Con nói ngọng, làm sao để chữa?
Từ 6 tháng đến 2 tuổi là lúc mà bé bắt đầu bi bô tập nói, trong một số trường hợp trẻ thường hay bị nói ngọng, nói không rõ chữ suốt thời gian dài khiến bố mẹ cảm thấy lo lắng. Vậy nói ngọng ở trẻ có cần điều trị không? HoiBenh sẽ giúp bố mẹ hiểu rõ hơn vấn đề này qua bài viết sau đây.
Con nói ngọng, làm sao để chữa?
Tại sao trẻ lại nói ngọng
Nói ngọng là triệu chứng rối loạn phát âm thường xảy ra ở hầu hết các trẻ trong thời gian tập nói. Sau một thời gian, các cơ quan phát âm như hàm, môi, lưỡi, răng và lưỡi gà...phát triển thì bé sẽ nói rõ hơn và tùy theo giai đoạn phát triển của trẻ mà có những âm tiết được hoàn thiện dần dần. Tuy nhiên trong một số trường hợp, trẻ bị nói ngọng kéo dài và có thể ảnh hưởng nhiều đến giao tiếp của trẻ sau này.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc trẻ nói ngọng như việc ngậm núm vú giả nhiều trong thời gian dài, lưỡi sẽ hình thành xu hướng thè ra ngoài do vậy trẻ thường đưa lưỡi ra ngoài khi phát âm dẫn đến việc nói chệch và ngọng. Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn tới rối loạn phát âm là do rối loạn hành vi do trẻ xem tivi hoặc chơi game quá nhiều, dẫn tới cung thính giác không được kích thích gây rối loạn phát âm. Các trẻ chơi game nhiều hoặc xem tivi thường xuyên có thể chậm nói, nói ngọng và còn hay cáu giận.
Bên cạnh đó có nhiều trẻ bị các bệnh liên quan tới đường phát âm cũng hay nói ngọng, hoặc những tổn thương thực thể dị dạng đường phát âm, hoặc bị dị tật ngắn lưỡi, sứt mỗi hay hở hàm ếch...cũng là một trong nhiều nguyên nhân gây ngọng ở trẻ.
Do thính giác kém dẫn đến việc nghe không rõ cách phát âm của người lớn và lặp lại sai từ cũng là một nguyên nhân cho vấn đề nói ngọng ở trẻ. Một số trường hợp thính giác bị tổn thương nặng khiến trẻ không nghe được, do vậy cũng không hình thành được sự phát âm và khiến trẻ rơi vào tình trạng câm, điếc.
Trong vài trường hợp hiếm hoi, nếu gia đình có người thân mắc tật nói ngọng cũng có thể ảnh hưởng đến cách phát âm của trẻ. Nhiều trẻ thường có thói quen sao chép phát âm ở người lớn, do vậy nếu trong nhà có người mang tật ngọng thì có thể trẻ cũng sẽ bị rối loạn phát âm theo đó.
Đến khi nào thì cần điều trị tật nói ngọng cho trẻ?
Nhiều trẻ nói ngọt tới 7-8 tuổi nhưng sau đó dứt điểm được vấn để và giao tiếp bình thường, tuy nhiên nếu để tình trạng kéo dài có thể ảnh hưởng đến việc giao tiếp và học hành, hơn nữa còn gây tác động tiêu cực đến tâm lý và sự tự tin của trẻ.
Trên thực tế, nếu trẻ em quá 4 tuổi mà vẫn chưa sửa được tật nói ngọng thì được xem là bất thường phát âm ở trẻ, bố mẹ cần đưa trẻ đến các trung tâm y tế để bác sĩ chẩn đoán, tìm hiểu nguyên nhân và hướng dẫn phác đồ điều trị để khắc phục vấn đề.
Tùy theo từng nguyên nhân được chẩn đoán, bác sĩ sẽ xem xét các cơ quan phát âm của trẻ cũng như kiểm tra tiền sử bệnh án trong gia phả để đưa ra phác đồ trị liệu thích hợp nhất. Bố mẹ cần đưa trẻ đến kiểm tra trong thời gian sớm nhất để tránh tình trạng rối loạn phát âm kéo dài, gây khó khăn trong việc điều trị và dứt điểm vấn đề.
Tựu chung, việc nói ngọng ở trẻ cơ bản luôn là điều bình thường mà bất cứ ai cũng từng trải qua. Khi trẻ phát âm không chuẩn, bổ mẹ nên chỉnh sửa lại dần và thường xuyên kiểm tra trong lúc trẻ nói chuyện để có thể phát hiện vấn đề trong thời gian sớm nhất.