Hướng dẫn chăm sóc và điều trị bệnh đái tháo đường type 2 ở người cao tuổi

Hiện nay, bệnh đái tháo đường type 2 chiếm khoảng 90% bệnh đái tháo đường nói chung, phần lớn khởi phát ở những người trên 40 tuổi. Đây là một căn bệnh tương đối nguy hiểm, nếu không có biện pháp chữa trị đúng cách và kịp thời thì có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.

Hướng dẫn chăm sóc và điều trị bệnh đái tháo đường type 2 ở người cao tuổi Hướng dẫn chăm sóc và điều trị bệnh đái tháo đường type 2 ở người cao tuổi

1. Tìm hiểu chung về bệnh đái tháo đường type 2

Bệnh đái tháo đường type 2 là hiện tượng cơ thể không tiếp nhận insulin. Ở bệnh đái tháo đường type 1 là do tuyến tụy vì một nguyên nhân nào đó mà không sản xuất ra insulin, tuy nhiên, ở type 2 insulin vẫn được sản sinh bình thường nhưng các tế bào không thể tiếp nhận chúng. Điều này khiến cho hàm lượng đường trong máu tăng cao và có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng.

vicare.vn-huong-dan-cham-soc-va-dieu-tri-benh-dai-thao-duong-type-2-o-nguoi-cao-tuoi-body-1
Người già thường có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường

Bệnh tiểu đường type 2 thường khởi phát ở những người lớn tuổi. Theo thống kê của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, khoảng 18 – 20% người mắc bệnh đái tháo đường type 2 có độ tuổi trên 65. Ngoài ra, tỷ lệ tuổi thọ của người mắc bệnh giảm tỷ lệ nghịch với số tuổi, cụ thể tuổi thọ nam giới mắc bệnh ở độ tuổi 65 là 19 năm và nữ giới là 15 năm, trong khi nam giới ở tuổi 75 giảm xuống còn 12 năm và nữ giới là 9 năm. Tuy nhiên, nếu có biện pháp chữa trị kịp thời và hợp lý, người già mắc bệnh đái tháo đường cũng có thể sống bình thường thêm hàng chục năm. Vì vậy, nếu mắc bệnh đái tháo đường type 2, chúng ta cần nghiên cứu các phương pháp chữa trị phù hợp, cần kết hợp điều trị với cải thiện lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh.

2. Một số biến chứng bệnh đái tháo đường type 2

2.1 Bệnh mạch máu lớn

Đây có thể coi là biến chứng nguy hiểm nhất do bệnh đái tháo đường gây ra. Theo thống kê, khoảng 75% bệnh nhân tiểu đường type 2 tử vong do biến chứng bệnh mạch máu lớn. Vì vậy, song song với việc điều trị đái tháo đường, người cao tuổi cần chú ý các vấn đề về tim mạch cũng như có các biện pháp dự phòng cấp 2 dành cho những người mắc cả bệnh lý về tim mạch với đái tháo đường.

2.2 Bệnh mạch máu nhỏ

Trung bình khoảng 9% bệnh nhân bị tiểu đường type 2 xuất hiện biến chứng mạch máu nhỏ sau 9 năm điều trị. Biến chứng mạch máu nhỏ gây rối loạn các vi mạch, kết hợp với khả năng kiểm soát glucose kém, được coi là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa, suy thận ở người già.

2.3 Kiểm soát glucose trong máu

Khả năng kiểm soát hàm lượng glucose trong máu là vấn đề thiết yếu trong việc điều trị đái tháo đường.

vicare.vn-huong-dan-cham-soc-va-dieu-tri-benh-dai-thao-duong-type-2-o-nguoi-cao-tuoi-body-2
Kiểm tra hàm lượng glucose trong máu rất quan trọng

Một số biểu hiện gây ảnh hưởng xấu tới việc kiểm soát hàm lượng glucose

  • Sức ăn kém hoặc mất khẩu vị
  • Tình trạng trí tuệ ảnh hưởng đến nhận thức và ảnh hưởng với tình trạng hạ glucose máu.
  • Không uống thuốc theo liều lượng bác sĩ chỉ định
  • Không điều trị kịp thời khi xuất hiện tình trạng hạ glucose trong máu
  • Xuất hiện triệu chứng rối loạn chức năng gan, thận.

Ngoài ra, cần lưu ý một số biểu hiện khác có thể dẫn đến chẩn đoán sai về tình trạng hạ glucose như: rối loạn giấc ngủ, chóng mặt, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, sa sút trí tuệ, trầm cảm.

Việc kiểm soát glucose là vấn đề cốt lõi trong việc điều trị bệnh đái tháo đường, nhưng đi kèm với nó là nguy cơ xuất hiện tình trạng hạ đường huyết. Thông thường, đối với người già, mục tiêu điều trị lý tưởng là nồng độ glucose máu khi đói nhỏ hơn7mml/l, HbA1c < 7%, không có hạ glucose máu. Tuy nhiên, bệnh nhân cao tuổi ngoài mắc bệnh đái tháo đường, còn mắc các bệnh lý khác kèm theo, chính vì thế, mục tiêu điều trị cần phải điều chỉnh sao cho phù hợp với tình trạng sức khỏe thực tế của người bệnh. Trong một số trường hợp, việc duy trì hàm lượng glucose trong máu khi đói ở mức dưới 11 - 14mmol/l là tín hiệu khả quan, vì ở mức này giảm thiểu rủi ro xuất hiện tình trạng hạ đường máu hơn.

Theo một vài nghiên cứu gần đây được thực hiện trong vòng 12 tuần, với đối tượng là các bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 2 ở độ tuổi từ 50 – 65, đã khẳng định chắc chắn hơn tầm quan trọng trong việc kiểm soát hàm lượng glucose trong máu. Nó có thể giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ mất ngủ, tinh thần phấn chấn, vui vẻ, lạc quan.

3. Một số phương pháp giảm nguy cơ biến chứng do đái tháo đường type 2 ở người già

3.1 Bệnh mạch máu lớn

  • Kiểm soát chặt chẽ hàm lượng glucose máu
  • Chú ý điều trị bệnh tăng huyết áp (nếu có)
  • Điều trị rối loạn lipid máu
  • Bỏ hút thuốc
  • Sử dụng các thuốc chẹn bêta ngăn ngừa các biến cố tim tái phát

3.2 Bệnh mạch máu nhỏ

  • Kiểm soát chặt chẽ hàm lượng glucose máu
  • Kiểm soát huyết áp

3.3 Ngăn ngừa tình trạng hạ đường máu

  • Xây dựng lối sống lành mạnh: Áp dụng chế độ ăn uống hợp lý (giảm nhẹ calorin) kết hợp với luyện tập thể dục thể thao thường xuyên
  • Điều trị bằng thuốc: Metformin, thuốc thuộc nhóm incretin, thuốc ức chế chất đồng vận chuyển Glucose-sodium 2, Sulphonylureas, Meglitinid, Alpha - glucosidase inhibitors, Thiazolidinedion, Insulin là một số loại thuốc giúp làm tăng glucose trong máu, tùy vào tình trạng bệnh từng người mà bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại thuốc phù hợp.

4. Một số lưu ý khi chăm sóc toàn diện bệnh đái tháo đường type 2 ở người già

4.1 Xuất hiện “hội chứng tuổi già” ở người bệnh

Người cao tuổi khi mắc bệnh đái tháo đường, cũng kéo theo nguy cơ lớn mắc các bệnh hội chứng tuổi già: rối loạn chức năng nhận biết, trầm cảm, rối loạn thị giác, thính giác, xuất hiện tình trạng hạ đường máu.... Những triệu chứng này thường không được bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân chú ý, nếu để kéo dài không điều trị kịp thời, có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, nếu phát hiện biểu hiện hội chứng tuổi già, cần tiến hành ngay xét nghiệm sàng lọc, tầm soát, qua đó có phương án điều trị phù hợp

4.2 Cách sử dụng thuốc điều trị cho bệnh nhân cao tuổi

  • Sử dụng thuốc bắt đầu với liều lượng thấp
  • Chú ý quan sát theo dõi khi kết hợp sử dụng nhiều loại thuốc
  • Kiểm tra định kỳ, xét nghiệm đánh giá chức năng gan, thận trong quá trình sử dụng thuốc

4.3 Kiểm soát tình trạng tăng/ giảm glucose máu chặt chẽ

vicare.vn-huong-dan-cham-soc-va-dieu-tri-benh-dai-thao-duong-type-2-o-nguoi-cao-tuoi-body-3
Người bệnh cần khám bác sĩ ngay khi có dấu hiệu hạ đường huyết

Người già mắc bệnh đái tháo đường lâu ngày có nguy cơ cao xuất hiện các cơn hạ đường huyết đột ngột, vì vậy cần phải kiểm tra và theo dõi hàm lượng glucose có trong máu hàng ngày. Khi nồng độ glucose trong máu < 3,9mmol/L (< 70 mg/dL), cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để có phương án điều chỉnh kịp thời. Ngoài ra, nếu hàm lượng đường trong máu tăng quá cao, người bệnh xuất hiện các triệu chứng mệt lả, nôn, cũng cần có biện pháp điều chỉnh ngay, tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm.

4.4 Xây dựng chế độ dinh dưỡng kết hợp luyện tập

Đối với người già mắc bệnh đái tháo đường, xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp tập luyện thể dục thể thao là rất quan trọng. Việc này không chỉ đơn thuần giúp cải thiện tình trạng bệnh, mà còn mang lại những giá trị tinh thần: chất lượng cuộc sống được nâng cao, tinh thần vui vẻ lạc quan, giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm ...

Trên đây là một số hướng dẫn về việc chăm sóc và điều trị bệnh đái tháo đường ở người cao tuổi. Bệnh đái tháo đường hiện nay là một trong những bệnh không lây nhưng có tốc độ phát triển nhanh chóng, không chỉ khởi phát ở người lớn tuổi mà còn trong thời gian gần đây gia tăng ở giới trẻ. Vì vậy, mọi người cần phải kiểm tra định kỳ sức khỏe của bản thân, qua đó có phương án điều trị phù hợp.

Xem thêm:

  • Tiểu đường tuýp 1- triệu chứng và cách điều trị
  • 5 dấu hiệu âm thầm của bệnh tiểu đường ở tuổi trung niên
  • 9 loại thực phẩm hữu ích cho người mắc bệnh tiểu đường