Đi tiểu không tự chủ là bệnh gì?
Đi tiểu không tự chủ là tình trạng phổ biến ở người lớn hiện nay đang ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày. Nhiều người vẫn tự hỏi “đi tiểu không tự chủ là bệnh gì?”, nguyên nhân và cách khắc phục căn bệnh này như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin trên.
Đi tiểu không tự chủ là bệnh gì?
Đi tiểu không tự chủ là bệnh gì?
Đi tiểu không tự chủ là tình trạng người bệnh không kiểm soát được số lượng nước tiểu và khả năng đi tiểu. Nguyên nhân do khả năng tự chủ kiểm soát nước tiểu của bàng quang có vấn đề. Biểu hiện là người bệnh thường bị rò rỉ, dắt bóng trong nước tiểu.
Đi tiểu không tự chủ ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Đây là vấn đề nhạy cảm nên người bệnh thường có xu hướng ngại đi khám bác sĩ. Việc thay đổi lối sống hoặc điều trị bằng những phương pháp đơn giản cũng có thể giảm bớt đi tình trạng này.
Biểu hiện của bệnh thay đổi tùy vào mỗi người khác nhau theo mức độ từ hiện tượng chảy một ít nước tiểu khi có gia tăng áp lực ổ bụng khi gắng sức (ho, rặn...) tới mức độ són tiểu liên tục, đến nặng hơn là tiểu không kiểm soát (không tự chủ) và có thể có kèm theo đại tiện không tự chủ. Thông thường tiểu không tự chủ hay gặp là tiểu són, tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu ra không hết, sau khi đi tiểu nước tiểu còn són ra, thậm chí đái dầm, cần mặc quần có loại vải không thấm và luôn thay quần.
Nguyên nhân đi tiểu không tự chủ
- Rượu bia và các chất kích thích: những chất này có tác dụng kích thích bàng quang và có vai trò như thuốc lợi tiểu, làm người bệnh có nhu cầu cấp bách để đi tiểu.
- Nhiễm trùng đường tiết niệu: Khi mắc bệnh này có thể gây kích thích bàng quang co bóp mạnh để đi tiểu. Dẫn đến giai đoạn tiểu không kiềm chế. Một số triệu chứng khác kèm theo như có cảm giác nóng rát khi đi tiểu và nước tiểu có mùi hôi khó chịu.
- Quá trình mang thai và sinh con cũng có thể dẫn đến đi tiểu không tự chủ: Bà mẹ có thai hay mắc tình trạng này do hệ nội tiết có sự thay đổi và tăng khối lượng tử cung. Các thay đổi xảy ra trong khi sinh cũng có thể gây ảnh hưởng đến dây thần kinh bàng quang và mô hỗ trợ, dẫn đến sa xuống sàn chậu. Với sa tử cung, bàng quang, trực tràng hay ruột non có thể được đẩy xuống so với vị trí bình thường và nhô ra vào trong âm đạo. Những chỗ này có thể kết hợp với tiểu không tự chủ. Tình trạng này có thể liên quan đến sinh con và có thể phát triển sau khi sinh và những năm sau đó.
- Ở những người lớn tuổi cơ bàng quang sẽ bị lão hóa dần làm giảm khả năng dự trữ nước tiểu. Những người nam giới lớn tuổi mắc phải tình trạng này thường bắt nguồn từ phì đại tuyến tiền liệt hay còn gọi là tăng sản tuyến tiền liệt lành tính, thường xuất hiện ở nam giới sau tuổi 40.
- Rối loạn thần kinh: Một số người mắc các loại bệnh rối loạn thần kinh như: Parkinson, đa xơ cứng hay đột quỵ...làm tín hiệu đưa lên thần kinh bị rối loạn dẫn đến không tự chủ được bàng quang hay tiểu không tự chủ.
Biến chứng của đi tiểu không tự chủ
- Vấn đề về da: Gây nên các tổn thương ở dạng phát ban do ướt da vùng kín liên tục gây ra nhiễm trùng da và những vết loét da.
- Nhiễm trùng đường tiểu: Do không kiểm soát được đường tiểu khiến nguy cơ nhiễm trùng ngược dòng ngày càng cao.
- Ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày: Người mắc bệnh đi tiểu không tự chủ phải sử dụng nhà vệ sinh thường xuyên, gây khó khăn và bất tiện trong công việc. Đi tiểu nhiều vào ban đêm khiến bệnh nhân mất ngủ và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Nguyên tắc phòng và điều trị bệnh đi tiểu không tự chủ
Trước tiên, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở chuyên khoa để thăm khám tình trạng của mình. Ngoài việc dùng thuốc, cần kết hợp tăng cường luyện tập thể dục, thể thao, thực hiện các bài tập cơ sàn chậu, thực hiện chế độ dinh dưỡng hợp lý tránh béo phì, thay đổi lối sống như không hút thuốc, tránh các chất kích thích (bia, rượu, cà phê...), tập thói quen đi tiểu đúng giờ... sẽ giúp mang lại hiệu quả cao trong điều trị tiểu không tự chủ
Cần lưu ý các trạng thái tâm thần của người bệnh như stress, rối loạn giấc ngủ. Trong trường hợp người bệnh mất hoàn toàn khả năng kiểm soát tiểu tiện của mình cần được mặc các loại quần bằng vải không thấm nước và luôn được thay, rửa sạch, lau khô da vùng bẹn, mông. Bởi vì, da ở vùng này rất dễ bị loét do vậy khi đái dầm có thể bị nhiễm trùng. Người chăm sóc cũng nên thông cảm với và giúp đỡ người bệnh bởi họ rất dễ tủi thân khi mắc phải bệnh liên quan đến vấn đề tế nhị này.
Người cao tuổi là đối tượng dễ mắc bệnh này nhất. Để hạn chế mắc chứng tiểu không tự chủ, người cao tuổi nên có cuộc sống bình an, không lo lắng suy nghĩ quá nhiều về bệnh tật của mình. Nên vận động cơ thể hàng ngày hoặc đi bộ để có trạng thái thư giãn nhất. Hàng ngày nên tăng cường hoạt động về mặt tinh thần như đọc sách báo hoặc tham gia câu lạc bộ dành cho người cao tuổi. Bên cạnh đó, nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý với , không nên uống rượu, bia, không hút thuốc. Buổi tối hạn chế uống nước, không uống cà phê, trà đặc bởi sẽ gây rối loạn giấc ngủ.
Xem thêm:
- Đi tiểu buốt và đau bụng dưới có bị sao không?
- Những điều cần biết về bàng quang và bệnh đi tiểu nhiều
- Mang thai ba tháng đầu đi tiểu nhiều có đáng lo không?