Dậy thì ở tuổi nào bị coi là dậy thì muộn?

Tuổi dậy thì là bước ngoặt quan trọng về mặt sinh lý lẫn tâm lý trong cuộc đời mỗi người. Độ tuổi bắt đầu dậy thì của mỗi người sẽ khác nhau tuy nhiên vẫn có một khung tuổi nhất định được xem là bình thường. Vậy dậy thì ở tuổi nào thì bị coi là muộn? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những vấn đề liên quan đến dậy thì muộn qua bài viết dưới đây.

Dậy thì ở tuổi nào bị coi là dậy thì muộn? Dậy thì ở tuổi nào bị coi là dậy thì muộn?

Tuổi dậy thì là bước ngoặt quan trọng về mặt sinh lý lẫn tâm lý trong cuộc đời mỗi người. Độ tuổi bắt đầu dậy thì của mỗi người sẽ khác nhau tuy nhiên vẫn có một khung tuổi nhất định được xem là bình thường. Vậy dậy thì ở tuổi nào thì bị coi là muộn? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu những vấn đề liên quan đến dậy thì muộn qua bài viết dưới đây.

Dậy thì muộn là gì?

Dậy thì muộn (còn gọi là chậm dậy thì) là tình trạng mà tuổi dậy thì không xảy ra vào thời điểm thông thường của mọi người. Vào tuổi dậy thì, cơ thể trẻ em bắt đầu có các dấu hiệu trưởng thành, các tuyến sinh dục của trẻ tăng cường sản xuất hormone sinh dục (testosterone ở nam và estrogen ở nữ) dưới sự điều khiển của vùng hạ đồi và tuyến yên.

Độ tuổi bắt đầu dậy thì trung bình từ 7 – 13 tuổi đối với bé gái và 9 – 15 tuổi đối với bé trai. Hormone sinh dục sẽ tác động làm rõ rệt hơn các đặc trưng giới tính của trẻ, ví dụ như ngực và buồng trứng ở nữ, cơ bắp và tinh hoàn ở nam.

Nguyên nhân gây dậy thì muộn

Nguyên nhân dậy thì muộn ở nữ giới

  • Bất thường xảy ra tại buồng trứng: nguyên nhân gây dậy thì muộn ở nữ giới có thể là do suy buồng trứng sớm. Một trong các tác nhân gây tình trạng này là do các thuốc phóng xạ dùng trong việc điều trị các bệnh bạch cầu và một số bệnh ung thư khác. Hội chứng Turner – đây là một hội chứng di truyền có thể dẫn đến suy buồng trứng ở nữ giới, bản chất của bệnh là do mất đi một phần hay toàn bộ nhiễm sắc thể X của nữ. Phần lớn các bé gái bị hội chứng Turner đều có biểu hiện như: thấp lùn, da ở cổ thừa ra thành ngấn, vòm miệng uốn lên cao, xương ngực lõm, cẳng tay quay ra ngoài và hiện tượng dậy thì muộn chiếm tỉ lệ cao. Thiếu hormon tuyến yên gonadotropin (LH và FSH) hoặc cơ thể không sản sinh hormone tăng trưởng GH đều làm chậm quá trình dậy thì ở nữ giới.
  • Cơ địa: một số trường hợp bé gái dậy thì muộn chỉ đơn giản là do bé trưởng thành muộn hơn so với bạn đồng lứa.
vicare.vn-be-gai-day-thi-som-kham-o-dau
  • Di truyền: lứa tuổi bắt đầu dậy thì cũng một phần được di truyền từ bố mẹ. Do đó, di truyền cũng có thể là một trong những nguyên nhân dậy thì muộn ở bé gái.
  • Lượng mỡ trong cơ thể giảm đi: đây có thể là nguyên nhân dẫn đến dậy thì muộn ở các bé gái, thường xảy ra ở các bé vận động nhiều, tập thể dục chuyên nghiệp, múa ba - lê, tuyển thủ bơi lội... Điều tương tự cũng xảy ra ở các bạn gái chán ăn, mắc bệnh tâm lý sợ mập mặc dù thân hình chúng đã gầy hơn bình thường rất nhiều. Ngoài ra, bệnh mãn tính khiến cơ thể giảm khối lượng mỡ cũng ảnh hưởng đến độ tuổi bắt đầu dậy thì.

Nguyên nhân dậy thì muộn ở nam giới

  • Theo thống kê, có khoảng 2/3 trường hợp dậy thì muộn ở nam giới là do ảnh hưởng của gen di truyền. Khi người mẹ bắt đầu dậy thì sau 14 tuổi và người bố dậy thì sau 16 tuổi thì khả năng con của họ cũng sẽ dậy thì muộn.
  • Ngoài ra, các bé trai mắc bệnh mạn tính (viêm đại tràng, thiếu máu hồng cầu hình liềm, các bệnh xơ nang) cũng thường bị dậy thì muộn.
  • Một nguyên nhân khác khiến bé trai dậy thì muộn là do bị thiếu hormone điều hòa tuyến sinh dục, thường xuất hiện từ khi sinh ra, biểu hiện đặc trưng là bé dương vật nhỏ bất thường.
  • Bên cạnh đó, tinh hoàn có vấn đề cũng là nguyên nhân khiến nam giới chậm dậy thì. Nên khám bác sĩ để được kiểm tra xác định kích thước tinh hoàn. Tinh hoàn nhỏ còn có thể là hậu quả quá trình phẫu thuật tinh hoàn trước đây hoặc các phẫu thuật điều trị ung thư.
  • Đối với nam mắc hội chứng Klinefelter bẩm sinh có nhiều hơn 1 nhiễm sắc thể X (kiểu gen XXY thay vì XY như bình thường) cũng làm chậm quá trình phát triển giới tính.

Dấu hiệu nhận biết dậy thì muộn

Dấu hiệu dậy thì muộn ở nữ

Các hormon tuyến yên tiết ra vào tuổi dậy thì sẽ khiến buồng trứng phát triển và bắt đầu sản sinh estrogen. Estrogen sẽ kích thích giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt ở bé gái, ngực bắt đầu phát triển và chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên sẽ xuất hiện sau giai đoạn đó khoảng 2 – 3 năm. Một bé gái đã 13 tuổi mà ngực bé vẫn chưa phát triển hoặc chưa có chu kì kinh nguyệt khi đã 16 tuổi thì có có khả năng bé bị dậy thì muộn, phụ huynh nên chú ý để tìm hiểu nguyên nhân.

Các xét nghiệm máu, xét nghiệm đo mức hormone LH, FSH, estradiol ở nữ giúp kiểm tra và tìm nguyên nhân dậy thì muộn. Nếu kết quả cho thấy hormone LH và FSH đạt mức cao trong máu, điều này cho thấy buồng trứng không hoạt động bình thường dẫn đến việc cơ thể tiết nhiều hormone nhằm kích thích buồng trứng hoạt động. Nếu hormone LH, FSH và estradiol thấp, điều đó có thể đến từ nguyên nhân lượng mỡ giảm hoặc thiếu hormone bẩm sinh. Các xét nghiệm khác như chụp cộng hưởng từ não, chụp X-quang tay để đo độ tuổi của xương, kiểm tra bộ nhiễm sắc thể...

Dấu hiệu dậy thì muộn ở nam

Nam giới thường có giai đoạn bắt đầu dậy thì ở nhiều độ tuổi khác nhau, tuy nhiên có đến 95% bé trai dậy thì trong khoảng từ 9 – 15 tuổi. Do đó, khi bé trai đã qua 14 tuổi nhưng vẫn chưa có bất kỳ dấu hiệu thay đổi nào về mặt sinh học thì nên bắt đầu nghi ngờ bé dậy thì muộn. Khi dậy thì, tinh hoàn sẽ lớn dần, tiếp theo là sự phát triển về kích thước của dương vật và sự xuất hiện của lông mu do cơ thể bắt đầu tiết nhiều hormone nam testosterone. Sự phát triển tăng vọt sẽ bắt đầu trong vòng 1 năm đầu tiên kể từ khi bé có dấu hiệu dậy thì.

vicare.vn-day-thi-o-tuoi-nao-bi-coi-la-day-thi-muon-body-2

Khi đã bước qua tuổi 14 mà không có các dấu hiệu gì, phụ huynh có thể dẫn bé đến bác sĩ để tiến hành kiểm tra kích thước của tinh hoàn và dương vật của trẻ, nếu tinh hoàn đã phát triển nhưng dương vật vẫn nhỏ thì có thể bé sẽ dậy thì trong khoảng 6 – 12 tháng tới. Do nguyên nhân thể chất, các bé trai dậy thì muộn sẽ thấp bé hơn các bé đã dậy thì, tuy nhiên nếu do nguyên nhân này, bé sẽ phát triển vào năm 18 tuổi và đạt chiều cao như người trưởng thành.

Một vài xét nghiệm có thể giúp xác định nguyên nhân nếu dậy thì muộn không do tinh hoàn. Phổ biến nhất là xét nghiệm hormon testosterone, LH và FSH, thường được thực hiện vào buổi sáng sớm - thời điểm có lượng testosterone cao hơn bình thường (dương vật nam thường cương cứng và buổi sáng sớm là do nguyên nhân này). Mức testosterone bình thường sẽ dao động trong khoảng 250 – 800 ng/dL. Nhưng với bé trai dậy thì muộn sẽ có mức testosterone thấp hơn 40 ng/dL.

Ảnh hưởng của việc dậy thì muộn

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây dậy thì muộn mà ảnh hưởng ít nhiều đến tâm, sinh lý của cả nam và nữ.

Đầu tiên ở các bạn nữ, dễ nhận thấy khi dậy thì muộn rất dễ dẫn đến việc xấu hổ và lo lắng về khả năng sinh sản của mình sau này. Tuy nhiên, dậy thì muộn do sinh lý ít ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và phát triển cơ thể của nữ giới, không nên quá tự ti và hoang mang thái quá. Nếu dậy thì muộn do bệnh lý, nên chú trọng điều trị sớm để không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản về sau.

vicare.vn-day-thi-o-tuoi-nao-bi-coi-la-day-thi-muon-body-3

Đối với các bạn nam, dậy thì muộn không được phát hiện và điều trị sớm sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, cơ quan sinh dục, khiến dương vật nhỏ, tinh hoàn teo, ảnh hưởng quá trình sinh tinh, khả năng tổng hợp testosterone của tinh hoàn và nguy cơ dẫn đến vô sinh nam. Ngoài ra, trẻ dậy thì muộn thường tự tách mình ra khỏi tập thể, dễ xuất hiện các rối loạn tâm lý, trầm cảm...

Cách xử lý khi trẻ bị dậy thì muộn

Đối với trường hợp bé gái

Có thể sử dụng phương pháp bổ sung estrogen trong vòng 4 – 6 tháng để thúc đẩy quá trình dậy thì diễn ra. Với bé có lượng mỡ cơ thể giảm, phụ huynh nên cho trẻ ăn nhiều hơn, quá trình tăng cân sẽ giúp thúc đẩy giai đoạn dậy thì của trẻ diễn ra bình thường.

Trường hợp suy buồng trứng sớm hoặc thiếu hụt hormone sinh dục, khi đã xác định được nguyên nhân, các bác sĩ sẽ chỉ định bổ sung hormone estrogen dưới dạng viên estradiol hoặc miếng dán ngoài da (2 lần/tuần), bắt đầu từ liều thấp và sẽ tăng liều định kỳ mỗi 6 tháng. Kéo dài liệu trình estrogen trong 12–18 tháng rồi tiếp tục bổ sung hormon progestin, cứ vài tháng sẽ dừng sử dụng trong 1 – 2 ngày.

Lưu ý, việc bổ sung hormone sinh dục rất phức tạp, do đó phụ huynh cần kiên trì theo dõi và thực hiện đúng chỉ định, thảo luận với bác sĩ để biết rõ về khả năng sinh sản của bé sau này.

Đối với bé trai dậy thì muộn

Bé có thể được điều trị bằng các loại thuốc tiêm trong vài tháng. Thuốc sẽ giúp bé sẽ tăng chiều cao, tăng cân nặng, cơ bắp cũng như tăng kích thước dương vật và kích thích phát triển lông mu. Hầu hết các trường hợp sau khi tiêm thuốc, quá trình dậy thì sẽ tiếp tục diễn ra mà không cần bất kỳ sự hỗ trợ điều trị nào nữa.

Trường hợp bé mắc chứng thiếu hụt hormone sinh dục hoặc dương vật bị tổn thương, tinh hoàn teo... thì testosterone vẫn là lựa chọn hữu hiệu để điều trị. Tuy nhiên, lúc này liều lượng hormone sử dụng cần phải tăng theo thời gian và vẫn tiếp tục bổ sung ngay khi ở tuổi trưởng thành.

Xem thêm:

  • Sự khác nhau giữa dậy thì sớm và dậy thì muộn
  • Bé trai dậy thì muộn, cha mẹ cần làm gì?