Điều trị và phòng tránh bệnh sa trực tràng

Sa trực tràng là tình trạng sa trệ của cơ quan vùng chậu. Nó xảy ra khi dây chằng hỗ trợ và các cơ ở vùng sàn chậu bị yếu đi. Sinh con, tuổi tác, và một loạt các yếu tố khác có thể làm cho vách ngăn giữa trực tràng và âm đạo có dạng sợi vốn khỏe, bị suy yếu đi.

Điều trị và phòng tránh bệnh sa trực tràng Điều trị và phòng tránh bệnh sa trực tràng

Hầu hết mọi người có thể điều trị sa trực tràng tại nhà, nhưng một trường hợp nghiêm trọng có thể cần phẫu thuật.

Triệu chứng của bệnh sa trực tràng

Trường hợp sa nhẹ có thể không gây ra triệu chứng. Theo thống kê của Hiệp hội Phẫu thuật Đại tràng và Trực tràng Hoa Kỳ, các chuyên gia y tế thực hiện kiểm tra thể chất thông thường nhận thấy tình trạng sa trực tràng có ở khoảng 40% phụ nữ, mặc dù họ có thể không nhận thấy điều đó.

  • Trong một số trường hợp bệnh nhẹ, người bệnh có thể nhận thấy có áp lực trong âm đạo, hoặc cảm thấy ruột không hoàn toàn rỗng sau khi đi vệ sinh.
  • Trong trường hợp bệnh vừa phải, cần gắng sức để đẩy phân vào trực tràng, quá trình này có thể gây đau và khó chịu. Người bệnh có khả năng bị táo bón cao hơn, có thể bị đau khi quan hệ tình dục. Một số người có thể cảm thấy như có một cái gì đó rơi xuống, xà xuống vùng xương chậu.
  • Trong trường hợp bệnh nặng, người bệnh có thể đi tiêu không tự chủ, đôi khi chỗ phình có thể sa trễ qua ngả âm đạo, hoặc hậu môn.
vicare.vn-dieu-tri-va-phong-tranh-benh-sa-truc-trang-body-1

Nguyên nhân gây sa trực tràng

Bệnh sa trực tràng thường xảy ra khi người phụ nữ mang thai và sinh con, nguy cơ cũng tăng theo tuổi, và có nhiều các yếu tố nguy cơ khác nữa. Nguyên nhân cơ bản là sự suy yếu của các cấu trúc hỗ trợ vùng chậu và vách ngăn trực tràng (lớp mô ngăn cách âm đạo với trực tràng).

Mang thai và sinh nở

Có nhiều khả năng bị sa trực tràng khi sinh con nếu em bé quá to (nặng hơn 4kg), nếu thời gian chuyển dạ kéo dài, hoặc mang đa thai (ví dụ sinh đôi).

Phụ nữ càng sinh đẻ nhiều lần qua đường âm đạo, càng có nhiều nguy cơ phát triển bệnh sa trực tràng, nguy cơ thấp hơn khi sinh mổ, nhưng vẫn có thể xảy ra.

Tuổi cao

Ở độ tuổi 50, khoảng một nửa số phụ nữ có các triệu chứng của bệnh sa các cơ quan vùng chậu. Đến 80 tuổi, cứ 10 người thì có 1 người sẽ được phẫu thuật cắt bỏ các cơ quan vùng chậu bị sa trễ.

Nếu sa trực tràng nhẹ, người bệnh có thể không nhận thấy. Nếu bị sa trễ nặng, họ có thể nhận thấy mô nhô ra qua cửa âm đạo, có thể gặp khó chịu, áp lực, và bị đau trong một số trường hợp.

Những yếu tố khác

Sau đây là các yếu tố nguy cơ khác của bệnh sa trực tràng:

  • Giảm nồng độ estrogen khi mãn kinh, làm cho các mô vùng chậu kém đàn hồi
  • Cắt bỏ tử cung hoặc phẫu thuật vùng chậu khác
  • Táo bón mãn tính
  • Ho lâu, chẳng hạn như viêm phế quản mãn tính
  • Bị lạm dụng tình dục trong thời thơ ấu
  • Béo phì hoặc thừa cân
  • Thường xuyên nâng vật nặng

Có thể có mối liên hệ gián tiếp giữa bệnh sa trực tràng với bệnh trĩ. Một người có các yếu tố nguy cơ khác cũng rất dễ bị táo bón mãn tính, khi gắng sức rặn để đi tiêu có thể làm tăng áp lực trong ổ bụng, điều này có thể gây ra bệnh sa trực tràng.

Nếu một người trải qua phẫu thuật phụ khoa hoặc trực tràng, điều này cũng có thể làm suy yếu khu vực sàn chậu và dẫn đến sa trực tràng.

Ở nam giới, bệnh sa trực tràng phát triển có thể là kết quả của phẫu thuật cắt bỏ tuyến tiền liệt (cắt u lành hoặc điều trị ung thư tuyến tiền liệt).

Phụ nữ có nhiều khả năng bị bệnh sa trực tràng hơn nam giới.

vicare.vn-dieu-tri-va-phong-tranh-benh-sa-truc-trang-body-2

Chẩn đoán sa trực tràng

Một bác sĩ thường sẽ chẩn đoán sau khi kiểm tra âm đạo và trực tràng, sau đó dùng hình ảnh chụp để xác định kích thước của chỗ sa trễ. Những ảnh hưởng của chỗ sa trễ đến cuộc sống của người bệnh có thể giúp đánh giá mức độ bệnh.

Nếu bác sĩ tìm thấy điều gì đó bất thường trong khi khám, họ có thể đề nghị kiểm tra hình ảnh, chẳng hạn như MRI hoặc X-quang, để kiểm tra nguyên nhân có thể của vấn đề.

Phương pháp chụp X-quang trực tràng hoạt động sẽ giúp bác sĩ xác định kích thước của sa trực tràng và cách bệnh nhân gắng sức rặn khi đi tiêu như thế nào.

Điều trị sa trực tràng

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh sa trực tràng, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị tại nhà, dùng thuốc, hoặc phẫu thuật nếu cần.

Biện pháp điều trị tại nhà

Những phương pháp sau đây có thể giúp ngăn ngừa bệnh sa trực tràng phát triển, còn nếu đã bị bệnh thì sẽ ngăn chặn các triệu chứng bệnh trở nên tồi tệ hơn.

  • Các bài tập sàn chậu, chẳng hạn như bài tập Kegel, có thể tăng cường cơ sàn chậu.
  • Uống nhiều nước và ăn thực phẩm nhiều chất xơ có thể làm giảm táo bón. Căng thẳng, gắng sức trong thời gian đi đại tiện có thể làm cho bệnh tồi tệ hơn. Tránh táo bón có thể giúp ngăn ngừa điều này.
  • Tránh nâng vật nặng cũng giúp ngăn ngừa các triệu chứng bệnh xấu đi.
  • Điều trị ho kéo dài có thể làm giảm căng thẳng cho các cơ sàn chậu.
  • Người bị béo phì hoặc thừa cân được khuyến khích giảm cân.

Dùng thuốc

  • Thuốc làm mềm phân để giảm táo bón
  • Liệu pháp thay thế hormone (HRT) để sử dụng sau khi mãn kinh.
  • Vòng đặt âm đạo, một vòng tròn bằng nhựa hoặc cao su được đưa vào âm đạo để nâng đỡ các mô nhô ra.

Biện pháp phẫu thuật

Bác sĩ có thể chỉ định biện pháp can thiệp cho các vấn đề khác nhau của nhóm bệnh lý sa trễ các cơ quan vùng chậu bao gồm: phẫu thuật sửa chữa âm đạo, cắt bỏ tử cung, phẫu thuật nâng tử cung hoặc âm đạo,.... Đặc biệt là kỹ thuật nâng sa bàng quang qua ngả âm đạo bằng lưới TOT hiệu quả cao, rút ngắn thời gian nằm viện. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ có thể loại bỏ các mô bị sa trễ nhiều hoặc bị hư hỏng.

Bác sĩ phụ khoa sẽ thảo luận về các cách thức phẫu thuật với bệnh nhân, sự lựa chọn có thể phụ thuộc vào mức độ bệnh và tình trạng của từng người, bao gồm tuổi tác, sức khỏe nói chung, có muốn sinh thêm con hay không. Bệnh nhân cũng nên thảo luận với bác sĩ về ưu và nhược điểm của các loại phẫu thuật trước khi quyết định phẫu thuật.

Các phẫu thuật này có thể mất từ 6-8 tuần để phục hồi hoàn toàn. Người bệnh nên tránh nâng vật nặng, quan hệ tình dục trong thời gian này. Tuy nhiên vẫn có khả năng bệnh tái phát sau khi làm phẫu thuật.

Phòng ngừa bệnh sa trực tràng

Một số thói quen sinh hoạt có thể giúp phòng tránh bệnh hoặc ngược lại làm cho bệnh tồi tệ hơn.

  • Sau khi sinh con: Những phụ nữ vừa mới sinh con nên thường xuyên thực hiện các bài tập Kegel.
  • Bệnh ho mãn tính: Những người bị ho dai dẳng, nhiễm trùng ngực và các vấn đề về phổi khác nên đi khám để điều trị dứt điểm bệnh. Hút thuốc lá sẽ gây ra các bệnh về phổi, về lâu dài có khả năng gây sa trực tràng, vì vậy nên tránh.
  • Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh: việc này có thể giúp làm giảm nguy cơ phát triển bệnh. Một chế độ ăn uống lành mạnh và uống nhiều nước có thể giúp tránh táo bón. Trong trường hợp bị táo bón, nên tránh gắng sức rặn trong thời gian dài khi đi tiêu.
  • Những người đã bị sa trực tràng nên tránh các hoạt động như nâng vật nặng, vì chúng có thể làm cho bệnh nặng hơn.

Xem thêm:

  • Mắc bệnh ung thư trực tràng có chữa được không?
  • Sàng lọc định kỳ - "Chìa khóa vàng" ngăn ngừa ung thư trực tràng
  • 5 dấu hiệu nhận biết sớm nhất của ung thư trực tràng