Đẻ xong có ăn được thịt gà không?
Theo quan niệm của dân gian thì sau khi sinh, các bà mẹ cần kiêng khem kỹ lưỡng trong vấn đề ăn uống. Thịt gà là một trong những món nằm trong danh sách không được ăn ngay sau sinh, bởi nhiều ý kiến cho rằng thịt gà sẽ gây ra biến chứng về sức khỏe cho bà đẻ. Điều này có thực sự đúng đắn về khoa học hay không?
Đẻ xong có ăn được thịt gà không?
Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin rõ hơn.
1. Giá trị dinh dưỡng của thịt gà
Thịt gà là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng rất cao. Các dưỡng chất trong thịt gà giúp bồi bổ sức khỏe cơ thể về cả thể chất lẫn tinh thần.
Về thể chất, thịt gà có chứa hàm lượng cao protein ít béo và các khoáng chất hữu ích như canxi, sắt, photpho,... giúp phát triển cơ bắp, cung cấp dưỡng chất cần thiết cho cơ thể. Bên cạnh đó, các vitamin A, B1, B2, B6, C, E trong thịt gà có tác dụng bổ khí huyết, giúp cải thiện tình trạng ít sữa và hư nhiệt sau khi sinh đẻ.
Về tinh thần, một hàm lượng lớn amino axit trong thịt gà có khả năng làm giảm stress, an thần, hỗ trợ giảm trầm cảm sau sinh và đồng thời giúp ổn định huyết áp và nhịp tim.
2. Việc ăn thịt gà đối với người sinh mổ
Hiện chưa có cơ sở khoa học nào khẳng định phụ nữ sau sinh không nên ăn thịt gà. Thịt gà có hàm lượng chất sắt cao nên rất bổ máu cho bà bầu sinh mổ. Giá trị dinh dưỡng cao của thịt gà cũng giúp người sinh mổ hồi phục sức khỏe và mau lành vết mổ.
Tuy nhiên, sinh mổ cũng để lại một vết thương hở khá lớn. Đối với những bà bầu có cơ địa yếu, lâu lành vết thương thì việc ăn thịt gà có thể khiến vết mổ bị ngứa , khó lành và có sẹo lồi. Tình trạng này có xảy ra hay không là phụ thuộc vào cơ địa của từng người. Nhưng nếu cảm thấy quá lo lắng thì tốt nhất bà bầu sinh mổ có thể kiêng ăn thịt gà sau sinh 2 tháng. Bên cạnh đó, bà bầu đẻ mổ cũng cần chú ý tránh ăn lòng trứng gà vì nó có thể kích thích quá trình tạo viêm ở vết thương và làm hình thành sẹo lồi.
3. Việc ăn thịt gà đối với người sinh thường
Những phụ nữ sinh thường phải trải qua một cuộc vượt cạn mất nhiều sức lực, dẫn đến thể trạng rất yếu. Vì vậy, việc cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho mẹ sau khi sinh là cực kỳ quan trọng, vừa để bồi bổ cơ thể mẹ, vừa đủ dinh dưỡng cho con khi bú mẹ.
Thịt gà vừa dễ ăn, dễ tiêu hóa lại giàu chất dinh dưỡng, là một thực phẩm lí tưởng để các bà bầu sinh thường bồi bổ cơ thể. Người nhà nên linh động trong cách chế biến để mẹ ăn ngon miệng hơn. Ngoài ra cũng cần thay đổi thực đơn liên tục, kết hợp với nhiều loại thực phẩm khác để bà đẻ không thấy ngán và cơ thể được bổ sung dinh dưỡng một cách toàn diện nhất.
Một lưu ý nhỏ đối với những người đẻ thường khi ăn thịt gà đó là chỉ nên ăn phần thịt nạc và bỏ phần da. Phần da gà chứa lượng chất béo rất lớn, có thể dẫn đến tình trạng khó tiêu và táo bón. Đặc biệt với bà bầu sau khi sinh, hoạt động của đường ruột chưa trở về trạng thái bình thường, dễ bị táo bón nên điều này càng cần phải chú ý hơn.
4. Những lưu ý khi chế biến thịt gà cho người sau sinh đẻ
Món ăn từ thịt gà cho người mới sinh nên được chế biến bằng phương pháp hầm để thức ăn được mềm và dễ tiêu hóa, không khó ăn.
Các món ăn như gà hầm thuốc bắc, gà tần sâm, gà hầm hạt sen, cháo đậu xanh thịt gà,... là những cách chế biến thịt gà quen thuộc cho thực đơn của các bà mẹ sau sinh. Những món này vừa ngon miệng, dễ ăn lại giàu chất dinh dưỡng, có tác dụng bồi bổ sức khỏe và giúp sữa mẹ tăng về cả chất lượng lẫn số lượng.
Khi chế biến cũng cần chú ý tránh kết hợp với các gia vị cay nóng, hạn chế cho dầu mỡ.
Ngoài ra, cần lưu ý một số thực phẩm tối kỵ, không được ăn cùng thịt gà vì sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe. Nhóm thực phẩm kỵ thịt gà này gồm cá chép, thịt chó, tôm, rau kinh giới...
Bên cạnh việc bổ sung các thực phẩm giàu dinh dưỡng như thịt gà thì các bà mẹ sau sinh cũng cần chú ý ăn nhiều trái cây và rau xanh. Đừng nên quá lo lắng và khắt khe trong vấn đề kiêng cữ dẫn đến việc ăn uống thiếu chất và mất khẩu vị, căng thẳng và lo âu, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Xem thêm:
- Cải thiện làn da bụng nhăn nheo sau sinh bằng nguyên liệu tự nhiên
- 11 loại rau sau sinh mẹ nhất định phải ăn để có sức khỏe tốt
- Sau khi sinh bao lâu thì mẹ ăn được đồ ăn chua