Hướng dẫn chăm sóc trẻ trước, trong và sau khi nạo VA ở bệnh viện Nhi Trung ương

Nạo VA là can thiệp y khoa không quá phức tạp. Tuy nhiên, đối với bất kỳ cha mẹ nào khi phải đối mặt với ca phẫu thuật của con thì không tránh khỏi cảm giác lo lắng. Qua bài viết dưới đây, Vicare sẽ thông tin đến các bậc cha mẹ cách chăm sóc trẻ trước và sau khi nạo VA ở bệnh viện Nhi Trung ương để mọi thứ trở nên dễ dàng hơn cho cả bé và người thân.

Hướng dẫn chăm sóc trẻ trước, trong và sau khi nạo VA ở bệnh viện Nhi Trung ương Hướng dẫn chăm sóc trẻ trước, trong và sau khi nạo VA ở bệnh viện Nhi Trung ương

Nạo VA là can thiệp y khoa không quá phức tạp. Tuy nhiên, đối với bất kỳ cha mẹ nào khi phải đối mặt với ca phẫu thuật của con thì không tránh khỏi cảm giác lo lắng. Qua bài viết dưới đây, Vicare sẽ thông tin đến các bậc cha mẹ cách chăm sóc trẻ trước và sau khi nạo VA ở bệnh viện Nhi Trung ương để mọi thứ trở nên dễ dàng hơn cho cả bé và người thân.

Bài hướng dẫn chăm sóc trẻ trước khi nạo VA ở bệnh viện Nhi Trung ương

Nguyên tắc chăm sóc chung cha mẹ cần phải nắm:

  • Trong thời gian từ 7 - 10 ngày trước phẫu thuật nạo VA ở bệnh viện Nhi Trung ương hoặc bất kì cơ sở y tế nào khác, cha mẹ không tự ý cho trẻ dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAIDS) như: Ibuprofen, Indomethacin, Naproxen... trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Nên tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ về thời hạn được phép ăn hoặc uống trước khi vào viện để phẫu thuật, sau thời hạn này, cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ ăn hoặc uống thêm thứ gì.
  • Cha mẹ cần thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc mà trẻ đã và đang dùng trong vòng 10 ngày trước ngày tiến hành phẫu thuật, gồm thuốc theo đơn của bác sĩ và thuốc do cha mẹ tự mua và cho trẻ uống.
  • Cha mẹ nên chuẩn bị sẵn cặp nhiệt độ (nhiệt kế) và thuốc hạ nhiệt (dạng paracetamol) sẵn ở nhà để sử dụng trong giai đoạn sau xuất viện.
  • Mang theo một món đồ chơi yêu thích của trẻ tới bệnh viện.
  • Động viên, giúp bé thư giãn và bình tĩnh trước khi mổ.
vicare.vn-huong-dan-cham-soc-tre-truoc-trong-va-sau-khi-nao-va-o-benh-vien-nhi-trung-uong-body-1

Chế độ ăn uống trước khi nạo VA theo hướng dẫn của Bệnh viện Nhi Trung ương

Trường hợp trẻ dưới 12 tháng tuổi

  • Cha mẹ có thể cho trẻ dùng sữa công thức trước giờ hẹn 6 tiếng. Cụ thể hơn, nếu bác sĩ yêu cầu có mặt ở viện lúc 8 giờ sáng thì cha mẹ cho trẻ dùng sữa lần cuối vào lúc 2 giờ sáng cùng ngày.
  • Mẹ có thể cho bé bú sữa mẹ trước giờ hẹn 4 tiếng. Cụ thể hơn, nếu bác sĩ hẹn có mặt lúc 8 giờ sáng thì mẹ có thể cho bé bú lần cuối vào 4 giờ sáng cùng ngày.

Trường hợp trẻ trên 12 tháng tuổi

  • Không cho trẻ ăn uống gì kể từ 0h sáng vào ngày hẹn nạo VA. Các thức ăn đặc, kẹo cứng, hoặc sữa, sinh tố trái cây...đều không được phép cho trẻ ăn.

Trường hợp trẻ ở mọi lứa tuổi

  • Có thể cho trẻ uống nước trong suốt (nước lọc hay nước táo) khoảng 2 tiếng trước giờ phẫu thuật. Sau đó tuyệt đối không cho bé ăn hay uống thêm thứ gì.
  • Trường hợp trẻ phải uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ thì cha mẹ nên cho trẻ uống vào buổi sáng hôm phẫu thuật với nước lọc

Vì sự an toàn của trẻ, cha mẹ cần nghiêm chỉnh tuân thủ các vấn đề nêu trên trừ khi có hướng dẫn riêng của bác sĩ điều trị. Điều này được giải thích là do việc gây mê sẽ không an toàn nếu dạ dày có chứa thức ăn hoặc đồ uống do trong thời gian nạo VA, trẻ có thể nôn và thức ăn có nguy cơ đi vào phổi.

Chăm sóc trẻ trong ngày tiến hành nạo VA ở bệnh viện Nhi Trung ương

Nạo VA có thể được thực hiện dưới hình thức gây mê hoặc gây tê tại chỗ và thường kéo dài từ 30 - 60 phút. Nếu gây mê, trẻ sẽ được thực hiện qua mặt nạ rồi đặt nội khí quản, sau đó bác sĩ sẽ theo dõi cẩn thận suốt quá trình thực hiện. Thực hiện nạo VA qua đường miệng nên không có vết rạch da ở mặt hoặc ở cổ.

Sau khi hoàn thành, trẻ tỉnh mê và tiếp tục được theo dõi trong phòng hậu phẫu đến khi trẻ đủ tỉnh táo để chuyển sang phòng bệnh thường hoặc về nhà. Khi trẻ thoát mê có thể có gặp các phản ứng khác nhau: khóc lóc, cuống quýt, khó chịu ở dạ dày hoặc nôn... Các phản ứng này là bình thường và qua đi khi thuốc mê hết tác dụng.

Khi trẻ tỉnh hoàn toàn trở lại, cha mẹ có thể đỡ trẻ đi vệ sinh hoặc cho trẻ nôn chất dịch đặc màu nâu nếu trẻ nuốt phải một ít máu trong và sau quá trình phẫu thuật nạo VA. Tuy nhiên khi trẻ tiếp tục nôn nhiều hơn thì cần báo ngay cho bác sĩ. Trẻ thường được xuất viện khi trẻ uống được nước và tỉnh táo bình thường trở lại.

Thời gian phục hồi sau khi nạo VA

Nạo VA rất hiếm trường hợp khiến trẻ đau đớn nhiều hoặc khó nuốt, thông thường trẻ có thể đi học trở lại sau 1 - 3 ngày.

Chăm sóc trẻ trong những ngày đầu sau thực hiện nạo VA ở Bệnh viện Nhi Trung ương

Trong ngày đầu tiên sau gây mê, trẻ có thể chuếnh choáng và buồn nôn hoặc nôn, cha mẹ hãy cho trẻ uống nhiều nước hoặc cho ăn thức ăn lỏng. Uống nhiều nước để phòng ngừa tình trạng mất nước hay xảy ra sau phẫu thuật rất nguy hiểm và làm tăng cảm giác đau của trẻ. Nếu uống nước không bị nôn, cha mẹ có thể chuyển sang ăn thức ăn đặc hơn và dần dần trở về chế độ ăn bình thường.

Biểu hiện đau

  • Đối với trẻ nạo VA ở bệnh viện Nhi Trung ương thường sẽ không bị đau đớn khi nuốt.
  • Trẻ nạo VA thường cảm thấy đau hoặc cứng ở cổ do tư thế nằm khi phẫu thuật, tuy nhiên triệu chứng này thường sẽ mất đi sau vài ngày. Cha mẹ có thể chườm ấm, sử dụng thuốc giảm đau và thực hiện một số bài tập xoay vùng cổ cho trẻ để giúp cải thiện tình hình.
  • Một vài trường hợp trẻ có thể chảy nước dãi, đau ở miệng là bình thường sau phẫu thuật. Trẻ cũng có thể cảm thấy đau và khó chịu ở tai trong thời gian lành bệnh, thường là sự lan tỏa cơn đau từ vùng họng đang liền thương chứ không phải nhiễm trùng tai. Cho trẻ nhai kẹo cao su hoặc ăn các thực phẩm phải nhai kỹ trước khi nuốt có thể giúp trẻ giảm bớt triệu chứng này.
vicare.vn-huong-dan-cham-soc-tre-truoc-trong-va-sau-khi-nao-va-o-benh-vien-nhi-trung-uong-body-2

Xuất hiện tình trạng ngủ ngáy

Trẻ sau khi nạo VA có thể xuất hiện ngủ ngáy. Nguyên nhân được giải thích là do tình trạng phù nề và sẽ tự mất đi trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật.

Thay đổi giọng

Trẻ có thể bị thay đổi giọng tạm thời do hình dáng và kích thước khoang miệng thay đổi. Nếu VA quá phát mạnh thì sau khi nạo, việc nói chuyện giọng mũi có thể tồn tại vài tuần đến vài tháng, sau đó sẽ trở lại bình thường.

Sốt

Trẻ có thể sốt nhẹ hoặc vừa, dưới 38.5 độ C và sẽ tự mất đi. Nếu trẻ sốt kèm chảy mũi nước trong (không phải màu vàng) và ăn uống bình thường thì không đáng lo ngại. Đây có thể là biểu hiện của quá trình liền thương ở họng.

Hơi thở trẻ có mùi khó chịu

Điều này thường gặp sau phẫu thuật và có thể kéo dài vài tuần vì đây là kết quả của quá trình liền thương tại vùng phẫu thuật. Cha mẹ nên giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ, dùng nước muối sinh lý làm dung dịch vệ sinh mũi cho trẻ hoặc cho trẻ nhai kẹo cao su, ngậm kẹo cứng có để giúp cải thiện tình hình. Bên cạnh đó, uống nhiều nước cũng giúp giảm bớt hơi thở có mùi.

Chảy máu

  • Chảy máu rất hiếm gặp tuy nhiên vẫn có thể xảy ra sau phẫu thuật nạo VA. Đa số trường hợp chảy máu không nhiều nhưng vẫn có thể gặp trường hợp trầm trọng hoặc đe dọa tính mạng. Chảy máu có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào trong 14 ngày đầu tiên sau phẫu thuật.
  • Nguy cơ chảy máu cao nhất là vào những giờ đầu sau phẫu thuật và vào thời điểm giữa ngày thứ 4 và ngày thứ 8 sau mổ. Tuy nhiên chảy máu thường không đáng kể và đa số sẽ tự cầm, nhưng nếu máu chảy nhiều hoặc không thể tự cầm, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Chăm sóc miệng cho trẻ sau khi nạo VA ở bệnh viện Nhi Trung ương

  • Có thể cho trẻ súc miệng và đánh răng, tuy nhiên cần lưu ý là không được sục họng.
  • Cha mẹ phải dạy trẻ không xì mũi trong vòng ít nhất 1 tuần sau phẫu thuật mà chỉ dùng khăn ướt chậm nhẹ nếu nước mũi chảy ra, không dùng tay che miệng khi hắt hơi. Nên sử dụng máy phun sương làm ẩm không khí bên giường của trẻ để giúp trẻ thở dễ dàng hơn.

Các hoạt động khác của trẻ

  • Theo hướng dẫn sau khi nạo VA ở bệnh viện Nhi Trung ương: cha mẹ có thể tắm rửa bình thường cho trẻ.
  • Cho trẻ nghỉ ngơi trong vài ngày đầu, sau đó nên tăng dần các hoạt động thể chất. Tuy nhiên vẫn nên tránh các hoạt động quá mạnh trong vòng 2 tuần đầu tiên sau mổ.
  • Trong thời gian 2 tuần đầu, trẻ có thể dễ mắc cảm lạnh hoặc nhiễm trùng. Do đó trong thời gian này nên cách ly trẻ với người bị ốm trong gia đình và hạn chế tiếp xúc với người lạ, không nên đưa trẻ tới nơi đông người.

Khi nào cha mẹ cần liên hệ với bác sĩ

  • Đối với trường hợp nạo VA tại bệnh viện Nhi Trung ương thông thường không cần khám lại. Nhưng cha mẹ nên liên hệ ngay với bác sĩ nếu:
  • Trẻ sốt hơn 39 độ C, không hạ sốt khi dùng paracetamol.
  • Trẻ buồn nôn hoặc trẻ nôn nhiều và liên tục.
  • Trẻ than đau nhiều và cơn đau tăng dần.
  • Trẻ chán ăn kéo dài hoặc bỏ ăn hoàn toàn.
  • Trẻ xuất hiện các biểu hiện chảy máu nặng từ miệng hoặc mũi, đôi khi có thể nôn ra máu.
  • Trẻ bị đau họng nặng không cải thiện khi điều trị trong vòng từ 48 đến 72 giờ.
  • Trẻ bị mất giọng hoàn toàn trong suốt 24 giờ.

Xem thêm:

  • Điều trị viêm VA, có nên nạo VA cho trẻ?
  • Chia sẻ kinh nghiệm đi khám tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương