Đau bụng khi rụng trứng kéo dài bao lâu?
Rụng trứng là quá trình sinh lý tự nhiên của cơ thể người phụ nữ. Trong thời kỳ này cơ thể có nhiều sự thay đổi về nội tiết tố, đặc biệt xuất hiện tình trạng đau bụng nhẹ. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc của bạn đọc về việc đau bụng khi rụng trứng kéo dài bao lâu và những dấu hiệu nào cho biết bạn đang rụng trứng.
Đau bụng khi rụng trứng kéo dài bao lâu?
Một số điều cần biết về quá trình rụng trứng
Một chu kỳ kinh nguyệt thông thường kéo dài 28 ngày và nang trứng ở một bên buồng trứng sẽ trưởng thành từ ngày thứ 6 đến 14. Sau đó từ ngày thứ 10 đến 14 sẽ có một trứng phát triển và chín. Khi đạt đến độ chín nhất định sẽ rụng vào vòi trứng và đi vào ống dẫn trứng vào khoảng ngày thứ 14.
Một chu kỳ rụng trứng kéo dài trong vòng 24 giờ, nếu không được thụ tinh vào khoảng thời gian này thì nó sẽ chết. Lớp niêm mạc tử cung đã dày lên trước đó để đón trứng thụ tinh cũng sẽ bong ra theo và xuất hiện hiện tượng kinh nguyệt vào khoảng 2 tuần sau.
Mặc dù quá trình rụng trứng chỉ trong một ngày nhưng không nhất thiết phải quan hệ vào đúng ngày đó để có thai. Sự thụ thai có thể xảy ra trong vòng 5- 6 ngày trước trong và sau khi trứng rụng nếu bạn có quan hệ. Nguyên nhân là do tinh trùng có thể sống trong âm đạo của phụ nữ trong khoảng 3 đến 5 ngày, do đó khi trứng rụng sẽ gặp được tinh trùng và quá trình thụ tinh xảy ra.
Những dấu hiệu khi rụng trứng ở phụ nữ thường không rõ ràng, tuy nhiên ở một số người thường xảy ra hiện tượng đau bụng nhẹ vào khoảng thời gian này.
Đau bụng khi rụng trứng kéo dài bao lâu?
Theo nhiều thống kê cho thấy, đau bụng khi rụng trứng là hiện tượng khá phổ biến. Có đến 1⁄5 phụ nữ bị đau bụng vào ngày trứng được phóng thích. Chứng đau bụng này xảy ra vùng bụng dưới khá giống với đau bụng hành kinh ở một số người và là hiện tượng hoàn toàn bình thường.
Nguyên nhân của tình trạng này là khi trứng rụng, nang chứa trứng bám trong buồng trứng sẽ vỡ ra để phóng thích trứng và có thể kèm theo chảy máu cùng dịch tiết gây đau. Ngoài ra, quá trình trứng di chuyển kết hợp với những cơn co thắt của vòi trứng cũng gây đau đớn.
Cơn đau do rụng trứng có thể xảy ra ở bên trái hoặc bên phải vùng bụng dưới tùy theo trứng rụng từ bên nào. Chị em sẽ thấy đau buốt, căng tức hoặc nhói. Thời gian đau kéo dài khác nhau tùy vào thể trạng mỗi người, từ vài phút cho đến 48 giờ và có thể xảy ra buồn nôn ở một số người.
Trong trường hợp cảm thấy quá đau, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng thuốc giảm đau hoặc đơn giản hơn là nghỉ ngơi, chườm nóng hoặc tắm nước ấm. Tuy nhiên nếu cơn đau xảy ra trên 3 ngày thì cần đến bác sĩ chuyên khoa để thăm khám và phát hiện những bất thường nếu có.
Một số dấu hiệu khác khi rụng trứng
- Dịch âm đạo thay đổi bất thường
Thời gian này khí hư sẽ xuất hiện rất nhiều, có màu như lòng trắng trứng, có thể co giãn và kéo dài thành sợi. Hiện tượng này có thể xảy ra trước khi rụng trứng 2-3 ngày và trong khi rụng trứng.
- Thân nhiệt thay đổi
Thân nhiệt cơ thể người phụ nữ có thể tăng nhẹ do sự tăng tiết hormone progesterone trong thời kỳ rụng trứng.. Để xác định chính xác sự thay đổi này, chị em cần đo nhiệt độ để kiểm tra và theo dõi chu kỳ của mình. Bạn nên đo thân nhiệt vào buổi sáng trước khi ra khỏi giường lúc vừa ngủ dậy, đây là lúc thân nhiệt thấp nhất.
Với những người có chu kỳ bình thường 28 ngày, nhiệt độ sẽ rơi vào khoảng 36.5 độ C, trước khi rụng trứng sẽ giảm xuống 36.2 độ C rồi tăng lên lại 37.0 cho đến khi hành kinh. Thời điểm thụ thai tốt nhất là 2-3 ngày trước khi tăng thân nhiệt.
- Nhu cầu tình dục tăng lên
Có những yếu tố đặc biệt thúc đẩy cho người phụ nữ gia tăng ham muốn trong giai đoạn này, và đây cũng là giai đoạn dễ thụ thai nhất Dấu hiệu này sẽ xảy ra cho dù họ có muốn mang thai hay không.
Xem thêm:
- Siêu âm canh trứng rụng như thế nào?
- Làm thế nào để kiểm tra chất nhầy cổ tử cung?
- Khám nội tiết ngày thứ 2 chu kỳ kinh cụ thể là ngày nào?