Chuyên gia y tế lên tiếng "giải oan" cho quả vải
Một vụ ngộ độc nghiêm trọng đã xảy ra khiến 4 trẻ phải nhập viện cấp cứu sau khi ăn quả vải. Tuy nhiên, chuyên gia khẳng định, chưa có bằng chứng ngộ độc vải tại Việt Nam. Vậy thực hư chuyện này ra sao?
Chuyên gia y tế lên tiếng "giải oan" cho quả vải
Liên quan đến vụ việc 1 trẻ tử vong, 4 trẻ nhập viện sau khi ăn vải tại Cao Bằng, Giám đốc Sở Y tế tỉnh này khẳng định, các nhà chuyên môn loại trừ nguyên nhân các cháu bé ngộ độc do vải mà nghi các bé nhập viện với nhiều dấu hiệu của bệnh viêm não.
Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm ban đầu của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương trong ngày 15/6 cho thấy các mẫu bệnh phẩm của 3 bé tử vong tại Cao Bằng âm tính với virus viêm não Nhật Bản B và vi khuẩn não mô cầu.
Dù chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây ra vụ việc nhưng thông tin trẻ bị ngộ độc, tử vong sau khi ăn quả vải đã làm nhiều người hoang mang – nhất là khi hiện nay đang là thời điểm vải chín rộ. Vậy liệu ăn vải có thể bị ngộ độc, bị viêm não hay không?
BS Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) khẳng định, chưa có bằng chứng khẳng định chuyện ngộ độc gây tử vong do vải. Cũng giống như nhiều loại thực phẩm khác, việc xảy ra ngộ độc do nguyên nhân vi sinh, hóa chất từ thực phẩm đều giống nhau. Do đó, với quả vải, nếu trên vỏ quả có hóa chất do phun hoặc hoặc có lẫn các vi sinh vật trong tự nhiên thì không tránh được những ngộ độc như ngộ độc thực phẩm khác.
Về chất hypoglycin A và methylcyclopropylglycin trong quả vải được các tài liệu nước ngoài đề cập đến, các chất này có tác dụng làm giảm glucose máu, được cho là nguyên nhân gây ngộ độc. Viện Dược liệu Việt Nam cũng đã phân tích thì chất methylcyclopropylglycin nằm ở hạt vải, chứ không phải trong cùi vải.
Các thông tin trên dựa trên các nghiên cứu từ nước ngoài và bản thân với các nước đó vẫn cần phải nghiên cứu tiếp. Ở nước ta cũng cần có nghiên cứu, khảo sát trong điều kiện cây cỏ và con người của Việt Nam, có sự tham gia của các ngành sinh học, nông nghiệp, khoa học và công nghệ và y tế, BS Nguyên cho hay.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế khuyến cáo, mỗi vùng đất khác nhau thì chất lượng quả vải cũng khác nhau. Đồng thời, tùy vào cơ địa của mỗi người khi ăn vải mà có những tác dụng phụ khác nhau, do đó có những người gặp triệu chứng “say vải”.
Với kết luận của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, 3 bệnh nhi âm tính với virus viêm não Nhật Bản và vi khuẩn não mô cầu, bác sĩ Nguyên cho hay, đấy mới là xét nghiệm hai loại phổ biến, trong khi còn nhiều virus khác không xét nghiệm được. Vì ở Việt Nam hiện nay có nhiều virus chưa xét nghiệm được. Có nhiều trường hợp bệnh nhân mắc viêm não không thể phát hiện ra do ngộ độc hay do virus.
Cho đến hiện tại chưa có kết luận nào khẳng định những sự việc đáng tiếc đã gặp do quả vải gây ra. BS Nguyễn Trung Nguyên cũng khẳng định một lần nữa, vải là loại quả an toàn, vì thế người dân không nên lo ngại, né tránh quả vải như nhiều người cho rằng vải là nguyên nhân gây bệnh viêm não.
Theo Công Lý
Xem thêm:
- Khi bị ngộ độc nên ăn gì và uống gì?
- Phải làm gì khi trẻ em bị ngộ độc thức ăn?