Đúng dự báo: Chu kỳ dịch sởi 2018 đang trở lại, hoành hành mạnh
Theo các nghiên cứu dịch tễ, dịch sởi có chu kỳ lặp lại khoảng 4-5 năm một lần. Chu kỳ dịch sởi 2018 đang quay trở lại và thực tế đã ghi nhận nhiều ca mắc sởi hơn so với năm trước. Dịch có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.
Đúng dự báo: Chu kỳ dịch sởi 2018 đang trở lại, hoành hành mạnh
Trong giai đoạn cuối năm 2018, dịch sởi đang có nguy cơ bùng phát. Chu kỳ dịch bệnh đang quay trở lại và thực tế đã ghi nhận nhiều ca mắc sởi hơn so với năm trước.
Tình hình dịch sởi 2018 đang diễn biến phức tạp
Trong 11 tháng đầu năm 2018, Hà Nội đã ghi nhận gần 4.700 ca mắc sởi. So với cùng kỳ năm 2017, số ca trên toàn thành phố cao gấp khoảng 5 lần.
Dịch sởi 2018 còn lan ra các thành phố trên cả nước. Tại thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xuất hiện nhiều ca mắc sởi mới. Thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố ngày 28/11/2018 cho biết: Trong 1 tuần, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận thêm 66 trường hợp mắc bệnh sởi phải nhập viện điều trị, bệnh tăng 7% so với tuần trước. Tính tổng từ đầu năm đến nay, toàn thành phố đã có 521 trẻ mắc sởi, trong khi cùng kỳ năm 2017 không có ca sởi nào được ghi nhận.
Còn tại Đắk Lắk, theo Trung tâm Y tế Dự phòng Tỉnh thì tình hình bệnh sởi đang có những diễn biến phức tạp về số lượng ca mắc. Ca sởi đầu tiên trên địa bàn được phát hiện vào đầu tháng 10/2018, đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 44 trường hợp mắc sởi.
Đây chỉ là ba trong số các tỉnh thành có số ca mắc sởi cao trong năm 2018. Ngoài ra còn các tỉnh thành khác như Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh, Đồng Nai, Vĩnh Phúc...
Năm 2018 là năm chu kỳ (trở lại) của dịch sởi tại Việt Nam
Dịch sởi thường xuất hiện mang tính chu kỳ khoảng 4 đến 5 năm một lần khi tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng không đạt bao phủ. Vụ dịch sởi lớn gần đây nhất vào năm 2014 với trên 140 trẻ em tử vong do sởi và các bệnh cơ hội sau khi trẻ mắc sởi.
Giai đoạn năm 2013-2014, dịch sởi xảy ra trên diện rộng chủ yếu ở nhóm đối tượng dưới 10 tuổi chưa được tiêm vắc xin sởi, tại những địa phương có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin sởi thấp trong những năm trước đó hoặc có sự biến động dân cư cao. Nếu tính theo chu kỳ thì năm 2018 được dự báo sẽ là năm sởi bước vào giai đoạn gia tăng trở lại và có nguy cơ bùng phát thành dịch.
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương: Sau khoảng 4 năm, dịch sởi 2018 có thể bước vào chu kỳ lặp lại của năm 2014, rất đáng lo ngại. Nếu như mọi năm chỉ ghi nhận khoảng 100 ca mắc thì từ đầu năm 2018 đến nay đã có khoảng 250 ca mắc tại bệnh viện Nhi Trung ương. Con số tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ mọi năm cũng là điều mà các bác sĩ chú ý cảnh báo với cộng đồng, chú ý hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng và tại bệnh viện.
Bệnh sởi có nguy hiểm không?
Theo bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh: Sởi là một trong những bệnh nguy hiểm, có tính lây truyền có thể gây dịch lớn. Vào những thời điểm giao mùa, sức đề kháng của trẻ bị suy giảm nên dễ tạo điều kiện cho virus gây bệnh phát triển.
Sởi là bệnh rất nghiêm trọng ở trẻ nhỏ và trẻ suy dinh dưỡng, các bé mắc bệnh có nguy cơ đối mặt với biến chứng viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy và viêm não có thể gây tử vong. Trẻ mắc bệnh sởi có nguy cơ thiếu vitamin A, nếu thiếu vitamin A nặng có thể dẫn đến mù loà.
Virus sởi lây lan rất mạnh, nếu tiếp xúc trong khoảng ngắn khoảng 1 mét hoàn toàn có thể lây virus sởi. Với đặc tính lây lan mạnh như thế thì không căn cứ vào mùa nào sởi sẽ bùng phát. Do đó, các gia đình cần phải chú ý vệ sinh sạch sẽ mũi, họng, tay chân cho trẻ để không chỉ phòng sởi mà còn phòng cả những bệnh vào thời điểm giao mùa như cúm, tay chân miệng.
Ngoài ra, để đề phòng dịch sởi 2018 bùng phát, các gia đình phải chú ý đưa con đi tiêm vắc xin sởi theo lịch tiêm chủng mở rộng. Hiện nay, Bộ Y tế đang quy định trên 9 tháng cho trẻ đi tiêm phòng sởi, nhưng một số chuyên gia đang đề nghị Bộ Y tế có quyết định tiêm sớm hơn, cho các trẻ từ 6 tháng tuổi dựa trên miễn dịch cộng đồng đang giảm xuống. Đặc biệt, các bà mẹ đang lứa tuổi sinh đẻ nên đi tiêm phòng sởi - rubella để nâng cao miễn dịch cho mẹ và 9 tháng đầu cho con mình.
Phòng bệnh cho trẻ trong giai đoạn dịch sởi 2018 có nguy cơ bùng phát
Tiêm vắc xin ngừa sởi
- Tiêm vắc xin là biện pháp phòng sởi an toàn nhất trong giai đoạn dịch sởi 2018 đang hoành hành. Vắc xin có thể có hiệu lực ngay sau khi tiêm.
- Tiêm vắc xin phòng bệnh sởi theo lịch tiêm chủng mở rộng của Việt Nam: Mũi đầu khi trẻ được 9 tháng, mũi 2 khi trẻ được 18 tháng.
- Tiêm phòng muộn không ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch.
- Trường hợp đã tiếp xúc với nguồn lây trong dịch sởi 2018: Có thể dùng globulin miễn dịch để phòng ngừa hoặc làm giảm mức độ nặng của bệnh.
Vệ sinh cá nhân và môi trường
- Khi phát hiện trẻ mắc bệnh sởi cần cách ly trẻ bệnh với trẻ lành.
- Đảm bảo tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng sát khuẩn.
- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh.
- Tránh tối đa việc dụi mắt, mũi.
- Vệ sinh đường mũi, mắt hàng ngày.
- Lau nhà, bàn, ghế, cầu thang, đồ chơi, nơi khu vực vệ sinh chung bằng xà phòng hoặc chất tẩy rửa thông thường.
Các dấu hiệu nghi ngờ trẻ mắc sởi
- Khi phát hiện các dấu hiệu như sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban, cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị nhằm phòng những diễn biến nặng của bệnh sởi.
- Hạn chế đưa trẻ đến các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện.
Dịch sởi 2018 đang lây lan trên diện rộng, vì vậy các bậc cha mẹ cần đề phòng và chú ý theo dõi/chăm sóc sức khỏe cho trẻ, đặc biệt cần tiêm phòng đầy đủ, bổ sung dinh dưỡng và hạn chế tới các khu vực đông người.
Xem thêm:
- Bệnh sởi có thể gây nên biến chứng nặng gì?
- Báo động: Dịch sởi bùng phát tại nhiều nơi có tỷ lệ tiêm phòng sởi thấp
- Mách mẹ cách chữa bệnh sởi nhanh nhất