Dấu hiệu dây rốn thắt nút trên siêu âm
Dây rốn thắt nút là một hiện tượng khá hiếm gặp nhưng khi xảy ra, nó lại khiến tỷ lệ tử vong của thai nhi từ trong bụng mẹ cũng như trong quá trình chuyển dạ tăng đáng kể. Vậy hiện tượng dây rốn thắt nút là gì và đâu là dấu hiệu dây rốn thắt nút trên siêu âm mà các mẹ cần lưu ý? Hãy để bài viết dưới đây giúp bạn giải đáp.
Dấu hiệu dây rốn thắt nút trên siêu âm
Dây rốn thắt nút là một hiện tượng khá hiếm gặp nhưng khi xảy ra, nó lại khiến tỷ lệ tử vong của thai nhi từ trong bụng mẹ cũng như trong quá trình chuyển dạ tăng đáng kể. Vậy hiện tượng dây rốn thắt nút là gì và đâu là dấu hiệu dây rốn thắt nút trên siêu âm mà các mẹ cần lưu ý? Hãy để bài viết dưới đây giúp bạn giải đáp.
1. Thế nào là dây rốn thắt nút?
Dây rốn là một đường dẫn khí oxy cũng như chất dinh dưỡng từ mẹ sang thai nhi trong bụng. Đây cũng có thể được xem là “nguồn sống” thiết yếu của thai nhi, đảm bảo bé có đủ dưỡng chất để phát triển khỏe mạnh trong thời gian còn ở trong bụng mẹ.
Hiện tượng dây rốn thắt nút là tình trạng thắt nút lại như bím tóc ở một đoạn nào đó của dây rốn. Điều này sẽ gây ra sự cản trở cho việc vận chuyển các chất dinh dưỡng đến thai nhi, từ đó dẫn đến vô số nguy hiểm to lớn.
Những nguyên nhân gây ra hiện tượng dây rốn thắt nút ở thai nhi
Cho đến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có nghiên cứu hay thống kê cụ thể về nguyên nhân gây ra tình trạng dây rốn thắt nút của thai nhi. Hiện tượng này cũng khó mà chẩn đoán trước sinh.
Tuy nhiên, theo các bác sỹ, một số yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc phải hiện tượng này ở thai nhi:
- Mẹ bầu mang đa thai – đa ối.
- Thắt nút ở dây rốn cũng có thể hình thành trong quá trình cử động và di chuyển của thai nhi qua các vòng cung dây rốn.
- Thai nhi là bé trai thường có khả năng mắc phải dây rốn thắt nút cao hơn bé gái.
- Thai nhi nhỏ, dây rốn dài...
2. Mối nguy hại khôn lường đến từ hiện tượng dây rốn thắt nút
Dây rốn thắt nút được các bác sỹ phân loại theo mức độ thắt nút: có trường hợp dây thắt lỏng, nhưng cũng có trường hợp dây rốn thắt rất chặt. Mức độ nguy hiểm của hiện tượng này đối với thai nhi cũng tùy thuộc theo độ thắt nút lỏng hay chặt.
Khi dây rốn thắt nút lỏng lẻo, chất dinh dưỡng vẫn có thể thông qua dây rốn đến thai nhi, vì vậy bé sẽ chịu ít ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu dây rốn thắt quá chặt, lúc này quá trình tuần hoàn và hấp thu dinh dưỡng cũng như khí oxy từ mẹ sẽ bị cản trở triệt để, gây ra sự tử vong ngay từ trong bụng mẹ của thai nhi.
Hiện tượng dây rốn thắt nút cũng gây ảnh hưởng đáng kể cho bé trong quá trình chuyển dạ. Khi em bé được đẩy ra bên ngoài, phần dây rốn bị thắt nút cũng trở nên chặt hơn, khiến quá trình sinh nở trở nên khó khăn và vô cùng phức tạp, thậm chí khiến bé tử vong trên bàn mổ.
Theo các thống kê, tỷ lệ tử vong ở những thai nhi có dây rốn thắt nút cao gấp 4 lần so với các thai nhi thông thường. Đây là một con số đáng lo ngại cho bất kỳ mẹ bầu nào.
Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có trường hợp bé được phát hiện tình trạng dây rốn thắt nút sau khi sinh xong một cách bình yên và an toàn. Nguyên nhân dẫn đến sự may mắn này là do quá trình chuyển đầu thai nhi xuống dưới không gây ra tình trạng kéo căng và khiến dây rốn thắt chặt hơn. Thêm một thông tin khả quan hơn cho bạn: tỷ lệ dây rốn thắt nút của thai nhi là khá hiếm, chỉ chiếm khoảng 0.3% – 2.2%.
3. Dấu hiệu dây rốn thắt nút trên siêu âm – Mẹ bầu cần làm gì khi nghi ngờ thai nhi bị dây rốn thắt nút?
Hiện tượng dây rốn thắt nút rất khó để phát hiện qua kỹ thuật siêu âm 2D bình thường mà cần được chẩn đoán thông qua kỹ thuật siêu âm 4D với hình ảnh trực quan là dây rốn có một cuộn vòng tròn. Tuy nhiên, trường hợp này chỉ có thể nhận biết rõ ràng trong thời gian đầu thai kỳ. Càng về sau, dây rốn sẽ phát triển dài hơn và chạy vòng tròn, vì thế rất khó nhận biết đó là dấu hiệu trên là do dây rốn cuộn tròn hay bị thắt nút.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể nghi ngờ thai nhi bị thắt nút dây rốn khi có dấu hiệu suy giảm hoạt động của thai nhi.
Chính vì sự không rõ ràng này đã khiến nhiều mẹ bầu lo lắng. Các bác sỹ khuyến cáo rằng: khi thai nhi bị nghi ngờ có tình trạng dây rốn thắt nút, mẹ cần phải thật sự cẩn trọng, đi khám thai và siêu âm thường xuyên hơn theo hướng dẫn từ bác sỹ. Đồng thời, mẹ cũng phải theo dõi tim thai để xác định tình trạng và nguy cơ bị đe dọa của em bé trong bụng.
Khi phát hiện bất thường, mẹ phải đến bệnh viện cấp cứu ngay. Trong trường hợp khẩn cấp (giảm tiểu cầu, biểu đồ tim thai bất thường...) và thai nhi đã đủ lớn, các bác sỹ sẽ lập tức mổ bắt thai nhằm đảm bảo an toàn cho cả 2 mẹ con.
Qua bài viết này, hẳn bạn đọc đã biết rõ hơn thế nào là dây rốn thắt nút cũng như dấu hiệu dây rốn thắt nút trên siêu âm. Tuy nhiên, những dấu hiệu này cho đến nay vẫn chưa quá rõ ràng. Vì thế, cách tốt nhất để mẹ bảo vệ con chính là thực hiện khám thai định kỳ theo hướng dẫn bác sỹ, tiến hành xét nghiệm và siêu âm đều đặn để phát hiện sớm nhất các bất thường của bé, từ đó có giải pháp kịp thời.
Xem thêm:
- Lý do không nên cắt dây rốn cho trẻ ngay lập tức sau sinh
- Thai nhi bị dây rốn quấn cổ 2 vòng nguy hiểm như thế nào?
- Trong thai kỳ dây rốn hình thành khi nào?