Có triệu chứng này, nghĩ ngay tới bệnh sởi ở trẻ nhỏ
Triệu chứng bệnh sởi ở trẻ nhỏ thường rất dễ nhầm lẫn với những viêm nhiễm thông thường khiến trẻ không được chăm sóc kịp thời, bệnh diễn biến nặng hơn và để lại di chứng. Những tháng đầu năm 2019, dịch sởi đang bùng phát tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Sốt, ho, chảy mũi, ban sởi,...
Có triệu chứng này, nghĩ ngay tới bệnh sởi ở trẻ nhỏ
Có những triệu chứng này, cha mẹ nên nghĩ ngay tới bệnh sởi ở trẻ nhỏ và đưa trẻ đi khám.
Triệu chứng bệnh sởi ở trẻ nhỏ
Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus, thường gặp ở trẻ nhỏ. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, khi tiếp xúc với dịch mũi - họng (nước bọt, nước mũi) của người mắc bệnh. Bệnh thường xuất hiện vào mùa đông - xuân và dễ diễn biến thành dịch nếu không được phát hiện và dự phòng kịp thời.
Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh sởi ở trẻ nhỏ có thể làm miễn dịch của trẻ giảm sút, dẫn đến các bệnh kèm theo hoặc gây biên chứng, thậm chí tử vong.
Những triệu chứng bệnh sởi ở trẻ nhỏ, thường xuất hiện sau thời gian ủ bệnh. Trong khoảng 10 - 14 ngày kể từ khi trẻ tiếp xúc với virus, trẻ thường không có triệu chứng gì. Sau đó xuất hiện:
2 - 3 ngày đầu phát bệnh, trẻ sẽ:
- Sốt cao, trên 39 độ C
- Ho khan, khàn tiếng
- Viêm long đường hô hấp trên
- Chảy nước mũi, nước mắt
- Sưng nề mi mắt, mắt có gỉ kèm nhèm, viêm kết mạc mắt (mắt đỏ)
3 -5 ngày tiếp theo:
- Sốt tăng mạnh, có thể lên tới 40 - 41 độ C
- Hạt Koplik: là những đốm trắng nhỏ với trung tâm màu trắng hơi xanh trên nền đỏ, xuất hiện trong miệng vùng má.
- Xuất hiện ban sởi: Là những chấm nhỏ màu đỏ, ở dạng sẩn, hơi gồ nhẹ trên da, tập trung thành đám và lan rộng, ít ngứa. Ban mọc theo thứ tự từ trên xuống. Ngày đầu mọc ở vùng đầu- mặt - cổ, ngày thứ hai lan xuống tay và thân mình, ngày tiếp theo lan xuống chân.
- Ban có thể mọc ở niêm mạc tiêu hóa gây đau bụng, tiêu chảy,...
- Khi ban đã lan xuống chân thì các triệu chứng như sốt, ho giảm dần và ban bay. Ban bay để lại những vết thâm lốm đốm đặc trưng, gọi là vằn da hổ.
- Nếu không có bội nhiễm hay biến chứng, trẻ sẽ dần hồi phục.
Trẻ có thể lây virus sởi cho người khác trong khoảng 8 - 10 ngày, bắt đầu từ 4 -5 ngày trước khi phát ban cho đến khi ban bay.
Bội nhiễm hay biến chứng của bệnh sởi ở trẻ nhỏ
Nếu không được phát hiện và chăm sóc kịp thời, đúng cách, trẻ bị sởi có thể mắc các nhiễm trùng cơ hội và biến chứng nguy hiểm. Có thể kể đến:
- Viêm phế quản - phổi: Trẻ sốt lại, ho nhiều sau khi ban bay. Nếu diễn biến đến viêm phổi, có thể dẫn đến tử vong.
- Viêm thanh quản: Trẻ sốt cao vọt lên, tiếng ho ông ổng, trẻ khó thở, da tím tái.
- Viêm loét giác mạc: Cùng với tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu vitamin A của trẻ, có thể dẫn đến mù vĩnh viễn.
- Biến chứng thần kinh: viêm màng não - tủy, viêm não,... là những biến chứng nặng nề có thể để lại di chứng hoặc tử vong cho trẻ.
Dự phòng bệnh sởi ở trẻ nhỏ
Hiện nay bệnh sởi chưa có thuốc đặc trị. Các biện pháp được sử dụng là điều trị giảm nhẹ triệu chứng và phòng biến chứng. Cách tốt nhất để dự phòng bệnh sởi ở trẻ nhỏ là tiêm vaccine phòng sởi.
Ngoài ra, để tránh lây nhiễm, bùng phát thành dịch, bố mẹ nên:
- Tránh cho con tiếp xúc với khu vực có dịch
- Giữ cho môi trường sống sạch sẽ, thoáng mát
- Vệ sinh cho trẻ thường xuyên, ngâm rửa đồ chơi của trẻ
- Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất nếu có những triệu chứng bệnh sởi nêu trên.
Hy vọng qua bài viết trên, bố mẹ có thể phát hiện các triệu chứng bệnh sởi ở trẻ nhỏ sớm nhất và biết cách dự phòng bệnh sởi, để chăm sóc con tốt nhất.
Xem thêm:
- Cách phân biệt bệnh sởi và sốt phát ban do virus
- Hướng dẫn mẹ cách tắm cho trẻ bị sởi