AIDS)

Điều trị viêm nướu răng

Bệnh nhân cần vệ sinh răng miệng sạch sẽ trong thời gian bị viêm nướu, hạn chế hoặc ngừng hút thuốc hoàn toàn và kiểm soát đường huyết (nếu có). Những phương pháp điều trị viêm nướu răng gồm:

Làm sạch răng nhằm loại bỏ các mảng bám hoặc cao răng. Phương pháp lấy cao răng hoặc mài răng để loại bỏ tận gốc các mảng bám trên vùng viêm nướu và khu vực xung quanh. Có thể sử dụng tia laser để loại bỏ cao răng hoặc mảng bám, phương pháp này ít gây chảy máu và đau đớn hơn

vicare.vn-kien-thuc-can-biet-ve-benh-viem-nuou-rang-body-2

Sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây viêm nhiễm.

  • Kháng sinh Microspheres bơm trực tiếp vào rãnh có viêm nướu.
  • Kháng sinh đường uống có thể sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn từ bên trong. Doxycycline là một loại kháng sinh giúp giảm tổn thương cho răng trong thời gian bị viêm nướu.
  • Sử dụng nước súc miệng có tác dụng diệt khuẩn, có chứa chlorhexidine để khử trùng khoang miệng.

Phẫu thuật khi viêm nướu răng nghiêm trọng

  • Tiểu phẫu tại vùng nướu bị viêm để loại bỏ mảng bám, cao răng hoặc mủ nướu xuất hiện ở vùng nướu sâu mà phương pháp bình thường không thể loại bỏ được.
  • Phẫu thuật ghép xương hoặc mô khi tổn thương nướu răng quá trầm trọng và không tự lành được.

Phòng ngừa viêm nướu răng

Vệ sinh răng miệng kỹ càng và đúng cách: đánh răng hai lần mỗi ngày bằng kem đánh răng có chứa florua (Flo) và dùng chỉ nha khoa để loại bỏ thực phẩm mắc lại ở kẽ răng sau mỗi bữa ăn.

Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, khoa học và đến khám nha sĩ để làm sạch răng ít nhất 6 tháng một lần.

Xem thêm:

  • Vì sao trẻ nhỏ thường viêm nướu?
  • Chữa viêm nướu răng cho trẻ nhỏ như thế nào?
  • Viêm nướu răng và u hạt thai nghén có liên quan đến nhau không?