Hình ảnh về bệnh đau mắt hột

Bệnh đau mắt hột là một căn bệnh nhiễm khuẩn xảy ra tại mắt, bệnh rất dễ lây lan từ mắt người bệnh sang mắt người lành thông qua những vật dụng trung gian như tay, đồ dùng chung, nước bẩn và ruồi. Căn bệnh này tưởng chừng không có gì nguy hiểm, nhưng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, nó có thể dẫn tới nhiều biến chứng, thậm chí có thể gây mù lòa cho bệnh nhân. Xin mời quý vị cùng chúng tôi đi tìm hiểu về triệu chứng, hình ảnh về bệnh đau mắt hột cho đến cách điều trị và phòng ngừa căn bệnh này.

Hình ảnh về bệnh đau mắt hột Hình ảnh về bệnh đau mắt hột

Trước tiên chúng ta cùng tìm hiểu xem đâu là nguyên nhân gây ra căn bệnh đau mắt hột.

Nguyên nhân gây bệnh đau mắt hột

Vi khuẩn Chlamydia trachomatis là nguyên nhân gây ra căn bệnh đau mắt hột. Ngoài ra loại vi khuẩn này còn có thể gây bệnh ở đường hô hấp và phổi ở trẻ em, ở đường sinh dục của người lớn. Bệnh lây truyền qua việc tiếp xúc với dịch tiết từ mắt hoặc mũi của người bị bệnh thông qua những vật dụng trung gian như tay, gối, khăn, chậu,..., nước bẩn, ruồi.

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh như là:

  • Điều kiện sống thấp: điều này cho phép vi khuẩn lây nhiễm sinh sống và phát triển.
  • Điều kiện sống đông đúc: nhiều người cùng sinh sống trong một không gian chật hẹp cũng có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao hơn.
  • Vệ sinh kém: việc vệ sinh kém và thiếu vệ sinh, đặc biệt là tay và mắt khiến bệnh dễ lây lan hơn.
  • Tuổi tác: bệnh đau mắt hột gặp ở trẻ em nhiều hơn người lớn. Trẻ em từ 4 đến 6 tuổi dễ mắc bệnh nhất.
  • Điều kiện vệ sinh kém: tại những nơi không có nhà vệ sinh hoặc có nhiều côn trùng như ruồi, nhặng khiến bệnh dễ lây lan và bùng phát thành dịch.
vicare.vn-hinh-anh-ve-benh-dau-mat-hot1

Triệu chứng, hình ảnh về bệnh đau mắt hột

Bệnh đau mắt hột thường bắt đầu một cách âm thầm, kín đáo và thường gây bệnh ở cả 2 mắt. Bệnh gây ra các tổn thương chủ yếu ở kết mạc và giác mạc.

Triệu chứng cơ năng

Bệnh nhân bị đau mắt hột có các biểu hiện như là:

  • Cảm giác ngứa nhẹ và kích ứng ở mắt và mí mắt.
  • Mắt đổ ghèn có chứa chất nhầy hoặc mủ.
  • Mí mắt sưng lên.
  • Mắt nhạy cảm với ánh sáng.
  • Bệnh nhân thấy đau mắt.

Triệu chứng thực thể

Khi thăm khám, bác sĩ sẽ phát hiện các tổn thương ở kết mạc và giác mạc.

Các biểu hiện ở kết mạc

Các biểu hiện ở kết mạc gồm có 3 loại tổn thương đó là:

  • Tổn thương hột: đây là tổn thương cơ bản nhất của bệnh. Lúc mới xuất hiện, hột là những chấm trắng, tròn, rải rác trên diện kết mạc sụn mi, chúng thường nằm cạnh các mạch máu. Sau đó chúng phát triển to ra và nổi lên trên bề mặt, tạo thành bán cầu màu xám nhạt.
  • Tổn thương thẩm lậu (thâm nhiễm): đây là hiện tượng xâm nhập của tế bào viêm, biểu hiện là tình trạng kết mạc phù nề, đục, đỏ làm cho hệ thống mạch máu nằm sai bị mờ đi. Trong khi bình thường chúng ta có thể nhìn thấy rõ các mạch máu trên diện sụn mi.
  • Tổn thương sẹo: đây là những gạch trắng, mảnh, có thể ngắn hoặc dài, nằm rải rác trên sụn mi. Sau đó phát triển thành những nét đậm có nhiều nhánh tạo thành hình giống hoa khế, hình sao, cắt đứt các mạch máu, có thể làm thành một dải sẹo dài.

Các biểu hiện ở giác mạc

Biểu hiện chủ yếu ở giác mạc đó là hột và màng máu tập trung ở vùng rìa giác mạc, thường ở phía trên.

Hột: hột nằm ở vùng rìa hoặc là vết tích của hột (lõm hột) chính là triệu chứng đặc hiệu của bệnh. Hột có hình dạng như sau: rìa hình tròn, dẹt hơn ở kết mạc, có màu xám, hơi nâu, các hột thường xếp thành các chuỗi hạt dọc theo rìa giác mạc trên. Đôi khi chỉ có 2 - 3 hột hoặc vết tích của hột có hình tròn, hơi lõm xuống.

Màng máu: biểu hiện ở phần trên cùng của giác mạc là một vùng đục, xám nhạt có mạch máu xâm nhập vào như hàng rào

vicare.vn-hinh-anh-ve-benh-dau-mat-hot2

Bệnh đau mắt hột phát triển qua mấy giai đoạn?

Bệnh đau mắt hột nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể phát triển qua 5 giai đoạn sau:

  • Giai đoạn viêm - nang: đây là giai đoạn nhiễm trùng mới bắt đầu, có năm hoặc nhiều nang - mụn nhỏ có chứa tế bào lympho, có thể xuất hiện trên bề mặt bên trong của mí mắt.
  • Giai đoạn viêm - cường độ cao: bệnh rất dễ lây nhiễm trong giai đoạn này, bệnh nhân thấy mắt khó chịu, mí mắt trên có thể bị sưng.
  • Giai đoạn sẹo mí mắt: tình trạng nhiễm trùng diễn ra trong thời gian dài dẫn đến hình thành sẹo mí mắt bên trong.
  • Giai đoạn lông mi mọc ngược: do sẹo mí mắt làm cho lông mi mọc ngược vào trong và cọ sát vào giác mạc.
  • Giai đoạn đục giác mạc: giác mạc bị ảnh hưởng bởi tình trạng viêm, viêm liên tục cùng với việc bệnh nhân gãi, dụi mắt dẫn đến đục giác mạc. Nhiễm trùng thứ phát có thể dẫn tới sự phát triển loét trên giác mạc và cuối cùng gây mù một phần hoặc toàn phần.

Dưới đây là phân loại giai đoạn theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO):

TF (Trachoma follicle): là loại viêm mắt hột có hột, đây là tình trạng đau mắt hột nhẹ và vừa, phải có ít nhất 5 hột ở diện sụn mi trên.

vicare.vn-hinh-anh-ve-benh-dau-mat-hot3
  • TI (Trachomatous inflammation): là tình trạng đau mắt hột nặng, có thâm nhiễm lan tỏa trên kết mạc diện sụn mi trên, che khuất ít nhất 50% hệ mạch kết mạc sâu.
  • TS (Trachomatous conjunctival scar): là bệnh đau mắt hột đã xuất hiện sẹo kết mạc. Các dải sẹo hình sao, mạng lưới xuất hiện trên kết mạc mi.
  • TT (Trachomatous trichiasis): là trường hợp đau mắt hột có biến chứng lông mi xiêu cọ vào giác mạc.
  • CO (Corneal opacity): là trường hợp nặng nhất của bệnh đau mắt hột, có thể gây tổn thương trên giác mạc nguy cơ mù lòa.

Chẩn đoán bệnh đau mắt hột như thế nào?

Việc chẩn đoán dựa trên các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng sau:

  • Có hột trên kết mạc sụn mi trên: hột ở trung tâm.
  • Có sẹo điển hình trên kết mạc sụn mi trên.
  • Có màng máu trên giác mạc.
  • Xét nghiệm tế bào học: bằng cách chút hột hoặc nạo nhẹ kết mạc sụn mi trên làm xét nghiệm tế bào học.

5. Các biến chứng của bệnh đau mắt hột

Bệnh đau mắt hột nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có thể dẫn tới các biến chứng sau đây:

  • Biến chứng viêm kết mạc bờ mi.
  • Biến chứng sẹo mí mắt bên trong.
  • Biến chứng biến dạng mí mắt như mí mắt gấp bên trong, lông mi mọc ngược.
  • Biến chứng sẹo giác mạc, viêm loét giác mạc.
  • Biến chứng lông xiêu, lông quặm, khô mắt.

6. Điều trị bệnh đau mắt hột như thế nào?

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh của từng bệnh nhân cụ thể mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Các phương pháp điều trị đau mắt hột bao gồm:

  • Sử dụng thuốc kháng sinh: thuốc Azithromycin được sử dụng để điều trị trong trường hợp không có biến chứng. Điều trị có thể phải lặp lại sau mỗi 6 - 12 tháng.
  • Sử dụng thuốc mỡ tra mắt Tetracyclin: tra mắt 2 lần/ngày trong 6 tháng.
  • Thuốc Erythromycin 250mg uống 4 viên/ngày x 3 tuần.
  • Phẫu thuật mổ quặm.
  • Sử dụng nước mắt nhân tạo và các vitamin.

Lưu ý: tuyệt đối không được dùng phương pháp day kẹp hột. Bởi phương pháp này không loại bỏ được tác nhân gây bệnh mà còn gây chấn thương nặng nề cho kết mạc và tạo thành sẹo giác mạc.

7. Cách phòng ngừa bệnh đau mắt hột

  • Mọi người cần cải thiện vệ sinh môi trường bằng cách: sử dụng nước sạch, xây dựng nhà vệ sinh, diệt ruồi nhặng, xây chuồng gia súc xa nhà, xử lý rác thải đúng nơi quy định.
  • Cần giáo dục ý thức giữ vệ sinh cá nhân: không dùng chung khăn mặt, chậu rửa mặt; rửa mặt bằng nước sạch,...
  • Quản lý chất thải hợp lý: xử lý đúng cách chất thải của con người và động vật.

Như vậy là mọi người đã biết được nguyên nhân, triệu chứng và các hình ảnh về bệnh đau mắt hột cũng như cách điều trị và phòng tránh căn bệnh này. Mọi người cần nâng cao ý thức vệ sinh để phòng tránh bệnh. Nếu bị bệnh, cần phải tới các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và điều trị kịp thời, đúng cách, tránh để dẫn tới những biến chứng nguy hiểm.

Xem thêm :

  • 5 giai đoạn phát triển của bệnh đau mắt hột
  • Bệnh đau mắt hột có thể gây mù lòa
  • Những điều cần biết về bệnh đau mắt đỏ và cách phòng chống dịch bệnh