Khám bệnh sán lá gan ở đâu?
Sán lá gan thường rất dễ truyền bệnh cho người thông qua các loại ốc và thói quen ăn rau sống. Vậy khám bệnh sán lá gan ở đâu uy tín? Vicare xin giới thiệu đến bạn đọc một vài địa chỉ ở cả 3 miền.
Khám bệnh sán lá gan ở đâu?
Ngày nay, các bệnh lý về giun sán và ký sinh trùng tuy đã giảm hẳn do ý thức vệ sinh an toàn thực phẩm được cải thiện nhưng vẫn không thể chấm dứt triệt để. Do đó, bệnh sán lá gan vẫn là căn bệnh đe dọa sức khỏe mọi người, đặc biệt là sức khỏe gan mật. Sán lá gan thường rất dễ truyền bệnh cho người thông qua các loại ốc và thói quen ăn rau sống. Vậy khám bệnh sán lá gan ở đâu uy tín? Vicare xin giới thiệu đến bạn đọc một vài địa chỉ ở cả 3 miền.
Bệnh sán lá gan là gì?
Sán lá gan gồm có hai loại: sán lá gan nhỏ (3 loại: Clonorchis sinensis; Opisthorchis viverrini; Opisthorchis felineus) và sán lá gan lớn (2 loại: Fasciola hepatica; Fasciola gigantica).
Sán lá gan nhỏ và lớn đều có hình dạng như chiếc lá, thân dẹt và kích thước khác nhau (lớn nhỏ tùy loài). Sán lá gan lớn có kích thước lớn hơn rất nhiều so với kích thước của sán lá gan nhỏ. Đặc biệt sán là loài lưỡng giới, vừa có tinh hoàn và buồng trứng trên một cơ thể sán nên có khả năng sinh sản rất cao. Tuy nhiên, trứng của sán lá gan rất mỏng vỏ, khả năng tồn tại ở môi trường bên ngoài rất kém, ở nhiệt độ trên 700C trứng sẽ bị hỏng. Trứng sán lá gan muốn phát triển thành ấu trùng bắt buộc phải ở môi trường nước.
Sán lá gan nhỏ: người hoặc động vật ăn phải ấu trùng sán chưa nấu chín thì ấu trùng sẽ vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan. Tại gan, ấu trùng phát triển thành sán trưởng thành và ký sinh, gây bệnh ở đường mật.
Sán lá gan lớn: người ăn sống các loại rau mọc dưới nước (ví dụ: rau rút, rau cần, cải xoong...) hoặc uống nước lã (chưa đun sôi) có nhiễm ấu trùng sán sẽ mắc bệnh.
Đặc điểm phân bố của các loài sán lá gan
Bệnh sán lá gan nhỏ phân bố rộng rãi trên khắp trên thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê có khoảng 3 triệu người ở các nước Thái Lan, Lào, Campuchia và miền Nam Việt Nam nhiễm sán lá gan nhỏ loại Opisthorchis viverrini. Trên 19 triệu người ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và miền Bắc Việt Nam nhiễm Clonorchis sinensis. Tỉ lệ nhiễm tùy theo từng vùng, có nơi có tỉ lệ cao từ 15-37% như ở Ninh Bình, Nam Định, Phú Yên và Bình Định. Bệnh sán lá gan lớn ở Việt Nam hiện nay đã xuất hiện ở 47 tỉnh thành trên cả nước, tỷ lệ cao nhất ở một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Bệnh sán lá gan rất phổ biến, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tỉ lệ gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới (do đặc điểm thói quen ăn uống, thích ăn rau sống và các loại ốc...).
Chu trình truyền bệnh của sán lá gan
Vật chủ của sán lá gan
Đối với bệnh sán lá gan nhỏ: vật chủ chính của sán là người và một số động vật (chó, mèo, hổ, chuột), vật trung gian truyền bệnh là các loài ốc. Đối với bệnh sán lá gan lớn: vật chủ chính là động vật ăn cỏ (trâu, bò, cừu...), người chỉ là vật chủ tình cờ bị mắc bệnh, vật chủ trung gian truyền bệnh là ốc, các loại rau sống...
Giai đoạn ủ bệnh
Bệnh sán lá gan nhỏ: thời gian ủ bệnh thường không rõ ràng, phụ thuộc mức độ nhiễm sán nặng hay nhẹ, thông thường nhiễm trên 100 sán trở lên, triệu chứng mới rõ rệt.
Bệnh sán lá gan lớn: thời gian ủ bệnh không xác định chính xác, phụ thuộc vào số lượng ấu trùng ăn vào và đáp ứng miễn dịch của vật chủ, một số tác giả cho rằng người sẽ ủ bệnh trong vài ngày, vài tuần hoặc vài ba tháng tùy cơ địa.
Giai đoạn lây truyền
Ấu trùng sán lá nhỏ khi xâm nhập vào cơ thể, đục thủng bao gan vào nhu mô gan sẽ phát triển thành sán trưởng thành, đẻ trứng trong đường dẫn mật và sau đó bài xuất ra ngoài theo phân. Khi phân hòa lẫn vào nước, trứng trong nước sẽ phát triển thành ấu trùng, nhiễm vào các động vật dưới nước, con người lại ăn vào các nang trùng (không chế biến kĩ) và lây truyền trở lại theo chu trình khép kín.
Đối với sán lá gan lớn, sai khi xâm nhập vào nhu mô gan khoảng 2-3 tháng, sán tiếp tục vào đường mật rồi trưởng thành và đẻ trứng tại đây. Sau đó, trứng được bài xuất ra ngoài theo phân, xuống nước trứng nở thành ấu trùng lông. Khi ấu trùng kí sinh trên ốc phát triển thành ấu trùng đuôi và hình thành các nang trùng phát tán, bám vào các loại rau thủy sinh (mọc dưới nước). Người hoặc động vật ăn cỏ ăn phải rau sống có ấu trùng, quá trình truyền bệnh tái lập một chu trình mới và khép kín. Các sán trưởng thành có thể ký sinh tại gan người và gây bệnh trong nhiều năm (có thể lên đến 10 năm).
Triệu chứng thường gặp khi nhiễm bệnh sán lá gan
Bệnh sán lá gan nhỏ: triệu chứng đau tức vùng gan (hạ sườn phải – bên dưới xương sườn bên phải là vị trí của gan), rối loạn tiêu hóa (khó tiêu, cảm giác bụng ì ạch), một số trường hợp biểu hiện sạm da, vàng da, thậm chí sờ thấy gan to hay bị xơ gan tùy theo mức độ nhiễm sán.
Bệnh sán lá gan lớn: triệu chứng thường gặp là đau vùng hạ sườn phải, có thể lan về phía sau hoặc đau vùng thượng vị (vùng bụng ở trên rốn), có thể đau âm ỉ hoặc đau dữ dội hoặc có khi không đau bụng. Bệnh nhân mắc sán lá gan lớn thường mệt mỏi trong một khoảng thời gian dài, đầy bụng khó tiêu thường xuyên, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn. Một vài trường hợp còn có thể sốt, đau khớp, đau cơ (do sán đi lạc chỗ gây hại cho các cơ quan khác) và nổi mẩn ngứa trên da...
Rất nhiều trường hợp sán lá gan không có triệu chứng đặc biệt, khiến người bệnh không biết mình mắc bệnh. Nếu không bị phát hiện trong nhiều năm, sán lá gan có nguy cơ gây bệnh và phá hủy gan của bệnh nhân.
Xét nghiệm bệnh sán lá gan
Mẫu bệnh phẩm cần xét nghiệm
- Phân
- Máu
Phương pháp xét nghiệm
- Phương pháp Kato: tìm trứng của sán lá gan trong phân (sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn), tuy nhiên, không phải giai đoạn mắc bệnh nào cũng có trứng sán trong phân.
- Phương pháp kỹ thuật miễn dịch ELISA: tìm kháng thể kháng sán lá gan trong huyết thanh (sán lá gan lớn). Đặc biệt 6 tháng sau khi khỏi bệnh ELISA vẫn còn dương tính và 12 tháng sau mới hết hẳn.
Các xét nghiệm sán lá gan thường cho kết quả sau 24 giờ. Chi phí xét nghiệm sán lá gan khá phải chăng, dao động khoảng 100.000 đồng tùy theo cơ sở y tế thực hiện.
Khám bệnh sán lá gan ở đâu tin cậy nhất?
Miền Bắc
Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương
- Hotline: (024) 3854 4326.
- Địa chỉ: Số 34, Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Miền Trung
Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Quy Nhơn
- Hotline: (84) 0256 3547492
- Địa chỉ: Phường Nhơn Phú, Quy Nhơn, Tỉnh Bình Định.
Miền Nam
Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TP. Hồ Chí Minh
- Hotline: 028 3923 7117 – 028 3923 9940 - 028 3923 7422 - 028 3923 8091 - 028 3923 9946
- Địa chỉ: Số 699, Trần Hưng Đạo, Phường 1, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới
- Điện thoại: 028 3923 8704 - 028 3923 5804
- Địa chỉ: số 764, Đường Võ Văn Kiệt, Phường 1, Quận 5, Hồ Chí Minh
- Hotline: 1900 7297
Bộ môn Ký sinh trùng – Đại Học Y Dược TP. HCM
- Hotline: 028 3855 8411
- Địa chỉ: số 217, đường Hồng Bàng, Quận 5, TP. HCM.
Xem thêm:
- Bệnh sán lá gan có lây không?
- Sán lá gan lớn: Nhận biết triệu chứng để phòng ngừa và điều trị bệnh