Điều trị mất nước cho trẻ bị tiêu chảy bằng thuốc hydrite
Tiêu chảy là một trong những vấn đề rắc rối về đường tiêu hóa mà trẻ hay gặp phải. Lúc này, cơ thể bé sẽ rơi vào trạng thái mất nước, thuốc hydrite là một trong những loại thuốc phổ biến hay được dùng trong trường hợp trẻ cần bù nước.
Điều trị mất nước cho trẻ bị tiêu chảy bằng thuốc hydrite
Tiêu chảy là một trong những vấn đề rắc rối về đường tiêu hóa mà trẻ hay gặp phải. Lúc này, cơ thể bé sẽ rơi vào trạng thái mất nước, chất điện giải do nôn ói và đi ngoài nhiều lần, nếu không bù nước ngay sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Hydrite là một trong những loại thuốc phổ biến hay được dùng trong trường hợp trẻ cần bù nước và chất điện giải.
Trẻ mất nước do tiêu chảy – cần bù nước và điện giải ngay
Theo các chuyên gia, có đến 80% trẻ tiêu chảy cấp bị tử vong do mất nước và điện giải trầm trọng.
Khi trẻ nhỏ nôn ói, tiêu chảy kéo dài, liên tục trong nhiều ngày khiến cơ thể bị mất đi lượng nước và khoáng chất quan trọng. Nếu bố mẹ không can thiệp sớm, bổ sung kịp thời nước và điện giải sẽ làm trẻ bị thiếu thể tích trong hệ tuần hoàn, các chức năng bình thường không thể thực hiện. Khi quan sát thấy trẻ có thóp lõm xuống, trẻ khóc không nước mắt, mắt trũng và mắt không khép kín khi ngủ cần can thiệp ngay.
Trẻ mất nước nặng có thể tác động đến thần kinh, có thêm dấu hiệu hôn mê, nằm li bì, xuất hiện các cơn co giật. Bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em tạo ra tình trạng rối loạn điện giải, hạ huyết áp, trụy mạch, gây suy tim và có nguy cơ tử vong. Ngoài ra, tiêu chảy là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến sụt cân, suy dinh dưỡng ở trẻ, ảnh hưởng đến phát triển thể chất về sau.
Do vậy, việc điều trị tiêu chảy cần được tiến hành song song giữa mục đích bù nước, điện giải và giảm thiểu các triệu chứng khác. Khi trẻ có dấu hiệu mất nước nặng như quấy khóc, mệt mỏi, lừ đừ, khát nước, tiểu ít, khô miệng, khô niêm mạc môi, da nhăn nheo, ... cần đến viện để được chẩn đoán, chỉ định điều trị tích cực nhằm hạn chế nguy hiểm có thể xảy ra đối với bé.
Thuốc hydrite giúp điều chỉnh cân bằng nước và điện giải
Hydrite là loại thuốc được bào chế ở dạng viên hoặc gói bột chỉ định dùng trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy, nôn mửa, sốt cao. Thành phần trong mỗi gói thuốc bột hydrite bao gồm: NaCl 0,52 g, KCl 0,3 g, Na citrate 0,58 g, glucose khan 2,7 g.
Tùy vào độ tuổi, số lần tiêu chảy, trọng lượng cơ thể, lượng nước đã mất mà việc sử dụng dung dịch bù nước hydrite với liều lượng khác nhau. Việc bù nước sớm, đúng cách là một trong những điều quan trọng giúp bé nhanh hồi phục, ngăn chặn hiện tượng mất nước và sụt cân trở nên trầm trọng.
Cách dùng:
Mỗi viên/gói thuốc hydrite pha cùng với 200ml nước đun sôi để nguội. Lưu ý rằng dung dịch đã pha này cần phải uống hết trong vòng 24 giờ, nếu quá 24 giờ thì bỏ đi và pha mới. Lượng dung dịch bù nước bằng hydrite cho trẻ uống được tính như sau:
- Trẻ dưới 2 tuổi: sau mỗi lần đi ngoài hoặc ói uống 30 – 50 ml
- Trẻ từ 2 đến 10 tuổi: tăng liều lượng lên 100 – 200 ml sau mỗi lần tiêu chảy
- Trẻ lớn hơn 10 tuổi có thể dùng dung dịch bù nước hydrite để uống khi khát sau mỗi lần đi ngoài
Trong giai đoạn bệnh ở mức độ nhẹ, trẻ vẫn có thể tự uống được thì bố mẹ nên khuyến khích trẻ uống càng nhiều càng tốt (trường hợp nặng sẽ được truyền dịch). Nhũ nhi đang còn bú có thể cho ăn xen kẽ giữa sữa mẹ, dung dịch hydrite, nước cháo để bổ sung bù nước.
Những lưu ý khi dùng hydrite cho trẻ bị tiêu chảy
- Phụ huynh cần tuân theo đúng cách pha và liều lượng dung dịch thuốc hydrite như khuyến cáo từ nhà sản xuất cũng như thầy thuốc. Khi pha dung dịch thuốc hydrite quá loãng hoặc ít hơn đề nghị sẽ không đáp ứng đầy đủ nước, các chất điện giải và glucose mà cơ thể đang bị thiếu. Trong khi dung dịch đậm đặc quá và vượt qua khối lượng như chỉ dẫn có thể gây ra sự quá tải nước, chất điện giải. Điều này đặc biệt không tốt cho trẻ sơ sinh và trẻ em còn nhỏ tuổi.
- Trẻ bị tiêu chảy có thể dùng dung dịch bù nước tại nhà trong điều kiện có sự chỉ dẫn trước của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời trẻ có biểu hiện bên ngoài hoàn toàn tỉnh tảo, có nước mắt khi khóc, lưỡi ướt, bú hoặc uống nước bình thường. Khi số lần trẻ tiêu chảy không nhiều (từ 2 -3 lần/ngày) thì có thể bổ sung nước bằng nước trái cây và nước uống hàng ngày.
- Trẻ tiêu chảy kèm nôn cần cho trẻ uống từ từ, từng chút một để trẻ không bị ói nhiều hơn. Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi cho uống bằng thìa nhỏ, vừa miệng. Trẻ lớn hơn có thể cho uống từng ngụm nhỏ.
- Cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi có dấu hiệu: đi ngoài nhiều lần, liên tục, khát nhiều, bỏ bú, ăn kém, không có tiến triển tốt sau 2 ngày, sốt cao hơn, có lẫn máu trong phân.
Bù nước và chất điện giải không đúng cách là khi hạn chế không cho trẻ uống nước vì sợ trẻ tiêu chảy nhiều hơn, mẹ ngừng cho trẻ bú, cho trẻ uống nước đường hoặc hydrite không đúng nồng độ quy định. Điều này gây hậu quả là trẻ vừa không bù được nước, chất điện giải lại càng mất nước trầm trọng hơn, bệnh chuyển biến nặng đi.
Ngoài uống hydrite, nên chăm sóc trẻ tiêu chảy như thế nào?
Chế độ dinh dưỡng
Để giúp trẻ có đủ sức đề kháng, hệ miễn dịch chống lại sự tấn công của virus gây tiêu chảy mẹ cần duy trì chế độ ăn thích hợp, đủ 4 nhóm dưỡng chất đạm, bột, béo, rau trong khẩu phần ăn hàng ngày. Bên cạnh uống bổ sung dung dịch bù nước hydrite, cách chế biến thức ăn cũng cần được thay đổi để trẻ dễ ăn hơn như nấu mềm, lỏng hơn bình thường, chia nhỏ bữa ăn và cách nhau 2 giờ.
Không bắt trẻ nhịn, kiêng khem bởi đây là lúc trẻ cần được cung cấp nhiều dinh dưỡng nhất. Nên tiếp tục cho bé bú sữa mẹ bình thường bởi sữa mẹ đóng vai trò quan trọng giúp đường ruột của trẻ khỏe mạnh, đủ dưỡng chất, dễ hấp thu, tiêu hóa.
Cần nấu chín thức ăn, ăn ngay sau khi chế biến để đảm bảo vệ sinh. Tránh các thức ăn có lượng đường cao, hàm lượng đạm và chất điện giải thấp cũng cần hạn chế. Các loại rau cần, ngô, măng và đỗ nguyên hạt không nên cho trẻ ăn, thay vào đó cho trẻ ăn thêm quả chín, nước quả như cam, xoài, chuối, ...
Chỉ dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ
Nhiều phụ huynh khi thấy trẻ bị tiêu chảy thường tự ý mua thuốc cầm đi ngoài, thuốc kháng sinh cho trẻ uống. Một số cha mẹ còn áp dụng bài thuốc dân gian ăn lá ổi, hồng xiêm xanh, ... mà chưa tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Điều này hoàn toàn nguy hại bởi nếu trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus thì uống kháng sinh không làm trẻ hết bệnh mà chỉ làm thể trạng của bé tệ hơn. Trẻ có thể khỏi bệnh giả tạo, vi khuẩn gây bệnh tồn tại trong đường ruột khiến trẻ lâu khỏi hay bị nặng hơn.
Vệ sinh sạch sẽ
Khi chăm sóc trẻ tiêu chảy, bố mẹ và người thân cần đảm bảo vấn đề vệ sinh. Phải rửa tay sau mỗi lần cho trẻ đi ngoài, trước khi chế biến thức ăn và cho trẻ ăn. Sử dụng nguồn nước sạch, không có tác nhân gây bệnh để nấu ăn cho trẻ. Các thực phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng và còn hạn sử dụng.
Đưa trẻ tái khám đúng thời gian
Khi trẻ đã được xuất viện về nhà, bố mẹ cần đưa trẻ quay trở lại bệnh viện để kiểm tra lại theo đúng khuyến cáo của bác sĩ. Điều này sẽ chắc chắn rằng bé yêu đã hoàn toàn khỏi bệnh, khỏe mạnh trở lại, không bị bất kỳ biến chứng nào và các tác nhân gây bệnh đã được khống chế. Đồng thời, các chuyên gia sẽ đưa ra lời khuyên tiếp theo cho bố mẹ để hạn chế nguy cơ trẻ mắc lại tiêu chảy lần nữa.
Xem thêm:
- Cách điều trị bệnh tiêu chảy kéo dài ở trẻ nhỏ
- Loạn bù nước, bù điện giải, nguy hại cho người bệnh