Đỡ đẻ bằng giác hút là gì?
Sinh nở luôn là vấn đề mà nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Khi được bác sĩ nhắc đến đỡ đẻ bằng giác hút, các mẹ thường chưa biết nó là gì, nhưng lại được nhiều người truyền miệng phương pháp này rất nguy hiểm, ảnh hưởng đến thai nhi. Vậy thực hư chuyện này là như thế nào? Cùng HoiBenh tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Đỡ đẻ bằng giác hút là gì?
Đỡ đẻ bằng giác hút là gì?
Giác hút là một dụng cụ hỗ trợ đỡ đẻ được các bác sĩ sử dụng đối với những ca đẻ khó. Tên quốc tế của giác hút là Vacuum Extractor, có 2 loại là giác hút bơm tay và giác hút bơm điện.
Tác dụng của giác hút là để kéo. Nhờ áp lực âm, nắp kim loại của giác hút sẽ bám chặt lấy đầu của thai nhi, tạo nên một bướu huyết thanh trên nền sọ cứng, để kéo được thai nhi ra ngoài. Lực bám dính này, tương đương với lực kéo tối đa, cùng phương nhưng ngược chiều. Khi lực kéo vượt quá trị số, thì có thể bật nắp giác hút. Khi kéo giác hút, phải kéo theo phương thẳng góc với nắp giác hút, nếu để nghiêng một góc nào đó, thì khả năng bật nắp của giác hút tỷ lệ thuận với độ lớn của góc lệch.
Những trường hợp chỉ định đỡ đẻ bằng giác hút
- Mẹ rặn lâu nhưng không có chuyển biến thêm, khiến mẹ quá mệt, không còn sức để rặn.
- Mẹ rặn yếu khiến chuyển dạ kéo dài.
- Tầng sinh môn của người mẹ rắn làm cho thai nhi khó sổ ra ngoài.
- Mẹ có mắc một số bệnh nội khoa nhẹ như: hô hấp, tim mạch hoặc nhiễm độc thai nghén.
- Trường hợp suy thai, tim thai đập nhanh hơn 160 lần/phút.
- Ngôi thai kiểu ngôi ngang, thế sau, làm khả năng quay thai hạn chế.
Một số điều kiện có thể quyết định đẻ bằng giác hút
- Khung chậu của người mẹ và thai nhi phải tương xứng với nhau, có nghĩa thai có thể lọt sổ ra ngoài được.
- Cổ tử cung của người mẹ phải mở hết.
- Người mẹ còn sức rặn.
- Cơn co tử cung phải tốt.
- Thai nhi còn sống.
- Ngôi thai là ngôi chỏm, ngôi đã lọt trung bình hoặc lọt thấp.
- Ối đã vỡ.
Những điều kiện này, sẽ giúp cuộc đẻ bằng giác hút sẽ thành công và ít để lại sang chấn cho thai nhi.
Những trường hợp không áp dụng đẻ bằng giác hút
- Mẹ mắc một số bệnh toàn thân như tiền sản giật, sản giật, suy tim, tăng huyết áp...
- Trường hợp dọa vỡ tử cung.
- Tử cung của người mẹ có sẹo cũ.
- Khung chậu người mẹ có bất thường, bị hẹp đoạn eo giữa hoặc eo dưới.
- Cổ tử cung người mẹ chưa mở hết.
- Thai nhi non tháng, có hiện tượng suy dinh dưỡng, kém phát triển trong buồng tử cung.
- Trường hợp suy thai cấp.
- Ngôi thai bất thường, ngôi thai chưa lọt.
- Thai có vấn đề dị dạng, hoặc trường hợp não úng thủy.
- Bướu huyết thanh của thai nhi to.
Ưu và nhược điểm của phương pháp sinh đẻ bằng giác hút
Ưu điểm của phương pháp
- Phương pháp này không cần gây mê.
- Tôn trọng sinh lý của chuyển dạ, hỗ trợ mẹ rặn và cơn co tử cung.
- Thủ thuật này đơn giản, nhẹ nhàng.
- Có thể áp dụng phương pháp được rộng rãi.
- Nếu cân nhắc các điều kiện và chỉ định áp dụng, thì phương pháp này rất ít tai biến.
Nhược điểm của phương pháp
- Phương pháp này không áp dụng cho những mẹ có bệnh lý toàn thân.
- Chỉ áp dụng phương pháp này được với trường hợp ngôi thai chỏm.
- Một số trường hợp, gây tai biến cho thai nhi và mẹ.
Một số vấn đề có thể gặp phải khi sinh đẻ bằng giác hút
Tai biến đối với mẹ
Rách âm đạo, tầng sinh môn.
Có thể bị bí đái, do tổn thương chèn ép vùng cổ bàng quang.
Vỡ tử cung, rách cổ tử cung, trường hợp này khá hiếm.
Tai biến đối với con
Trầy da đầu
Trầy da đầu, có khối máu tụ dưới da đầu, hiện tượng này khá thường gặp. Đa số, những trường hợp này sẽ tự khỏi sau 3 - 5 ngày sau đó.
Tụ máu dưới da đầu là sự hình thành cục máu tụ dưới da, thường do tĩnh mạch hoặc động mạch bị tổn thương. Dẫn đến hiện tượng máu tràn ra khỏi mạch máu, đi vào các mô lân cận xung quanh. Có 2 loại tụ máu do dùng giác hút đỡ đẻ là: u máu đầu (cephalohematoma) và tụ máu dưới cân Galeal (Subgaleal hematoma).
Xuất huyết não, màng não có thể gặp
Xuất huyết não là trường hợp khi lực hút tác động lên đầu bé, làm tổn thương mạch máu, gây chảy máu trong hộp sọ. Có thể gây mất ngôn ngữ, mất trí nhớ, mất khả năng di chuyển tại nơi ảnh hưởng. Tuy nhiên, rất hiếm trường hợp bị xuất huyết não, màng não.
Xuất huyết võng mạc.
Hiện tượng xuất huyết võng mạc có thể do tăng áp lực lên đầu thai nhi. Tình trạng xuất huyết này sẽ biến mất khá nhanh, không để lại biến chứng về sau.
Vàng da
Tình trạng vàng da xuất hiện trên da, niêm mạc, mắt có màu vàng. Nguyên nhân do tăng Bilirubin trong máu. Có thể do tế bào hồng cầu bị vỡ do dùng giác hút, giải phóng bilirubin trong máu. Hiện tượng này có thể biến mất sau 2 - 3 tuần sau đẻ. Bé sẽ được chiếu đèn trong lồng kính để giải hiện tượng vàng da, sau một thời gian, tình trạng này sẽ biến mất.
Xuất huyết dưới màng xương, trường hợp này gặp ít
Tỷ lệ tai biến cho con tăng lên khi bị bật nắp giác hút, áp lực âm hút quá lớn, hoặc do thời gian thực hiện ca đỡ đẻ quá dài.
Tuy nhiên, các mẹ không cần quá lo lắng về sự phát triển của con sau này, mà khi bác sĩ đề cập sinh bằng giác hút các mẹ từ chối ngay. Bởi vì, bác sĩ đã cân nhắc rất kỹ trước khi đưa ra quyết định cho bé và mẹ sinh bằng phương pháp nào, để đảm bảo an toàn nhất cho mẹ và bé.
Theo bác BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh, phòng TCCB, bệnh viện Từ Dũ cho biết, sinh giác hút đúng chỉ định, đúng kỹ thuật thì sẽ không gây ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần, vận động của trẻ. Chỉ khi bị ngạt thì bé mới có nguy cơ ảnh hưởng. Nếu thực sự phương pháp này ảnh hưởng đến sự phát triển tâm thần, vận động của trẻ sau này thì phương pháp này đã bị cấm lâu rồi, chứ không phải vẫn áp dụng đến bây giờ.
Đỡ đẻ bằng giác hút là một trong những phương pháp sử dụng để bắt con trong trường hợp thai khó, mẹ rặn yếu... khiến thai lọt sổ khó khăn. Cân nhắc một số điều kiện và chỉ định, trong giới hạn đảm bảo an toàn cho mẹ và con, bác sĩ cho đẻ bằng giác hút.
Xem thêm:
- Giải đáp nỗi lo: Sinh mổ thì phải khâu mấy lớp?
- Phòng ngừa biến chứng khi sinh như thế nào?
- Quy trình khám và kinh nghiệm đi đẻ tại Bệnh viện Tâm Anh