Đừng chủ quan bệnh hắc lào
Hắc lào gây ngứa ngáy rất khó chịu ở vùng da bị tổn thương, cả ngày lẫn đêm, làm ngứa nhiều hơn khi về đêm, đổ mồ hôi hoặc thời tiết nóng bức. Đừng chủ quan với bệnh hắc lào vì nếu bệnh không điều trị kịp thời bệnh sẽ lây sang những vị trí khác của cơ thể, tăng mức độ tổn thương trên da, chàm hóa.
Đừng chủ quan bệnh hắc lào
Nguyên nhân gây bệnh hắc lào là gì?
Nhóm vi nấm Dermatophytes gồm Trychophyton, Microsporum và Epidermophyton là nguyên nhân chính gây ra bệnh hắc lào. Ở điều kiện bình thường loại vi nấm này không thể gây bệnh mà chúng chỉ gia tăng số lượng khi có thời cơ – những thời cơ này được tạo ra trực tiếp từ những thói quen hàng ngày của con người.
Môi trường ẩm ướt
Sinh sống và làm việc trong môi trường ẩm ướt là nguyên nhân gây bệnh hắc lào. Ngoài ra thường xuyên mặc quần áo ẩm ướt cũng là môi trường thích hợp để bệnh hắc lào sinh trưởng và phát triển.
Vệ sinh không sạch sẽ
Việc vệ sinh cơ thể, đồ dùng cá nhân, không gian sống không sạch sẽ cũng là một trong những nguyên nhân gây bệnh hắc lào.
Sử dụng nguồn nước không sạch
Nguồn nước bẩn là môi trường thuận lợi cho vi nấm ký sinh và ẩn náu. Sử dụng nguồn nước này chính là tạo điều kiện cho vi nấm xâm nhập và gây bệnh.
Dùng chung đồ cá nhân
Việc sử dụng chung đồ cá nhân với người nhiễm hắc lào cũng là nguyên nhân giúp bệnh lác đồng tiền lây lan.
Dấu hiệu bệnh hắc lào
Hắc lào là một bệnh về da khá phổ biến. Bệnh thường thấy ở mọi lứa tuổi và theo một vài nghiên cứu thì tỉ lệ nam bị hắc lào cao hơn ở nữ. Do là bệnh ngoài da, vì vậy hắc lào dễ dàng quan sát và phát hiện bệnh sớm. Những biểu hiện đầu tiên của bệnh chính là tình trạng ngứa ngoài da, nổi mụn đỏ, mẩn đỏ, mụn nước ở một khu vực da, những cơn ngứa dai dẳng không dứt sẽ khiến bạn vô cùng khó chịu và mệt mỏi. Phần mẩn đỏ, mụn nước thường tập trung nhiều ở phần rìa của vùng da bị bệnh, vết thương này có hình tròn tương tự như đồng tiền xu. Bệnh thường xuất hiện ở vùng bẹn và lan sang các vùng khác khi bạn gãi khiến vết thương lở loét và lây lan.
Phát hiện bệnh sớm khi vừa mới phát tác, vết thương còn nhỏ, cách chữa bệnh hắc lào bằng các loại thuốc bôi ngoài da sẽ có tác dụng tốt vì vậy đừng chủ quan, coi thường, tránh để tình trạng bệnh tiến triển nặng, lan sang nhiều vùng cơ thể. Nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của bạn.
Biến chứng nguy hiểm của hắc lào
Trường hợp không điều trị kịp thời, triệt để và đúng cách thì tổn thương do hắc lào có thể lây lan vùng xung quanh, tăng kích thước, chàm hóa hoặc lây sang người khác do tiếp xúc trực tiếp hay qua quần áo.
Đồng thời, nếu bôi thuốc không đúng cách (bôi sang da lành hay da non, bôi nhầm thuốc bôi da sang vùng niêm mạc,....) có thể gây ra tình trạng phỏng, chảy nước nhiều, ngứa dữ dội, loét da... thậm chí gây nhiễm trùng, bội nhiễm ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt.
Điều trị bệnh hắc lào
Thuốc có thể dùng như bôi cồn BSI 1 - 3% hoặc cồn ASA 1 - 3% kết hợp với mỡ benzosali (các loại thuốc này có bán sẵn tại các hiệu thuốc).
Trong Đông y người ta dùng lá muồng trâu, lá chút chít, rễ cây bạch hạc 30 - 50% điều trị nấm hắc lào cũng có tác dụng.
Dùng nhựa của trái chuối xanh, cắt đôi khi thấy nhựa chảy ra thì chấm vào vết hắc lào, có thể hơi ngứa chút vì "nấm hắc lào đang giãy giụa", cực kỳ nhanh khỏi và hiệu quả không gì bằng.
Tuyệt đối không được cạo da trước khi bôi thuốc (vì như vậy dễ dẫn đến dị ứng và nhiễm khuẩn). Mặc quần áo lót thoải mái và không nên dùng đồ sợi nhân tạo.
Phòng bệnh hắc lào bằng cách nào?
Nguyên nhân gây ra bệnh hắc lào là do sống trong môi trường không vệ sinh, người ra nhiều mồ hôi mà ít tắm giặt, bơi lội trong vùng nước bẩn. Chính vì vậy việc phòng bệnh phải bắt đầu bằng lối sống vệ sinh sạch sẽ, tắm gội và giặt giũ quần áo, chăn màn thường xuyên.
Những người đang bị bệnh, bên cạnh việc dùng thuốc tại chỗ phải diệt nấm ở những vật dụng cá nhân như quần áo, chăn màn... bằng cách luộc ở nước sôi 100 độ C trong vòng 15 phút.
Đối với người lành không mang bệnh không nên mặc quần áo chung với người khác, tránh làm việc nơi ẩm ướt, nếu ra mồ hôi nhiều cần phải thường xuyên tắm giặt và giữ khô những vùng nếp như háng, nách, bẹn. Khi mắc bệnh phải đi khám để được các bác sĩ hướng dẫn chữa trị đúng cách.