Đáng báo động tình trạng thiếu máu cơ tim ở người trẻ

Tỷ lệ người trẻ tuổi mắc bệnh thiếu máu cơ tim ngày càng tăng cao trong những năm qua. Nhiều người cho rằng đây là bệnh của người cao tuổi nên xem nhẹ những triệu chứng ban đầu dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Đáng báo động tình trạng thiếu máu cơ tim ở người trẻ Đáng báo động tình trạng thiếu máu cơ tim ở người trẻ

Cùng tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách phòng ngừa thiếu máu cơ tim qua bài viết sau đây!

1. Thiếu máu cơ tim ở người trẻ là gì?

Hiện tượng thiếu máu cơ tim xảy ra khi lượng máu nuôi dưỡng tim ít hơn so với nhu cầu của cơ thể, mạch máu của tim nuôi dưỡng các cơ tim (gọi là mạch vành) có vấn đề, thường gặp nhất là lòng mạch bị hẹp lại chủ yếu do các mảng vữa xơ của động mạch vành.

Ở giai đoạn đầu, tình trạng hẹp lòng mạch nhẹ, biểu hiện bệnh không rõ ràng, dần dần mạch vành hẹp lại do mảng vữa xơ phát triển thì mức độ càng rõ. Đến một lúc nào đó các mảng vữa xơ động mạch vỡ ra bít lòng mạch lại, dòng máu không chảy qua khiến cơ tim thiếu máu, dẫn đến tổn thương và hoại tử, gọi là nhồi máu cơ tim.

2. Nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim ở người trẻ

Tình trạng thiếu máu cơ tim ở người trẻ xảy ra khi các động mạch máu nuôi tim bị thu hẹp, làm cản trở dòng máu tới tim, khiến cơ tim không được nhận đủ máu và oxy để hoạt động. Khi đó người bệnh có thể nhận thấy các biểu hiện đau thắt ngực, khó thở, mệt mỏi,... đặc biệt là khi hoạt động gắng sức, làm suy giảm chất lượng cuộc sống.

Có rất nhiều nguyên nhân có thể khiến cho lòng động mạch vành bị thu hẹp ở người trẻ tuổi, bao gồm:

2.1. Xơ vữa động mạch vành

Đây là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng thiếu máu cơ tim. Quá trình xơ vữa mạch xảy ra khi các phân tử cholesterol dư thừa trong máu bắt đầu thâm nhiễm và tích tụ trên thành động mạch. Chúng làm tổn thương thương lớp lót của thành động mạch và gây viêm. Theo thời gian, canxi, các tế bào máu, cùng các phân tử chất béo tiếp tục lắng đọng, bám dính, làm tổn thương động mạch và dày thêm mảng xơ vữa, khiến lòng động mạch vành bị thu hẹp đáng kể và hạn chế dòng máu tới tim.

Bình thường quá trình xơ vữa động mạch vành diễn ra trong rất nhiều năm và biểu hiện thành bệnh khi chúng ta lớn tuổi. Thế nhưng, chính vì thói quen sống không lành mạnh của người trẻ là nguyên nhân thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh chóng, gây thiếu máu cơ tim. Các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa mạch vành ở người trẻ đó là ít vận động, thừa cân, béo phì, ăn nhiều chất béo, chất đường bột, tăng cholesterol máu, stress, thiếu ngủ, hút thuốc lá, gia đình có tiền sử mắc bệnh thiếu máu cơ tim...

2.2. Co thắt động mạch vành

Động mạch vành bị co thắt bởi các nguyên nhân như hút thuốc lá, căng thẳng lo âu kéo dài, uống nhiều rượu, lạm dụng các chất kích thích, ma túy... làm giảm lưu lượng máu tới tim.

2.3. Bệnh cầu cơ mạch vành

Đây là một dị tật tim bẩm sinh, trong đó có một đoạn động mạch vành đi xuyên qua các bó cơ tim thay vì bao quanh bề mặt trái tim. Điều này khiến cho động mạch vành bị chèn ép và thu hẹp lại mỗi khi tim co bóp, gây thiếu máu cơ tim.

2.4. Một số nguyên nhân khác

Ngoài ra, một số các yếu tố nguy cơ khác gây thiếu máu cơ tim ở người trẻ tuổi như:

  • Các hội chứng gây tăng đông máu như hội chứng thận hư, hội chứng kháng phospholipid (hội chứng Hughes),... có thể làm tăng kết dính tiểu cầu và hình thành nên cục máu đông gây tắc hẹp động mạch vành.
  • Hút thuốc lá, hít khói thuốc thụ động từ nhỏ.
  • Lạm dụng cocain, ma túy.
  • Uống nhiều bia rượu.
  • Thói quen ăn uống, luyện tập không lành mạnh khiến cơ thể bị thừa cân, béo phì.
  • Tiền sử gia đình mắc bệnh tim.
  • Stress kéo dài, tinh thần luôn gặp khủng hoảng.

3. Dấu hiệu cảnh báo thiếu máu cơ tim ở người trẻ

vicare.vn-dang-bao-dong-tinh-trang-thieu-mau-co-tim-o-nguoi-tre-body-1
Đau thắt ngực dữ dội là dấu hiệu cảnh báo thiếu máu cơ tim ở người trẻ tuổi

Người trẻ tuổi thường chủ quan và chưa quan tâm nhiều đến sức khỏe nên bỏ qua các triệu chứng của bệnh, dẫn tới những hậu quả khôn lường. Nắm bắt và nhận biết sớm các dấu hiệu của nhồi máu cơ tim sẽ giúp người bệnh có thêm nhiều cơ hội để bảo toàn mạng sống, bao gồm:

  • Đau thắt ngực dữ dội như có vật đè nặng, ép chặt ở ngực..., đau lan ra cổ, vai, hàm, lưng và cánh tay trái. Cơn đau thường kéo dài trên 15 phút, không giảm khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc giãn mạch.
  • Tim đập mạnh liên hồi
  • Khó thở
  • Toát mồ hôi lạnh
  • Da tái nhợt
  • Rất mệt mỏi và khó chịu...

4. Thiếu máu cơ tim có nguy hiểm không?

Thiếu máu cơ tim rất nguy hiểm, vì nếu như không được kiểm soát tốt, bệnh thiếu máu cơ tim có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, trong đó nguy hiểm nhất là nhồi máu cơ tim. Khác với các bệnh lý thông thường, nhồi máu cơ tim là một tình trạng cấp cứu.

Khi người bệnh lên cơn đau tim, cần được cấp cứu kịp thời và nhanh chóng ngay trong 2 đến 4 giờ đầu tiên, hay còn gọi là “thời gian vàng”. Nếu qua thời gian này bệnh nhân không được cấp cứu hoặc sử dụng các thuốc tiêu sợi huyết nhằm làm tan huyết khối thì nguy cơ biến chứng dẫn đến tử vong là rất cao.

Vì vậy, nếu được chẩn đoán bị thiếu máu cơ tim, bạn nên chuẩn bị sẵn thuốc trong người để phòng trường hợp khẩn cấp. Nếu người nhà hoặc gặp ai đó bị nhồi máu cơ tim, nên nhanh chóng chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

5. Điều trị thiếu máu cơ tim ở người trẻ

5.1. Điều trị dùng thuốc

Các thuốc điều trị thiếu trị thiếu máu cơ tim thường dùng là:

  • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin: giúp hạ áp, cải thiện chức năng bơm máu của tim.
  • Thuốc chẹn beta: giúp làm chậm nhịp tim, ổn định huyết áp.
  • Thuốc chống đông máu: ngăn ngừa cục máu đông gây tắc mạch.
  • Thuốc chẹn kênh canxi: giảm bớt gánh nặng cho tim, hạ huyết áp.

Thiếu máu cơ tim là bệnh mạn tính yêu cầu bệnh phải uống thuốc trong thời gian dài. Điều này kéo theo nhiều nguy cơ về tác dụng phụ nên họ phải hết sức thận trọng, sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

5.2. Điều trị không dùng thuốc

Điều chỉnh chế độ ăn hợp lý để các thành phần trong máu cân bằng, mỡ xấu LDL cholesterol giảm đi và mỡ tốt HDL cholesterol tăng lên; hồng cầu trong máu Hemoglobin phải đầy đủ.

6. Phòng ngừa thiếu máu cơ tim ở người trẻ

6.1. Thay đổi lối sống và kiểm soát stress

  • Hạn chế tối đa căng thẳng, giảm bớt những mối lo trong cuộc sống
  • Học cách suy nghĩ lạc quan, tích cực trong mọi vấn đề
  • Thư giãn thường xuyên với những hoạt động mình yêu thích
  • Tập thể dục thể thao tối thiểu 30 phút mỗi ngày, đặc biệt là những bộ môn có thể giúp tinh thần thư thái như yoga, thiền, đi bộ, bơi lội...
  • Duy trì các thói quen sống lành mạnh như ăn ngủ điều độ, đúng giờ, không thức quá khuya,...
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh
  • Hạn chế rượu bia và tuyệt đối không hút thuốc lá

6.2. Chế độ dinh dưỡng giảm chất béo, tăng chất xơ hòa tan

vicare.vn-dang-bao-dong-tinh-trang-thieu-mau-co-tim-o-nguoi-tre-body-2
Nên tăng cường các loại thực phẩm giàu chất xơ hòa tan có lợi cho sức khỏe tim mạch

Việc cắt giảm cholesterol cũng như các loại chất béo xấu như chất béo bão hòa và chất béo trans có thể giúp bạn hạn chế được sự tiến triển của xơ vữa động mạch vành. Các loại chất béo xấu này có nhiều trong mỡ, nội tạng động vật, các loại thịt đỏ như thịt lợn, thịt bò, các món ăn chiên xào hay đồ ăn chế biến sẵn như xúc xích, thịt hun khói, khoai tây chiên, bánh rán...

Ngoài ra, bạn cũng nên tăng cường các loại thực phẩm giàu chất xơ hòa tan như rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu... vì chúng có thể giúp làm giảm hấp thu cholesterol và chứa nhiều vitamin, khoáng chất có lợi cho sức khỏe tim mạch.

Xem thêm:

  • Thực phẩm tốt cho người bị bệnh thiếu máu cơ tim
  • Bệnh nhân thiếu máu cơ tim nên ăn gì?
  • Bệnh thiếu máu cơ tim nguy hiểm thế nào?