Ho gà là ho như thế nào?

Đã bao giờ bạn nghe đến chứng bệnh “ho gà”? Đây là một loại bệnh ho khá phổ biến và có khả năng lây nhiễm cao. Trong bài viết này, HoiBenh sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu ho gà là ho như thế nào cũng như một số giải pháp điều trị bệnh hiện nay.

Ho gà là ho như thế nào? Ho gà là ho như thế nào?

Đã bao giờ bạn nghe đến chứng bệnh “ho gà”? Đây là một loại bệnh ho khá phổ biến và có khả năng lây nhiễm cao. Trong bài viết này, HoiBenh sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu ho gà là ho như thế nào cũng như một số giải pháp điều trị bệnh hiện nay.

1. Tìm hiểu ho gà là ho như thế nào?

Định nghĩa bệnh ho gà

Ho gà là một loại bệnh hô hấp truyền nhiễm cấp tính do tác nhân là trực khuẩn ho gà Bordetella pertussis gây ra. Bệnh thường có biểu hiện ban đầu tương tự như cảm lạnh nhưng khi trở nặng sẽ gây ra các cơn ho rít theo đợt và thậm chí là nôn ói.

Bệnh ho gà có khả năng lây nhiễm rất cao. Theo các số liệu thống kê, khi một người bị mắc bệnh có thể lây sang cho 12 đến 17 người khác. Thời gian lây nhiễm mạnh mẽ nhất là trong 1 đến 2 tuần đầu tiên của bệnh.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ mắc bệnh ho gà trên toàn thế giới đang có xu hướng gia tăng và có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào. Trẻ em từ 1 đến 6 tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh nhất.

Ho gà là ho như thế nào?

Ho gà sẽ có diễn biến tuần tự như sau:

  • Đầu tiên, bệnh nhân sẽ không sốt hoặc sốt nhẹ (giống như cảm cúm thông thường), ho ít, viêm long đường hô hấp trên và chán ăn, mệt mỏi.
  • Tiếp theo, các cơn ho sẽ kéo dài ngày một nặng nề và trong 1 đến 2 tuần, những cơn ho này sẽ trở thành kịch phát, kéo dài từ 1 đến 2 tháng hoặc lâu hơn.
  • Những cơn ho sẽ liên tục theo từng cơn và kéo dài, kèm theo đó là thở rít vào như tiếng gà gáy sau mỗi cơn ho.
  • Có hiện tượng nôn ói sau khi ho.
  • Sau mỗi cơn ho, trẻ sẽ có dấu hiệu mệt bơ phờ, đẫm mồ hôi và thở gấp.

Ho gà gây ra biến chứng gì?

Nếu như không được điều trị đúng cách và kịp thời, bệnh ho gà có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng như:

  • Viêm phế quản phổi hoặc viêm phế quản do hiện tượng bội nhiễm.
  • Chứng khó thở/ngừng thở do các cơn ho kéo dài, có khả năng gây tử vong cao đối với trẻ em dưới 1 tuổi.
  • Nhiều người ho quá nhiều sẽ gây ra chứng thoái vị ruột, lồng ruột, sa trực tràng...
  • Ở trường hợp nặng hơn, ho gà có thể gây ra hiện tượng vỡ phế nang hoặc tràn khí trung thất, tràn khí màng phổi...
  • Tỷ lệ gây ra biến chứng viêm não – một biến chứng rất nặng – là khoảng 0.1%, tuy nhiên, tỷ lệ ho gà để lại di chứng và gây tử vong cũng khá cao nếu không điều trị nhanh chóng.
vicare.vn-ho-ga-la-ho-nhu-nao-body-1
Trẻ em dưới 5 tuổi là đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh ho gà cao nhất

2. Các nguyên nhân gây bệnh ho gà

Bệnh ho gà có phương thức lây nhiễm rất mạnh và chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp, có dịch tiết từ niêm mạc mũi họng khi hắt hơi hoặc ho. Nếu từng phơi nhiễm nước miếng của bệnh nhân, bạn cũng có khả năng mắc bệnh.

Theo các thống kê, tỷ lệ mắc bệnh do tiếp xúc với bệnh nhân trong cùng gia đình lên đến 90% - 100%. Tỷ lệ mắc bệnh ho gà cao nhất là nhóm trẻ em dưới 5 tuổi do sức đề kháng của các bé còn kém và thường xuyên tiếp xúc với các bạn ở trường học, công viên...

3. Điều trị - phòng chống bệnh ho gà

Điều trị bệnh ho gà

Nguyên tắc điều trị bệnh ho gà đặc hiệu sử dụng Erythromycin với liều 50mg/kg thể trọng/ngày, uống liên tục trong 14 ngày.

Đối với trẻ em dưới 1 tuổi, phải cho bé nhập viện sớm ngay khi phát hiện dấu hiệu đầu tiên của bệnh nhằm theo dõi các cơn ngạt thở, hút đờm dãi và cho bé thở oxy, bù nước khi cần thiết.

Hạn chế khả năng bội nhiễm bằng Amoxicillin hoặc Cephalosporin.

Bên cạnh đó, nếu bệnh phát triển và gây ra biến chứng trầm trọng hơn, bác sỹ sẽ phối hợp điều trị chống co giật, chống phù, suy hô hấp hay các biến chứng thần kinh.

Phòng chống bệnh ho gà

Biết được ho gà là ho như thế nào cũng như các biến chứng nặng nề của nó đối với trẻ em, việc phòng chống bệnh cho bé là cực kỳ cần thiết. Tiêm chủng vắc xin ho gà là một trong những cách hiệu quả nhất.

Hiện nay, các nhà sản xuất đã đưa ra thị trường 2 loại vắc xin ho gà:

  • Vắc xin toàn tế bào: có chứa toàn bộ 3000 kháng nguyên của Bordetella Pertussis.
  • Vắc xin vô bào: chỉ có chứa khoảng 1 đến 5 kháng nguyên đặc hiệu. Mỗi loại vắc xin ho gà vô bào khác nhau sẽ có sự khác nhau về số lượng kháng nguyên, nồng độ kháng nguyên cũng như phương pháp tinh khiết – khử độc.
vicare.vn-ho-ga-la-ho-nhu-nao-body-2
Tiêm chủng vắc xin ho gà là một trong những cách phòng bệnh hiệu quả nhất

Trong hai loại vắc xin trên, vắc xin ho gà vô bào được các bác sỹ đánh giá cao và khuyên dùng nhiều hơn do các ưu điểm sau đây:

  • Ít gây ra các phản ứng tại chỗ như đau, sưng tấy vùng tiêm,... và phản ứng toàn thân (sốt) so với vắc xin toàn tế bào.
  • Bé sau khi tiêm vắc xin này ít quấy khóc và hạn chế được tình trạng mất ngủ, đau sau tiêm.
  • Được CDC Hoa Kỳ khuyến cáo sử dụng và áp dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới.
  • Chi phí tiết kiệm và bảo vệ sức khỏe của bé toàn diện.
  • Có thể tiêm cho bé từ 2 tháng tuổi trở lên mà vẫn an toàn.

Qua bài viết này, hẳn bạn đọc đã biết rõ hơn ho gà là ho như thế nào cũng như một số giải pháp điều trị - phòng tránh bệnh ho gà cho trẻ em và cả người trưởng thành. Mỗi gia đình hãy thực hiện tiêm phòng, đặc biệt là đối với trẻ em, để bảo vệ sức khỏe cho chính mình và những người xung quanh.

Xem thêm:

  • Khi trẻ ho, có cần kiêng ăn thịt gà, tôm?
  • Những sai lầm khi điều trị bệnh ho gà ở trẻ em
  • Bệnh ho gà nguy hiểm như thế nào nếu không điều trị kịp thời?