Điều trị tiền sản giật, tránh biến chứng nghiêm trọng cho mẹ và bé
Mang thai là một thiên chức thiêng liêng của người phụ nữ. Tuy nhiên, đây cũng là một giai đoạn cực kỳ vất vả của người mẹ khi phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ, trong đó có tiền sản giật. Cách điều trị tiền sản giật hiệu quả sẽ giúp mẹ và bé tránh được các biến chứng nguy hiểm.
Điều trị tiền sản giật, tránh biến chứng nghiêm trọng cho mẹ và bé
Tiền sản giật là một bệnh lý do thai nghén và xảy ra ở khoảng 5-10% phụ nữ mang thai. Chính vì mức độ nghiêm trọng và phổ biến của bệnh, phụ nữ mang thai cần phải có kiến thức về tiền sản giật để nhận biết cũng như xử lý kịp thời. Qua bài viết dưới đây, HoiBenh sẽ giúp các bà mẹ hiểu rõ hơn về tiền sản giật và biện pháp xử trí, điều trị tiền sản giật khi bệnh lý này xảy ra.
Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật là một rối loạn xảy ra ở phụ nữ có thai thường xảy ra sau tuần lễ thứ 20 của thai kỳ. Bệnh lý này được đặc trưng bởi hiện tượng tăng huyết áp và xuất hiện protein niệu, có hoặc không phù.
Trước đây, tiền sản giật được gọi là nhiễm độc thai nghén hay hội chứng protein niệu. Tuy nhiên, hiện nay người ta nhận thấy cao huyết áp mới là triệu chứng thường gặp nhất và gây nên các biến chứng trầm trọng cho thai phụ và thai nhi.
Các yếu tố nguy cơ xuất hiện tiền sản giật
Cho đến nay, nguyên nhân gây ra tiền sản giật vẫn chưa được làm rõ. Người ta chỉ nhận thấy mối liên quan giữa tiền sản giật và một số yếu tố có thể góp phần làm xuất hiện bệnh như sau:
- Người mẹ sinh con lần đầu hoặc đã mang thai nhiều lần.
- Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi hoặc dưới 20 tuổi.
- Tiền sử gia đình có người từng mắc sản giật, tiền sản giật.
- Người mẹ có tiền sử tăng huyết áp mạn tính.
- Người mẹ mắc bệnh thận, bệnh mô liên kết, béo phì, hút thuốc lá, bị stress hay có bệnh lý về tim mạch.
- Người mẹ mắc bệnh đái tháo đường hoặc đái tháo đường do thai kỳ.
- Thai phụ mang đa thai, đa ối.
Biểu hiện của tiền sản giật
Cao huyết áp
Đây là triệu chứng cơ bản được dùng để chẩn đoán xác định tiền sản giật.
Khi thai từ 20 tuần tuổi trở lên, nếu chỉ số huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg thì thai phụ được xác định cao huyết áp.
Các trường hợp có hiện tượng huyết áp tâm thu tăng hơn 30mmHg hoặc huyết áp tâm trương tăng hơn 15mmHg so với trị số huyết áp khi chưa có thai cần được quan tâm đặc biệt, vì có nguy cơ cao xuất hiện tiền sản giật. Để xác định đúng chỉ số huyết áp, cần phải đo ít nhất 2 lần cách nhau 6 giờ sau khi nghỉ ngơi.
Phù
Hiện tượng có thể có hoặc không ở bệnh nhân tiền sản giật. Một số trường hợp phù nhẹ, rất khó phát hiện, chỉ khi ấn lên mắt cá chân mới nhận thấy hoặc buổi sáng thai phụ sẽ cảm thấy hơi nặng mặt.
Thông thường, thai phụ có biểu hiện phù toàn thân, lõm khi ấn vào và tăng cân nhanh. Nếu phù nhiều, các chi sẽ to lên, ngón tay tròn, mặt hơi nặng, mí mắt húp lại, âm hộ sưng to. Đôi khi, phù ở phủ tạng, phù phúc mạng nên có nước trong ổ bụng, màng phổi, não. Bệnh nhân bị nhức đầu, mờ mắt do võng mạc bị phù.
Protein niệu
Thường là dấu hiệu sau cùng trong bộ ba triệu chứng đặc trưng.
Cần lấy mẫu nước tiểu xét nghiệm protein niệu trong 24 giờ. Kết quả protein niệu dương tính khi lượng protein lớn hơn 300 mg/lít/24 giờ hoặc trên 500 mg/lít/ mẫu nước tiểu ngẫu nhiên.
Ngoài ra, người bị tiền sản giật còn xuất hiện các dấu hiệu như: tăng phản xạ gân xương, thiểu niệu (lượng nước tiểu bé hơn 500 ml trong 24 giờ), nhức đầu, chóng mặt, nhìn mờ, đau vùng thượng vị.
Tiền sản giật có thể gây ra biến chứng gì?
- Biến chứng cho mẹ: xuất huyết não hay màng não, phù não; mờ mắt, mù mắt; suy thận cấp; chảy máu dưới bao gan, vỡ gan; suy tim cấp, phù phổi cấp (thường gặp trong tiền sản giật nặng hoặc sản giật).
- Biến chứng cho thai: tới khoảng 56% trường hợp thai nhi bị chậm phát triển trong tử cung, 40% trường hợp đẻ non do tiền sản giật nặng hoặc sản giật phải cho đẻ sớm.
Tiền sản giật nặng hay sản giật có thể tiến triển thành hội chứng HELLP (hội chứng tan huyết, tăng các men gan và giảm tiểu cầu) có thể đe dọa tính mạng cả mẹ và con.
Biện pháp điều trị tiền sản giật
Nếu phát hiện các yếu tố nguy cơ tiền sản giật ở thai phụ, nhân viên y tế cần giải thích cho người bệnh và gia đình về bệnh, yêu cầu theo dõi sát sao các dấu hiệu xuất hiện bệnh lý này. Khi có bất kỳ triệu chứng nào của tiền sản giật, thai phụ cần được điều trị ở các bệnh viện chuyên khoa và được theo dõi chặt chẽ. Bệnh viện điều trị bệnh nhân tiền sản giật yêu cầu phải có chuyên khoa sản, chuyên khoa hồi sức và phòng phẫu thuật.
Đối với tiên lượng tiền sản giật nhẹ
Có thể điều trị và theo dõi ở tuyến y tế cơ sở. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi và nằm nghiêng trái, có thể cho uống thuốc an thần liều nhẹ. Theo dõi hằng tuần, cho bệnh nhân nhập viện và điều trị tích cực nếu thấy hiện tượng nặng lên.
- Nếu thai đã đủ tháng và các biểu hiện tiến triển dẫn đến mẹ có nguy cơ tử vong cao thì cho đẻ đường dưới khi phổi đã phát triển đủ (28 tuần), sử dụng thuốc tăng trưởng thành phổi trước khi sinh.
- Nếu thai non tình trạng ổn định thì để mẹ nghỉ ngơi tại giường, theo dõi thai và điều trị bảo tồn.
- Có thể chống co giật bằng Magnesi sulfat. Vẫn sử dụng trong vòng 24 giờ sau cơn giật cuối cùng.
Đối với tiên lượng tiền sản giật nặng
Cho bệnh nhân nhập viện và điều trị tích cực ở bệnh viện tuyến tỉnh. Phải theo dõi huyết áp 4 lần/ngày, protein niệu và cân nặng hàng ngày, theo dõi tim thai liên tục. Cho bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị triệu chứng như dự phòng co giật bằng Magie sulfat, hạ huyết áp bằng Hydralazine, Nitroglycerin, Nicardipin. Nên lấy thai ra ngay khi tình trạng người bệnh ổn định.
Cần làm gì để dự phòng tiền sản giật?
Cho đến nay, nguyên nhân gây ra tiền sản giật vẫn còn là một bí ẩn, do đó, vẫn chưa có biện pháp dự phòng đặc hiệu đối với bệnh lý này. Tuy nhiên, thai phụ cần làm những việc sau đây để hạn chế yếu tố nguy cơ:
- Thực hiện khám và quản lý thai nghén sớm ở các trung tâm y tế: theo dõi huyết áp, triệu chứng phù, chỉ số nước tiểu thường xuyên.
- Thăm khám và siêu âm đánh giá sự phát triển của thai, trường hợp đã có tiền sử tiền sản giật, sản giật càng phải được chú ý hơn và cần báo cáo tình trạng cho bác sĩ trực tiếp thăm khám.
- Chế độ ăn uống và sinh hoạt: ăn nhạt; bổ sung dinh dưỡng đầy đủ; uống 1500 - 2000 ml mỗi ngày; giảm ăn đồ rán hay thịt muối; cân bằng thời gian nghỉ ngơi và tập thể dục theo chế độ cho phụ nữ có thai; để cao chân nhiều lần trong ngày; không sử dụng chất kích thích.
- Thời kỳ hậu sản cần được chăm sóc liên tục.
Như vậy, tiền sản giật là một bệnh lý vô cùng nguy hiểm và có khả năng đe dọa tính mạng của bất cứ bà mẹ mang thai nào. Hy vọng thông qua bài viết này, mỗi bà mẹ đã có thể trang bị kiến thức cho riêng mình để phòng tránh cũng như xử lý kịp thời khi xuất hiện dấu hiệu tiền sản giật.
Xem thêm:
- Những biểu hiện và biến chứng của tiền sản giật nặng
- Cách ngăn ngừa tiền sản giật thai kỳ mà không phải mẹ nào cũng biết
- Mẹ bị tiền sản giật lần sinh trước, cần lưu ý gì cho lần mang thai sau?