Đau đại tràng ở vị trí nào?
Đau bụng là bệnh phổ biến mà rất nhiều người gặp phải. Đau bụng có thể do rất nhiều nguyên nhân như đau dạ dày, ngộ độc, do giun sán hoặc đau đại tràng,... Vậy để làm sao biết được chính xác đau đại tràng ở vị trí nào và cách khắc phục tình trạng này, hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây.
Đau đại tràng ở vị trí nào?
1. Vị trí, cấu tạo và chức năng của đại tràng
Đại tràng hay còn gọi là ruột già chính là một bộ phận quan trọng trong hệ tiêu hóa cơ thể người.
Sau quá trình tiêu hóa thức ăn tại ruột non, toàn bộ các chất cặn bã của thực phẩm sẽ được đẩy xuống đại tràng và thải ra ngoài. Do cấu tạo đại tràng là nơi chứa đựng chất thải cùng với rất nhiều vi khuẩn nên đại tràng cũng là bộ phận dễ phát sinh nhiều bệnh.
Cấu tạo của đại tràng bao gồm: manh tràng, kết tràng và trực tràng. Toàn bộ đại tràng bao quanh ruột non, dài khoảng 1,5m.
Do là bộ phận có vị trí cuối cùng trong hệ tiêu hóa nên đại tràng có những chức năng đặc biệt như sau:
- Tiêu hóa thức ăn: mặc dù đây là chức năng chính của dạ dày nhưng để đảm bảo cho thức ăn đã được tiêu hóa hết, đại tràng sẽ thực hiện luôn công việc này. Sau quá trình tiêu hóa thức ăn tại dạ dày, một lần nữa các chất cặn bã như chất xơ không hòa tan hay chất giàu đạm mỡ mà dạ dày không “làm việc” được, sẽ được đại tràng xử lý lại.
- Hấp thụ chất dinh dưỡng: đây vốn là chức năng chính của ruột non nhưng đại tràng vẫn có khả năng hấp thụ được tiếp những chất dinh dưỡng còn sót lại để đưa vào máu nuôi dưỡng cơ thể.
- Hấp thụ nước và muối khoáng: ngoài những chức năng vừa kể trên, đại tràng còn có thể hấp thu nước và muối khoáng cùng các nguyên tố khác để cung cấp cho cơ thể.
- Đóng khuôn chất thải: sau khi hấp thụ hết nước để đưa vào thận, chất thải sẽ cô đặc lại và đóng thành phân để đào thải ra ngoài.
2. Đau đại tràng ở vị trí nào?
Chính vì nằm trong ổ bụng nên triệu chứng đau đại tràng rất dễ bị nhầm lẫn với một số bệnh ở đường tiêu hóa khác. Bởi vậy đau đại tràng ở vị trí nào là thắc mắc của rất nhiều người. Dưới đây là một số vị trí xung quanh ổ bụng mà bạn có thể gặp phải khi bị đau đại tràng, đó là:
- Vùng thượng vị: đau do bệnh đại tràng ngang.
- Vùng hạ vị: đau do bệnh đại tràng xích ma.
- Vùng rốn: đau do bệnh đại tràng ngang.
- Vùng hạ sườn trái: rối loạn đại tràng.
- Vùng mạn sườn trái: do rối loạn đại tràng xuống hoặc viêm đại tràng.
- Vùng mạn sườn phải: do rối loạn đại tràng lên.
Khi bị đau đại tràng cấp tính thì sẽ xuất hiện những cơn đau quặn âm ỉ ở vùng bụng dưới rốn sau đó lan ra hai bên mạn sườn, bụng bị chướng, đầy hơi và sẽ làm cho người bệnh khó ngủ vào ban đêm.
Đau bụng do đau đại tràng thường xuất hiện sau khi ăn no, đặc biệt là ăn một số loại thực phẩm “lạ”, chua, cay, rau sống, tiết canh, thực phẩm kém vệ sinh,...
Trong trường hợp bị xuất huyết đại tràng thì người bệnh sẽ bị chóng mặt, hoa mày, bủn rủn tay chân, tình trạng này kéo dài có thể mắc bệnh thiếu máu.
3. Các bệnh đại tràng thường gặp nhất hiện nay
- Viêm đại tràng màng giả: bệnh do một loại vi khuẩn có tên là Clostridium difficile gây ra. Bệnh có tên gọi là “viêm đại tràng màng giả” bởi vì các vi khuẩn sau khi xâm nhập vào ruột gây viêm ruột và tạo thành một lớp màng bám dịch chặt vào thành ruột. Lớp màng này lại nằm chồng lên niêm mạc đại tràng nên có tên gọi là màng giả.
- Viêm loét đại tràng: đây là bệnh thường gặp nhất ở những người mắc bệnh đại tràng. Bệnh với các biểu hiện đặc trưng là: đau quặn bụng, nôn ói, đi ngoài ra máu,... Nhiều người bệnh chủ quan không chữa trị kịp thời có thể biến chứng thành ung thư đại tràng.
- Viêm đại tràng co thắt: bệnh còn có tên gọi khác là đại tràng chức năng, rối loạn đại tràng chức năng, hội chứng ruột kích thích. Bệnh có biểu hiện cụ thể là: đau cứng bụng, xuất hiện những cục cứng ở bụng, thỉnh thoảng xuất hiện tiêu chảy, táo bón,...
Phải làm gì khi bị đau đại tràng?
Với những người bị đau đại tràng, cơn đau có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và ở bất kỳ vị trí nào trong ổ bụng. Bởi vậy, nếu xuất hiện cơn đau đại tràng thì bạn có thể thoa dịu cơn đau bằng cách:
- Xoa bụng theo chiều kim đồng hồ.
- Chườm bằng nước ấm.
- Nằm nghỉ ngơi, tránh hoạt động mạnh để gia tăng cơn đau.
- Có chế độ ăn uống hợp lý: kiêng ăn đồ sống, tanh, bảo quản lâu ngày, tránh thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, các đồ ngọt, các chất kích thích (nước ngọt có gas, bia, rượu, café),....
- Điều quan trọng nhất là bạn cần nhanh chóng đi khám tại những cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được chẩn đoán chính xác và có phương án điều trị kịp thời.
Bệnh đau đại tràng không chỉ khiến bạn mệt mỏi mà còn làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Hy vọng với những điều trong bài viết trên, bạn đã biết được đau đại tràng ở vị trí nào cùng những biện pháp làm giảm cơn đau đại tràng hiệu quả!
Xem thêm:
- Nội soi - Cách hiệu quả phát hiện sớm ung thư đại trực tràng
- Viêm đại tràng có dẫn đến ung thư không?
- Triệu chứng của bệnh viêm đại tràng co thắt là gì?