Có thai sớm khiến nhiều trẻ em gái tử vong khi mang thai
Nhân ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10), Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp quốc (UN Women) kêu gọi xóa bỏ thực trạng tảo hôn trên toàn thế giới. Dịp này, Đại sứ thiện chí của UN Women - nữ diễn viên nổi tiếng thế giới Emma Watson đã có chuyến thăm Malawi và đưa ra lời kêu gọi chấm dứt nạn tảo hôn. Cô đã gặp gỡ với các trưởng tộc và các em gái vừa trở lại trường học sau khi thoát khỏi cu...
Có thai sớm khiến nhiều trẻ em gái tử vong khi mang thai
Nhân ngày Quốc tế Trẻ em gái (11/10), Cơ quan Phụ nữ Liên Hợp quốc (UN Women) kêu gọi xóa bỏ thực trạng tảo hôn trên toàn thế giới.
Dịp này, Đại sứ thiện chí của UN Women - nữ diễn viên nổi tiếng thế giới Emma Watson đã có chuyến thăm Malawi và đưa ra lời kêu gọi chấm dứt nạn tảo hôn. Cô đã gặp gỡ với các trưởng tộc và các em gái vừa trở lại trường học sau khi thoát khỏi cuộc hôn nhân của mình. Trong chuyến đi đến Malawi, nữ diễn viên Emma Watson đã tận mắt chứng kiến các công việc mà lãnh đạo các địa phương đang làm để chấm dứt tình trạng tảo hôn và đưa các em bé gái trở lại trường. Trong đó có Kachindamoto, nữ quận trưởng quận Dedza, người đã xóa bỏ 1.500 thỏa thuận hôn nhân và hạ lệnh bắt giam các trưởng thôn đã cho phép thực hiện các cuộc hôn nhân này. Bà Kachindamoto kể lại việc mình đã gặp một em bé gái mới 14 tuổi nhưng đã là mẹ của hai con. Hiện nay, bên cạnh việc xóa bỏ những thỏa thuận hôn nhân với các bé gái, bà dành thời gian thuyết phục các ông bố bà mẹ, và nói với các em về quyền và tương lai của mình. Emma Watson đã lắng nghe câu chuyện của những em gái trở lại trường học sau khi thoát khỏi cuộc hôn nhân của mình. Trong đó có Stella Kalilombe, em bị buộc kết hôn lúc 17 tuổi khi mang thai. Con trai của em hiện đã 4 tuổi. Không chịu nổi bạo lực gia đình do người chồng gây ra, em đã trở lại nhà mẹ đẻ, và hiện đang quay lại trường học. Giờ đây em mong muốn sẽ hoàn thành việc học và trở thành cô giáo trong tương lai.
Theo UN Women, trên toàn thế giới, ngoại trừ Trung Quốc, 1/3 trẻ em gái ở các nước đang phát triển đang kết hôn khi chưa đến 18 tuổi. Các em không được đến trường, và hoàn toàn mất đi tuổi thơ. Các em cũng là nạn nhân của những hình thức lạm dụng tình dục, cũng như có thai sớm, trở thành mẹ khi chưa sẵn sàng cả về tâm lý và cơ thể. Malawi là một trong những nước có tỷ lệ tảo hôn cao nhất. Một nửa số trẻ em gái của nước này kết hôn khi chưa đến 18 tuổi. Có thai sớm là nguyên nhân chiếm 20-30% trong số tỷ lệ tử vong khi mang thai, và chỉ có 45% trẻ em gái theo học lớp 9 tại trường.
Tại Việt Nam, theo điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2015 của Ủy ban Dân tộc, 26,6% trẻ em gái ở các nhóm dân tộc thiểu số kết hôn trước khi 18 tuổi. Ở một số các nhóm dân tộc như Mông, Xinh Mun và La Hà, hơn 50% các em gái kết hôn khi tuổi còn nhỏ. Tại Việt Nam và trên toàn thế giới, UN Women đã vận động cho việc soạn thảo và thực thi các luật và chính sách nhằm xóa bỏ và ngăn cấm nạn tảo hôn. Chúng tôi cũng hướng dẫn để các em biết được quyền của mình, và kêu gọi các cộng đồng cùng hành động nhằm xóa bỏ thực trạng này.
Nguồn: D.Hải http://suckhoedoisong.vn/