Hiểm họa chết người từ gói hút ẩm có thể bạn chưa biết
Lời khuyên các chuyên gia cho các bậc cha mẹ có con nhỏ là khi mua những món đồ ăn có gói chống ẩm bên trong, tốt hơn hết hãy vứt bỏ ngay chúng đi, tránh để những 'sát thủ' giấu mặt này rơi vào tầm với của trẻ nhỏ, gây ra tai nạn đáng tiếc...
Hiểm họa chết người từ gói hút ẩm có thể bạn chưa biết
Hiểm họa từ gói chống ẩm
Phần lớn mọi người đều biết trên gói chống ẩm được cảnh báo không được ăn, nhưng ít ai tìm hiều lý do vì sao...? Họ bỏ qua mà không biết rằng đằng sau cái gói nho nhỏ ấy, chứa một nguy cơ không hề nhỏ. Nếu chỉ một chút sơ xuất, rất có thể để lại những di chứng đến khó lường.
Thông tin về các vụ tai nạn từ gói hút ẩm không còn mới, nhưng mỗi khi nhắc đến người ta lại thấy rùng mình vì những di chứng từ gói hút ẩm để lại cho các nạn nhân.
Vào tháng 12/2012, một vụ tai nạn bất ngờ ập đến với bé trai 2 hơn tuổi ở TP Bắc Giang do nghịch gói chống ẩm trong túi bánh gạo. Cháu bé được đưa đến điều trị khoa Kết – Giác mạc (Bệnh viện Mắt Trung ương). Tại đây, cháu bé nhập viện trong tình trạng mắt trái sưng húp, không mở được. Sau 4 ngày điều trị ở viện bé mới có thể mở mắt nhưng toàn bộ mắt trái của cháu mờ đục, ở tròng đen mắt xuất hiện những đốm mờ trắng. Bệnh nhi được xác định bỏng giác mạc và sẽ phải phẫu thuật điều trị.
Tai nạn bất ngờ do nghịch hạt chống ẩm
Một tai nạn đáng thương khác xảy ra với bé trai 8 tuổi tại Trung Quốc. Do tò mò nên cháu bé đã đưa vào mũi ngửi, sau đó cháu hòa nó vào cốc nước, không ngờ chiếc cốc phát nổ, bắn mạnh ra xung quanh và bắn cả vào mắt của cháu bé. Hậu quả để lại là cháu bé bị mù vĩnh viễn.
Thực chất, chất hút ẩm không độc hại, không dễ cháy hay phản ứng với những chất thông thường khi ta sử dụng để bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên, dù là hạt chống ẩm dạng nào cũng không nên cho trẻ cầm chơi để đề phòng hậu họa. Bên cạnh đó, tiếp xúc với bụi từ các hạt này cũng có thể gây kích ứng cho da, mắt, hệ hô hấp và hệ tiêu hóa...
Từ sự việc trên, theo các chuyên gia, không phải mọi trường hợp gói chống ẩm khi hòa vào nước đều phát nổ. Những gói hút ẩm mà chúng ta thường thấy được làm từ silica gel hoặc vôi bột. Silica gel tuy không hút ẩm tốt bằng vôi bột, nhưng an toàn hơn.
Còn những loại gói chống ẩm có thành phần từ vôi, cấu tạo chủ yếu gồm calcium oxide, khi gặp nước sẽ dẫn tới phản ứng hóa học cực mạnh, tỏa ra lượng nhiệt rất lớn, trong một số trường hợp có thể phát nổ và gây bỏng cho những người xung quanh.
Lời khuyên các chuyên gia cho các bậc cha mẹ có con nhỏ là khi mua những món đồ ăn có gói chống ẩm bên trong, tốt hơn hết hãy vứt bỏ ngay chúng đi, tránh để những 'sát thủ' giấu mặt này rơi vào tầm với của trẻ nhỏ, gây ra tai nạn đáng tiếc.
Phòng tránh và xử lý khi bị bỏng từ các gói hút ẩm
- Không cho trẻ tiếp xúc với các sản phẩm chống ẩm, tốt nhất nên kiểm tra cẩn thận và vứt ngay gói chống ẩm nếu có trong món đồ của trẻ.
- Giải thích cho trẻ biết tác hại của gói hút ẩm, ngoài việc gây bỏng mắt, chất bột trong gói hút ẩm có thể kích thích đường hô hấp, tiêu hóa và gây kích ứng cho da...
- Trong trường hợp trẻ bị chất lạ bắn vào mắt, cha mẹ cần nhanh chóng rửa mắt sớm, xối rửa dưới vòi nước sạch trong tư thế bệnh nhân nằm ngửa, mắt mở chủ động hoặc người khác phải vành mi giúp, sau đó đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất...
Nguồn: Gia đình & Xã hội