Hướng dẫn mẹ bầu cách xác định thai quá ngày sinh và biện pháp can thiệp
Thai quá ngày sinh khiến nhiều chị em lo lắng, gây ra những hoang mang cho các mẹ bầu. Dưới đây là một vài hướng dẫn mẹ bầu cách xác định thai quá ngày sinh và các biện pháp can thiệp mà chúng tôi đã tổng hợp được.
Hướng dẫn mẹ bầu cách xác định thai quá ngày sinh và biện pháp can thiệp
Nguyên nhân thai quá ngày sinh và nguy cơ ảnh hưởng
Nguyên nhân dẫn đến thai quá ngày sinh chưa được xác định. Tuy nhiên, một số yếu tố làm tăng nguy cơ thai quá ngày sinh có thể bao gồm: sản phụ mang thai con đầu lòng, thai nhi mang giới tính nam, mẹ bầu đã từng mang thai có thai kỳ quá ngày sinh và ở trong tình trạng béo phì...
Trên thực tế, không phải tất cả các trường hợp thai quá ngày sinh đều nguy hiểm, tuy nhiên một số nguy cơ có thể xảy ra như: thai chết lưu, thai nhi quá to, hội chứng thai già tháng, nước ối giảm và thai nhi nhận được ít oxy, gia tăng nguy cơ mổ lấy thai...
Hướng dẫn mẹ bầu tính ngày sinh dự đoán
Cách tính ngày sinh dự đoán của mẹ bầu khi mang thai thường dựa vào ngày bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng của thai kỳ. Nếu tính theo lịch dương, ngày sinh dự đoán sẽ là ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng cộng với 9 tháng và 7 ngày.
Thực tế có một số chị em thường nhớ ngày âm lịch, nếu tính theo âm lịch cũng theo cách tương tự, ngày sinh dự đoán là ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng cộng với 9 tháng và 15 ngày. Sở dĩ có sự chênh lệch số ngày giữa dương lịch và âm lịch là do số ngày trong một tháng của ngày âm thường ít hơn ngày dương.
Bạn cũng có thể tính ngày sinh dự đoán căn cứ vào chu kỳ kinh nguyệt theo cách lấy ngày đầu của kỳ kinh cuối cùng trừ 3 tháng trở về trước cộng thêm 7 ngày.
Bên cạnh đó, thời gian mang thai thường dựa vào thời gian trưởng thành của thai nhi với thời gian của chu kỳ kinh nguyệt theo tỷ lệ: Phụ nữ đang mang thai có kỳ kinh 3 tuần/lần, thời gian mang thai là 39 tuần; phụ nữ đang mang thai có kỳ kinh 4 tuần/lần, thời gian mang thai sẽ là 40 tuần; phụ nữ đang mang thai có kỳ kinh 5 tuần/lần, thời gian mang thai là 41 tuần.
Ngoài ra, có thể tính ngày sinh dựa vào ngày thụ thai, thời gian phản ứng có thai và thời gian thai cử động. Cách tính ngày sinh dự đoán dựa vào ngày thụ thai rất đơn giản: lấy ngày có quan hệ tình dục dẫn đến thụ thai cộng thêm 38 tuần.
Nếu dựa vào thời gian phản ứng có thai, phản ứng này sẽ bắt đầu có khoảng sau khi tắt kinh 6 tuần, cần lưu lại để tính ngày sinh dự đoán bằng cách lấy ngày phản ứng có thai cộng thêm với 34 tuần.
Nếu dựa vào thời gian thai cử động, thường bắt đầu vào cuối tháng thứ 4, đầu tháng thứ 5, tính bằng cách lấy ngày thai bắt đầu cử động cộng thêm 20 tuần.
Bên cạnh đó, việc siêu âm thai ngay từ sớm cũng giúp xác định được ngày sinh dự đoán một cách chính xác, nhất là trong những tháng đầu tiên của thai kỳ.
Hướng dẫn mẹ bầu cách xác định thai quá ngày sinh
Dưới đây là một vài hướng dẫn mẹ bầu cách xác định thai quá ngày sinh, các mẹ có thể áp dụng:
Một thai kỳ bình thường và thai nhi khỏe mạnh sẽ trong khoảng thời gian từ 37 đến 41 tuần, nếu trẻ được sinh ra trong thời gian này là trẻ sơ sinh đủ tháng. Trường hợp sản phụ mang thai kéo dài quá lâu đến 42 hoặc 43 tuần mà chưa sinh sẽ là thai quá ngày sinh hay thai quá tháng cần phải đặc biệt lưu ý. Thai quá ngày sinh là thai ở trong tử cung của mẹ bầu quá 294 ngày hay quá 42 tuần tính từ ngày đầu của kỳ kinh nguyệt cuối cùng. Do đó, phải theo dõi sát các trường hợp sản phụ mang thai từ sau 41 tuần hay 287 ngày trở lên để phát hiện sớm các nguy cơ, đặc biệt là tình trạng suy thai vì bánh nhau thoái hóa, dẫn đến thai dễ bị suy, ngạt và có thể tử vong do thiếu dinh dưỡng; đồng thời thai quá ngày sinh thường to nên dễ gây tai biến khi sinh.
Nếu đã đến ngày sinh dự đoán nhưng mẹ bầu vẫn chưa thấy dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh, không nên quá lo lắng vì có thể tính ngày sinh dự đoán không đúng, nếu đã xác định rõ quá ngày sinh hơn 1 tuần, tốt nhất bạn nên đi khám bác sĩ để theo dõi sự phát triển và an toàn của thai nhi bằng siêu âm và các kiểm tra khác.
Nếu tình trạng diễn biến tốt, bạn có thể đợi thêm vài ngày để sinh đẻ tự nhiên nhưng nếu phát hiện thấy dấu hiệu bất thường đe dọa đến sức khỏe cũng như tính mạng của bà bầu và thai nhi, có thể chỉ định mổ lấy thai để đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Ngoài ra có thể sử dụng biện pháp kích thích hoạt động chuyển dạ bằng một số loại thuốc để giúp tạo nên cơn co tử cung giúp chuyển dạ sinh thường.
Biện pháp can thiệp
Việc xử trí can thiệp sẽ thực hiện từ sự theo dõi các yếu tố có liên quan như: theo dõi chỉ số nước ối bằng siêu âm, tình trạng thiếu ối là dấu hiệu của biểu hiện suy tuần hoàn nhau thai, kỹ thuật siêu âm nên thực hiện cách nhau 48 giờ vì nước ối thường thay đổi sau mỗi 48 giờ; soi ối để phát hiện nước ối lẫn phân su, bởi đây là biểu hiện thường gặp ở thai quá ngày sinh; thực hiện monitoring bằng test không đả kích khoảng 2 đến 3 ngày một lần.
Nếu không có dấu hiệu suy thai, có thể tiến hành gây chuyển dạ theo quy trình thực hiện với các phương pháp gây chuyển dạ đã được quy định; nếu test đả kích cho kết quả có biểu hiện dấu hiệu suy thai, cần tiến hành mổ lấy thai; lưu ý cần đánh giá chỉ số Bishop để tiên lượng việc gây chuyển dạ thành công, việc gây chuyển dạ bằng cách bấm ối và truyền oxytocin tĩnh mạch.
Việc mổ lấy thai được chỉ định trong các trường hợp suy thai, các trường hợp có kèm theo nguyên nhân sinh khó khác như có vết mổ, thai có ngôi mông, mẹ bầu lớn tuổi, điều trị vô sinh...
Sau khi trẻ được sinh ra từ các trường hợp thai quá ngày sinh, trẻ phải được chăm sóc cẩn trọng bằng cách ủ ấm, làm thông đường hô hấp, cho vitamin K1 và theo dõi chặt chẽ sự phát triển của trẻ...
Lời khuyên của thầy thuốc
Theo các nhà khoa học, có khoảng 80% trẻ sơ sinh không chào đời đúng ngày vào ngày sinh dự đoán mà thường là sớm hơn, một số trường hợp thai nhi ở lâu hơn trong tử cung người mẹ.
Điều cần quan tâm là tất cả mẹ bầu đều phải đến các cơ sở chăm sóc sức khỏe để khám thai định kỳ nhằm kịp thời phát hiện những bất thường trong quá trình mang thai, trong đó có cả trường hợp thai quá ngày sinh nhằm xác định cụ thể nguyên nhân, để từ đó có các giải pháp can thiệp kịp thời,bảo đảm sự an toàn cho cả mẹ và con.
Khi đã quá ngày sinh dự đoán nhưng sản phụ mang thai vẫn chưa có dấu hiệu chuyển dạ, bạn phải đi khám để tìm ra nguyên nhân, đồng thời theo dõi những cử động của thai nhi.
Lưu ý: Bạn nên đi khám bác sĩ ngay khi có bất kỳ một dấu hiệu bất thường nào, đặc biệt là triệu chứng đau bụng, ra máu và chảy nước ở âm đạo, thai nhi cử động quá yếu hoặc quá mạnh so với bình thường.
Tình trạng sức khỏe của thai nhi sẽ được bác sĩ đánh giá và theo dõi bằng nhiều phương tiện kỹ thuật cần thiết và việc tái khám đúng lịch hẹn rất quan trọng để kiểm tra tình trạng của thai nhi, do đó mẹ bầu cần đặc biệt lưu ý điều này.
Xem thêm:
- Bạn cần cân nhắc điều gì trước khi sinh con?
- Muốn sinh con khỏe mạnh bà bầu cần phải làm gì
- Làm thế nào để có thể sinh con theo ý muốn tự nhiên và hiệu quả