Có nên hút nước mũi cho trẻ sơ sinh bằng miệng không?

Trẻ sơ sinh rất dễ bị ảnh hưởng từ các tác nhân có hại như thời tiết thay đổi, vi khuẩn hoặc virus ở môi trường xung quanh... khiến trẻ hay bệnh vặt, trong đó cảm ho, chảy mũi là phổ biến nhất. Vậy có nên hút nước mũi cho trẻ sơ sinh bằng miệng không?

Có nên hút nước mũi cho trẻ sơ sinh bằng miệng không? Có nên hút nước mũi cho trẻ sơ sinh bằng miệng không?

Trẻ sơ sinh rất dễ bị ảnh hưởng từ các tác nhân có hại như thời tiết thay đổi, vi khuẩn hoặc virus ở môi trường xung quanh... khiến trẻ hay bệnh vặt, trong đó cảm ho, chảy mũi là phổ biến nhất. Một số mẹ thường chọn cách cách hút nước mũi cho trẻ sơ sinh bằng miệng để giải quyết cấp tốc tình trạng nghẹt mũi cho trẻ. Vậy cách làm này có nên hay không? Mời bạn đọc cùng HoiBenh tìm hiểu qua bài viết sau đây.

vicare.vn-co-nen-hut-nuoc-mui-cho-tre-so-sinh-bang-mieng-khong-body-1

Có nên hút nước mũi cho trẻ sơ sinh bằng miệng của mẹ hay không?

Khi thời tiết chuyển lạnh, bé rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp trong đó không thể thiếu triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi. Khi tình trạng chảy mũi này kéo dài, trẻ thường bị khó thở, bứt rứt, khó chịu trong người, trẻ có xu hướng chuyển sang thở bằng miệng dẫn đến ho, viêm phế quản hoặc nặng hơn nữa là viêm phổi. Vì vậy, khi trẻ có triệu chứng chảy mũi các mẹ cần có biện pháp xử lý ngay. Và có rất nhiều bà mẹ đã chọn cách hút nước mũi cho trẻ sơ sinh bằng miệng.

Để giải đáp thắc mắc về việc áp dụng cách hút nước mũi cho trẻ sơ sinh bằng miệng có nên hay không, chúng ta cùng đến với câu chuyện của mẹ Mít (sống ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã chia sẻ rằng: bé Mít thường xuyên bị chảy mũi, do đó mẹ đã chọn cách hút nước mũi bằng miệng, vừa đơn giản, nhanh chóng mà không rườm rà, giúp bé thông mũi ngay. Tuy nhiên, sau khi nghe xong, bác sĩ liền phản đối cách làm của bà mẹ này. Trong miệng của người lớn có rất nhiều vi khuẩn và vi nấm ký sinh, các tác nhân này tồn tại ở ngưỡng vô hại đối với sức đề kháng của người lớn. Do đó tưởng chừng như vô hại, nhưng thông qua cách hút nước mũi cho trẻ sơ sinh bằng miệng, người lớn đã vô tình truyền các vi trùng này sang mũi của trẻ. Việc làm này tiềm tàng nhiều nguy cơ gây bệnh cho trẻ vì sức đề kháng của trẻ còn non yếu, đặc biệt là trẻ sơ sinh.

Cách làm sạch mũi cho trẻ sơ sinh được bác sĩ khuyến cáo

Trường hợp trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi mắc phải tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi, trước tiên mẹ cần làm loãng dịch nhầy trong mũi của bé trước khi sử dụng dụng cụ để hút chúng ra. Các bà mẹ có thể sử dụng nước muối sinh lý (Natri Clorid 0.9% được bán ở tất cả các hiệu thuốc tây lớn nhỏ trên toàn quốc) để làm loãng dịch đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi hoặc sử dụng bình xịt chuyên dụng (Xisat, Vesim...) đối với những trẻ lớn tuổi hơn. Lưu ý, nếu thực hiện làm loãng dịch trong điều kiện thời tiết lạnh, mẹ nên ngâm nước nhỏ mũi qua nước ấm để tránh kích ứng niêm mạc mũi của trẻ do gặp lạnh đột ngột.

Mẹ cho bé ngồi, hơi ngửa đầu bé ra phía sau để thực hiện nhỏ 2 – 3 giọt dung dịch hoặc xịt một ít nước muối vào mỗi bên mũi bé, sau đó dùng ngón tay trỏ nhẹ nhàng day day ở 2 cánh mũi để làm loãng dịch nhầy bên trong. Theo hướng dẫn của bác sĩ, có 2 cách đơn giản nhất để hút dịch mũi của trẻ ra ngoài đó là:

Cách 1

Sau khi đã nhỏ nước muối vào mũi, dùng giấy thấm mềm (khăn giấy mềm) cuộn lại như con sâu kèn. Tiếp theo, đưa giấy vào bên trong mũi của bé, thực hiện lần lượt từng mũi. Khi sâu kèn đã bị thấm ướt bởi dịch mũi thì rút ra, thay bằng miếng giấy mềm cuộn thành sâu kèn khác, thực hiện cho đến khi sâu kèn lấy ra từ mũi bé khô hoàn toàn, lặp lại thao tác tương tự với bên mũi còn lại. Mỗi ngày mẹ nên thực hiện khoảng vài ba lần hoặc khi mẹ thấy trẻ bị tắc mũi, nên làm trước khi cho bú sữa.

Cách 2

Sử dụng các dụng cụ hút dịch mũi chuyên dụng, hợp vệ sinh, có thương hiệu rõ ràng được bày bán trên thị trường để hút nước mũi cho bé (ví dụ: thương hiệu Farlin). Dụng cụ hút mũi thường kèm theo hướng dẫn sử dụng chi tiết đi kèm hoặc được hướng dẫn trực tiếp từ dược sĩ bán hàng. Các mẹ sử dụng 1 tay để thao tác với ống hút nước mũi, tay còn lại bịt một bên mũi bé lại để quá trình hút mũi được sạch hơn. Sau khi thao tác xong, mẹ phải rửa sạch dụng cụ hút mũi dưới vòi nước đang chảy và tráng nước sôi (tùy theo chất liệu của dụng cụ hút, có thể sử dụng nước sôi để ấm), giúp tiệt trùng dụng cụ cho lần sử dụng tiếp theo.

vicare.vn-co-nen-hut-nuoc-mui-cho-tre-so-sinh-bang-mieng-khong-body-2

Lưu ý khi hút nước mũi cho trẻ sơ sinh

Trước khi hút nước mũi cho bé, mẹ cần phải rửa tay thật sạch bằng xà phòng để tránh nhiễm trùng cho trẻ.

Tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc nhỏ mũi có chứa hoạt chất co mạch như naphazoline (các chế phẩm phổ biến là: Rhinex 0,05%, Nasoline 0,05%). Loại dược chất này sẽ làm trẻ bị ngộ độc, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 7 tuổi. Triệu chứng ngộ độc của chất gây co mạch xảy ra ngày sau khi nhỏ vài giọt thuốc, trẻ có biểu hiện vã mồ hôi, tay chân lạnh, tổng trạng lừ đừ, hơi thở yếu thậm chí là hôn mê và nguy hiểm đến tính mạng nếu như không được xử trí kịp thời.

Đối với trẻ lớn, mẹ có thể thì hướng dẫn trẻ hỉ mũi, dùng 1 ngón tay (tay của mẹ hoặc của bé) bịt chặt một bên mũi, sau đó mẹ ra lệnh cho bé lấy hơi rồi hỉ nước mũi ra ngoài cho thật sạch, tương tự đổi tay bịt mũi bên kia và thực hiện hỉ mũi.

Khi bé chảy mũi, mẹ không được tự ý dùng các loại thuốc nhỏ mũi hoặc thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Phòng ngừa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh bằng cách giữ ấm khi trời lạnh hoặc khi cho trẻ ra ngoài trời, không để trẻ tiếp xúc với người bị cảm, cúm hoặc các bệnh đường hô hấp. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, tiêm ngừa các bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ theo đúng lịch tiêm chủng vaccine.

Xem thêm:

  • Nước mũi nói gì về tình trạng sức khoẻ của trẻ?
  • Màu sắc nước mũi của trẻ - bí mật không phải mẹ nào cũng biết
  • Tư vấn chọn nước rửa mũi cho trẻ an toàn mẹ nên ghi nhớ