Đau mắt đỏ 2 tuần chưa khỏi phải làm gì?
Đau mắt đỏ là bệnh lý rất thường gặp ở trẻ em và cả người trưởng thành. Nhiều người bị đau mắt đỏ 2 tuần chưa khỏi khá lo lắng và không biết cần làm gì để bệnh mau hết. Nếu bạn cũng đang trong tình trạng tương tự, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn.
Đau mắt đỏ 2 tuần chưa khỏi phải làm gì?
Đau mắt đỏ là bệnh lý rất thường gặp ở trẻ em và cả người trưởng thành. Nhiều người bị đau mắt đỏ 2 tuần chưa khỏi khá lo lắng và không biết cần làm gì để bệnh mau hết. Nếu bạn cũng đang trong tình trạng tương tự, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn.
1. Đau mắt đỏ thường diễn biến trong mấy ngày là khỏi?
Theo giải đáp từ các bác sỹ chuyên khoa mắt, đau mắt đỏ thường có thời gian biểu hiện bệnh dài ngắn khác nhau tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể hơn:
Bệnh đau mắt đỏ do virus
Virus gây bệnh đau mắt đỏ thường gặp nhất là virus Adenovirus và loại thứ hai ít phổ biến hơn là virus Herpes. Nguyên nhân này sẽ dẫn đến bệnh dễ lây nhiêm qua đường hắt hơi hay đường ho. Đau mắt đỏ do virus thường kéo dài từ vài ngày đến 2 tuần, tùy theo các mức độ của bệnh. Trong trường hợp bị đau mắt đỏ 2 tuần chưa khỏi có khả năng cao do nguyên nhân này.
Đau mắt đỏ do nhiễm khuẩn
Ngoài virus thì vi khuẩn cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh viêm kết mạc đỏ. Đường lây của tác nhân này thường qua các vật dụng cá nhân dùng chung, mỹ phẩm, dụng cụ trang điểm đã cũ hay tay không sạch chạm vào mắt...
Nguyên nhân này sẽ khiến bệnh kéo dài trong khoảng 10 ngày là cao nhất. Nếu được điều trị đúng cách, bệnh có thể diễn biến ngắn hơn, chỉ còn 3 – 5 ngày.
Bị đau mắt đỏ do dị ứng
Nếu như bệnh viêm kết mạc đỏ này không đến từ virus hay vi khuẩn thì có nguy cơ cao bạn đang bị viêm kết mạc dị ứng. Các yếu tố gây dị ứng kết mạc phổ biến là bụi bẩn, phấn hoa, các loại da/lông/vảy của động vật...
Trong trường hợp này, việc điều trị vừa đơn giản lại vừa phức tạp. Để có thể loại trừ bệnh, bạn cần phải tránh tuyệt đối nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng. Chính vì thế, thời gian của bệnh có thể rất ngắn nhưng cũng có thể rất dài.
2. Bị đau mắt đỏ 2 tuần chưa khỏi cần phải làm gì?
Từ các nguyên nhân và thời gian diễn biến trung bình của bệnh được xác định trong phần 1, có thể thấy tình trạng đau mắt đỏ 2 tuần chưa khỏi có 2 nguyên nhân phổ biến là do virus hoặc do dị ứng. Như vậy, để có thể nhanh khỏi bệnh, bạn cần phải xác định rõ nguyên nhân nào và theo đó mà điều trị.
Điều trị đau mắt đỏ do virus
Việc chữa trị đau mắt đỏ có thể dùng 2 loại thuốc chính là thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn:
- Thuốc không kê đơn: phổ biến là nước muối sinh lý 0.9%. Mỗi ngày, bạn nên nhỏ nhiều lần, mỗi lần 2 giọt/mắt và giữa các lần nên cách nhau 2 giờ. Việc này sẽ làm mềm các nhử dính trên mắt khi ngủ dậy, loại bỏ bớt virus và chống tình trạng khô mắt.
- Thuốc kê đơn: thường là các loại thuốc nhỏ mắt kháng sinh như tobramycin, moxifloxacin, neomycin, chloramphenicol,... Tuy nhiên, các thuốc này chỉ nên sử dụng tối đa 7 ngày và nếu chưa khỏi, cần báo lại với bác sỹ ngay để đổi thuốc. Mỗi ngày, nên nhỏ từ 4 đến 6 lần để phòng bội nhiễm. Thuốc không có tác dụng diệt virus.
Một số loại thuốc khác:
- Nhóm thuốc nâng cao sức đề kháng: các loại thuốc chứa nhiều vitamin A và vitamin D, dùng liên tục trong 10 ngày. Có thể uống thêm vitamin C và vitamin B2 dạng viên uống. Trong trường hợp mắt đau nặng hơn 20 ngày, bạn nên dùng bổ sung thêm thuốc nhỏ mắt có chứa chondroitin và vitamin nhóm B hoặc thuốc nhỏ mắt chứa vitamin E, vitamin A và vitamin B6.
- Nhóm thuốc chứa corticoid: như thuốc dexamethasone, hydrocortisone, prednisolone... thường có tác dụng kháng viêm và giảm dịch nhầy làm mờ mắt. Mỗi ngày nên nhỏ từ 4 đến 6 lần. Tuyệt đối không sử dụng thuốc này quá 10 ngày bởi có khả năng gây đục thủy tinh thể hoặc tăng nhãn áp. Đối với trường hợp có kèm theo bệnh viêm giác mạc, đây là loại thuốc cấm kỵ.
- Nước mắt nhân tạo: có tác dụng duy trì độ ẩm trên nhãn cầu, tăng đồ nhầy và tránh khô mắt. Tuy nhiên, các loại nước mắt nhân tạo hiện nay trên thị trường rất nhiều. Vì thế, bạn nên để bác sỹ lựa chọn và kê đơn là an toàn nhất. Bạn chỉ nên nhỏ nước mắt nhân tạo khi cảm thấy khô mắt, không nên dùng liên tục trong 1 ngày.
Điều trị đau mắt đỏ do bị dị ứng kết mạc
Nếu là do bị dị ứng một tác nhân nào đó, điều kiện tiên quyết để chữa khỏi bệnh là bạn phải được cách ly khỏi tác nhân này. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể sử dụng thêm thuốc nhỏ mắt có chứa chất kháng histamine để giảm nhẹ triệu chứng. Tuy nhiên, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sỹ trước khi dùng.
Một số biện pháp chung giúp giảm nhẹ triệu chứng của đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ kéo dài sẽ gây cho bạn nhiều phiền phức và khó chịu vùng mắt, do đó, bạn có thể áp dụng một số mẹo sau để giảm bớt tình trạng này:
- Chườm lạnh/chườm nóng vùng mắt đau để giảm sưng.
- Chú ý rửa mắt bằng nước muối sinh lý thường xuyên và dùng khăn sạch để lau mắt.
- Nếu có đeo kính sát tròng, nên ngừng việc này ngay.
- Tránh trang điểm vùng mắt đến khi khỏi hẳn bệnh.
Qua bài viết này, bạn đọc có lẽ phần nào đoán được nguyên nhân khiến bệnh đau mắt đỏ 2 tuần chưa khỏi cũng như một số biện pháp điều trị khoa học – đúng cách hiện nay. Để biết chắc chắn hơn về tình trạng của mình, bạn nên tìm gặp bác sỹ để có các thăm khám chính xác và phương pháp điều trị thích hợp nhất.
Xem thêm:
- Viêm kết mạc lây qua đường nào? Cần kiêng gì khi mắc bệnh?
- Bệnh viêm kết mạc do virus (đau mắt đỏ) dễ lây mạnh, cảnh giác trong mùa xuân hè
- Đau mắt đỏ có nên ngủ nhiều không?