Có nên súc miệng nước muối sau khi đánh răng hay không?

Súc miệng nước muối là một trong những biện pháp vệ sinh răng miệng đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ tác dụng, cách súc miệng nước muối để đạt hiệu quả tốt nhất. Có nên súc miệng nước muối sau khi đánh răng hay không là câu hỏi thường xuyên được đặt ra

Có nên súc miệng nước muối sau khi đánh răng hay không? Có nên súc miệng nước muối sau khi đánh răng hay không?

Súc miệng nước muối là một trong những biện pháp vệ sinh răng miệng đơn giản, rẻ tiền và hiệu quả, được các chuyên gia trong lĩnh vực răng hàm mặt khuyến khích từ lâu và cũng được rất nhiều người sử dụng. Tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ tác dụng, cách súc miệng nước muối để đạt hiệu quả tốt nhất. Có nên súc miệng nước muối sau khi đánh răng hay không là câu hỏi thường xuyên được đặt ra. Cùng HoiBenh đi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây.

Súc miệng bằng nước muối có tác dụng gì?

Nước muối là dung dịch NaCl hòa với nước tinh khiết theo một tỉ lệ nhất định, gọi là nồng độ. Thông thường nồng độ nước muối được khuyến cáo sử dụng để súc miệng là 0.9%, hay nước muối sinh lý. Dung dịch này là đẳng trương, có áp suất thẩm thấu gần như tương tương với áp suất thẩm thấu của dịch trong cơ thể người.

Nước muối sinh lý có tác dụng diệt khuẩn nói chung, làm sạch răng miệng nói riêng. Việc làm sạch này dựa trên hai cơ chế chính, đó là:

  • Dùng dòng chảy liên tục để đi qua các khe kẽ, các vị trí trong khoang miệng mà bàn chải hay chỉ tơ nha khoa không thể tác động đến được, rửa trôi cặn thức ăn, vi khuẩn, xác vi khuẩn,...
  • Áp suất thẩm thấu của nước muối sinh lý có thể là ưu trương đối với nhiều loại vi khuẩn, từ đó kéo dịch ra khỏi thành tế bào vi khuẩn, gây chết vi khuẩn.

Vì vậy, súc miệng nước muối có tác dụng:

  • Giảm nguy cơ sâu răng, đặc biệt là sâu kẽ răng do có thể làm sạch ở tất cả các vị trí của răng.
  • Hạn chế hình thành mảng bám, cao răng, viêm lợi và các bệnh lý vùng quanh răng
  • Chữa hay ngăn ngừa hôi miệng
  • Khiến răng bạn trở nên trắng sáng hơn do rửa trôi mảng bám màu
  • Hỗ trợ điều trị và dự phòng viêm đường hô hấp trên như viêm amidan, viêm họng.
vicare.vn-co-nen-suc-mieng-nuoc-muoi-sau-khi-danh-rang-hay-khong-body-1

Có nên súc miệng bằng nước muối sau khi đánh răng hay không?

Bên cạnh súc miệng nước muối thì đánh răng là biện pháp vệ sinh răng miệng không thể thay thế. Vậy nên phối hợp hai biện pháp này như thế nào? Có nên súc miệng nước muối sau khi đánh răng hay không?

Về bản chất, không có quy định chính xác cho thời điểm súc miệng nước muối. Với mục đích diệt khuẩn, làm sạch khoang miệng, bạn có thể súc miệng nước muối bất kì lúc nào bạn cảm thấy cần thiết. Tuy nhiên, việc súc miệng nước muối thường xuyên cũng dẫn đến tác dụng không mong muốn. Vì vậy các chuyên gia đã nghiên cứu và chỉ ra các thời điểm mà lượng vi khuẩn trong miệng - họng của bạn là rất cao để thông tin và khuyến cáo bạn nên súc miệng nước muối. Đó là buổi sáng sau khi ngủ dậy, sau bữa ăn, khi bạn đang mắc các bệnh lý viêm nhiễm răng miệng, viêm họng, hay bạn ở trong tình trạng đặc biệt khi không thể sử dụng các biện pháp vệ sinh răng miệng khác như cố định hàm sau chấn thương hàm mặt, sau phẫu thuật trong miệng,...

Như vậy, bạn có thể súc miệng nước muối trước hay sau khi đánh răng đều được. Bạn không cần quá băn khoăn về câu hỏi Có nên súc miệng nước muối sau khi đánh răng hay không.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, không nên súc miệng nước muối NGAY SAU KHI đánh răng. Vì trong kem đánh răng có chứa Fluor - chất có khả năng bảo vệ răng, tái khoáng men răng, ngăn ngừa sâu răng. Chất này lưu lại trên bề mặt răng sau khi đánh răng. Do đó nếu bạn súc miệng nước muối ngay sau khi đánh răng, nước muối sẽ rửa trôi Fluor, làm giảm tác dụng của kem đánh răng. Vậy nếu muốn súc miệng sau khi đánh răng, bạn nên chờ ít nhất khoảng 15 - 20 phút sau khi đánh răng, để đảm bảo Flour đã ngấm vào men răng.

Như vậy, để đơn giản, dễ nhớ và thuận tiện nhất, các chuyên gia đã đưa ra trình tự các bước vệ sinh răng miệng hàng ngày như sau:

  • Súc miệng nước muối ngay sau khi ngủ dậy vào buổi sáng
  • Vệ sinh răng miệng sau bữa ăn: sử dụng chỉ tơ nha khoa vệ sinh kẽ răng → súc miệng nước muối → đánh răng, chải lưỡi.

Cách súc miệng nước muối để đạt hiệu quả cao nhất

vicare.vn-co-nen-suc-mieng-nuoc-muoi-sau-khi-danh-rang-hay-khong-body-2

Để súc miệng nước muối đạt hiệu quả cao nhất, trước tiên cần biết cách pha nước muối.

  • Đun sôi 1l nước, để ấm rồi cho 9g muối sạch vào, khuấy cho tan. Thực chất dung dịch này không phải là dung dịch nước muối sinh lý ‘chuẩn’, vì nước bạn dùng hằng ngày không phải nước tinh khiết, và muối ăn cũng có thể chưa một số tạp chất ngoài NaCl. Tuy nhiên, vì chỉ tiếp xúc với niêm mạc miệng - họng nên bạn hoàn toàn có thể sử dụng dung dịch này.
  • Không nên pha nước muối quá mặn vì sẽ tạo dung dịch ưu trương với niêm mạc miệng, gây thoát dịch, khô và tổn thương niêm mạc.
  • Pha quá nhạt sẽ không đảm bảo tác dụng diệt khuẩn.
  • Pha với nước ấm không chỉ giúp muối nhanh tan mà khi súc miệng còn có tác dụng tăng tuần hoàn tại chỗ, giãn mạch, giảm đau họng đồng thời nhiệt độ cao còn có thể gây chết tế bào vi khuẩn.

Một số lưu ý khi súc miệng nước muối:

  • Lượng nước muối cho mỗi lượt súc miệng vừa phải, không quá ít sẽ khó làm sạch hết các vị trí, quá nhiều sẽ không có không gian thực hiện động tác súc, dễ kích thích nắp thanh môn gây phản xạ nuốt, ho, nghẹn.
  • Mỗi lần súc khoảng 30 giây. Ngậm quá lâu dễ gây tổn thương niêm mạc miệng.
  • Súc mạnh, nhổ nhẹ.
  • Trong một số trường hợp đặc biệt như viêm họng, cố định hàm, nên súc miệng nước muối khoảng 2 -3 giờ một lần.
  • Sau các phẫu thuật trong miệng, vệ sinh răng miệng nói chung, hay súc miệng nước muối cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để không tác động xấu đến quá trình lành thương.

Tóm lại, bạn không cần quá lo lắng vì có nên súc miệng nước muối sau khi đánh răng hay không. Chỉ cần nắm được nguyên tắc, lưu ý thì việc súc miệng trước hay sau khi đánh răng đều đem lại hiệu quả tốt.

Xem thêm:

  • Đánh răng đúng cách để bảo vệ sức khỏe răng miệng
  • Bệnh viêm chân răng ở trẻ em điều trị ra sao?
  • Nhổ răng số 8 bị sâu có nhiều biến chứng không?