Hướng dẫn cách sơ cứu cầm máu tạm thời
Khi bất cứ một vết thương nào xảy ra đều dẫn đến hiện tượng chảy máu, mức độ máu chảy nhiều hay ít phụ thuộc vào vị trí tổn thương như mao mạch, động mạch hoặc tĩnh mạch. Khi đó, cầm máu tạm thời là biện pháp sơ cứu ban đầu vô cùng quan trọng để hạn chế mất máu và cứu sống tính mạng người bị thương trước khi chuyển đến bệnh viện. Cùng HoiBenh lắng nghe những chia sẻ từ Tiến ...
Hướng dẫn cách sơ cứu cầm máu tạm thời
Khi bất cứ một vết thương nào xảy ra đều dẫn đến hiện tượng chảy máu, mức độ máu chảy nhiều hay ít phụ thuộc vào vị trí tổn thương như mao mạch, động mạch hoặc tĩnh mạch. Khi đó, cầm máu tạm thời là biện pháp sơ cứu ban đầu vô cùng quan trọng để hạn chế mất máu và cứu sống tính mạng người bị thương trước khi chuyển đến bệnh viện. Cùng HoiBenh lắng nghe những chia sẻ từ Tiến sĩ, bác sĩ Dương Đức Hùng – Bệnh viện Bạch Mai để bình tĩnh xử lý thích hợp khi gặp tình huống khẩn cấp.
Trường hợp tử vong thương tâm 23/09/2016 đã dấy lên hồi chuông cảnh tình về thực trạng thiếu hụt kiến thức cần thiết về sơ cứu vết thương mạch máu tạm thời của người dân. Các vết thương mạch máu khi trải qua những thao tác sơ cứu đúng cách ban đầu sẽ giúp ngừng chảy máu, hạn chế mất máu tại khu vực bị thương, đồng thời hỗ trợ tối đa cho quá trình điều trị của các bác sĩ tại bệnh viện. Trong nhiều trường hợp, sơ cứu cầm máu tạm thời là chìa khóa để có thể cứu sống tính mạng của nạn nhân.
Tầm quan trọng của sơ cứu cầm máu tạm thời
Những vết thương mạch máu, đặc biệt là động mạch lớn, máu chảy mạnh thành tia thường khiến nạn nhân bất tỉnh, choáng, tụt huyết áp nhanh chóng do sự mất máu đột ngột. Ngoài ra, tâm trạng lo lắng, sợ sệt khi nhìn thấy máu cũng dẫn đến tình trạng ngất xỉu. Thêm vào đó, tại hiện trường, đa phần người dân mang theo tâm lý sợ, mất bình tĩnh trong quá trình sơ cứu khiến cho việc sơ cứu cầm máu tạm thời diễn ra không đúng cách hoặc bị trì trệ. Và nếu như không có những thao tác sơ cứu kịp thời, thể tích máu chảy ra lớn hơn 50% thể tích máu trong cơ thể, nạn nhân sẽ rơi vào trạng thái sốc mất máu không hồi phục và dẫn tới tử vong nhanh chóng.
Những điều cần biết khi cầm máu vết thương
Theo hướng dẫn từ Tiến sĩ, bác sĩ Dương Đức Hùng, người có trên 20 năm kinh nghiệm trong phẫu thuật tim và cấp cứu hàng chục nghìn ca vết thương mạch máu cho biết, người dân có thể thực hiện các thao tác sơ cứu nhanh chóng cho nạn nhân bằng những dụng cụ, vật liệu ngay tại hiện trường. Đây được coi là một trong những kỹ năng sinh tồn quan trọng mà mỗi người ai cũng cần phải có để xử trí trong trường hợp cấp bách. Tuy nhiên, mọi người cũng cần cẩn trọng với các thao tác sơ cứu nhằm tránh những hệ quả ngược lại khiến vết thương nghiêm trọng hơn hoặc thậm chí là tử vong.
- Đầu tiên, ngay lập tức thực hiện thao tác dùng tay đối diện ép chặt vào vết thương để giúp vết thương ngừng chảy máu
- Thay vì khẩn trương bế sốc nạn nhân, mọi người nên sử dụng một số dụng cụ ngay tại hiện trường, chẳng hạn như vải, khăn mặt, khăn giấy, quần áo...hoặc bất kỳ vật dụng gì có thể ép sát vào vết thương nhằm cầm máu cho nạn nhân. Đây là một trong những kỹ thuật cơ bản trong quá trình sơ cứu tạm thời.
- Trong trường hợp, vết thương mạch máu ở cổ nếu không cẩn thận có thể dẫn đến bắt chẹt đường thở của nạn nhân. Do đó, người tiến hành sơ cứu có thể đặt một vật gì đó, chẳng hạn như thanh gỗ nhỏ vào phía đối trọng, sau đó mới thực hiện kỹ thuật băng ép
- Sau khi những thao tác sơ cứu cơ bản đã thực hiện xong, người sơ cứu cần chuyển ngay nạn nhân đến cơ sở y tế hay bệnh viện gần nhất để tiến hành cấp cứu kịp thời.
Đối với bất cứ trường hợp thương tích nào, giai đoạn sơ cứu cấp cứu tại hiện trường là điều vô cùng cần thiết nhằm gia tăng cơ hội sống sót cho nạn nhân, giảm biến chứng và chi phí điều trị. Do đó, hướng dẫn và tuyên truyền những kiến thức cơ bản về sơ cứu ban đầu tại các cơ quan, trường học,...là việc làm quan trọng giúp nâng cao nhận thức của người dân và hạn chế tối đa các trường hợp tử vong đáng tiếc xảy ra.