Chuyện hiến máu-tự nguyện hay cần quy định bắt buộc?
Trong tờ trình dự án Luật về máu và tế bào gốc Bộ Y tế gửi tới Bộ Tư pháp, bộ có đề xuất vấn đề nên bắt buộc người dân hiến máu 1 lần/năm hay để người dân tự nguyện.
Chuyện hiến máu-tự nguyện hay cần quy định bắt buộc?
Trong nội dung tờ trình dự án Luật về máu và tế bào gốc Bộ Y tế gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, bộ y tế có đề xuất quy định hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện 1 năm/lần (trừ một số trường hợp) hoặc là việc tự nguyện.
Theo tính toán lý thuyết của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nước đang phát triển cần khoảng 2% dân số hiến máu mỗi năm. Như vậy mỗi năm, Việt Nam với khoảng 90 triệu dân (Điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ thời điểm 01/4/2014) sẽ cần 1, 8 triệu đơn vị máu. Tuy nhiên, theo thống kê của Bộ Y tế năm 2010 lượng máu tiếp nhận của cả nước chỉ đạt 1.051.438 đơn vị (đáp ứng được 45% nhu cầu về máu và tỷ lệ hiến máu mới đạt 0,9% số dân hiến máu). Ngoài ra, dù máu cho điều trị thiếu nhưng việc sử dụng còn khá lãng phí vì hầu hết các cơ sở y tế vẫn đang thực hiện việc truyền máu toàn phần (trên 80% ở hầu hết các tỉnh) do chưa đủ điều kiện để sản xuất các chế phẩm máu.
Bên cạnh đó, an toàn truyền máu cũng là vấn đề đáng lo trong giai đoạn hiện nay vì ở nước ta vẫn đang sử dụng các kỹ thuật sàng lọc bằng huyết thanh khá thô sơ, chưa đảm bảo an toàn. Nhiều cơ sở truyền máu còn dùng kỹ thuật ngưng kết, kít nhanh để xét nghiệm sàng lọc máu (HIV) nên chưa sàng lọc được các bệnh lây truyền qua đường máu khi chúng còn đang ở trong giai đoạn cửa sổ. Để khắc phục tình trạng thiếu máu phục vụ điều trị, tại dự Luật máu và tế bào gốc, Bộ Y tế đề xuất quy định nghĩa vụ của công dân liên quan đến việc hiến máu với 2 giải pháp:
- Quy định việc hiến máu là nghĩa vụ bắt buộc của công dân phải thực hiện mỗi năm một lần nhưng có loại trừ một số trường hợp không thể hiến máu. Với dân số hiện nay là gần 90,5 triệu người, trong một năm nước ta sẽ có khoảng 46 triệu người phải tham gia hiến máu (trừ 30,3 triệu công dân dưới 18 tuổi và khoảng 14,2 triệu người mắc các bệnh không thể hiến máu)
- Quy định việc hiến máu là tự nguyện kết hợp với tăng chi cho hoạt động vận động hiến máu. Giả định số người hiến máu đạt mức lý tưởng là 2% dân số thì một năm nước ta sẽ có 18,2 triệu người tham gia hiến máu.
Về phía Bộ Y tế, qua phân tích thực tiễn và tham khảo thực tế tại một số nước, hiện nay Bộ Y tế ủng hộ việc quy định hiến máu là tự nguyện, bởi điều này vừa phù hợp với thực tiễn, phù hợp với pháp luật quốc tế cũng như không gây tốn kém không cần thiết cho Nhà nước và xã hội.
Máu và các chế phẩm từ máu là loại thuốc đặc biệt, chỉ được lấy từ người. Dù các nhà khoa học đã có nhiều công trình nghiên cứu để tìm các chất thay thế máu nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả. Vì thế, máu người vẫn là nguồn nguyên liệu chính để cấp cứu và điều trị bệnh nhân trong giai đoạn trước mắt. Theo kinh nghiệm của các nước trên thế giới và trong khu vực hiện nay, để giải quyết tình trạng thiếu máu và bảo đảm an toàn truyền máu, Chính phủ các nước đã đề xuất việc ban hành Luật hiến máu hoặc các luật khác có liên quan đến vấn đề hiến máu tình nguyện không lấy tiền. Sau khi luật hiến máu được ban hành, tình trạng khan hiếm máu cho cấp cứu và điều trị đã cơ bản được giải quyết. Thời gian dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án luật là vào kỳ họp thứ 7 năm 2018 và thông qua dự án luật vào kỳ họp thứ 8 năm 2018 của Quốc hội.
Hiện nay, việc hiến máu tại Việt Nam được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các cá nhân. Việc hiến máu được thực hiện trên cơ sở cân nặng của người hiến máu. Người có cân nặng từ 42 kg đến dưới 45 kg được phép hiến không quá 250 ml máu toàn phần mỗi lần; người có cân nặng 45 kg trở lên được phép hiến máu toàn phần không quá 9 ml/kg cân nặng và không quá 500 ml mỗi lần. Trung bình mỗi năm 1 người hiến tối đa 4 lần.
Đến nay, toàn quốc hiện có nhiều cơ sở y tế tham gia tiếp nhận hiến máu với quy mô rất đa dạng, hiện có 60 cơ sở thực hiện tiếp nhận hiến máu. Xét về thực tế hoạt động trong nhiều năm qua, mỗi cơ sở truyền máu chỉ có thể bắt đầu đảm đương được vai trò là trung tâm truyền máu khu vực, khi lấy máu đạt trên 50.000 đơn vị/năm - tối thiểu tiếp nhận 150 đơn vị máu mỗi ngày.
(Nguồn: Sức khỏe đời sống)