Khái niệm về Giới tính, Giới và Tính dục
Trong bối cảnh ngành khoa học về Giới ('Gender Studies') ở Việt Nam hiện nay chưa được cập nhật chính thức, các ngành khoa học mới như Tính dục học ('Sexuality Studies') chưa được giảng dạy, phần đông mọi người chỉ dùng từ "giới tính" để nói về chuyện đồng tính hay nói về tâm sinh lý yêu đương của một người. Dùng từ "giới tính" một mặt vẫn có sự hợp lý, vì khái niệm Giới tí...
Khái niệm về Giới tính, Giới và Tính dục
Trong bối cảnh ngành khoa học về Giới ('Gender Studies') ở Việt Nam hiện nay chưa được cập nhật chính thức, các ngành khoa học mới như Tính dục học ('Sexuality Studies') chưa được giảng dạy, phần đông mọi người chỉ dùng từ "giới tính" để nói về chuyện đồng tính hay nói về tâm sinh lý yêu đương của một người.
Dùng từ "giới tính" một mặt vẫn có sự hợp lý, vì khái niệm Giới tính ('Sex') cũng nằm trong tương quan chặt chẽ với các khái niệm khác, mặt khác sẽ là chưa đầy đủ nếu chỉ hiểu vấn đề theo Giới tính, góc nhìn của giới tính sinh học, mà thôi. Chúng tôi xin chia sẻ thêm với bạn một số thông tin khoa học, cụ thể là những khái niệm góp phần bổ sung và làm rõ hai chữ "giới tính" thường dùng. Nói về chuyện tâm sinh lý cá nhân và quan hệ yêu đương của một người, chúng ta có thể nói theo ba cụm khái niệm GIỚI TÍNH, GIỚI và TÍNH DỤC. GIỚI TÍNH (tiếng Anh: Sex) - Gọi đầy đủ là GIỚI TÍNH SINH HỌC Giới tính dùng để nói về mặt cấu tạo sinh học của một con người là chính. Bao gồm cả bộ phận sinh dục ngoài (dương vật, âm vật...) và bộ phận hay đặc điểm sinh dục bên trong (nhiễm sắc thể, hoóc-môn, buồng trứng, tử cung...) Từ đây, chúng ta có người có giới tính Nam (Male), giới tính Nữ (Female) hay người Liên giới tính (Intersex) - người cấu tạo sinh học không điển hình là nam hay nữ. GIỚI (tiếng Anh: Gender) - Gọi đầy đủ là GIỚI TÍNH XÃ HỘI. Giới của một người hình thành trong quá trình trưởng thành của người đó. Về cơ bản Giới cấu thành từ 3 góc nhìn: Giới tính sinh học, Mong đợi xã hội (như văn hóa, truyền thống...), Bản dạng giới (cảm nhận của mỗi cá nhân về giới tính của mình). Theo cách tiếp cận về quyền con người, chúng tôi nhấn mạnh khía cạnh BẢN DẠNG GIỚI khi xét đến Giới tính xã hội của một người. Từ đây, chúng ta có người Nam hoặc Nữ - không chuyển giới (Cisgender man/woman), người Nam hoặc Nữ - chuyển giới (Transgender man/woman) và người Xuyên giới (có thể gọi chung bằng từ Transgender). Trong GIỚI sẽ bao gồm cả THỂ HIỆN GIỚI, VAI TRÒ GIỚI. Ví dụ: chồng, vợ, uke, seme, butch, femme, nữ tính, nam tính, unisex, tomboy (cùng rất nhiều từ ngữ chỉ vai trò và thể hiện bên ngoài khác...) TÍNH DỤC (tiếng Anh: Sexuality) - Hiểu một cách đơn giản đó là chuyện TÌNH DỤC (Sex) và TÌNH YÊU (Love) của một người. Tính dục của một người được hình thành trong quá trình trưởng thành của người đó, nhấn mạnh vào mối quan hệ yêu đương của họ. Thông thường, một người sẽ xác định được xu hướng tính dục (sexual orientation) của mình ở giai đoạn dậy thì, khi bắt đầu có những cảm xúc yêu đương hướng đến một người khác. Từ đây, chúng ta có những khái niệm như dị tính (Heterosexual), đồng tính (Homosexual), song tính (Bisexual). Hay như người Vô tính (Asexual), cùng nhiều khái niệm khác nữa để mô tả các khuynh hướng yêu đương của con người. Kết lại, cả ba khái niệm này đều giao với nhau: từ GIỚI TÍNH phát triển thành GIỚI và TÍNH DỤC. Dù vậy, lâu nay, chúng ta chỉ dùng một từ tiếng Việt là GIỚI TÍNH để chỉ cho tất cả điều này. Tuy nhiên, nếu để khám phá sâu hơn, thì những khái niệm chi tiết như trên sẽ giúp chúng ta nhìn rõ hơn về mình và những người xung quanh - nhìn rộng hơn những thông tin giới tính sinh học có trên giấy khai sinh. (*) Lưu ý: Có một số từ ngữ hiện tại đang có nhiều cách dịch sang tiếng Việt khác nhau, điều quan trọng là chúng ta hiểu nội dung của những khái niệm này. Ví dụ: Cùng là khái niệm Bản dạng giới (tiếng Anh: Gender Identity) sẽ có những cách dịch khác nữa như Nhân dạng giới, Bản sắc giới... Nguồn: http://ics.org.vn/