Dùng thuốc Statin hạ mỡ máu có tác dụng phụ không?
Nhóm thuốc statin là nhóm thuốc hạ mỡ máu đầu tay thường được bác sĩ kê đơn nhằm giảm nguy cơ mắc phải các bệnh tim mạch hay đột quỵ. Phần lớn các bệnh nhân sử dụng statin đều dung nạp tương đối tốt. Tuy nhiên, một số tác dụng bất lợi nghiêm trọng do statin gây ra đã được báo cáo và quan sát thấy ngày càng nhiều trên lâm sàng.
Dùng thuốc Statin hạ mỡ máu có tác dụng phụ không?
Nhóm thuốc statin (bao gồm: atorvastatin, fluvastatin, lovastatin, pitavastatin, pravastatin, rosuvastatin và simvastatin) là nhóm thuốc hạ mỡ máu đầu tay thường được bác sĩ kê đơn nhằm giảm nguy cơ mắc phải các bệnh tim mạch hay đột quỵ. Phần lớn các bệnh nhân sử dụng statin đều dung nạp tương đối tốt. Tuy nhiên, một số tác dụng bất lợi nghiêm trọng do statin gây ra đã được báo cáo và quan sát thấy ngày càng nhiều trên lâm sàng.
Các tác dụng phụ thường gặp của statin
- Có khoảng 5% bệnh nhân khi dùng statin trong thời gian đầu xuất hiện các triệu chứng như ỉa chảy, táo bón, đầy hơi đau bụng và buồn nôn.
- Khoảng 4-9% bệnh nhân báo cáo có triệu chứng đau đầu, 3-5% người bị chóng mặt, nhìn mờ, mất ngủ.
Các tác dụng phụ ít gặp của statin
- Đau hoặc nhược cơ: Một số bệnh nhân sử dụng statin đã báo cáo bị đau nhức cơ bắp, mệt mỏi hay suy yếu các cơ. Biểu hiện có thể là cảm giác khó chịu nhẹ hoặc trầm trọng hơn khiến các hoạt động trở nên khó khăn. Chỉ vài trường hợp trên 1 triệu người dùng statin có tổn thương viêm cơ, tiêu cơ vân gây đau cơ dữ dội dẫn đến suy thận cấp thứ phát do myoglobin niệu và đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, khi bạn gặp phải bất kì triệu chứng đau cơ nào, cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để được tư vấn.
- Tăng nguy cơ tiến triển đái tháo đường type 2: Sử dụng statin có nguy cơ làm cho lượng glucose máu tăng lên đối với người bệnh đái tháo đường type 2. Điều này sẽ khiến bệnh tiến triển hơn ở người bị đái tháo đường type 2. Để hạn chế nguy cơ này Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã đưa ra cảnh báo trên nhãn thuốc statin và khuyến cáo các bác sĩ nên lưu ý khi kê đơn có statin cho người bị đái tháo đường.
- Ảnh hưởng đến thần kinh: Bệnh nhân sử dụng statin có thể bị ảnh hưởng đến chức năng nhận thức, chủ yếu là mất trí nhớ và lú lẫn nhưng cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ và khí sắc. Tuy nhiên, tác dụng phụ này sẽ giảm đi sau khi người bệnh ngừng dùng thuốc. Vì vậy, khi thấy biểu hiện mất trí nhớ hoặc hay bị nhầm lẫn, hãy ngừng sử dụng statin và báo cho bác sĩ điều trị.
- Những thay đổi chức năng gan và thận: Thuốc hạ mỡ máu statin có thể gây tăng nồng độ men gan không có triệu chứng và thường gặp sớm trong quá trình điều trị. Nếu sự tăng men gan không đáng kể, người bệnh có thể tiếp tục sử dụng thuốc. Nếu men gan tăng quá cao, bạn nên gặp bác sĩ để thay thế một loại statin khác. Mặc dù các tác dụng phụ liên quan đến tổn thương gan rất hiếm gặp và hiếm xảy ra độc tính cho gan, nhưng bác sĩ có thể cho bệnh nhân xét nghiệm men gan trước hoặc ngay sau sử dụng statin. Trong quá trình sử dụng statin, nếu gặp phải các triệu chứng mệt mỏi, thấy trong người yếu đi, đau vùng gan, chán ăn, nước tiểu sẫm màu, vàng da hoặc mắt cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để có hướng xử lí thích hợp.
Khi sử dụng thuốc hạ mỡ máu nhóm statin, bác sĩ và người bệnh cần lưu ý đến các tác dụng phụ trên. Tuy nhiên, tác dụng phụ của statin tương đối hiếm gặp và đối với một số người có thể có nguy cơ cao hơn những người khác phụ thuộc vào các yếu tố như: uống cùng lúc nhiều loại thuốc hạ mỡ máu, người bệnh là nữ giới, người có bệnh gan thận, người từ 65 tuổi trở lên hay người uống quá nhiều rượu...
- Thuốc và thực phẩm có tương tác với statin: Không nên sử dụng statin với nước bưởi vì có thể phá vỡ statin trong hệ thống tiêu hóa. Cần lưu ý một số loại thuốc có thể tương tác với các thuốc statin và làm tăng nguy cơ tác dụng phụ như: amiodarone; gemfibrozil; saquinavir; ritonavir; clarithromycin; itraconazole; cyclosporine.
Một số cách nhận biết tác dụng phụ của statin
- Nghỉ ngơi khi có các biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt hay đau nhức cơ khớp: Đôi khi rất khó xác định các biểu hiện này do statin hay do các vấn đề khác của cơ thể gây ra. Do đó, bạn nên nghỉ ngơi để giúp cơ thể thoải mái, nhằm xác định đúng nguyên nhân gây ra cơn đau của bạn.
- Tập thể dục nhẹ nhàng: Người có mỡ máu cao cần phải thường xuyên tập dục, tạo thói quen vận động. Tuy nhiên, khi bắt đầu sử dụng statin, bạn không nên tập thể dục mạnh và cần phải tạo thói quen dần dần cho cơ thể. Bởi vì việc tập thể dục cũng gây đau cơ bắp, nên rất khó để biết cơn đau có phải do statin hoặc do tập luyện quá sức. Khi đau cơ bắp không rõ lý do trong quá trình sử dụng statin, cần báo ngay cho bác sĩ điều trị để được xử trí kịp thời.
Cân nhắc nguy cơ và lợi ích khi sử dụng statin
Mặc dù statin có thể gây ra một số tác dụng phụ nguy hiểm, nhưng cần nhắc lại rằng các trường hợp này tương đối hiếm gặp. Vì vậy, bác sĩ điều trị cũng như bệnh nhân cần xem xét những lợi ích, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng statin hay quyết định ngừng dùng thuốc. Cho đến nay, statin vẫn là nhóm thuốc hạ mỡ máu có hiệu quả nhất trong việc giảm nguy cơ các bệnh tim mạch. Ngay cả khi tác dụng phụ của statin gây khó chịu, bạn cũng không được ngừng dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Trong các hướng dẫn điều trị giảm cholesterol, liệu trình điều trị thường bao gồm hai bước:
Bước 1 là thay đổi lối sống bao gồm tập thể dục, giảm cân nặng nếu thừa cân hoặc béo phì, không uống rượu bia, hút thuốc lá, thay đổi chế độ ăn bằng cách tăng cường rau xanh, hạn chế mỡ động vật và thực phẩm chứa nhiều chất béo.
Nếu 1 tháng thay đổi lối sống mà nồng độ cholesterol máu vẫn cao, bác sĩ sẽ chuyển sang bước hai là kê thuốc giảm cholesterol mà nhóm thuốc đầu tay được kê là statin. Chính vì vậy, khi gặp tình trạng mỡ máu cao, người bệnh cần phải lưu ý những thông tin về tác dụng phụ nêu trên của statin để có biện pháp xử lý phù hợp khi gặp phải.
Xem thêm:
- Những loại thực phẩm giúp hạ mỡ máu mà không cần dùng thuốc
- Thông tin về bệnh mỡ máu cao và những điều cần lưu ý
- Mỡ máu bao nhiêu được gọi là cao?