Cựu Hoàng hậu Nhật Bản mắc bệnh ung thư vú, vậy dấu hiệu ung thư vú là gì?

Ngày 08/09/2019, cựu Hoàng hậu Nhật Bản - Michiko, 85 tuổi, đã trải qua ca phẫu thuật sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn đầu. Có thể thấy, bệnh ung thư vú có thể xảy ra với bất cứ phụ nữ nào, ở độ tuổi già hay trẻ. Vậy dấu hiệu ung thư vú là gì?

Cựu Hoàng hậu Nhật Bản mắc bệnh ung thư vú, vậy dấu hiệu ung thư vú là gì? Cựu Hoàng hậu Nhật Bản mắc bệnh ung thư vú, vậy dấu hiệu ung thư vú là gì?

Cựu Hoàng hậu Nhật Bản mắc bệnh ung thư vú

Bà Michiko, sinh năm 1934, là thường dân đầu tiên kết hôn với một Thái tử Nhật Bản. Thái tử Akihito (sau này là Nhật Hoàng Akihito - lên ngôi năm 1989, thoái vị ngày 30/04/2019) và bà Michiko gặp nhau lần đầu trong một trận đấu quần vợt và sau đó kết hôn - một sự kiện khiến dư luận Nhật Bản xôn xao. Con trai cả của bà Michiko là Nhật hoàng Naruhito sinh năm 1960, con trai thứ hai là Hoàng tử Akishino sinh năm 1965.

Trong đợt kiểm tra sức khỏe định kì ngày 12/07/2019, cựu Hoàng hậu Nhật Bản được phát hiện có một khối u ở ngực trái. Kết quả giải phẫu bệnh cho thấy, đây là một tổ chức ung thư giai đoạn đầu, chưa thấy có dấu hiệu di căn. Ngày 08/09/2019, ca phẫu thuật cắt bỏ khối u do bệnh ung thư vú cho bà Michiko đã diễn ra. Theo cơ quan nội chính Hoàng gia Nhật Bản (IHA), cuộc mổ diễn ra thuận lợi và Thượng hậu đã được đưa về chăm sóc tại phòng bệnh.

Đáng chú ý, trước khi phát hiện bệnh trong đợt kiểm tra sức khỏe, cựu Hoàng hậu Nhật Bản hầu như không có dấu hiệu rõ rệt của một khối ung thư tại ngực trái. Bà chỉ cảm thấy khó thở khi đi bộ tập thể dục buổi sáng và sụt cân hồi cuối tháng 4. Theo các bác sĩ, bà có nguy cơ cao bị suy tim. Điều này cho thấy, không khó để phát hiện ra các triệu chứng ban đầu của bệnh ung thư vú. Tuy nhiên, chúng có thể thoáng qua hoặc dễ nhầm lẫn, đôi khi còn kết hợp với bệnh lý khác, gây khó khăn cho chẩn đoán và điều trị.

Bệnh ung thư vú là gì?

vicare.vn-cuu-hoang-hau-nhat-ban-mac-benh-ung-thu-vu-vay-dau-hieu-ung-thu-vu-la-gi-body-1

Ung thư vú là loại ung thư rất thường gặp và là một trong những nguyên nhân gây tử vong lớn đối với phụ nữ trên toàn thế giới. Theo Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Thế giới (IARC), năm 1998, ung thư vú chiếm 21%, đứng đầu trong số tất cả các loại ung thư phát hiện ở phụ nữ trên thế giới.

Hiện nay, ung thư vú đang dần trở nên phổ biến đối với phụ nữ ở các nước đang phát triển. Theo GS. Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Trung ương (Bệnh viện K) cho biết, ung thư vú hiện loại là ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ Việt Nam, tỉ lệ mắc tăng nhanh đáng kể qua từng năm.

Cụ thể, theo GS. Thuấn, năm 2013, tỉ lệ mắc ung thư vú là 24,4/100 000 phụ nữ, đến năm 2018 con số này đã tăng lên tới 26,2/100 000, tương đương với khoảng 15 000 ca mắc mới, trong đó có hơn 6 000 ca tử vong.

Theo số liệu thống kê này, tỉ lệ mắc mới ung thư vú của Việt Nam xếp thứ 146/185 quốc gia, vùng lãnh thổ báo cáo khảo sát; tỉ lệ tử vong là 10,5/100 000 dân, xếp thứ 150/185. Nhóm 3 nước có tỉ lệ mắc ung thư vú cao nhất thế giới là Bỉ, Luxembourg, Hà Lan với tỉ lệ 105 – 113/100 000 phụ nữ.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu về ung thư vú, GS. Thuấn cùng nhiều chuyên gia ung bướu hàng đầu Việt Nam đã tập hợp số liệu của bệnh nhân ung thư vú trong 25 năm và nhận thấy độ tuổi mắc ung thư vú ở Việt Nam ngày càng trẻ, thậm chí trẻ hơn hẳn các nước châu Âu hay Bắc Mỹ. Xu hướng phụ nữ từ 30 - 34 tuổi mắc bệnh khá nhiều và tăng nhanh, trong đó nhiều nhất ở nhóm 55 - 59 tuổi với tỉ lệ lên tới 135/100 000 phụ nữ. Cá biệt có trường hợp phát hiện ung thư vú trước 18 tuổi.

Ung thư vú, thực chất là sự phát sinh, phát triển của một hay nhiều khối u ác tính tại vị trí vú, có thể di căn hoặc chưa. Khối u có thể phát sinh trên nền da, cơ, hay tuyến vú. U phát triển gây chèn ép tuyến vú, tính chất ác tính của tế bào gây độc cho cơ thể, sự di căn (nếu có) phá hủy và làm suy giảm chức năng các cơ quan khác.

Hậu quả của bệnh ung thư vú, tùy vào giai đoạn phát hiện và quá trình điều trị mà rất khác nhau. Nếu phát hiện sớm và điều trị triệt để, người bệnh có cơ hội loại bỏ hoàn toàn tổ chức ung thư khỏi cơ thể mà không ảnh hưởng nhiều đến toàn trạng. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán và điều tị sớm, có thể dẫn đến:

  • Cắt lọc quá nhiều tổ chức tại vùng ngực, gây ảnh hưởng không nhỏ đến thẩm mỹ và chức năng.
  • Khối u di căn, làm suy giảm chức năng tại các cơ quan mà nó đến.
  • Cơ thể suy nhược, mệt mỏi do điều trị kéo dài.
  • Hậu quả lớn nhất là có thể tử vong.

Tìm hiểu nguyên nhân gây ung thư vú, có khá nhiều nguyên nhân được chỉ ra. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Lê Hồng Quang - Trưởng khoa Ngoại Vú - Bệnh viện K, có 3 nhóm nguyên nhân thường gặp ở bệnh nhân ung thư vú. Đó là:

  • Tuổi tác và quá trình lão hóa của cơ thể dễ gây phát sinh các sai lạc trong quá trình phân chia, phát triển và thực hiện chức năng của các tế bào. Do đó, khả năng hình thành khối u cũng tăng theo.
  • Do nội tiết: Cụ thể là các hormon sinh dục được chứng minh có vai trò quan trọng trong bệnh cảnh ung thư vú. Các nhà khoa học nhận thấy hormon estrogen đẩy mạnh ung thư vú ở chuột trong thí nghiệm, đồng thời trên mẫu nuôi cấy các tế bào ung thư vú thì estrogen kích thích các tế bào này tăng trưởng.
  • Cho đến nay, khoa học đã khám phá ra tác dụng của hormon sinh dục lên mô vú một phần là qua trung gian các yếu tố tăng trưởng. Một số yếu tố tăng trưởng được nghiên cứu và xác định có thể là nguyên nhân gây ra những biến đổi mô vú bình thường thành ác tính và kéo dài quá trình ung thư.
  • Bên cạnh đó, estrogen còn làm tăng tiết prolactin – cũng là một loại hormone gây phát triển tuyến vú.
  • Thụ thể của mô tuyến vú với estrogen và progesteron và một số yếu tố tăng trưởng cũng đã được nhận dạng. Trong đó thụ thể với estrogen và progesteron rất có giá trị trong việc đánh giá mức độ bệnh, tiên lượng và lựa chọn phương pháp điều trị cho bệnh nhân ung thư vú.
  • Theo một số nghiên cứu, có khoảng 2/3 các bệnh nhân ung thư vú có thụ thể với estrogen dương tính, và 1⁄2 trong số đó có đáp ứng khi điều trị bằng hormon tại chỗ kích thước khối u thu nhỏ.
  • Lối sống ăn nhiều dầu mỡ, ít vận động cũng là một nguyên nhân làm tiến triển bệnh ung thư vú.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng ung thư vú có liên quan đến di truyền khi chúng xuất hiện khoảng 10 - 15% các trường hợp mắc ung thư vú. Những nghiên cứu về gen đã ghi nhận một vùng của nhiễm sắc thể 17 (mang gen BRCA1 và BRCA2) có liên quan đến việc xuất hiện sớm ung thư vú trong một số gia đình. Hội chứng Li Fraumeni với đột biến gen p53 cũng được ghi nhận ở một nhóm bệnh nhân mắc ung thư vú sớm.

Dấu hiệu ung thư vú là gì?

vicare.vn-cuu-hoang-hau-nhat-ban-mac-benh-ung-thu-vu-vay-dau-hieu-ung-thu-vu-la-gi-body-2

Mặc dù để chẩn đoán ung thư vú, cần có thăm khám lâm sàng kết hợp sinh thiết, cùng một số xét nghiệm liên quan khác. Tuy nhiên, bạn có thể tự phát hiện dấu hiệu ung thư vú tại nhà ngay từ giai đoạn sớm để đi khám và được theo dõi sớm nhất. Trong chương trình tầm soát ung thư vú, tự khám vú là một nội dung quan trọng và cực kì hiệu quả đối với chị em phụ nữ. Cụ thể:

  • Cách khám vú: Dùng tay trái kiểm tra vú phải và ngược lại. Mỗi lần chị em dùng 4 ngón tay xoa đều quanh ngực, có thể đứng trước gương, hơi cúi để dễ quan sát hoặc nằm trên giường. Dùng tay sờ quanh ngực, đồng thời nặn núm vú xem có dịch bất thường hay không, sờ các hạch quanh nách, tuyến vú phụ xem có bất thường gì không.
  • Thói quen này nên được tập và duy trì từ sớm, thậm chí mẹ có thể hướng dẫn cho con gái khi bắt đầu đến tuổi dậy thì, khi có kinh, vì xu hướng trẻ hóa của căn bệnh này.
  • Thực hiện 1 lần mỗi tháng. Đối với chị em đang có kinh, nên tự khám vú vào khoảng ngày thứ 7 sau sạch kinh, khi tuyến vú đang mềm mại và dễ phát hiện tổn thương nhất. Chị em đã mãn kinh có thể chọn một ngày cố định mỗi tháng để tự khám vú.
  • Nếu thấy có dấu hiệu khác với tháng trước hoặc bất thường không hết sau một thời gian dài thì chị em nên đến bệnh viện kiểm tra ngay để được sàng lọc ung thư vú sớm nhất.
  • Một số dấu hiệu bất thường có thể tự phát hiện ra như:
  • Phát hiện khối u cứng, bờ không rõ, không đau. Khối u khó hoặc không di động, dính vào thành ngực hoặc da tại vú.
  • Núm vú thụt.
  • Xuất hiện hạch ngay tại vú hay nách.
  • Đầu vú tiết dịch bất thường: dịch vàng hay trắng đục, đôi khi lẫn máu.
  • Vùng quanh vú sưng, đỏ. Nhiều trường hợp vú thay đổi kích thước, hình dạng rõ rệt. So sánh hai bên vú không đều nhau.

Chẩn đoán và điều trị ung thư vú

Ung thư vú có thể được phát hiện tình cờ trong một lần đi khám sức khỏe, hoặc khi chị em có dấu hiệu nghi ngờ và đến khám. Để chẩn đoán xác định ung thư vú, các bác sĩ dựa vào dấu hiệu lâm sàng khai thác và khám thấy, cùng với một số xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ như:

  • Chọc hút kim nhỏ
  • Sinh thiết
  • Chụp nhũ ảnh
  • Siêu âm tuyến vú
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Tùy theo kết quả thăm khám lâm sàng mà bác sĩ đưa ra chỉ định cận lâm sàng phù hợp.

Khi đã chẩn đoán ung thư vú, tùy theo mức độ, giai đoạn bệnh và khả năng đáp ứng điều trị của bệnh nhân mà có các phương pháp điều trị khác nhau, như:

  • Điều trị phẫu thuật: Là phương pháp chủ yếu, phổ biến trong điều trị ung thư vú. Hiện nay, thay vì cắt toàn bộ vú, các bác sĩ chuyển dần sang phẫu thuật bảo tồn vú, hạn chế lấy bỏ tổ chức rất nhiều so với trước đây. Nếu được phát hiện sớm, tiên lượng điều trị phẫu thuật đối với bệnh nhân ung thư vú là khá tốt. Có thể kết hợp xạ trị để làm nhỏ khối u trước khi phẫu thuật cắt. Phẫu thuật thường kết hợp với nạo hạch.Một số chống chỉ định đối với phương pháp này đó là:
  • Có hai hoặc nhiều khối u nằm phân tán ở các góc phần tư khác nhau của vú.
  • Ung thư lan tỏa, giới hạn không rõ.
  • Khối u quá lớn, nằm trong tuyến vú nhỏ.
  • Khối ung thư nằm ở vị trí trung tâm của vú.
  • Xạ trị: Được sử dụng trước phẫu thuật cắt u để làm giảm kích thước khối u, và sau phẫu thuật để ngăn tái phát.
  • Hóa trị toàn thân dự phòng di căn vi thể mà các biện pháp trước đó chưa thể phát hiên ra.
  • Liệu pháp nội tiết: Cắt buồng trứng, dùng các chất ức chế thụ thể estrogen chọn lọc,... giảm nguy cơ tái phát ung thư vú.
vicare.vn-cuu-hoang-hau-nhat-ban-mac-benh-ung-thu-vu-vay-dau-hieu-ung-thu-vu-la-gi-body-3

Làm thế nào để phòng tránh ung thư vú?

Các biện pháp được khuyến cáo để hạn chế nguy cơ và giảm thiểu hậu quả của bệnh ung thư vú là:

  • Duy trì lối sống lành mạnh, hạn chế dầu mỡ, tập thể dục thường xuyên.
  • Thực hiện tự khám vú đều đặn.
  • Mát xa vú thường xuyên để kích thích mạch nuôi, đồng thời cũng là một cách tự khám vú.
  • Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, lành mạnh.
  • Đi khám ngay khi phát hiện dấu hiệu bất thường.

Trên đây là thông tin về bệnh ung thư vú, đặc biệt là dấu hiệu ung thư vú để chị em nắm được và có thể tự phát hiện ra. Chúc chị em luôn khỏe mạnh và có thái độ xử trí tốt nhất với bất kì một bất thường nào của cơ thể.

Xem thêm:

  • 7 sai lầm tai hại về căn bệnh ung thư
  • Ăn nhiều mì tôm có nguy cơ bị ung thư dạ dày
  • Dấu hiệu ung thư vòm họng giai đoạn đầu bạn cần biết