Khi nào phải đưa trẻ mắc bệnh tay chân miệng đi viện?
Tính đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của Bộ Y Tế trên cả nước đã có hơn 62.000 ca mắc bệnh tay chân miệng, trong đó khoảng 29.000 ca phải nhập viện và 6 trường hợp tử vong. Bệnh vẫn đang có chiều hướng gia tăng trong thời gian sắp tới, đặc biệt các ca tử vong phần lớn do bệnh trở nặng, có nhiều biến chứng mới đến nhập viện.
Khi nào phải đưa trẻ mắc bệnh tay chân miệng đi viện?
Nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra, bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc trẻ bị tay chân miệng tại nhà. Và các dấu hiệu nguy hiểm cần phải đưa trẻ mắc bệnh tay chân miệng đi viện.
1. Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm dễ lây, dễ bùng phát thành dịch. Bệnh do một nhóm vi rút đường ruột thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Thường gặp nhất là vi rút Coxsackievirus A16 (A16) và Enterovirus 71 (EV71). Trong đó, EV71 là loại nguy hiểm, gây nhiều biến chứng nhất.
Trẻ em mắc bệnh thường có diễn biến nhẹ có thể tự khỏi sau vài ngày nhưng có thể gặp biến chứng nguy hiểm, diễn tiến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tình trạng nguy kịch như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp tính thậm chí tử vong.
2. Diễn tiến bệnh tay chân miệng gây ra bởi virus EV71
Khi vi rút EV71 xâm nhập vào cơ thể, chúng thường khu trú ở niêm mạc má hoặc niêm mạc ruột.
Sau khoảng 24 tiếng, vi rút di chuyển đến các hạch bạch huyết xung quanh, từ đây chúng xâm nhập vào máu gây nhiễm khuẩn huyết trong khoảng thời gian ngắn. Sau đó, vi rút đến niêm mạc miệng và da. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài khoảng 3 - 7 ngày.
Bệnh khởi phát là sốt, xuất hiện các bọng nước ở niêm mạc miệng (ở nướu răng, lưỡi, bên trong má) và ban đỏ ở bàn tay, bàn chân.
Type EV71 không chỉ gây bệnh tay chân miệng mà còn có khả năng gây nên bệnh ở hệ thần kinh trung ương như viêm màng não vi rút hoặc các thể trầm trọng như viêm não hay liệt kiểu bại liệt.
3. Khi có dấu hiệu nào phải đưa trẻ mắc tay chân miệng đi viện ngay?
Phụ huynh lưu ý khi trẻ có các dấu hiệu cảnh báo bệnh diễn tiến nặng như sau, phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức:
- Sốt cao trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ và không đáp ứng với thuốc hạ sốt paracetamol.
- Thở bất thường.
- Quấy khóc dai dẳng, liên tục hoặc ngủ khoảng 15-20 phút lại dậy quấy khóc rồi ngủ tiếp.
- Ngủ li bì, ngủ gà hoặc khó ngủ.
- Giật mình, hốt hoảng, chới với ngay cả khi trẻ đang chơi.
- Ngồi không vững hoặc đi loạng choạng.
- Run tay, chân hoặc co giật.
- Vã mồ hôi.
- Nôn ói nhiều, bỏ ăn, bỏ bú.
- Yếu tay chân.
- Da nổi bông, vân tím hoặc xanh tái.
2. Chăm sóc trẻ bệnh tay chân miệng tại nhà cần lưu ý gì?
Vệ sinh cho trẻ đúng cách
Trẻ mắc bệnh này trong miệng thường có những tổn thương dạng phỏng nước, khi vỡ ra tạo thành vết lở loét nên chú ý vệ sinh răng miệng cho trẻ bằng nước muối sinh lý. Khuyến khích trẻ uống nhiều nước giúp làm sạch khoang miệng.
Khi tắm cho trẻ nên ở phòng kín, không dùng xà phòng, tránh làm vỡ nốt phỏng, làm các vết loét nặng hơn và tăng nguy cơ bị bội nhiễm. Sau khi tắm thì nên sử dụng các thuốc bôi như betadine sát khuẩn.
Dinh dưỡng hợp lý
Cha mẹ cần cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, lưu ý thức ăn nên làm mềm như cháo, bột vì thức ăn cứng dễ làm đau rát miệng. Chia nhỏ bữa ăn trong ngày cho trẻ. Dùng các thực phẩm giàu kẽm để tăng sự ngon miệng, tăng sức đề kháng, mau lành các vết loét trong miệng, bảo vệ vị giác.
Cho trẻ uống nhiều nước và sinh tố giàu vitamin C như nước ép cam, quýt, cà chua, ổi, bưởi...
Đối với trẻ còn bú mẹ thì nên cho bú thường xuyên hơn vì mỗi lần trẻ bú không được nhiều như lúc chưa bệnh.
Ăn uống đảm bảo vệ sinh. Không mớm thức ăn cho trẻ, không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi, không cho trẻ dùng chung vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa...
Nên cách ly trẻ
Vi rút gây bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch mũi, họng, chất dịch từ mụn nước... của trẻ bị bệnh. Do đó, trẻ cần được cách ly ít nhất 10 ngày kể từ khi xuất hiện các triệu chứng bệnh.
Uống thuốc theo toa bác sĩ
Dùng thuốc hạ sốt paracetamol khi trẻ sốt trên 38 độ C với liều 10-15 mg/kg/lần uống, lặp lại mỗi 4- 6 giờ khi còn sốt. Trẻ thường đau miệng và họng do vết loét có thể sử dụng thuốc tráng niêm mạc dạng sữa như phosphalugel hoặc varogel, trimafort... Cho trẻ ngậm nuốt 1-2ml /lần để dịu cơn đau rồi mới cho trẻ ăn. Uống thuốc bổ cung cấp vitamin và khoáng chất theo hướng dẫn của bác sĩ.
Hiện nay, vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Do đó, việc điều trị bệnh tay chân miệng tại nhà được khuyến khích khi trẻ còn ở giai đoạn nhẹ nhằm tránh sự lây nhiễm chéo và quá tải ở bệnh viện.
Tuy nhiên, phụ huynh cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu của bệnh để sớm xử lý, tránh bệnh tiến triển dẫn đến những biến chứng cực kỳ nguy hiểm
Xem thêm:
- Khám bệnh tay chân miệng ở đâu tốt nhất?
- Cách chăm sóc trẻ bị bệnh chân tay miệng
- Trẻ bị bệnh tay chân miệng có tự khỏi không?