Có nên đổi sữa khi trẻ bị tiêu chảy?
Trong đó không thể không nói đến bệnh tiêu chảy cấp. Bệnh có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng, gây mất nước, suy kiệt, suy dinh dưỡng, có thể dẫn đến tử vong ở trẻ nhỏ. Nếu như người mẹ không có các kiến thức về bệnh tiêu chảy cấp, sẽ rất dễ chăm sóc con sai cách, lo lắng về việc có cần
Có nên đổi sữa khi trẻ bị tiêu chảy?
Tiêu chảy là một bệnh lý rất thường gặp ở trẻ nhỏ. Gặp nhiều nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Do Việt Nam là nước có khí hậu nhiệt đới, tạo điều kiện cho các vi khuẩn, virus, vi sinh vật phát triển và gây bệnh nhanh theo mùa. Trong đó không thể không nói đến bệnh tiêu chảy cấp. Bệnh có khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng, gây mất nước, suy kiệt, suy dinh dưỡng, có thể dẫn đến tử vong ở trẻ nhỏ. Nếu như người mẹ không có các kiến thức về bệnh tiêu chảy cấp, sẽ rất dễ chăm sóc con sai cách, lo lắng về việc có cần đổi sữa cho con hay không? Nếu bạn cũng đang gặp phải những vấn đề này thì hãy cùng tìm hiểu các thông tin sau để chăm sóc trẻ bị tiêu chảy cấp một cách hợp lí và an toàn nhất.
1. Tiêu chảy cấp là gì?
- Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước và có thể kèm theo máu trong phân nhiều hơn 3 lần/ 24h.
- Đặc biệt đối với trẻ em, có thể dựa vào tính chất phân để xác định trẻ có bị tiêu chảy hay không. Nếu phân của trẻ có dấu hiệu lỏng hơn, có hạt lợt cợn, phân nhớt, thay đổi màu sắc bất thường (xanh, vàng, có khi kèm theo máu) thì trẻ đã bị tiêu chảy.
- Tiêu chảy cấp là tiêu chảy khởi đầu cấp tính kéo dài không quá 14 ngày, thông thường là từ 5-7 ngày. Tiêu chảy cấp là dạng tiêu chảy hay gặp phải nhất so với những loại tiêu chảy khác. Nếu trẻ bị tiêu chảy kéo dài hơn 14 ngày, thì trẻ đang mắc phải chứng tiêu chảy kéo dài.
2. Nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy cấp.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ, nhưng chúng tôi phân thành các nhóm chính sau đây.
2.1. Tiêu chảy cấp do Virus:
- Rotavirus: là tác nhân chính gây ra tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ. Loại virus này có khả năng gây tiêu chảy nặng và khả năng đe dọa đến tính mạng cao nhất trong nhóm, đặc biệt là ở trẻ dưới 2 tuổi.
Theo thống kê, trung bình, cứ có 2 trẻ dưới 5 tuổi mắc tiêu chảy cấp thì trong đó có 1 trẻ mắc do Rotavirus. Không những vậy, virus Rota đã được xác đinh là nguyên nhân của 95% các ca viêm dạ dày ruột cấp trên toàn thế giới. Ở nước ta, hiện nay đã có vacxin ngũ giá ngừa 5 chủng của virus với 5 tuýp huyết thanh trong cùng một vacin.
- Adenovirus
- Norwalk virus gây ra hiện tượng viêm các nhung mao ruột và làm giảm các men ở ruột.
Các virus này sau khi xâm nhập vào trong liên bào ruột non, sau đó không ngừng nhân lên, phá hủy đi các cấu trúc liên bào, gây viêm nhung mao ruột gây nên sự mất cân bằng men tiêu hóa trong đường ruột của trẻ. Hậu quả là làm tăng tiết nước và điện giải vào trong lòng ruột.
2.2. Tiêu chảy cấp do vi khuẩn.
- E.coli
Có 5 tuýp E.coli gây bệnh tiêu chảy, là nguyên nhân của 25% các ca tiêu chảy cấp, chúng được chia theo động lực học như sau:
- E.coli sinh ra độc tố ruột ( ETEC)
- E.coli bám dính đường ruột ( EAEC)
- E.coli gây bệnh lý đường ruột ( EPEC)
- E.coli xâm lấn niêm mạc ruột ( EIEC)
- E.coli gây chảy máu đường ruột (EHEC)
Trong đó, ETEC là tác nhân chính gây bệnh tiêu chảy cấp phân tóe nước.
- Shigella: là một loại trực trùng, là tác nhân gây 60 % bệnh lỵ trực tràng.
- Salmonella: là một dạng trực khuẩn dễ bị nhiễm bệnh trên thực phẩm và có khả năng tồn tại lâu trong không khí. Nên cần chọn loại thực phẩm được chế biến chín, nếu là đồ ăn sẵn, hãy chọn nguồn thực phẩm uy tín.
- Phẩy khuẩn tả Vibrio Cholerae 01: sau khi vi khuẩn này đi qua dạ dày, sẽ khu trú ở hồi tràng, tại đây phẩy khuẩn tả sinh ra độc tố có tên là CT ( cholera toxin). Sau các phản ứng giữa các thành phần của phẩy khuẩn tả và các liên bào ruột non đã tạo nên sự gia tăng AMP- vòng, làm ức chế hấp thu Natri theo cơ chế gắn với Clo, dẫn đến tình trạng xuất tiết nước và điện giải ồ ạt ở ruột non, tình trạng này gây ra hiện tượng mất nước nặng, tạo hội chứng tả cho trẻ.
- Ngoài ra, còn có một số vi khuẩn gây nên bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ như campylobacteria, Clostridium perfringen...
2.3. Tiêu chảy cấp do kí sinh trùng
- Giardia lamblia là một dạng đơn bào có khả năng bám dính vào các liên bào có trong ruột non, làm giảm sự hấp thu,teo các nhung mao ruột, gây tiêu chảy cấp và mạn tính. Trẻ bị nhiễm loại kí sinh trùng này, thường có triệu chứng đi ngoài nhiều lần trong ngày, phân lỏng nhưng không dính máu và mủ, phân có tính chất nhờn và có mùi nặng, có bọt trong phân. Kèm theo đó, trẻ có dấu hiệu chán ăn, buồn nôn, có khi đau ở vùng thượng vị, trẻ chậm lớn.
- Emtamoeba histolytica hay còn gọi là lỵ Amip gây tổn thương ở đại tràng. Trẻ mắc triệu chứng lỵ Amip thường có biểu hiện mót rặn, đau quặn bụng, thiếu nước và điện giải.
2.4. Nấm
Một loại nấm có thể gây ra chứng tiêu chảy cấp cho trẻ là nấm Candida Albican. Loại nấm này thường xuất hiện và gây bệnh ở những trẻ suy giảm miễn dịch hoặc trẻ dùng kháng sinh kéo dài.
2.5.Các nguyên nhân khác gây tiêu chảy cấp
- Chọn thực phẩm không rõ nguồn gốc, không chế biến đúng cách, không thực hiện “ ăn chin, uống sôi”. Để trẻ tiếp xúc với các nguồn thực phẩm đã bị nhiễm nguồn bệnh ngoài môi trường hay không rửa tay sạch sẽ trước khi ăn.
- Sử dụng kháng sinh kéo dài, không theo chỉ dẫn của bác sĩ: khi sử dụng kháng sinh kéo dài, hệ miễn dịch của trẻ sẽ có sự suy giảm rõ rệt, khiến trẻ dễ mắc các bệnh hơn, trong đó có bệnh về đường tiêu hóa. Cha mẹ nên cho trẻ uống thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý đi mua thuốc khi trẻ bị bệnh.
- Hiện tượng bất dung nạp đường Lactose: có nhiều trẻ bị dị ứng và không hấp thu được Lactose trong sữa, điều này cũng có thể gây ra tình trạng tiêu chảy cho trẻ. Ngoài dị ứng với thành phần của sữa, mẹ cũng cần cân nhắc đến các loại thực phẩm khác bé có dấu hiệu dị ứng.
3. Làm gì khi trẻ bị tiêu chảy cấp?
3.1. Bù nước cho trẻ
- Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, tức là cơ thể của bé đang mất nước và điện giải một cách trầm trọng. Do đó, việc mà bạn cần làm ngay lập tức là bù lại lượng nước và điện giải đã bị mất đi do hậu quả của việc tiêu chảy. Bạn có thể dùng dung dịch ORESOL, nước trái cây sạch, nước cháo muối lỏng.
- Đặc biệt chú ý, khi mẹ pha dung dịch ORESOL cho bé, phải pha theo đúng tỉ lệ được hướng dẫn, không pha nhiều hoặc ít đi, dựa vào cảm quan của mẹ. Bởi không phải pha đặc thì sẽ bù nước được nhanh hơn. Việc pha không đúng tỉ lệ có thể gây ra tăng Natri gây co giật cho trẻ.
- Trong trường hợp trẻ mất nước nặng, hãy đem trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được tham khám và truyền nước. Tuyệt đối không tự ý truyền nước cho bé tại nhà.
3.2.Bổ sung kẽm cho trẻ
- Có thể giảm được tần suất trẻ bị tiêu chảy 11-13% nếu trẻ được bổ sung kẽm hàng ngày ( cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên). Bố mẹ có thể đến cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn chính xác về việc bổ sung và cách thức kẽm cho bé.
3.3.Cho trẻ ăn bình thường
- Khi trẻ bị tiêu chảy cấp, người mẹ không cần kiêng thức ăn và có thể ăn bình thường, ăn đầy đủ. Bởi vì lí do trẻ bị tiêu chảy cấp, không phải do thức ăn mà mẹ ăn vào, mà là do trẻ ăn thức ăn nhiễm bẩn, bị lây nhiễm từ môi trường... Người mẹ thời điểm này cần ăn uống đủ chất để cung cấp dưỡng chất cho trẻ đầy đủ ( nếu trẻ còn đang bú mẹ).
- Cho trẻ uống đủ nước, để đảm bảo quá trình hấp thu, trao đổi trong cơ thể trẻ. Uống nhiều nước không làm gia tăng tình trạng tiêu chảy của trẻ, hãy cho bé ăn uống đầy đủ để tránh trẻ bị suy kiệt nước và suy dinh dưỡng.
4. Trẻ bị tiêu chảy cấp, mẹ có cần đổi sữa cho trẻ hay không?
Như đã đề cập ở mục trên, khi trẻ bị tiêu chảy cấp, mẹ vẫn cho bé ăn uống bình thường, kể cả việc uống sữa bình. Không pha loãng hơn hay đặc hơn mức bình thường. Bạn chỉ cần phải đổi sữa cho bé trong trường hợp bé gặp phải tình trạng không dung nạp Lactose trong sữa. Trong trường hợp này, bạn hãy đổi sang loại sữa không có Lactose cho trẻ dùng. Để nhận biết trẻ có bị dị ứng với sữa đang dùng hay không, bạn hãy quan sát tình trạng của bé sau mỗi lần được uống sữa. Nếu bé xuất hiện tình trạng tiêu chảy ồ ạt sau khi dùng sữa, thì bạn nên tham khảo ý kiến của các nhân viên y tế và thực hiện việc đổi sữa khác cho con.
5. Phòng bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ nhỏ.
Trẻ nhỏ với sức đề kháng còn yếu, hệ miễn dịch chưa được đầy đủ, rất dễ nhiễm bệnh từ các tác nhân bên ngoài, bản thân trẻ lại chưa ý thức được, nên bố mẹ sẽ là người trực tiếp bên con và cùng con phòng bệnh. Bạn có thể phòng bệnh cho bé bằng một vài bước đơn giản sau:
- Cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu đời. Sữa mẹ luôn là nguồn dinh dưỡng vô tận và cung cấp cho bé hệ miễn dịch hoàn hảo nhất. Giai đoạn này, trẻ không cần bổ sung thêm bất kì thức uống nào khác. Trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ ít mắc bệnh hơn các trẻ phải bú sữa ngoài.
- Sử dụng nguồn nước sạch, tạo cho trẻ thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau các giờ chơi, giờ hoạt động. Thói quen đơn giản này sẽ giúp trẻ loại bỏ được đa số các nguồn bệnh từ môi trường bên ngoài.
- Cho trẻ ăn uống lành mạnh, ăn các thức ăn tươi mới, hạn chế ăn đồ hộp, đồ chế biến sẵn. Tuyệt đối không ăn đồ ăn ôi thiu, đồ ăn không rõ nguồn gốc.
- Tiêm phòng vacxin đầy đủ và theo đúng lịch.
- Cho trẻ đi khám định kì tại các cơ sở y tế uy tín.
Một trong những địa chỉ được rất nhiều bậc cha mẹ tin tưởng đó là Bệnh viên Đa khoa Quốc tế Vinmec. Tại đây, cả bố mẹ và bé sẽ được thăm khám một cách chính xác, nhanh chóng và tận tình. Không những giải quyết các vấn đề sức khỏe cho bé, mà gia đình còn nhận được những lời khuyên bổ ích nhất từ các bác sĩ đầu ngành trong lĩnh vực Nhi khoa
6. Khi nào cần cho trẻ đến bệnh viện?
Bệnh tiêu chảy cấp có thể phòng và chữa trị cho bé tại nhà với các trường hợp nhẹ, nhưng nếu trẻ gặp phải các triệu chứng sau đây, thì bố mẹ cần mang bé tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám:
- Trẻ nôn nhiều, khát nhiều, không ăn uống được, môi khô, quấy khóc nhiều.
- Trẻ có dấu hiệu kèm sốt, đi ngoài liên tục và có dấu hiệu tăng lên.
Bố mẹ và bé, hãy cùng tạo nên một môi trường sinh hoạt lành mạnh, sạch sẽ, từ đó, không những chỉ phòng tránh được bệnh tiêu chảy cấp mà còn rất nhiều các bệnh khác. Mang lại cho bé một tuổi thơ vui vẻ và khỏe mạnh.
Xem thêm:
- Triệu chứng, nguyên nhân tiêu chảy và dấu hiệu cần đến bệnh viện ngay
- Bệnh tiêu chảy không nên coi thường
- Trẻ sơ sinh bị tiêu chảy sủi bọt mẹ nên làm gì?