Hormone là gì và có chức năng như thế nào đối với cơ thể?

Hormone là một chất không thể thiếu đối với cơ thể con người. Nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe của chúng ta. Vậy hormone là gì và có chức năng như thế nào đối với cơ thể, cùng HoiBenh tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Hormone là gì và có chức năng như thế nào đối với cơ thể? Hormone là gì và có chức năng như thế nào đối với cơ thể?

Hormone là một chất không thể thiếu đối với cơ thể con người. Nó đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe của chúng ta. Vậy hormone là gì và có chức năng như thế nào đối với cơ thể, cùng HoiBenh tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Hormone là gì?

Hormone là những hóa chất dẫn truyền tín hiệu, có khả năng di chuyển trong máu đến các mô hoặc cơ quan. Hormone có tác dụng chậm, kéo dài và ảnh hưởng đến nhiều quá trình khác nhau trong cơ thể, bao gồm:

  • Quá trình tăng trưởng và phát triển.
  • Sự trao đổi chất – quá trình cơ thể bạn sử dụng thức ăn để chuyển thành năng lượng, cần cho các hoạt động của cơ thể.
  • Hoạt động tình dục.
  • Chức năng sinh sản.
  • Trạng thái tâm lý.

Hormone được tạo ra bởi các tuyến chuyên biệt trong cơ thể, được gọi là tuyến nội tiết. Hormone thường có tác dụng rất mạnh mẽ. Chỉ với một lượng nhỏ hormone là có thể đủ để gây ra những thay đổi lớn trong các tế bào, cơ quan hay thậm chí toàn bộ cơ thể bạn. Đó là lý do tại sao khi có quá nhiều hoặc quá ít một loại hormone nhất định, có thể khiến bạn mắc các bệnh lý nghiêm trọng. Các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm có thể đo được nồng độ các hormone trong máu, trong nước tiểu hoặc nước bọt của bạn. Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm này nếu bạn có các triệu chứng rối loạn hormone.

Chúng ta không thể tồn tại mà không có hormone. Hormone giúp chúng ta sống và phát triển ngay từ lúc mới sinh cho đến tuổi thiếu niên. Hormone làm chúng ta xuất hiện dậy thì. Hormone cũng sẽ có sự thay đổi khi chúng ta già đi. Một số nghiên cứu đã nhận thấy rằng, có một số loại hormone sẽ giảm tự nhiên theo tuổi tác, chẳng hạn như:

  • Hormone tăng trưởng của con người: hormone GH.
  • Hormone sinh dục nam: testosterone.
  • Hormone sinh dục nữ: estrogen và progesterone.

Chức năng của hormone là gì?

Một hormone hoạt động trên một tế bào cũng giống như một chiếc chìa khóa mở ra một cánh cửa. Sau khi được giải phóng bởi một tuyến chuyên biệt nào đó trong cơ thể, hormone sẽ di chuyển trong máu cho đến khi tìm thấy tế bào thích hợp nhất.

Sau đó, hormone gắn kết với tế bào này thông qua thụ thể của tế bào, hay còn được gọi là receptor của tế bào. Khi đó, tế bào này sẽ nhận được tín hiệu từ hormone.

Những tín hiệu này có thể chỉ dẫn cho tế bào nhân lên, tạo ra protein hay enzyme hoặc thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác. Một số loại hormone thậm chí có thể khiến tế bào tăng hoặc giảm sản xuất các loại hormone khác cho cơ thể.

Một hormone có thể phù hợp với nhiều loại tế bào, nhưng không phải tất cả các tế bào cũng đều bị ảnh hưởng bởi hormone theo cùng một cách. Chẳng hạn như một hormone có thể kích thích một tế bào hoạt động, nhưng chính nó cũng có thể vô hiệu hóa một tế bào khác trong cùng một thời điểm. Ngoài ra, cách một tế bào phản ứng với hormone cũng có thể thay đổi tùy theo từng giai đoạn của cuộc đời.

vicare.vn-hormone-la-gi-va-co-chuc-nang-nhu-nao-doi-voi-co-body-1

Các loại hormone và chức năng cụ thể của từng loại hormone

Trước khi tìm hiểu các loại hormone và chức năng cụ thể của chúng, bạn cần biết về hệ nội tiết. Hệ nội tiết bao gồm toàn bộ các tuyến nội tiết – các cơ quan có khả năng tạo ra hormone. Hệ nội tiết đóng một vai trò rất quan trọng trong việc duy trì các hoạt động bình thường của cơ thể. Nếu hệ nội tiết của bạn hoạt động không tốt, bạn có thể phải đối mặt với nhiều vấn đề tại thời điểm dậy thì, mang thai hoặc căng thẳng về tinh thần. Bạn cũng có thể dễ dàng bị béo phì, loãng xương, mệt mỏi hoặc các vấn đề về sức khỏe khác.

Tuyến nội tiết, nơi trực tiếp tạo ra hormone, là những cơ quan không có ống dẫn do đó hormone sau khi được tạo ra sẽ đổ trực tiếp vào máu. Các tuyến nội tiết bao gồm: vùng dưới đồi, tuyến yên (gồm thùy trước và thùy sau), tuyến giáp, tuyến cận giáp, tuyến thượng thận...

Sau đây là các tuyến nội tiết và các loại hormone của từng tuyến nội tiết mà bạn nên biết.

Vùng dưới đồi

Vùng dưới đồi là một cấu trúc rất quan trọng thuộc não bộ. Đây là nơi điều khiển các hoạt động nội tiết của tuyến yên, kiểm soát nhiệt độ cơ thể, tình trạng khát nước và đói, đảm bảo sự cân bằng môi trường bên trong cơ thể, cũng như tham gia vào việc chi phối các hoạt động cảm xúc.

Vùng dưới đồi chứa các loại hormone với chức năng sau đây:

  • Hormone giải phóng thyrotrophin (TRH): chức năng của hormone này là thúc đẩy sự giải phóng hormone kích thích tuyến giáp (TSH) từ thùy trước tuyến yên.
  • Hormone somatostatin: loại hormone này có tác dụng ngăn chặn sự giải phóng hormone tăng trưởng (hormone GH) từ thùy trước tuyến yên.
  • Hormone giải phóng gonadotrophin (GnRH): có tác dụng thúc đẩy sự giải phóng hormone kích thích nang trứng (FSH) và hormone luteinizing (LH) từ thùy trước tuyến yên.
  • Hormone giải phóng corticotrophin (CRH): là loại hormone có tác dụng kích thích thùy trước tuyến yên tiết ra hormone hướng vỏ thượng thận (ACTH).
  • Hormone giải phóng hormone tăng trưởng (GHRH): có tác dụng kích thích thùy trước tuyến yên giải phóng hormone tăng trưởng (GH).

Thùy trước tuyến yên

Tuyến yên có một cấu trúc nhỏ ở phía trước, được gọi là thùy trước tuyến yên. Hormone được sản xuất bởi thùy trước tuyến yên ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của chúng ta, giúp hoàn thiện các đặc tính sinh dục, kiểm soát sắc tố da, chức năng của tuyến giáp và chức năng của tuyến thượng thận...

Thùy trước tuyến yên có các loại hormone sau:

  • Hormone kích thích tuyến giáp (TSH): là loại hormone có tác dụng thúc đẩy sự giải phóng hormone thyroxine và tri-iodothyronine từ tuyến giáp.
  • Hormone luteinizing (LH): là loại hormone có vai trò khác nhau giữa nam và nữ. Đối với nữ giới: nó thúc đẩy sự rụng trứng và sản xuất hormone estrogen và progesterone từ buồng trứng. Đối với nam giới: nó thúc đẩy sự giải phóng hormone testosterone từ tinh hoàn.
  • Hormone kích thích nang trứng (FSH): là loại hormone cũng có vai trò khác nhau giữa nam và nữ. Đối với nữ giới: nó thúc đẩy sự phát triển của trứng và nang trứng trong buồng trứng trước thời điểm trứng rụng. Đối với nam giới: nó thúc đẩy sự sản xuất testosterone từ tinh hoàn.
  • Hormone tăng trưởng (GH): thúc đẩy sự tăng trưởng của xương và các cơ quan khác trong cơ thể.
  • Hormone prolactin (PRL): kích thích sự sản xuất sữa ở tuyến vú và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động tình dục.
  • Hormone hướng vỏ thượng thận (ACTH): là loại hormone thúc đẩy tuyến thượng thận sản xuất các loại hormone khác, mà chủ yếu là hormone cortisol.

Thùy sau tuyến yên

Thùy sau tuyến yên là cấu trúc nằm ở phía sau của tuyến yên. Đây là nơi chứa 2 loại hormone chính sau:

  • Vasopressin (hormone chống bài niệu, ADH): là loại hormone làm tăng sự tái hấp thu nước từ ống thận của thận, làm thay đổi chỉ số huyết áp bằng cách khiến thận giữ nước và bằng cách thay đổi trạng thái của các mạch máu.
  • Oxytocin: là loại hormone liên quan đến việc bài xuất sữa ra khỏi ống dẫn sữa của tuyến vú và cần cho sự phát triển của tử cung. Ngoài ra, oxytocin còn có tác dụng làm tăng sự co bóp của tử cung.

Tuyến giáp

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm ở cổ của bạn. Hình dạng của tuyến giáp giống như một con bướm. Chức năng tuyến giáp là giải phóng các hormone kiểm soát quá trình trao đổi chất - cách sử dụng thức ăn để chuyển hóa thành năng lượng cần thiết cho cơ thể bạn. Ngoài ra, các hormone ở tuyến giáp còn tham gia vào các hoạt động quan trọng khác của cơ thể bao gồm nhịp tim, hô hấp, thân nhiệt, sức mạnh cơ bắp... Các loại hormone của tuyến giáp bao gồm: tri-iodothyronine (T3) và thyroxine (T4).

vicare.vn-hormone-la-gi-va-co-chuc-nang-nhu-nao-doi-voi-co-body-2

Tuyến cận giáp

Tuyến cận giáp bao gồm bốn tuyến nhỏ, nằm ở cổ, có chức năng sản xuất ra các hormone để kiểm soát nồng độ canxi của cơ thể.

Mỗi tuyến cận giáp có kích thước nhỏ chỉ bằng một hạt gạo (nặng khoảng 30 miligam và có đường kính từ 3 đến 4 milimét).

Tuyến cận giáp có chứa các loại hormone sau đây:

  • Hormone tuyến cận giáp (PTH): có tác dụng làm tăng nồng độ canxi trong máu khi nồng độ này thấp.
  • Hormone calcitonin: có tác dụng làm giảm nồng độ canxi trong máu khi nồng độ này cao (tác dụng trái ngược với hormone PTH).

Tuyến thượng thận

Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết có vị trí ngay ở trên thận và có 2 thành phần: vỏ (bên ngoài) và tủy (bên trong).

Các loại hormone của tuyến thượng thận bao gồm:

Hormone của vỏ tuyến thượng thận

  • Hormone cortisol: đây là loại hormone tham gia vào nhiều hoạt động rất quan trọng của cơ thể, bao gồm ổn định huyết áp, điều hoà miễn dịch và kiểm soát đường huyết.
  • Hormone aldosterone: có tác dụng duy trì huyết áp thông qua việc giữ muối và nước trong thận.
  • Hormone androgen: là loại hormone thúc đẩy sự phát triển của các đặc tính sinh dục ở nam giới.

Hormone của tủy tuyến thượng thận

Các hormone chính được sản xuất bởi tủy tuyến thượng thận bao gồm epinephrine (adrenaline) và norepinephrine (noradrenaline). Các hormone này có ảnh hưởng đến hoạt động của tim, mạch máu và lượng đường trong máu của bạn.

Tuyến tụy

Tuyến tụy là một cơ quan trong ổ bụng và giữ vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát lượng đường trong máu.

Tuyến tụy gồm các loại hormone chính sau:

  • Hormone insulin: có tác dụng làm giảm nồng độ đường trong máu của bạn, làm tăng cung cấp đường cho cơ bắp và các mô trong cơ thể.
  • Hormone glucagon: có tác dụng làm tăng nồng độ đường trong máu của bạn.
  • Hormone somatostatin: có tác dụng ức chế sự giải phóng hormone glucagon và insulin trong tuyến tụy.

Buồng trứng

Buồng trứng là một cơ quan sinh dục nữ rất quan trọng, đây là nơi trứng được sản xuất. Bên cạnh đó, buồng trứng còn sản xuất ra các loại hormone sau:

  • Hormone estrogen: là loại hormone thúc đẩy sự phát triển các đặc tính sinh dục của nữ giới. Ngoài ra, estrogen cũng có vai trò quan trọng trong việc chuẩn bị tử cung để phôi làm tổ sau khi trứng được tinh trùng thụ tinh.
  • Hormone progesterone: là loại hormone cũng ảnh hưởng đến các đặc tính sinh dục của nữ giới. Ngoài ra, progesterone còn có một chức năng vô cùng quan trọng là duy trì và ổn định thai kỳ thông qua việc tác động lên tuyến vú và tử cung.

Tinh hoàn

Tinh hoàn là cơ quan rất quan trọng ở nam giới, có vai trò sản xuất tinh trùng (tế bào sinh sản của nam). Ngoài ra, tinh hoàn còn là nơi sản xuất ra hormone testosterone - loại hormone có tác dụng thúc đẩy sự phát triển các đặc tính sinh dục nam.

Dạ dày

Dạ dày là một cơ quan có hình dạng giống quả lê và có chức năng tiêu hóa thức ăn. Dạ dày liên kết với thực quản ở phía trên và ruột non ở bên dưới. Các loại hormone do dạ dày tiết ra bao gồm:

  • Hormone gastrin: có tác dụng thúc đẩy sự bài tiết axit trong dạ dày.
  • Hormone serotonin (hay còn được gọi là hormone 5-HT): có tác dụng gây ra sự co bóp của các cơ ở dạ dày.

Ruột non

Ruột non là một cơ quan thuộc hệ tiêu hóa nằm giữa dạ dày và ruột già. Ruột non là nơi chủ yếu xảy ra quá trình hấp thu các chất dinh dưỡng từ thức ăn.

Ruột non bao gồm 3 đoạn ruột theo thứ tự từ trên xuống, bao gồm: tá tràng, hỗng tràng và hồi tràng.

Các hormone của ruột non bao gồm:

  • Hormone secretin: có tác dụng ức chế sự bài tiết dịch của dạ dày và làm tăng sản xuất dịch mật (dịch mật là chất lỏng màu xanh đen hoặc vàng nâu, được gan sản xuất và hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa lipid ở ruột non).
  • Hormone cholecystokinin (CCK): có tác dụng thúc đẩy sự giải phóng dịch mật từ túi mật và thúc đẩy sự giải phóng các enzyme tiêu hóa từ tuyến tuỵ.

Thận

Thận là cơ quan rất quan trọng, có tác dụng đào thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể thông qua nước tiểu. Ngoài ra, thận còn có vai trò to lớn trong việc điều hòa sự cân bằng của môi trường bên trong cơ thể. Bên cạnh đó, thận còn sản xuất ra hormone erythropoietin, có tác dụng kích thích sự phát triển của các tế bào hồng cầu trong tủy xương. Do đó, nếu thiếu hormone này thì cơ thể bạn sẽ bị thiếu máu.

Tim

Tim là một cơ quan thuộc hệ tuần hoàn, có tác dụng bơm máu đi khắp cơ thể để nuôi các cơ quan khác, bằng cách co bóp nhịp nhàng và giãn nở. Tim có tổng cộng 4 buồng: 2 tâm nhĩ và 2 tâm thất.

Tim sản xuất ra một loại hormone được gọi là yếu tố lợi niệu natri tâm nhĩ (ANF). Loại hormone này có tác dụng làm giảm huyết áp và làm tăng sự mất muối và nước trong thận.

Da

Da là lớp mô mỏng bao phủ bên ngoài và bảo vệ cho cơ thể. Hormone của da chính là vitamin D, có chức năng điều hòa nồng độ canxi trong cơ thể thông qua: hấp thu canxi ở ruột non, dự trữ canxi và giải phóng canxi từ xương.

Mô mỡ

Mô mỡ là một loại mô phân bố rải rác khắp cơ thể và được xem là một kho dự trữ năng lượng dưới dạng lipid cho cơ thể. Ngoài ra, mô mỡ còn là nơi sản xuất ra hormone leptin - một loại hormone ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn của bạn.

(HoiBenh chuyển ngữ từ Medlineplus - Betterhealth - Jaborejob)

Xem thêm:

  • 5 cách cân bằng hormones tự nhiên và khỏe mạnh hơn
  • Bạn có biết hormone FSH là gì?