Hướng dẫn cách xử trí khi bị côn trùng cắn

Trong cuộc sống hàng ngày, bị côn trùng cắn là một điều hết sức phổ biến. Những vết cắn của côn trùng thông thường không nghiêm trọng nhưng nhiều trường hợp có thể gây dị ứng từ nhẹ đến nặng, hoặc khiến chúng ta bị lây nhiễm mầm bệnh. Sau đây là những thông tin cụ thể và cách xử trí đối với những loại vết cắn côn trùng phổ biến nhất.

Hướng dẫn cách xử trí khi bị côn trùng cắn Hướng dẫn cách xử trí khi bị côn trùng cắn

Trong cuộc sống hàng ngày, bị côn trùng cắn là một điều hết sức phổ biến. Những vết cắn của côn trùng thông thường không nghiêm trọng nhưng nhiều trường hợp có thể gây dị ứng từ nhẹ đến nặng, hoặc khiến chúng ta bị lây nhiễm mầm bệnh. Sau đây là những thông tin cụ thể và cách xử trí khi bị côn trùng cắn phổ biến nhất.

Thông tin về côn trùng

Các loài côn trùng thuộc ngành động vật chân đốt (chân khớp), sống chủ yếu trên cạn và có sáu chân. Đây là một ngành lớn của hệ động vật trên cạn ngày nay, chiếm khoảng 3/4 các động vật sống, với số lượng thực tế chưa thống kê được hết, nhưng con số ước tính có hơn 10 triệu loài. Ví dụ về những bộ có số lượng loài lớn nhất là: bộ cánh cứng (bọ cánh cứng), bộ cánh vẩy (bướm, ngài), bộ cánh màng (kiến, ong, ong bắp cày), bộ hai cánh (ruồi).

Khi bị cắn, đốt, chích, bởi những loại này, phần lớn mọi người thường chỉ gọi chung chung là bị côn trùng hay bọ cắn. Chúng ta cần biết cách phân biệt các vết cắn của những loài côn trùng hay gặp nhất vì mỗi loại có những cách xử lý khác nhau.

vicare.vn-huong-dan-cach-xu-tri-khi-bi-con-trung-can-body-1

Cơ chế tác động của nọc khi bị côn trùng cắn

Hầu hết các loài côn trùng thường không tấn công con người trừ khi chúng bị tấn công, khiêu khích: nhiều vết cắn hoặc chích là biện pháp phòng thủ; để bảo vệ chỗ ẩn nấp/ tổ; hoặc khi có người vô tình chạm vào làm phiền chúng.

Nọc từ vết cắn/ chích của côn trùng sẽ mang theo protein và các chất khác có thể gây phản ứng dị ứng cho nạn nhân. Tại vị trí của các vết chích cũng sẽ bị sưng đỏ và đau (biểu hiện của phản ứng viêm).

Những loại thuộc bộ cánh màng (Hymenoptera)

Ong mật, ong vàng, ong bắp cày, ong vò vẽ, và kiến ​​lửa, có thể gây ra những vết cắn/ đốt gây dị ứng nghiêm trọng với một số người. Theo thống kê về số lượng ca tử vong do ong đốt phổ biến hơn 3- 4 lần so với số lượng do rắn cắn.

Các loại này cũng khác nhau về cách gây thương tích:

  • Khi ong đốt, toàn bộ ngòi (vòi) sẽ bị rút ra khỏi thân con ong và nó sẽ chết ngay trong quá trình đốt.
  • Ong bắp cày có thể chích nhiều lần vì nó không bị mất ngòi sau khi chích.
  • Kiến lửa đốt các con vật khác bằng cách cắn chặt hàm vào người con vật đó, sau đó xoay người quanh chỗ cắn và tiết nọc. Kiến lửa có thể cắn và tiêm nọc độc nhiều lần.
  • Sâu bướm Puss – một loài sâu rất độc, phân bố nhiều ở Nam Mỹ, có những gai rỗng trên người, khi chạm vào gai sẽ gãy ra và tiêm nọc độc vào đối thủ.

Muỗi

Những vết chích của muỗi không phải để phòng vệ, chúng đang đi kiếm thức ăn là máu của các động vật khác. Thông thường, hầu hết các loài muỗi không gây bệnh hoặc dị ứng nghiêm trọng, trừ khi chúng là vector truyền bệnh hoặc truyền các vi sinh vật gây bệnh sống cùng muỗi. Ví dụ:

  • Bệnh sốt rét có nguyên nhân do một sinh vật sống kí sinh một số giai đoạn trong vòng đời ở muỗi.
  • Những loại muỗi khác nhau là nguồn lây các bệnh do nhiều loại virus, ví dụ như: Virus West Nile, virus viêm não ngựa, virus Zika, sốt xuất huyết, virus gây sốt vàng cho người và các động vật khác.

Các loại bọ, côn trùng khác

Chúng cắn để hút máu và có thể lây truyền các bệnh, ví dụ như:

  • Các vết cắn của chấy rận có thể truyền bệnh sốt tái hồi do xoắn khuẩn (một loại vi khuẩn).
  • Bệnh do Leishmania, là một loài ký sinh trùng, trung gian truyền bệnh là ruồi cát Phlebotomus.
  • Bệnh ngủ châu Phi ở người và gia súc (gặp nhiều ở châu Phi), có nguyên nhân do nhiễm ký sinh trùng (KST) thuộc loài Trypanosoma, lây truyền qua vết đốt của ruồi giấm.
  • Bệnh Tularemia do nhiễm vi khuẩn francisella tularensis thông qua vết cắn của một loài ruồi, bệnh dịch hạch do bọ chét và bệnh sốt phát ban do chấy rận.
  • Ve, bọ chét (thuộc lớp nhện) có thể truyền bệnh Lyme và một số bệnh khác khi cắn, vì máu là thức ăn của chúng.
  • Các loài bọ chét (chigger), rệp giường, con mạt thường gây ngứa và sưng tại vị trí đốt.
  • Nếu bị nhện cắn, đây là cơ chế phòng thủ của loài này, cần lưu ý những loài có độc như nhện góa phụ đen hoặc nhện nâu ẩn dật.

Các côn trùng, bọ khác có thể truyền mầm bệnh qua tiếp xúc. Ví dụ, trong những điều kiện vệ sinh không tốt, những con ruồi thông thường có thể ngẫu nhiên đóng vai trò lây lan các bệnh nhiễm khuẩn đường ruột ở người (như thương hàn, trực khuẩn và bệnh lỵ amip), do chúng đậu trên các vật bị ô nhiễm như chất thải, phân, sau đó bay đến đậu trên thức ăn của người.

vicare.vn-huong-dan-cach-xu-tri-khi-bi-con-trung-can-body-2

Triệu chứng khi bị côn trùng cắn

Phản ứng của cơ thể với vết cắn/ chích của các loại bọ/ côn trùng không giống nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, hầu hết các vết cắn, vết chích đều dẫn đến các triệu chứng chung:

  • Đau đớn,
  • Sưng tấy,
  • Đỏ, rát
  • Ngứa,
  • Phồng rộp.
  • Da có thể bị trầy xước và nhiễm trùng, nếu không được điều trị đúng cách, những nhiễm trùng này có thể trở nên nghiêm trọng và gây ra tình trạng viêm mô tế bào (Cellulitis).

Trong trường hợp bị dị ứng với vết cắn/ chích, nạn nhân sẽ xuất hiện những triệu chứng toàn thân nghiêm trọng. Vấn đề này được gọi là sốc phản vệ, các triệu chứng của nó bao gồm:

  • Nổi phát ban,
  • Thở khò khè,
  • Khó thở
  • Bất tỉnh, và thậm chí có thể dẫn đến tử vong trong vòng 30 phút.

Những vết chích của ong bắp cày hoặc rất nhiều vết chích của ong thường (hàng trăm hoặc hàng ngàn con) đã được thống kê là gây suy nhược cơ, suy thận và thậm chí tử vong.

Vết cắn của kiến ​​lửa thường tạo ra mụn mủ hoặc những vết loét gây ngứa và đau.

Vết cắn của nhện nâu ẩn dật có thể gây phồng rộp và loét da hoại tử, còn nhện góa phụ đen gây ra các triệu chứng toàn thân như: đau bụng, buồn nôn, ói mửa, đau ngực và các vấn đề hô hấp.

Vết kiến cắn ​​thường là từng nốt đơn lẻ hoặc thành từng cụm nhỏ và mỗi vết cắn có thể tạo thành một ổ mủ nhỏ.

Trong vài năm qua, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng bọ ve cắn (ve sao đơn độc) có thể tạo ra phản ứng dị ứng với thịt đỏ (ví dụ thịt bò, thịt lợn, thịt nai) và sữa.

Những tình trạng này có thể do vết cắn và các kháng nguyên đi kèm với nước bọt của côn trùng, ngoài ra các con vật này có thể truyền mầm bệnh trong quá trình cắn/ chích.

Khi bị côn trùng cắn, trường hợp nào cần đi khám bác sĩ?

Khi bị côn trùng cắn, phát ban (nổi mề đay) là triệu chứng toàn thân phổ biến nhất. Chúng là những vết đỏ nổi lên trên da, không theo hàng lối, và gây ngứa. Nếu chỉ xuất hiện duy nhất triệu chứng này, người bệnh có thể tự điều trị tại nhà bằng thuốc kháng histamin, nhưng nếu xuất hiện thêm các triệu chứng khác như khó thở và / hoặc các triệu chứng khác được liệt kê dưới đây, hãy đi khám bác sĩ ngay lập tức.

  • Nếu các triệu chứng xuất hiện không chỉ ở vị trí vết cắn/ chích; hoặc có tiền sử dị ứng nặng, hãy đi khám ngay lập tức, vì những triệu chứng toàn thân có thể tiến triển thành sốc phản vệ gây tử vong nhanh chóng.
  • Nếu vết cắn có dấu hiệu bị nhiễm trùng (đỏ, có hoặc không có mủ, sưng nóng, sốt hoặc xuất hiện vệt đỏ lan rộng ra cơ thể), hãy gặp bác sĩ ngay lập tức.
  • Nếu bạn không biết bị con gì cắn, cần phải theo dõi kỹ chỗ cắn để đảm bảo nó không bị nhiễm khuẩn. Cần đi khám bác sĩ ngay nếu vết thương hở hoặc loét, đó có thể là vết cắn của nhện độc.
  • Những người có tiền sử dị ứng nặng nên đi khám ngay sau khi bị cắn/ chích và xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào.

Những người không có tiền sử dị ứng sẽ cần đi khám ngay trong trường hợp có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Khò khè, khó thở
  • Đau hoặc tức ngực
  • Cảm giác nghẹn họng hoặc khó nói, khó nuốt
  • Bất tỉnh hoặc bị lả dần đi
  • Vết thương bị nhiễm trùng.
vicare.vn-huong-dan-cach-xu-tri-khi-bi-con-trung-can-body-3

Chẩn đoán côn trùng cắn

Việc chẩn đoán phản ứng dị ứng của cơ thể với vết cắn/ chích thường dựa trên tiền sử của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra ảnh hưởng của vết cắn trên các bộ phận khác nhau của cơ thể. Nếu bạn biết chính xác loài côn trùng đã cắn mình, điều này sẽ giúp ích cho nhân viên y tế trong các vấn đề: xác định kháng nguyên, chẩn đoán và điều trị. Bên cạnh đó, bác sĩ sẽ khám ngoài da, hệ hô hấp, hệ tim mạch và khoang miệng.

Để xác định bệnh lây truyền qua vết cắn/ chích của côn trùng, thường phải xét nghiệm máu. Sau khi đã chẩn đoán xác định được vấn đề (ví dụ, bệnh Lyme, virus West Nile hoặc sốt rét), các phương pháp điều trị cụ thể tiếp theo sẽ được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân.

Điều trị côn trùng cắn tại nhà

Việc điều trị côn trùng cắn phụ thuộc vào loại phản ứng của cơ thể với vết cắn/ chích. Nếu ở vị trí vết cắn chỉ xuất hiện các vết đỏ và đau, thì chỉ cần băng lại là đủ. Trước khi băng cần làm sạch chỗ cắn bằng xà phòng diệt khuẩn và nước để loại bỏ các hạt bụi bẩn do côn trùng để lại, những hạt này lưu lại có thể làm nhiễm trùng vết thương. Cần tránh làm vết cắn bị trầy xước vì việc này có thể gây nhiễm trùng da. Có thể chườm túi lạnh hoặc nước đá một lúc để làm giảm sưng.

Bạn có thể điều trị vấn đề ngứa tại vị trí vết cắn bằng thuốc kháng histamin không cần kê đơn như diphenhydramine ở dạng kem bôi hoặc thuốc viên uống. Kem dưỡng da làm mềm da cũng giúp giảm ngứa.

Trong trường hợp những người bị côn trùng cắn có tiền sử dị ứng nghiêm trọng với vết cắn của một loài côn trùng nào đó cần chuẩn bị sẵn hộp thuốc cấp cứu tại nhà. Hộp thuốc chứa một mũi tiêm epinephrine (có thể tự tiêm), ga-rô xoắn và thuốc kháng histamin; được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ từ trước. Sau đó vẫn cần đưa người bệnh đi khám tại bệnh viện để bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh và đảm bảo họ đã hồi phục hoàn toàn.

Điều trị côn trùng cắn tại bệnh viện

Bệnh viện sẽ xử lý các phản ứng dị ứng nghiêm trọng với vết cắn của côn trùng. Phác đồ điều trị côn trùng cắn lúc này có thể bắt đầu bằng epinephrine (tiêm dưới da); diphenhydramine (Benadryl) và steroid (cortisone) cũng thường được tiêm tĩnh mạch; kháng sinh đường uống có thể được dùng cho vết thương bị nhiễm trùng. Đối với những người có tình trạng dị ứng nặng, các thuốc sẽ được đưa qua đường tĩnh mạch, cho thở oxy và theo dõi kỹ tim mạch cho đến khi các triệu chứng được cải thiện.

Đối với những vết cắn/ chích có khả năng lây truyền vi khuẩn, virus gây bệnh, các bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm sẽ tiến hành chẩn đoán xác định để có hướng điều trị thích hợp. Các phác đồ điều trị bệnh truyền nhiễm được thiết kế cho từng loại bệnh cụ thể, ví dụ như: bệnh Lyme, bệnh sốt rét, bệnh do virus West Nile, bệnh tularemia, bệnh dịch hạch, sốt phát ban và nhiều bệnh khác.

Bác sĩ chuyên khoa dị ứng có thể áp dụng liệu pháp giải mẫn cảm: sau khi kiểm tra để xác định loại nọc độc côn trùng nhạy cảm với người bệnh, bác sĩ sẽ tiêm loại nọc đó tăng dần liều theo thời gian. Phương pháp này thường có hiệu quả trong việc ngăn chặn phản ứng dị ứng nghiêm trọng đối với vết chích có nọc độc tương tự trong tương lai.

Cách phòng ngừa bị côn trùng cắn

Có thể giảm thiểu việc bị côn trùng cắn/ chích bằng cách thay đổi lịch sinh hoạt và sắp xếp gọn gàng môi trường sống xung quanh bạn.

  • Thuê người có kinh nghiệm để phá bỏ các tổ ong, hoặc các hang ổ của côn trùng để tránh bị chúng đốt.
  • Một số loài muỗi là vector truyền bệnh có thời điểm hoạt động mạnh nhất vào các thời điểm chạng vạng (lúc bình minh, hoàng hôn) hoặc vào buổi tối, vì vậy hãy tránh hoạt động ngoài trời trong những khoảng thời gian này. Mặc quần áo dài, đội mũ, tránh để hở da thịt vì đây sẽ là mục tiêu của muỗi.
  • Sử dụng thuốc chống côn trùng, bôi thuốc lên quần áo, giày dép, lều, màn chống muỗi và các thiết bị khác để tăng cường bảo vệ. Các thuốc này cần sử dụng theo đúng khuyến cáo để không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.

Tiên lượng trong trường hợp côn trùng cắn

Trong phần lớn các trường hợp bị côn trùng cắn, hầu hết mọi người đều đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị. Những người bị côn trùng cắn có phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng hoặc những người không đáp ứng với điều trị ban đầu sẽ phải nhập viện để được điều trị và theo dõi thêm. Trong một số trường hợp cấp vẫn có thể dẫn đến tử vong mặc dù đã được điều trị kịp thời.

Đối với những người bị bệnh lây truyền từ vết cắn của côn trùng/ bọ, triển vọng của bệnh phụ thuộc vào loại bệnh lây truyền, cách chẩn đoán, phương pháp điều trị và tình hình sức khỏe của người đó. Tiên lượng của những trường hợp này rất đa dạng, có thể thay đổi từ tốt đến rất xấu nếu các cơ quan trong cơ thể bị tổn thương vĩnh viễn.

(HoiBenh chuyển ngữ từ EmedicineHealth)

Xem thêm:

  • Những phản ứng dị ứng côn trùng bạn nên biết
  • Nhận dạng vết cắn côn trùng: muỗi, rệp, chuột, bọ chét
  • Sử dụng thuốc chống côn trùng khi mang thai có an toàn không?