IUI là gì? Tỷ lệ thành công sau khi làm IUI?
Bạn đã từng nghe về IUI trong sản khoa nhưng có thể không nhiều người biết khái niệm này là gì. Vậy IUI là gì và dành cho những đối tượng nào? Trong bài viết này, Vicare cùng bạn tìm hiểu chi tiết về IUI là gì, IUI đang được thực hiện như thế nào và tỷ lệ thành công sau khi làm IUI có cao không.
IUI là gì? Tỷ lệ thành công sau khi làm IUI?
IUI là gì?
IUI là gọi tắt của phương pháp thụ tinh nhân tạo bằng cách bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Khi thực hiện phương pháp này, bác sĩ sẽ đưa một ống thông rất nhỏ, mềm, mảnh, đi qua vùng cổ tử cung của người vợ để bơm tinh trùng đã được lọc rửa của chồng vào buồng tử cung.
Nguyên tắc của IUI là làm giảm những tác động của môi trường âm đạo và chất nhầy của tử cung lên tinh trùng. Đặt tinh trùng ở vị trí gần trứng nhất và chọn lọc các tinh trùng khỏe mạnh, di chuyển tốt để tăng lượng tinh trùng di động đến đoạn xa vòi trứng - nơi tinh trùng và trứng có thể gặp nhau để thụ thai.
Những thông tin trên đây đã giải đáp cho bạn thắc mắc IUI là gì.
Kỹ thuật thực hiện IUI chỉ gồm 3 bước chính là: Kích thích buồng trứng - Chuẩn bị tinh trùng - Bơm tinh trùng.
Nhìn chung, IUI là phương pháp thụ tinh nhân tạo có độ an toàn cao, chi phí điều trị thấp, không quá phức tạp, chỉ cần áp dụng đúng quy trình kỹ thuật tại bệnh viện. Đây đang là phương pháp giúp đem lại cơ hội làm cha, làm mẹ cho rất nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn.
Khi nào cần làm IUI và người làm IUI cần đảm bảo điều kiện gì?
Phương pháp này đã được áp dụng trong điều trị vô tinh từ rất lâu, ở nhiều nước trên thế giới. IUI hay bơm tinh trùng vào buồng tử cung thường được áp dụng trong các trường hợp như:
- Người chồng gặp bất thường phóng tinh như lỗ tiểu đóng thấp, xuất tinh ngược dòng, chấn thương tủy sống, bất lực do bệnh lý hay tâm lý.
- Tinh trùng ít, chất lượng tinh trùng kém, tinh trùng di động kém, tinh trùng bị dị dạng...
- Chất nhầy cổ tử cung của người vợ không thuận lợi, ít chất nhầy cổ tử cung.
- Người vợ bị lạc nội mạc tử cung dạng nhẹ hoặc vừa.
- Vợ bị rối loạn phóng noãn (thường thì sau khi điều trị gây phóng noãn, bác sĩ chỉ định phối hợp với IUI để tăng tỉ lệ thành công của việc điều trị).
- Do kháng thể kháng tinh trùng ở nam giới (tự kháng thể) hoặc kháng thể kháng tinh trùng ở nữ giới tại cổ tử cung, trong huyết thanh.
- Vợ chồng bị vô sinh không rõ nguyên nhân....
Về điều kiện để thực hiện IUI: Người vợ có buồng trứng còn hoạt động, ít nhất 1 trong 2 vòi trứng thông và tinh dịch đồ của người chồng bình thường hoặc bất thường ở mức độ nhẹ và vừa là được. Thường thì mẫu tinh trùng của người chồng sau rửa phải đạt tối thiểu khoảng 1 triệu tinh trùng di động/ ml.
Quá trình thực hiện IUI
Ngoài việc thắc mắc IUI là gì, các cặp vợ chồng cũng thường tìm hiểu nhiều về quá trình thực hiện IUI. Phương pháp bơm tinh trùng vào tử cung gồm 3 bước chính. Cụ thể:
Bước 1: Kích thích buồng trứng
Tỉ lệ thành công của phương pháp IUI tăng rõ rệt nếu có kích thích buồng trứng. Mục đích của bước này là để tạo được sự phát triển của 3 hoặc tối đa là 4 nang noãn trưởng thành và có chứa noãn có khả năng thụ tinh (nếu số nang noãn trưởng thành nhiều hơn 4 thì tỉ lệ đa thai thường cao). Đồng thời chuẩn bị nội mạc tử cung cho sự làm tổ của phôi thai.
Để thực hiện kích thích buồng trứng thì vào ngày thứ 2 của chu kỳ kinh, bệnh nhân sẽ đến cơ sở sản khoa để siêu âm, theo dõi tình trạng nang trứng. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm thuốc gây rụng trứng (HCG). Sau tiêm, một số phụ nữ có thể bị chứng quá kích thích buồng trứng do phản ứng thái quá với các loại thuốc kích thích buồng trứng.
Tình trạng này khiến buồng trứng bị sưng phồng, kích cỡ có thể to hơn nhiều lần kích thước bình thường. Nếu gặp trường hợp này, bệnh nhân cần nhập viện theo dõi và có thể phải hủy liệu trình bơm tinh trùng vào tử cung.
Bước 2: Lấy tinh trùng và lọc rửa tinh trùng
Sau khoảng 24 - 48 giờ tiên HCG, các bác sĩ sẽ tiến hành bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Vào ngày bơm, người chồng cần tiến hành lấy tinh dịch cho vào lọ vô khuẩn hay bao cao su đặc chủng. Người chồng có thể lấy tinh dịch bằng tay tại nhà và bảo quản theo hướng dẫn (mang đến bệnh viện trong vòng 30 - 60 phút). Tuy nhiên, hiện hầu hết các bệnh viện đều khuyến khích nam giới lấy tinh dịch tại bệnh viện theo sự hướng dẫn của các nhân viên y tế.
Sau khi thu thập thì tinh dịch sẽ được chuyển đến phòng thí nghiệm để lọc rửa nhằm loại bỏ loại bỏ những tinh trùng chết, loại bỏ phần lớn nguy cơ nhiễm trùng, lựa chọn những tinh trùng tốt trong 1 thể tích nhỏ để thực hiện IUI. Quá trình lọc rửa tinh trùng được lặp lại tối đa 2 - 3 lần. Lần rửa cuối cùng chỉ để lại 0,5cc tinh trùng để làm IUI. Lượng tinh trùng được gom lại trong một thể tích nhỏ sẽ tránh nguy cơ sốc phản vệ xảy ra khi IUI và tăng tỉ lệ mang thai.
Tinh trùng đã chuẩn bị sẽ được giữ ấm, đảm bảo vô trùng và bơm vào buồng tử cung trong thời gian sớm nhất.
Bước 3: Bơm tinh trùng vào buồng tử cung
Sau khi tiêm HCG có thể thực hiện bơm tinh trùng 1 lần hoặc 2 lần. Nếu bơm 1 lần thì IUI được thực hiện vào khoảng 36 giờ sau tiêm HCG. Nếu bệnh nhân được chỉ định bơm 2 lần thì IUI được hiện vào thời điểm 25 và 48 giờ sau tiêm HCG kích thích buồng trứng.
Trước khi bơm tinh trùng các bác sĩ sẽ tiến hành vệ sinh cổ tử cung bằng cách đưa mỏ vịt vào âm đạo và làm sạch cổ tử cung. Đồng thời, gắn catheter vào bơm tiêm 1 ml, hút tinh trùng đã chuẩn bị vào catheter. Thường thì thể tích tinh trùng được bơm là khoảng 0,3ml, không vượt quá 0,5ml.
Vệ sinh âm đạo nữ xong, catheter được đẩy thật nhẹ nhàng qua cổ tử cung, đưa vào buồng tử cung khoảng 5 - 6 cm. Trường hợp khó đưa catheter qua cổ tử cung thì bác sĩ và kỹ thuật viên có thể dùng kìm pozzi để hỗ trợ. Tuy nhiên, kỹ thuật này có thể gây xuất huyết, kích thích cổ tử cung, ảnh hưởng đến tỷ lệ thụ thai.
Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng bơm tiêm, bơm từ từ lượng tinh trùng trong catheter vào buồng tử cung. Cuối cùng nhẹ nhàng rút catheter ra khỏi buồng tử cung. Thời gian thực hiện thủ thuật IUI chỉ mất khoảng 3 - 5 phút và thường không gây đau đớn. Người làm IUI không cần lưu ý quá nhiều, chỉ cần nằm nghỉ khoảng 2 – 3 giờ theo hướng dẫn là sẽ được cho về. Về nhà, nên kiêng giao hợp từ 3 - 5 ngày.
Tỷ lệ thành công khi thực hiện IUI?
Ngoài việc cần hiểu IUI là gì thì tỷ lệ thành công của IUI cũng là vấn đề mà nhiều người băn khoăn nhất. Tỉ lệ thành công của phương pháp này phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng tinh trùng và noãn.
Nếu tinh trùng đảm bảo chất lượng, áp dụng chu kỳ tự nhiên (tức là không sử dụng thuốc kích thích nang noãn) thì tỷ lệ thành công chỉ 6%. Trường hợp dùng thuốc kích thích nang noãn để có nhiều nang hơn trong 1 chu kỳ thì tỷ lệ thành công có thể đạt 26%. Tuy nhiên, kích thích để có nhiều nang noãn thì tỉ lệ mang đa thai cũng sẽ cao hơn. Nhìn chung, tỷ lệ thành công trung bình của phương pháp bơm tinh trùng vào buồng tử cung là 15 - 20%. Tỷ lệ đa thai là khoảng 23 - 30%.
Một nghiên cứu tại Anh còn chỉ ra rằng tỷ lệ thành công của IUI phụ thuộc vào tuổi. Cụ thể, nếu người phụ nữ dưới 35 tuổi thì tỉ lệ thành công IUI ở mức 16%, nếu người phụ nữ trong khoảng từ 35 - 39 tuổi thì tỷ lệ thành công là 11%, nếu người phụ nữ trong khoảng từ 40 - 42 tuổi tỷ lệ thành công là 5%. Đến 43 – 44 tuổi tỷ lệ thành công chỉ còn 1% và tỷ lệ này sẽ về 0% ở người trên 44 tuổi.
Trên đây là thông tin về IUI là gì, quá trình thực hiện và tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh nhân tạo này. Sau khi làm IUI 2 tuần bệnh nhân nên thử máu hoặc nước tiểu xem có thai hay không. Nếu kết quả thấy có thai thì người bệnh sẽ được hướng dẫn dưỡng thai, tái khám định kỳ.
Trường hợp không có thai và muốn tiếp tục điều trị thì sẽ được hướng dẫn giao hợp tự nhiên. Sau khoảng 2 - 3 tháng quay lại để thực hiện chu kỳ bơm tinh trùng kế tiếp.
Xem thêm:
- Tinh trùng yếu có làm được IUI không?
- Tắc vòi trứng có làm IUI được không?