Khi bị tiểu đường khi mang thai chồng nên mua gì cho vợ ăn
Bệnh tiểu đường thai kỳ thường gặp ở khoảng 7% các trường hợp phụ nữ mang thai. Bệnh thường xuất hiện vào nửa sau của thai kỳ và biến mất ngay khi em bé chào đời. Tuy nhiên, nếu bệnh tiểu đường thai kỳ không được điều trị, người phụ nữ rất dễ gặp phải các biến chứng. Điều đầu tiên cần chú ý là thay đổi chế độ ăn uống để giúp giữ mức đường trong máu ở mức bình thường.
Khi bị tiểu đường khi mang thai chồng nên mua gì cho vợ ăn
Bệnh tiểu đường thai kỳ thường gặp ở khoảng 7% các trường hợp phụ nữ mang thai. Bệnh thường xuất hiện vào nửa sau của thai kỳ và biến mất ngay khi em bé chào đời. Tuy nhiên, nếu bệnh tiểu đường thai kỳ không được điều trị, người phụ nữ rất dễ gặp phải các biến chứng. Điều đầu tiên cần chú ý là thay đổi chế độ ăn uống để giúp giữ mức đường trong máu ở mức bình thường.
Bệnh tiểu đường thai kỳ là gì?
Bệnh tiểu đường thai kỳ là một loại bệnh có thể xảy ra trong quá trình mang thai của phụ nữ. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, mỗi năm có khoảng 2-10% các trường hợp mang thai bị ảnh hưởng bởi bệnh tiểu đường thai kỳ tại Mỹ.
Khi người phụ nữ mang thai, cơ thể họ sẽ sản xuất nhiều hormone hơn và họ sẽ tăng cân, hai vấn đề này có thể khiến các tế bào không sử dụng insulin tốt như trước đây. Điều này được gọi là kháng insulin, nghĩa là cơ thể cần nhiều insulin hơn để sử dụng hết lượng đường trong máu. Khi cơ thể không sản xuất đủ insulin sẽ dẫn đến sự tích tụ đường trong máu, làm đường huyết tăng cao.
Các triệu chứng của bệnh tiểu đường thai kỳ có thể bao gồm:
- Khát nước bất chợt
- Đi tiểu thường xuyên
- Nhiễm trùng bàng quang thường xuyên
- Mệt mỏi, buồn nôn, mờ mắt
- Xét nghiệm thấy có đường trong nước tiểu
Tình trạng này sẽ biến mất sau khi người phụ nữ sinh em bé. Tuy nhiên, điều mà các bác sĩ lo ngại nếu lượng đường huyết không được kiểm soát, đó là những biến chứng của bệnh.
Khuyến cáo về chế độ ăn uống cho bệnh tiểu đường thai kỳ
Theo quan niệm của nhiều gia đình, phụ nữ mang thai nên ăn nhiều gấp đôi vì ăn cho hai người, và ăn nhiều món bổ dưỡng. Tuy nhiên trong trường hợp tiểu đường thai kỳ, người chồng nên chú ý lựa chọn những món ăn phù hợp cho vợ, nhắc nhở vợ tuân thủ chế độ ăn uống theo khuyến cáo bác sĩ để đảm bảo sức khỏe của người mẹ và em bé.
1. Kiểm soát lượng carbohydrate trong thực phẩm
Cách giữ cho đường huyết nằm trong giới hạn bình thường là theo dõi chặt chẽ lượng carbohydrate trong chế độ ăn uống. Thực phẩm chứa carbohydrate khi được tiêu hóa sẽ biến thành đường glucose trong máu. Vai trò của glucose là cần thiết vì nó là nhiên liệu cho mọi hoạt động của cơ thể người mẹ và giúp nuôi dưỡng em bé trong bụng.
Carbohydrate được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, ví dụ như:
- Các loại sữa, sữa chua
- Hoa quả tươi và nước ép trái cây
- Gạo, ngũ cốc, bánh đa, bánh phở, mì ống, bánh mì,
- Các loại đậu: đậu xanh, đậu đen, đậu Hà Lan và đậu lăng
- Khoai tây, khoai mỡ, ngô, bí ngô
- Kẹo và món tráng miệng, chẳng hạn như đường, mật ong, xi-rô, bánh ngọt, bánh quy, soda và kẹo cũng thường có một lượng lớn carbohydrate.
Phụ nữ mang thai nên đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn về chế độ ăn uống. Dựa trên tình hình người mẹ, họ sẽ tính toán lượng carbohydrate cần có trong mỗi bữa ăn, trong mỗi ngày và mỗi giai đoạn của thai kỳ. Người mẹ cũng cần tìm hiểu lượng carbohydrate trên nhãn của đồ ăn hoặc xem bảng tính carbohydrate cho từng loại thực phẩm.
2. Điều chỉnh chế độ ăn uống để duy trì lượng đường huyết trong giới hạn an toàn
Không bỏ bữa sáng
Đường huyết vào buổi sáng thường khó kiểm soát vì sự giao động của nồng độ hormone. Một bữa ăn sáng lành mạnh bao gồm lượng vừa phải tinh bột và protein sẽ giúp cơ thể dung nạp tốt nhất. Ví dụ: một quả trứng chiên với một lát bánh mì và một ít rau trộn salad; một phần phở, bún bò, hủ tiếu nhỏ dùng kèm giá luộc, một chén cháo yến mạch nấu với thịt băm.
Chia nhỏ các bữa chính
Ăn quá nhiều một lúc sẽ khiến đường huyết tăng vọt, ngược lại cũng không được phép bỏ bữa sẽ khiến phụ nữ rất mệt mỏi. Các thành phần trong bữa ăn nên được chia thành 4 phần: 1⁄4 là tinh bột, 1⁄4 là protein và 1⁄2 là chất xơ.
Có 2-3 bữa ăn nhẹ mỗi ngày
Đây là một phần bữa chính chia ra, nó giúp giữ đường huyết ở mức cân bằng, cung cấp đủ năng lượng hoạt động trong ngày.
Ăn lượng tinh bột vừa phải
Thực phẩm giàu tinh bột sẽ chuyển hóa glucose vì vậy không nên ăn quá nhiều nhưng cũng không được phép bỏ hẳn. Khẩu phần tinh bột hợp lý mỗi bữa là khoảng 1 chén nhỏ tinh bột, hoặc 2 miếng bánh mì.
Uống mỗi ngày 350-500ml sữa
Sữa là một thực phẩm lành mạnh và là nguồn canxi quan trọng. Tuy nhiên, nó là một dạng carbohydrate lỏng, nếu uống quá nhiều một lúc có thể khiến đường huyết tăng.
Hạn chế ăn hoa quả
Hoa quả là một thực phẩm lành mạnh, nhưng nó có nhiều đường tự nhiên. Bạn có thể ăn 1-3 bữa hoa quả mỗi ngày, nhưng không ăn nhiều một lúc, mỗi bữa gồm một vài miếng hoa quả tươi. Không nên ăn hoa quả đóng hộp, trộn sữa đặc hoặc xi-rô.
Tránh nước trái cây
Đây là carbohydrate ở dạng lỏng, nước ép có thể khiến đường huyết tăng rất nhanh. Nếu thích uống có thể chọn các loại hoa quả ít ngọt, ví dụ dưa chuột, hoặc pha loãng. Tuyệt đối không uống nước mía.
Hạn chế tối đa đồ ngọt và món tráng miệng
Các loại bánh, và kẹo ngọt có chứa rất nhiều carbohydrate, lượng lớn chất béo và cung cấp rất ít dinh dưỡng. Ngoài ra, cần tránh tất cả các loại đồ uống có đường, có ga.
Tránh cho đường vào đồ ăn
Không thêm đường, mật ong hoặc xi-rô vào đồ ăn thức uống. Nếu cần, bạn nên sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo, có một số chất đã được phê duyệt là an toàn cho phụ nữ có thai: Aspartame (Equal, NutraSweet, Natra Taste), Acesulfame K (Sunett), Sucralose (Splenda).
Lưu ý các sản phẩm ghi "không đường"
Các sản phẩm chứa cồn thường dán nhãn "không đường", nhưng chúng vẫn có thể chứa nhiều carbohydrate, hãy xem nhãn sản phẩm để tính tổng carbohydrate có trong đó trước khi quyết định sử dụng.
Ghi nhật ký đồ ăn hàng ngày
Bên ghi lại tên các loại thực phẩm và số lượng bạn ăn mỗi ngày, là cơ sở để theo dõi lượng carbohydrate nạp vào, giúp quá trình kiểm soát đường huyết tốt hơn.
Trong giai đoạn mang thai người phụ nữ thường rất mệt mỏi, đặc biệt khi gặp phải vấn đề tiểu đường thai kỳ. Trong trường hợp này, người chồng cần đóng vai trò tích cực để giúp vợ mình vượt qua:
- Nên tìm hiểu thêm về bệnh, về dinh dưỡng để tư vấn cho vợ
- Động viên, mua những đồ ăn yêu thích cho vợ mỗi lúc mệt mỏi
- Nấu ăn cho vợ, điều này thể hiện sự quan tâm của chồng, ngoài ra các bữa ăn tự nấu giúp kiểm soát tốt những gì cơ thể nạp vào.
Trường hợp tiểu đường thai kỳ cần đi khám bác sĩ
Những phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ cao là những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) trên 30, hoặc những người trước đây đã sinh em bé trên 4,5kg. Bệnh tiểu đường thai kỳ thường phát triển vào khoảng tuần thai thứ 24, vì vậy bác sĩ thường kiểm tra đường huyết của phụ nữ mang thai vào thời điểm này.
Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của bệnh tiểu đường thai kỳ từ sớm, hai vợ chồng nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để có giải pháp. Khi bác sĩ chẩn đoán được bệnh tiểu đường thai kỳ, họ sẽ giới thiệu người bệnh đến một chuyên gia dinh dưỡng để thiết lập chế độ ăn dựa trên tình trạng đường huyết và nhu cầu dinh dưỡng của người đó.
Xem thêm:
- Mức độ an toàn và không an toàn ở bệnh tiểu đường thai kỳ
- Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ