Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu 3 tháng cuối thai kỳ
Giai đoạn cuối thai kỳ là thời điểm thai nhi phát triển mạnh mẽ nhất, cần hấp thu lượng lớn chất dinh dưỡng từ người mẹ. Vì vậy, việc mẹ bầu xây dựng cho mình một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp thai nhi phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần, đồng thời giúp mẹ có sức khỏe tốt chuẩn bị cho quá trình vượt cạn.
Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu 3 tháng cuối thai kỳ
Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu được các chuyên gia khuyên dùng
Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu trong 3 tháng cuối thai kỳ không chỉ góp phần giúp thai nhi phát triển mà còn là yếu tố quan trọng giúp người mẹ đảm bảo một sức khỏe ổn định, chuẩn bị cho cuộc vượt cạn. Do vậy các chuyên gia dinh dưỡng khuyến nghị các mẹ bầu nên bổ sung đầy đủ các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, các loại vitamin và khoáng chất như sắt, kẽm, canxi....
Ăn các thực phẩm giàu đạm và chất béo
Chất đạm được xếp vào nhóm thực phẩm quan trọng hàng đầu trong chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu. Đạm đóng vai trò quan trọng cho quá trình tạo máu cũng như sự phát triển của thai nhi. Chất béo nói chung và DHA nói riêng giúp trí não, võng mạc và hệ thần kinh của trẻ phát triển tốt, ảnh hưởng trực tiếp đến sự thông minh và khả năng ghi nhớ của trẻ nhỏ sau này.
Đạm có nhiều trong các loại thực phẩm như thịt bò, tôm, cua, cá, trứng, sữa, phô mai... Ngoài ra các mẹ bầu cũng có thể bổ sung các loại đạm và chất béo có nguồn gốc từ thực vật như đậu xanh, vừng, lạc, đỗ tương, dầu ô liu....
Bổ sung khoáng chất
Theo tiến sĩ Bùi Thị Nhung - Viện Dinh Dưỡng: “Việc bổ sung vitamin và khoáng chất là điều quan trọng và cần thiết đối với mẹ bầu. Trong đó có những chất khoáng không thể thiếu trong chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu là sắt, acid folic, canxi, kẽm, iot...”Sắt và acid folic: Phụ nữ mang thai cần bổ sung sắt để tổng hợp và phát triển hồng cầu, mạch máu, cơ. Người bị thiếu sắt trong khi mang thai có thể thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, dễ băng huyết khi sinh hoặc có nguy cơ sảy thai, đẻ non. Đồng thời, khiến thai nhi có nguy cơ khuyết tật ống thần kinh, suy dinh dưỡng hoặc nhẹ cân sau sinh. Ngoài ra, việc thiếu hụt acid folic cũng là nguyên nhân có thể dẫn đến thiếu cân ở trẻ sơ sinh. Các thai phụ có thể bổ sung thực phẩm giàu acid folic bằng cách ăn nhiều loại rau có màu xanh đậm, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây,...
Canxi: Lượng canxi khuyến cáo cần thiết cho phụ nữ mang thai là từ 800-1000mg mỗi ngày. Canxi giúp xương thai nhi phát triển vào những tháng cuối thai kỳ. Canxi có nhiều trong các chế phẩm từ sữa, các loại thủy sản như cua, tôm, cá...Tùy vào sở thích của từng người có thể chế biến thành các món ăn chính hàng ngày để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho mẹ bầu
Kẽm: Việc thiếu hụt kẽm dễ dẫn đến các trường hợp sảy thai, sinh non hoặc thai lưu, vì vậy cần bổ sung kịp thời và hợp lý để đảm bảo sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe mẹ bầu.
Các loại vitamin
Ngoài các loại khoáng chất thiết yếu thì vitamin cũng rất quan trọng đối với các bà mẹ mang thai. Vitamin A,B,C,D,E...giúp nâng cao miễn dịch trong cơ thể chống chọi lại với các tác nhân gây bệnh, hấp thu khoáng chất hiệu quả hơn,....
Những thực phẩm cần tránh trong chế độ dinh dưỡng của mẹ bầu
Dinh dưỡng cho mẹ bầu cũng cần đặc biệt lưu ý tránh những loại thực phẩm có hại cho sức khỏe thai nhi và của chính mình như:
- Thức ăn nhiều dầu mỡ, các loại bột: sẽ gây khó khăn trong quá trình sinh nở.
- Thức ăn mặn như cá khô, thức ăn chứa nhiều muối: để hạn chế nguy cơ tăng huyết áp, phù thũng
- Đồ uống chứa cồn và chất kích thích có nguy cơ dẫn tới dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
- Không ăn các loại thịt chưa nấu chín vì có thể thịt vẫn chưa loại bỏ hoàn toàn các kí sinh và vi khuẩn gây các bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm
- Đồ ăn chứa nhiều đường gây tăng cân không kiểm soát và tình trạng rối loạn đường huyết cuối thai kỳ.
Lời khuyên dành cho mẹ bầu trong những tháng cuối thai kỳ
Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu là yếu tố vô cùng quan trọng để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi vì vậy cần được đặc biệt quan lưu ý.
Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, mẹ bầu cần thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như yoga, đi bộ...để máu lưu thông tốt hơn, giảm phù nề chân và kiểm soát cân nặng hiệu quả.
Một lời khuyên hữu ích nữa dành cho các bà mẹ đang trong giai đoạn cuối thai kỳ là học thở đúng cách. Đây tưởng chừng như là việc rất quen thuộc nhưng đối với các bà bầu lại rất quan trọng. Thở đúng cách sẽ góp phần làm giảm đau trong quá trình sinh nở, đồng thời tăng cường oxy cho mẹ và bé, tránh việc kiệt sức trong khi sinh.
Tư thế nằm của các bà bầu cũng cần được lưu ý vì nó ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Giai đoạn cuối thai kỳ, tử cung thường xoay về bên phải nên các bà bầu nên lựa chọn tư thế nằm nghiêng về bên trái để làm giảm áp lực cho vùng xương chậu. Có thể lấy 1 chiếc gối kê chân cao hơn 1 chút, 1 chiếc gối mỏng kê bụng và một chiếc gối khác để đỡ lưng, như vậy máu sẽ lưu thông tốt hơn và mẹ bầu cũng thoải mái, ngủ ngon giấc hơn.
Trong mỗi bữa ăn không nên ăn quá nhiều hoặc quá no, thay vào đó có thể chia thành nhiều bữa nhỏ trong một ngày. Việc này sẽ tốt cho hệ tiêu hóa, giảm áp lực lên dạ dày cũng như giúp cơ thể hấp thụ tốt hơn.
Cuối cùng nên nghỉ ngơi và giữ cho mình một tâm thế thoải mái, sẵn sàng cho cuộc vượt cạn, chào đón thành viên mới của gia đình trong thời gian sắp tới.
Việc hiểu rõ về dinh dưỡng cho mẹ bầu sẽ giúp chúng ta thiết lập được một chế độ ăn uống phù hợp, đồng hiểu rõ hơn về những loại thực phẩm tốt cần bổ sung cũng như hạn chế các thực phẩm có hại ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi.
Xem thêm:
- Chế độ dinh dưỡng và ăn kiêng phù hợp cho mẹ bầu
- Mẹ bầu nên ăn gì để đủ dinh dưỡng cho phôi thai phát triển tốt nhất?
- Chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu trong ba tháng đầu