Da không đều màu ở trẻ sơ sinh có phải là bệnh lý?

Da không đều màu ở trẻ sơ sinh là hiện tượng khá thường gặp ở các bé với các biểu hiện như da xuất hiện các vết bớt, đốm... làm thay đổi màu sắc da trên cơ thể trẻ. Vậy da không đều màu ở trẻ sơ sinh có phải là bệnh lý? Mời độc giả cùng HoiBenh đi tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Da không đều màu ở trẻ sơ sinh có phải là bệnh lý? Da không đều màu ở trẻ sơ sinh có phải là bệnh lý?

Da không đều màu ở trẻ sơ sinh là hiện tượng khá thường gặp ở các bé với các biểu hiện như da xuất hiện các vết bớt, đốm... làm thay đổi màu sắc da trên cơ thể trẻ. Vậy da không đều màu ở trẻ sơ sinh có phải là bệnh lý? Mời độc giả cùng HoiBenh đi tìm hiểu qua bài viết sau đây.

1. Biểu hiện da của trẻ sơ sinh khỏe mạnh

Da của bé có màu đỏ đậm hoặc hơi tím, bàn tay, bàn chân có màu hơi xanh. Da sẽ sáng dần lên sau khi bé hít hơi thở đầu tiên hoặc cất tiếng khóc chào đời. Phía ngoài da bé được bao phủ bởi một lớp sáp trắng giúp quá trình sinh được dễ dàng và bảo vệ da chống lại các bệnh nhiễm trùng thông thường. Lớp sáp này có thể tự tróc ra trong vòng 2 - 3 ngày sau sinh hoặc sau khi tắm.

Có một lớp lông tơ mềm bao phủ da đầu, trán, má, vai và lưng bé, đặc biệt là trẻ sinh non. Lông tơ sẽ rụng sau một vài tuần đầu sau sinh. Da trẻ sơ sinh rất khác nhau tùy thuộc vào khoảng thời gian mang thai. Trẻ sinh non da thường mỏng, trong hơn, trẻ sinh đủ tháng da thường dày hơn.

Khi được 2 - 3 ngày tuổi, da bé sáng hơn một chút, có thể bị khô và bong tróc. Da bé vẫn đỏ mỗi lần khóc và mỗi khi bị lạnh, môi, bàn tay, bàn chân bé có màu hơi xanh hoặc chấm đốm.

vicare.vn-da-khong-deu-mau-o-tre-so-sinh-co-phai-la-benh-ly-body-1

2. Da không đều màu ở trẻ sơ sinh có phải bệnh lý?

2.1. Bớt nâu (bớt cà phê sữa)

Biểu hiện:

Những đốm phẳng thường có hình bầu dục và trông giống như một vết bớt bình thường, có các cạnh và màu tối hơn một chút tạo nên sự khác biệt sắc tố so với vùng da xung quanh (thường là màu của cà phê sữa, do đó chúng có tên gọi là bớt nâu hoặc bớt cà phê sữa).

Mặc dù bản thân những đốm này vô hại, nhưng nếu đốm này lớn hơn đồng xu, thì đó có thể là do Neurofibromatosis (NF), một rối loạn di truyền của hệ thần kinh gây ra sự phát triển bất thường của các mô thần kinh hoặc hình thành khối u lành tính trên các dây thần kinh của bất cứ cơ quan nào trong cơ thể vào bất cứ lúc nào.

Sự xuất hiện của các vết chàm nâu phân loại theo chủng tộc như sau:

  • 0,3% người da trắng
  • 0,4% người Trung Quốc
  • 3% người gốc Tây Ban Nha
  • 18% người Mỹ gốc Phi

Cách chăm sóc da trẻ sơ sinh bị bớt nâu:

Không cần điều trị y tế, nhưng sẽ phải phẫu thuật bằng laser để giúp làm mờ các vết đốm.

2.2. Bớt đỏ

Biểu hiện:

Vết bớt có màu giống như rượu vang đỏ trên da bé. Khi sinh ra, vết này có thể có màu hồng nhưng có xu hướng trở nên tối màu hơn thành màu đỏ tím hoặc đỏ sẫm khi bé lớn.

Vết chàm đỏ được tạo thành từ các mạch máu được hình thành một cách không hoàn chỉnh dưới da. Các sợi dây thần kinh dưới da có các mạch máu nhỏ (mao mạch) cho phép một lượng máu lớn hơn bình thường chảy vào, do đó gây ra vết bớt màu đỏ.

Tình trạng này không thể ngăn ngừa được, cũng không phải do tác động nào đó trong thời kỳ mẹ mang thai.

Cách chăm sóc da trẻ sơ sinh bị bớt đỏ:

Điều trị bằng laser có thể được bắt đầu ở giai đoạn sớm có thể giúp làm mờ dần các vết. Việc giữ ẩm cho làn da bé cũng rất quan trọng vì những vùng da bị bệnh này có xu hướng khá khô.

2.3. Bớt Mông Cổ

Biểu hiện:

Những vết lớn màu xanh hoặc xám trông rất giống vết bầm tím, nhưng không gây đau đớn, có thể xuất hiện trên lưng, vùng mông hoặc chân của bé.

Tình trạng phổ biến này là do một nồng độ lớn melanocytes (tế bào có chứa sắc tố đen) tập trung bên dưới làn da bé.

Tình trạng này chủ yếu xuất hiện ở trẻ da màu như người châu Á, người Mỹ bản địa, người gốc Tây Ban Nha và những người gốc Phi.

Cách chăm sóc da trẻ sơ sinh bị bớt Mông Cổ:

Không cần phải điều trị vì cuối cùng chúng sẽ biến mất khi trẻ ở độ tuổi đến trường.

2.4. Bớt đốm cá hồi

Biểu hiện:

Những vết đốm cá hồi hay còn gọi là vết cò mổ xuất hiện thành mảng màu hồng nhạt, xỉn màu thường xuất hiện ở cổ, giữa lông mày, trên mí mắt (còn được gọi là nụ hôn của thiên thần), quanh mũi hoặc miệng bé.

Những vết này được gây ra bởi các mao mạch bị giãn trong da, đôi khi có thể bị đỏ hơn hoặc sẫm màu hơn khi bé khóc, bị kích thích hoặc buồn bã.

Tình trạng này khá phổ biến và xảy ra ở khoảng 7 trên 10 bé.

Cách chăm sóc da trẻ sơ sinh bị bớt đốm cá hồi:

Không cần điều trị vì những dấu hiệu này sẽ tự biến mất trong vòng 1 đến 2 năm.

2.5. Mụn sữa

Biểu hiện:

Là những nốt mụn nhỏ màu trắng quanh mũi, cằm hoặc má và đôi khi ở thân trên và tứ chi.

Nguyên nhân gây mụn sữa là do các tế bào da chết không được đẩy ra ngoài, bị mắc kẹt dưới da. Nhiều khi mẹ có thể cảm thấy bị thôi thúc bởi ý nghĩ muốn nặn hoặc chà xát các vết mụn thịt, nhưng điều này cần tránh vì nó có thể gây ra nhiều kích ứng hơn hoặc thậm chí là nhiễm trùng cho bé.

Tuy nhiên, mụn sữa thường sẽ tự khỏi trong vòng vài tuần hoặc vài tháng.

Cách chăm sóc da trẻ sơ sinh bị mụn sữa:

Rửa mặt cho bé hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng dịu nhẹ, lau nhẹ nhàng cho da bé khô ráo; tránh sử dụng bất kỳ loại kem hoặc dầu bôi nào trên khu vực bị mụn của bé.

vicare.vn-da-khong-deu-mau-o-tre-so-sinh-co-phai-la-benh-ly-body-2

2.6. Mụn hắc tố

Biểu hiện:

Các mụn nước nhỏ bong ra để lộ một vết màu nâu nhỏ bên trong, sau đó có thể xuất hiện một số đốm đen, phẳng – thường thấy ở dưới cằm, sau gáy, trên trán, lưng dưới hoặc cẳng chân.

Tình trạng da lành tính này thường khởi phát ngay sau sinh ở những trẻ sơ sinh có làn da sẫm màu.

Tuy nhiên, nếu mẹ nhận thấy bất kỳ vết phồng rộp nào trên da bé, hãy đưa bé đi kiểm tra để đảm bảo vết đó không phải các bệnh nhiễm trùng như herpes hoặc tụ cầu khuẩn.

Cách chăm sóc da trẻ sơ sinh bị mụn hắc tố:

Không cần điều trị y tế và sẽ tự mờ dần trong vòng 3 tháng.

2.7. Rối loạn sắc tố da ở trẻ sơ sinh

Rối loạn sắc tố da ở trẻ em là một loại bệnh thường gặp, với biểu hiện làm thay đổi màu sắc da trên cơ thể của trẻ. Rối loạn sắc tố da ở trẻ em là hiện tượng tăng sắc tố da, do nhiều nguyên nhân gây nên như: Melanin dư thừa, tác động của ánh nắng mặt trời, nội tiết tố, dùng thuốc...làm cho da bị sẫm màu hơn.

Rối loạn sắc tố da ở trẻ em có thể xuất hiện khắp cơ thể hoặc một số vùng da trên cơ thể trẻ như mặt hoặc tay.

Biểu hiện: Rối loạn sắc tố da ở trẻ em thường được biểu hiện dưới hai hình thức:

  • Thứ nhất là tăng sắc tố da: Trên cơ thể của trẻ có những đốm nâu với màu sắc đậm nhạt khác nhau, nhỏ to không đều, xuất hiện lởm chởm hoặc thành từng mảng liên tục.
  • Thứ hai là giảm sắc tố da: Có những đốm nhạt màu xuất hiện thành từng đám, hoặc những mảng da bị mất màu trên niêm mạc, trên bề mặt da.

Nguyên nhân:

  • Tăng sắc tố da:

Do ánh sáng mặt trời khi trẻ tiếp xúc chứa nhiều tia độc hại

Do nội tiết tố trong cơ thể

Do rối loạn chuyển hóa

Do di truyền: Yếu tố chủng tộc, nòi giống,...

  • Giảm sắc tố da (bạch biến): Nguyên nhân sâu xa gây ra bệnh bạch biến chưa được tìm ra, nhưng giảm sắc tố da ở trẻ em thường do một số bệnh như lang ben, sẹo hoặc phỏng. Ngoài ra, tình trạng này còn có thể do bôi các hóa chất như Corticoid, thủy ngân, có trong thành phần kem chống nắng hoặc một số loại thuốc trị bệnh.
vicare.vn-da-khong-deu-mau-o-tre-so-sinh-co-phai-la-benh-ly-body-3

Các loại rối loạn sắc tố da thường gặp

  • Bệnh Addison

Bệnh Addison là do rối loạn nội tiết tố hiếm gặp, một trong số đó là do tuyến thượng thận sản xuất hormone steroid không đủ.

Bệnh có khả năng gây tăng sắc tố da ở trẻ em, bệnh gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng trước và sau khi thay đổi màu da. Nếu thấy trẻ đột ngột bị thay đổi sắc tố da thì phải đưa trẻ đến khám bác sĩ ngay.

  • Nám

Trên cơ thể của trẻ xuất hiện các đốm hoặc các vết cháy nắng màu nâu, thường xuất hiện nhiều nhất trên khuôn mặt. Bị nám do nhiều nguyên nhân khác nhau, và khi bị nám hãy tìm hiểu rõ nguyên nhân gây nên nám da ở trẻ, tuyệt đối không được dùng các thuốc trị nám một cách tùy tiện, khi không có sự chỉ định của bác sĩ, để tránh tác dụng ngược.

Cách điều trị

Các mẹ có thể dùng thuốc bôi ngoài da có chứa alpha hydroxy acid và retinoids theo sự chỉ định của bác sĩ, các thành phần thuốc này sẽ giúp điều trị các loại tăng sắc tố da.

Ngoài ra, còn có các phương pháp khác như:

  • Peels: Phương pháp làm vùng da bị tối màu sáng lên
  • Liệu pháp IPL: Tiêu diệt các đốm sắc tố bằng dòng ánh sáng nhắm thẳng vào các đốm sắc tố ấy.
  • Liệu pháp laser: Giúp tái tạo bề mặt của da

Các loại mặt nạ từ thiên nhiên như dầu tầm xuân, dưa leo, nước cốt chanh và nha đam cũng có thể góp phần làm trắng sáng lại làn da tối màu của trẻ, các mẹ có thể thực hiện ngay tại nhà để giúp tái tạo lại da của trẻ.

Cách phòng tránh

  • Nên cho trẻ ăn các loại thức ăn giàu sinh tố để giúp làn da của trẻ tươi sáng và láng mịn hơn.
  • Hạn chế việc cho trẻ ra ngoài phơi nắng quá nhiều.
  • Khi ra đường, nên bôi các loại kem chống nắng phù hợp với làn da của trẻ, để giúp bảo vệ làn da của trẻ khỏi ánh nắng mặt trời.
  • Để ý các thành phần khi sử dụng các loại thuốc đối với trẻ, để tránh hormone của trẻ bị rối loạn.

Rối loạn sắc tố da ở trẻ em là một căn bệnh - tuy không nghiêm trọng, nhưng nếu không điều trị kịp thời và hiệu quả, sẽ để lại những tác hại đối với cơ thể và làn da của trẻ. Mẹ cần lưu ý rằng, cần đưa trẻ đi khám bác sỹ ngay nếu thấy trẻ có các dấu hiệu bị rối loạn sắc tố da.

Như vậy, qua bài viết trên hẳn các mẹ đã biết được da không đều màu ở trẻ sơ sinh có thể là những vấn đề về da và chúng sẽ biến mất khi trẻ lớn, nhưng cũng có thể là bệnh lý rối loạn sắc tố da ở trẻ. Nếu thấy da trẻ có biểu hiện bất thường, mẹ cần đưa bé đi khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác nhất.

Xem thêm:

  • Da không đều màu nên dùng gì để khắc phục?
  • Mụn sữa ở trẻ sơ sinh và những điều cần lưu ý
  • Giải đáp thắc mắc: Dùng thuốc tránh thai để trị mụn liệu có tốt?