Huyết áp trẻ em bao nhiêu là bình thường?
Tùy theo từng độ tuổi mà chỉ số huyết áp trẻ em thay đổi khác nhau. Hiểu và biết được chỉ số huyết áp bình thường ở trẻ sẽ giúp các bậc phụ huynh phát hiện sớm những bất thường trong cơ thể của con và có những biện pháp phòng ngừa.
Huyết áp trẻ em bao nhiêu là bình thường?
Từ trước tới nay mọi người thường cho rằng vấn đề về huyết áp chỉ quan trọng với người lớn mà không để ý đến trẻ em. Nhưng ít ai biết rằng bệnh huyết áp không chỉ gặp ở người cao tuổi mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải, thậm chí cả trẻ em.
1. Các chỉ số huyết áp trẻ em
Huyết áp được căn cứ vào 2 trị số: huyết áp tối đa còn gọi là huyết áp tâm thu và huyết áp tối thiểu được gọi là huyết áp tâm trương. Hai trị số này được đo bằng đơn vị mmHg. Để biết được chỉ số huyết áp bình thường ở trẻ, ta có thể tham khảo thông tin dưới đây:
- Trẻ trong độ tuổi từ 1 - 12 tháng tuổi: Huyết áp được xem là bình thường khi có chỉ số từ 75/50 mmHg đến 100/70 mmHg.
- Trẻ trong độ tuổi từ 1 - 4 tuổi: Huyết áp bình thường khi có chỉ số từ 80/50 mmHg đến 110/80 mmHg.
- Trẻ trong độ tuổi từ 3 - 5 tuổi: Huyết áp bình thường khi chỉ số từ 80/50 mmHg đến 110/80 mmHg.
- Trẻ trong độ tuổi từ 6 - 13 tuổi: Huyết áp bình thường khi có chỉ số từ 85/55 mmHg đến 120/80 mmHg.
- Trẻ trong độ tuổi từ 13 - 18 tuổi: Huyết áp bình thường khi có chỉ số từ 95/60 mmHg đến 140/90 mmHg.
2. Các vấn đề huyết áp trẻ em
Trẻ em có thể xảy ra nguy cơ bị huyết áp cao hoặc huyết áp thấp. Khi huyết áp của trẻ tăng cao, tức chỉ số huyết áp cao hơn mức bình thường, hoạt động của tim sẽ bị ảnh hưởng khiến tim đập nhanh, khó thở, tức ngực, nặng hơn có thể dẫn đến suy tim. Biến chứng tức thời của bệnh cao huyết áp ở trẻ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, trong đó có phù phổi cấp, suy thận cấp.
Khi trẻ bị mắc huyết áp thấp, tức chỉ số huyết áp thấp hơn mức bình thường, nếu không được phát hiện sớm có thể sẽ khiến trẻ bị suy giảm hệ thần kinh. Các cơ quan không được cung cấp đầy đủ oxy gây ra những tổn thương của não, tim, thận. Đối với tình trạng tụt huyết áp cấp, trẻ rất có nguy cơ gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Cha mẹ cần chú ý phát hiện sớm bệnh huyết áp để trẻ được điều trị kịp thời các bệnh huyết áp ở trẻ, tránh được những biến chứng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.
3. Phòng tránh nguy cơ mắc bệnh huyết áp cho trẻ
Những nguyên nhân gây bệnh huyết áp ở trẻ
- Lối sống sinh hoạt không lành mạnh.
- Chế độ ăn nhiều chất béo gây ra tình trạng béo phì.
- Thiếu hoạt động thể chất.
- Gia đình có tiền sử bị huyết áp.
- Đôi khi bệnh huyết áp của trẻ có thể do liên quan đến các bệnh về tim, thận, rối loạn hoocmon hoặc giấc ngủ.
Cách phòng tránh bệnh huyết áp ở trẻ nhỏ
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế ăn nhiều muối, Lipit và Cholesterol, hạn chế Calo, đồ ăn quá ngọt. Nên cho trẻ ăn nhiều chất xơ và rau xanh để tránh tình trạng béo phì.
- Thường xuyên tập luyện thể chất, vận động vừa sức và phù hợp với lứa tuổi.
- Cha mẹ cũng cần chú ý tránh khiến trẻ căng thẳng, lo sợ dẫn đến tăng huyết áp, giữ cho trẻ tinh thần thoải mái, vui vẻ.
Các vấn đề về huyết áp được coi là một trong những bệnh phổ biến nhất trong các bệnh lý về tim mạch. Mặc dù không gây ra nhiều triệu chứng cụ thể nhưng nó vẫn để lại những biến chứng vô cùng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng trẻ nhỏ. Vì thế, cha mẹ nên kiểm tra huyết áp cho trẻ định kỳ mỗi năm một lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh huyết áp.
Xem thêm:
- Bệnh cao huyết áp ở người trẻ tuổi
- Bệnh cao huyết áp ở trẻ em: Nguyên nhân và cách phòng tránh
- Báo động tăng huyết áp ở trẻ em đang tăng nhanh