Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ khi bị viêm da mủ
Viêm da mủ được xem là loại viêm da thường gặp ở trẻ em, nhất là khi thời tiết nóng bức trong mùa hè. Nếu không được điều trị, chăm sóc và phòng tránh tốt sẽ dẫn đến nhiều phiền toái ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.
Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ khi bị viêm da mủ
Viêm da mủ được xem là loại viêm da thường gặp ở trẻ em, nhất là khi thời tiết nóng bức trong mùa hè. Bệnh tưởng chừng là một triệu chứng ngoài da, không có khả năng gây nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị, chăm sóc và phòng tránh tốt sẽ dẫn đến nhiều phiền toái và trở thành nỗi lo ngại của nhiều bậc cha mẹ.
Bệnh viêm da mủ có căn nguyên từ đâu?
Đây là tình trạng viêm da rất phổ biến, thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Làn da của bé bị tổn thương do mụn mủ nổi từng đám trên da. Bệnh có xu hướng phát triển mạnh vào mùa hè và thường tái phát nên khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng.
Những nguyên nhân dẫn đến trẻ bị viêm da mủ:
- Do thời tiết nóng bức, trẻ ra nhiều mồ hôi, sức đề kháng của da bị giảm sút. Đây là điều kiện thuận lợi cho virus, vi khuẩn gây bệnh phát triển.
- Do làn da của trẻ còn non nớt và rất mỏng nên dễ bị tổn thương. Nhiều mẹ nôn nóng cạy lớp vảy “cứt trâu” khiến da đầu bị xây xát, nhiễm khuẩn, chốc lở.
- Nhiều mẹ sợ con bị cảm lạnh nên phòng ngủ và không gian sinh hoạt của bé ngột ngạt, bí và không thông thoáng, nhất là vào mùa đông.
- Trẻ mặc quần áo không mềm mại, thô cứng gây cọ xát và kích ứng lên da
- Khi tắm trẻ không đúng cách cũng là tác nhân hình thành viêm da mủ như gội đầu nhiều lần, lạm dụng xà phòng, kỳ cọ quá mạnh, ...
- Do trẻ phải đóng tã, bỉm quá nhiều khiến da bị bí, ẩm ướt, tăng tiết mồ hôi, tạo thành chứng hăm tã và cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi.
- Trẻ dùng chung đồ như khăn tắm, khăn mặt, chén uống nước,... làm cho bệnh lây lan.
Viêm da mủ có mấy loại và biểu hiện của từng dạng bệnh?
Thông thường, người ta thường phân chia viêm da mủ ở trẻ thành 2 nhóm bệnh: viêm da mủ do tụ cầu khuẩn và viêm da mủ do liên cầu khuẩn.
Viêm da mủ do tụ cầu khuẩn
- Viêm nang lông nông: lỗ chân lông bị viêm nhưng ở bề mặt trên. Quanh chân lông sưng đỏ, đau và chuyển sang mụn mủ nhỏ.
- Viêm nang lông sâu: khu vực quanh nang lông bị sưng tấy và mụn mủ rải rác hay từng đám. Trẻ hay bị viêm nang lông sâu ở vùng da đầu, gáy, ...
- Nhọt: nốt mụn nhọt nổi lên, bên trong có mủ gây sưng đau và có độc tính cao. Bệnh kéo dài dai dẳng và thường bùng phát mạnh vào mùa hè.
Viêm da mủ do liên cầu khuẩn
- Chốc lây: bệnh do tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn kết hợp gây bệnh. Thường hay gặp ở trẻ em tại đầu, cổ, mặt, chân tay. Chốc đầu tạo thành các đám vẩy vàng sâu, da trợt đỏ và rớm dịch. Hạch ở vùng lân cận hay sưng đau.
- Chốc loét: đây là dạng viêm da mủ liên cầu khuẩn tổn thương đến lớp biểu bì. Vị trí hay bị chốc loét là cổ chân, cẳng chân. Bệnh khởi nguồn từ một phỏng nước hay phỏng mủ.
- Chốc mép: hai kẽ mép bị nứt trợt, đau rát gây ăn uống rất khó. Bệnh có thể lây do dùng chung chén hoặc khăn mặt, ... và kèm theo đau sưng hạch dưới hàm.
- Hăm kẽ: trẻ hay bị ở nếp cổ, kẽ mông, kẽ bẹn, kẽ sau tai, rốn. Tổn thương trên da là các đám đỏ, trợt và có rớm dịch. Phía ngoài hay có viền tróc da mỏng và đau rát.
Biến chứng của viêm da mủ là gì, nguy hiểm không?
Việc phát hiện trễ hay điều trị, chăm sóc trẻ bị viêm da mủ sai cách đều dẫn đến những hệ lụy nguy hiểm cho sức khỏe và tính mạng của bé.
- Một số nhóm bệnh của viêm da mủ có mức độ lây lan cao, dễ bùng phát thành dịch bệnh. Do vậy, cần có biện pháp phòng tránh, không nên xem nhẹ để bệnh lan rộng sẽ càng khó kiểm soát.
- Khi bị chốc lây nếu không được chữa trị sớm có thể gây biến chứng viêm cầu thận cấp. Mụn nhọt dẫn đến nhiễm trùng gây tắc tĩnh mạch, nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong.
- Trẻ bị viêm da mủ có khả năng cao nhiễm khuẩn tại chỗ hoặc toàn thân, không thể xem thường vì dễ gây tai biến.
- Bệnh tiến triển dai dẳng và lâu liền sẹo. Đặc biệt, những ảnh hưởng của bệnh viêm da mủ khiến trẻ đau nhức, không ăn uống bình thường, trẻ dễ bị suy nhược cơ thể, sụt cân, suy dinh dưỡng, ...
Điều trị viêm da mủ như thế nào?
Khi thấy trẻ có những triệu chứng của bệnh cần đưa trẻ đến bệnh viện, cơ sở y tế để được thăm khám và xử lý kịp thời. Tùy vào từng trường hợp viêm da mủ mà bác sĩ đưa ra thuốc điều trị thích hợp.
Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc bôi, đắp lá, dán cao, ... để điều trị bệnh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nên hạn chế trẻ gãi cào làm xước khu vực da bị viêm. Ngoài ra, không được chích nặn mụn bị viêm tấy, chưa hóa mủ, ...
Với một số trường hợp trẻ được bác sĩ chẩn đoán và điều trị tại nhà nhưng nếu không có tiến triển tốt hoặc bệnh viêm da mủ cải thiện chậm về các triệu chứng thì mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để tái khám.
Ngoài ra, khi phát hiện bộ phận sinh dục của con bị mụn rộp, vết loét, mụn mủ có đốm vảy nâu vàng hay nâu nhạt thì cần đưa bé đi khám ngay bởi đây là dấu hiệu của nhiễm trùng do vi khuẩn.
Cách chăm sóc trẻ khi bị viêm da mủ
Bên cạnh tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ thì cách kiểm soát tình trạng bệnh ở trẻ không kém phần quan trọng là chăm sóc trẻ. Điều này sẽ giúp bé nhanh khỏi bệnh hơn và ngăn chặn những biến chứng nghiêm trọng.
- Lựa chọn loại xà phòng thích hợp: nên chọn loại chuyên biệt dành riêng để tắm cho bé với đặc tính dịu nhẹ, không mùi thơm, dành cho da nhạy cảm. Quần áo và vật dụng cá nhân nên sử dụng chất tẩy rửa loại nhẹ, tránh dùng nước xả vải.
- Tắm rửa sạch sẽ: không sử dụng nước nóng vì sẽ làm khô da. Nên dùng khăn mềm lau nhẹ nhàng sau khi tắm xong. Thoa kem dưỡng ẩm đã có sự cho phép của bác sĩ để làm mềm da, khôi phục da và ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn.
- Để da bé được thông thoáng
- Xoa dịu các cơn ngứa của bé. Nên cắt ngắn móng tay, đeo găng để trẻ không cào gãi gây trầy xước.
- Một số thức ăn gây dị ứng cần loại bỏ khỏi thực đơn như trứng, sữa bò, cá, đậu phộng, ...
- Không tùy tiện bôi thuốc mà chưa có sự cho phép của bác sĩ.
Xem thêm:
- Bị viêm amidan hốc mủ có nên cắt không?
- Có chữa được viêm da cơ địa hay không?