Hơn 40% người ung thư gan phát hiện muộn, không thể điều trị
Nghiên cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy trên 20.000 bệnh nhân ung thư gan mới mắc cho thấy, hơn 40% phát hiện khi đã quá muộn. Trong nghiên cứu trên, nam giới mắc bệnh chiếm hơn 81%. Hơn 90% bệnh nhân từ 40 tuổi trở lên, phần lớn có nhiễm HBV, HCV.
Hơn 40% người ung thư gan phát hiện muộn, không thể điều trị
Nghiên cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy trên 20.000 bệnh nhân ung thư gan mới mắc cho thấy, hơn 40% phát hiện khi đã quá muộn.
Bác sĩ Nguyễn Đình Song Huy, Trưởng Khoa U gan, Phó giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, ung thư gan là ung thư phổ biến nhất tại Việt Nam, có mối liên hệ chặt chẽ với nhiễm virus viêm gan B (HBV) và virus viêm gan C (HCV). Trong nghiên cứu trên, nam giới mắc bệnh chiếm hơn 81%. Hơn 90% bệnh nhân từ 40 tuổi trở lên, phần lớn có nhiễm HBV, HCV.
Theo bác sĩ Huy, Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ nhiễm virus viêm gan B, việc tầm soát ung thư gan trên các đối tượng nguy cơ cao hạn chế. Do đó bệnh nhân thường được khám và phát hiện muộn khi đã không thể điều trị, thời gian sống trung bình không quá một năm.
Giáo sư Robert G Gish, Đại học Stanford, Mỹ cho biết một số yếu tố nguy cơ gây bệnh ung thư gan là viêm gan siêu vi B, C, rượu, các yếu tố tự miễn, các yếu tố di truyền, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, độc tố afalatoxin thường gặp trong lương thực thực phẩm bị mốc. Đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ ung thư gan gấp 2,5 lần. Tỷ lệ tử vong do ung thư gan ở nam giới thừa cân cao gấp 4,5 lần ở nam giới có trọng lượng bình thường.
Tiến sĩ Nguyễn Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn cho biết ung thư gan tuy là bệnh nguy hiểm và có diễn biến phức tạp nhưng có thể phòng ngừa và chữa khỏi nếu phát hiện sớm. Bệnh có triệu chứng thầm lặng, khó nhận biết nên cách tốt nhất là kiểm tra sức khỏe định kỳ, điều trị quản lý các vấn đề gan. Các phương pháp điều trị ung thư gan chủ yếu hiện nay là phẫu thuật cắt gan, phá hủy khối u tại chỗ bằng sóng cao tần RFA hay vi sóng MWA, nút mạch hóa chất TACE.
Phòng ngừa ung thư gan
- Nên đi khám sức khỏe định kỳ 6-12 tháng. Nếu có vấn đề về sức khỏe lá gan như tăng men gan, gan nhiễm mỡ, viêm gan... thì phải điều trị.
- Những bệnh nhân có virus viêm gan B, C phải tích cực điều trị, nên đi tầm soát kiểm tra định kỳ 3 tháng một lần.
- Hạn chế rượu bia, tránh các hóa chất gây ung thư.
- Giữ trọng lượng hợp lý, tránh tăng cân.
- Việc tiêm chủng phòng ngừa virus viêm gan B nên được tiến hành rộng rãi, nhất là trẻ mới sinh để giảm nguy cơ ung thư gan trong tương lai.
Theo VnExpress
Xem thêm:
- Điểm mặt thói quen hàng đầu khiến ung thư gan ở Việt Nam tăng vọt
- Ánh sáng cho bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối