Khám phụ khoa là khám âm đạo đúng không?

Ngày nay, phụ nữ đã bắt đầu quan tâm hơn đến sức khỏe của mình, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên vẫn còn không ít người còn e dè với việc khám phụ khoa hoặc nghĩ rằng khám phụ khoa là khám âm đạo nên khá ngại ngùng. Vậy thực tế khám phụ khoa là khám những gì, quy trình khám phụ khoa ra sao?

Khám phụ khoa là khám âm đạo đúng không? Khám phụ khoa là khám âm đạo đúng không?

Ngày nay, phụ nữ đã bắt đầu quan tâm hơn đến sức khỏe của mình, đặc biệt là sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên vẫn còn không ít người còn e dè với việc khám phụ khoa hoặc nghĩ rằng khám phụ khoa là khám âm đạo nên khá ngại ngùng. Vậy thực tế khám phụ khoa là khám những gì, quy trình khám phụ khoa ra sao? Mời bạn đọc cùng HoiBenh tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Khám phụ khoa là gì?

Khám phụ khoa là khám sức khỏe tập trung ở hệ sinh sản của nữ giới. Khám phụ khoa định kỳ thường xuyên từ 6 – 12 tháng/lần sẽ giúp nữ giới phát hiện và điều trị sớm những bệnh lý phụ khoa tiềm ẩn.

Khám phụ khoa nhằm xác định kích thước, vị trí và các bất thường của các bộ phận sinh dục nữ như: âm hộ, âm đạo, cổ tử cung và buồng trứng... để phát hiện các virus, vi khuẩn gây bệnh viêm nhiễm, các bệnh lây qua đường tình dục, các khối u (u xơ, u nang, ung thư cổ tử cung...).

Độ tuổi nên bắt đầu khám phụ khoa

Bác sĩ thường khuyên các bà mẹ nên cho con gái của mình bắt đầu đi khám phụ khoa từ độ tuổi 13 đến 15 tuổi hoặc khi bé bắt đầu hành kinh. Việc khám phụ khoa trong giai đoạn này chủ yếu đến kiểm tra sự phát triển của bé gái có bình thường không, có viêm nhiễm bên ngoài hay không, ngực và khung xương chậu có bất thường không, kinh nguyệt ra nhiều hay ít, màu sắc và có đau bụng khi hành kinh không. Nên khám mỗi năm 1 lần, chủ yếu là hỏi bệnh, thăm khám bên ngoài mà không ảnh hưởng đến màng trinh của bé.

Đối tượng chính nên đi khám phụ khoa định kỳ

vicare.vn-kham-phu-khoa-la-kham-am-dao-dung-khong-body-1
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đã quan hệ tình dục hoặc chưa từng quan hệ.
  • Phụ nữ đến tuổi tiền mãn kinh, mãn kinh.

Quy trình khám phụ khoa cơ bản

Để giải đáp thắc mắc khám phụ khoa của phái là khám âm đạo hay không? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu các bước khám phụ khoa cơ bản nhất mà đa số các cơ sở y tế đều thực hiện.

Quy trình khám phụ khoa bao gồm nhiều bước, tùy theo đặc điểm của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ thực hiện đầy đủ hoặc chỉ thực hiện một vài bước chính (ví dụ: bệnh nhân chưa quan hệ tình dục không thể thăm khám quá sâu vào âm đạo). Các bước khám cơ bản như sau: khám bụng, khám cơ quan sinh dục ngoài, khám âm đạo bằng dụng cụ chuyên dụng, xét nghiệm, siêu âm, chẩn đoán và điều trị.

Bước 1: Hỏi bệnh, lấy thông tin của bệnh nhân

Bước này tuy đơn giản nhưng rất quan trọng trong quy trình thăm khám. Đôi khi chỉ cần qua các triệu chứng hoặc đặc điểm mà bệnh nhân trả lời, các bác sĩ đã cơ bản hình dung được bệnh lý hoặc dựa vào đó mà quyết định thực hiện xét nghiệm và các thao tác thăm khám tiếp theo. Bác sĩ thường bắt đầu hỏi bạn về thông tin cá nhân (nghề nghiệp, tuổi tác...), đã quan hệ tình dục hay chưa, tình trạng và các dấu hiệu của bệnh, tiền sử đã mắc bệnh phụ khoa trước đây...

vicare.vn-kham-phu-khoa-la-kham-am-dao-dung-khong-body-2

Bước 2: Khám các bộ phận bên ngoài

Bước thăm khám bên ngoài bao gồm: quan sát và kiểm tra bên ngoài bộ phận sinh dục nữ, vùng bụng dưới, vùng ngực để kiểm tra các dấu hiệu bất thường. Bác sĩ có thể ấn nhẹ, gõ hoặc đôi khi chỉ quan sát đơn thuần, không gây đau đớn cho bệnh nhân.

Bước 3: Khám âm đạo

Đây là bước mà bác sĩ thăm khám trực tiếp tại âm đạo của bệnh nhân, một thao tác nhỏ trong quy trình khám phụ khoa. Bước này chỉ thực hiện đối với các phụ nữ đã quan hệ tình dục (không còn màng trinh) vì phải sử dụng đến dụng cụ mỏ vịt. Mỏ vịt được bôi trơn và đưa vào bên trong âm đạo để mở rộng ra giúp bác sĩ dễ dàng quan sát thành âm đạo, cổ tử cung. Thông qua đó, tiến hành lấy mẫu dịch âm đạo, mẫu tế bào, dịch ở cổ tử cung để xét nghiệm khi có nghi ngờ mắc bệnh phụ khoa.

Ngoài ra, bác sĩ có thể tiến hành siêu âm bằng đầu dò qua ngả âm đạo để kiểm tra toàn bộ cơ quan sinh dục. Đối với những bạn gái chưa quan hệ tình dục, bước khám sâu bên trong âm đạo này không được phép thực hiện, thay vào đó, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp siêu âm vùng bụng để kiểm tra tử cung và buồng trứng cho bệnh nhân.

Bước 4: Khám tử cung, buồng trứng

Bác sĩ thường dùng tay ấn nhẹ, sờ nắn vùng bụng dưới để xác định vị trí, kích thước của tử cung bệnh nhân. Kết hợp với kết quả siêu âm bụng hoặc siêu âm đầu dò âm đạo để kết luận cấu trúc, tình trạng của tử cung, cổ tử cung, buồng trứng và ống dẫn chứng.

Bước 5: Xét nghiệm dịch âm đạo và các xét nghiệm cần thiết khác

Đa số quy trình khám phụ khoa nào cũng thực hiện xét nghiệm dịch âm đạo. Đây là kỹ thuật giúp xác định các viêm nhiễm và tác nhân gây bệnh khá chính xác. Dịch âm đạo có thể lấy từ bước khám âm đạo: mẫu dịch lấy bên trong thành âm đạo hoặc ở cổ tử cung, lấy trên đầu dò siêu âm hoặc chỉ lấy dịch ở phía ngoài (tùy theo bệnh nhân). Ngoài ra, tùy vào tình trạng bệnh cụ thể, đôi khi bệnh nhân còn được bác sĩ chỉ định thêm xét nghiệm nước tiểu, xét nghiệm máu...

Bước 6: Chẩn đoán bệnh, cho thuốc và hẹn tái khám (nếu có)

Sau khi đã kiểm tra, thăm khám tổng quát và nhận được kết quả xét nghiệm, bệnh nhân sẽ quay lại để bác sĩ đọc kết quả và ra chẩn đoán cuối cùng, kê toa thuốc điều trị và hẹn tái khám (nếu có). Bên cạnh đó, tại bước này, bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân hiểu rõ về bệnh lý, cách giữ vệ sinh, chăm sóc sao cho đúng, tư vấn về các bệnh pháp tránh thai hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc trong toa (vì đặc thù một số thuốc phụ khoa ở dạng viên thuốc trứng đặt vào âm đạo).

Khám phụ khoa ngả âm đạo có gây đau đớn không?

Khi tìm hiểu đến việc bác sĩ sẽ đưa dụng cụ gọi là mỏ vịt vào sâu bên trong âm đạo, chắc hẳn có không ít chị em hoang mang về kỹ thuật này sẽ gây đau đớn. Tuy nhiên, chị em hãy yên tâm, bác sĩ thực hiện thao tác chuẩn và chính xác, chị em sẽ không cảm thấy khó chịu nhiều, không đau đớn. Tốt nhất hãy thả lỏng cơ vùng dưới và đừng quá căng thẳng, tin tưởng vào thao tác của bác sĩ sẽ giúp giải tỏa tâm lý sợ đau rất hiệu quả.

Mỏ vịt có thể được làm từ nhựa hoặc kim loại. Mỏ vịt kim loại (inox) là loại phổ biến nhất, được sử dụng rất rộng rãi tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế công lập, sẽ được sát trùng triệt khuẩn và tái sử dụng. Đối với dụng cụ inox, khi đưa vào âm đạo chị em sẽ cảm giác hơi lạnh một chút, tuy nhiên kim loại sẽ rất nhanh chóng nhận nhiệt lượng và ấm lên. Với loại mỏ vịt làm bằng nhựa, thường gặp ở các phòng khám tư nhân hơn vì loại này thường chỉ sử dụng được 1 lần, không tái sử dụng và có ưu điểm không gây lạnh âm đạo khi mới đưa vào.

vicare.vn-kham-phu-khoa-la-kham-am-dao-dung-khong-body-3

Siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo: thao tác này được thực hiện với gel bôi trơn và khá nhẹ nhàng, không gây đau đớn cho chị em, quan trọng vẫn là tâm lý thoải mái và thả lỏng cơ vùng dưới theo hướng dẫn của bác sĩ phụ khoa.

Khám phụ khoa vào thời điểm nào là thích hợp nhất?

Thời điểm tốt nhất là nên khám phụ khoa định kỳ là sau khi chu kì kinh nguyệt kết thúc được 3 ngày. Tuy nhiên, không phải là quy luật bất di bất dịch, chị em có thể đến khám phụ khoa vào bất kì ngày nào mà chị em thuận tiện nhất, chỉ trừ những ngày đang hành kinh. Tuyệt đối không đi khám phụ khoa khi bạn đang trong chu kỳ kinh nguyệt.

Tuy nhiên, khi gặp phải hiện tượng chảy máu âm đạo bất thường, dai dẳng không hết hoặc đột nhiên lượng máu kinh ra quá nhiều, kèm theo đau bụng dữ dội, ngất xỉu... thì không cần phải đợi kết thúc chu kỳ kinh nguyệt mới khám, có thể đi khám để cấp cứu ngay.

Chuẩn bị gì trước khi đi khám phụ khoa?

  • Không nên quan hệ tình dục trong vòng 48 giờ trước giờ hẹn khám phụ khoa.
  • Nên ngừng sử dụng thuốc đặt âm đạo trước đó 2 ngày.
  • Không đi khám khi có chu kì kinh nguyệt
  • Không thụt rửa âm đạo quá sâu bằng các dung dịch tẩy rửa trước ngày khám 2 ngày.
  • Nên nhịn ăn trước khi đi khám để đảm bảo hơn nếu cần xét nghiệm.
  • Mặc trang phục thuận tiện cho việc thăm khám phụ khoa. Nên chọn các trang phục đơn giản thoải mái, nên mặc váy hoặc đầm rộng, không nên mặc trang phục rườm rà như: áo liền quần, jumpsuit... Nếu trang phục không phù hợp hoặc bệnh nhân mặc quần thì các y tá sẽ yêu cầu thay váy của bệnh viện để bác sĩ có thể kiểm tra dễ dàng.

Khám phụ khoa với bác sĩ là nam giới

Tâm lý phụ nữ Á Đông rất ngại ngùng đối với người khác giới nên cũng dễ lý giải vì sao phụ nữ thường e dè hơn khi khám phụ khoa với bác sĩ là nam, cho dù là bác sĩ quá lớn tuổi hoặc quá trẻ tuổi hơn so với mình. Tuy nhiên đây cũng chỉ là vấn đề tâm lý của chị em, việc bác sĩ nam giới chuyên khoa phụ sản là hoàn toàn bình thường, thậm chí còn có tay nghề và chuyên môn rất cao, họ chỉ đang thực hiện thiên chức khám chữa bệnh của mình. Chị em có thể yên tâm vì trong y tế có “quy tắc khám 3 người” đối với bác sĩ nam giới, quy tắc bao gồm: bệnh nhân, thầy thuốc và nữ y tá hoặc hộ lý cùng hiện diện trong phòng khám.

Khám phụ khoa

Ý nghĩa của việc khám phụ khoa định kỳ đối với sức khỏe phụ nữ

  • Giúp phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa như: viêm nhiễm (viêm âm đạo...), khối u (u xơ tử cung, u nang buồng trứng), ung thư ở phần phụ (ung thư cổ tử cung...)... giúp việc điều trị dễ dàng và ít tốn kém hơn so với phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
  • Khám phụ khoa còn giúp phụ nữ ngăn ngừa và phát hiện sớm các bệnh viêm nhiễm ở đường tiết niệu như: nhiễm trùng niệu đạo, nhiễm trùng bàng quang, niệu quản...
  • Được thông tin một cách khoa học và chính xác nhất về sức khỏe sinh sản, các biện pháp tránh thai an toàn, cách giữ vệ sinh vùng kín...
  • Phát hiện các rối loạn nội tiết tố ở nữ giới để tìm ra phương pháp điều trị sớm.

Xem thêm:

  • Khám phụ khoa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
  • Có những biểu hiện phụ khoa này, bạn phải đi khám ngay