Chăm sóc trẻ nhiễm tay chân miệng tại nhà
Làm thế nào để chăm sóc trẻ nhiễm tay chân miệng tại nhà đúng cách, giúp bé không bị các biến chứng nặng hơn về sau.
Chăm sóc trẻ nhiễm tay chân miệng tại nhà
Khi đi học các bé rất dễ mắc bệnh tay chân miệng, nhất là thời điểm dịch bùng phát từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 12. Bệnh có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm khiến nhiều cha mẹ lo lắng. Tuy nhiên với những bé nhiễm tay chân miệng thể nhẹ (chỉ có mụn nước và loét miệng), mẹ có thể chăm sóc và theo dõi điều trị bé ở nhà. Vậy làm thế nào để chăm sóc trẻ nhiễm tay chân miệng tại nhà đúng cách, giúp bé không bị các biến chứng nặng hơn về sau. Cùng Vicare tìm hiểu qua bài viết sau nhé.
1. Về dinh dưỡng
- Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu
- Nhiễm tay chân miệng khiến trẻ bị đau trong miệng (miệng loét), mệt mỏi nên trẻ trở nên biếng ăn, hay quấy khóc. Vì vậy thức ăn phải nấu thật nhuyễn, mềm, đủ chất và không nóng để cho trẻ có cảm giác ngon miệng khi ăn và quên đi sự đau đớn.
- Trẻ có thể ăn sữa chua, sữa bột pha hoặc bột dinh dưỡng, cháo nấu thật nhuyễn, súp hầm kỹ, nước hoa quả tươi.
Với trẻ còn bú mẹ, cần cho trẻ bú như bình thường và có thể tăng số lần, thời gian cho bú, vì mỗi lần trẻ bú không được nhiều như lúc khỏe mạnh. Nên cho trẻ ăn nhiều lần trong ngày, mỗi lần ít một làm sao đủ năng lượng cho trẻ.
- Không nên cho trẻ uống nước nóng hoặc lạnh quá làm trẻ đau miệng. Không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng muỗng mềm cho ăn, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn, uống đồ có vị chua hoặc có gia vị.
2. Về thuốc men
- Chỉ dùng thuốc paracetamol để hạ sốt và giảm đau và các thuốc khác do bác sĩ kê đơn.
- Bù đủ nước cho bé nếu có sốt cao.
- Vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Có thể súc miệng bằng nước muối loãng nếu trẻ súc được.
3. Cách ly và thực hiện vệ sinh thân thể
- Cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong nhà.
- Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế cho mình và cho cả trẻ bệnh, sau khi tiếp xúc nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch ngay để hạn chế sự lây lan khi phải chăm sóc trẻ lành. Rửa tay thường xuyên là một cách tốt nhất để tránh bị bệnh và lan bệnh cho cơ thể. Theo đó, những thời điểm cần phải rửa tay bằng xà phòng cho bé là: trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ho hoặc hắt hơi vào tay, sau khi vui chơi hoặc tiếp xúc ở những nơi công cộng hoặc bất cứ khi nào bạn cảm thấy tay của con bẩn.
Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi được giặt sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch. Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, chén ăn cơm, muỗng ăn... nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ.
-Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho bé hằng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn.
4. Theo dõi sát tình trạng bệnh
Tốt nhất trong 7 ngày kể từ lúc bị bệnh, ngoài việc chăm sóc tại nhà và dùng thuốc theo đơn thì hằng ngày nên tái khám để phát hiện sớm những diễn biến bất thường. Chú ý, bệnh lây lan mạnh nhất trong tuần đầu nhưng virut có thể còn tồn trong phân vài tháng sau.
5. Khi nào cần cho trẻ nhập viện?
Khi thấy trẻ sốt cao, mụn nhiều là dấu hiệu nặng, nguy cơ biến chứng. Vì vậy khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau thì phải đưa trẻ nhập viện ngay:
- Sốt cao 39°C trở lên hoặc sốt cao kéo dài từ 48 giờ trở đi.
- Quấy khóc, bứt rứt, ói nhiều.
- Ngủ lịm, dễ giật mình, hoảng hốt, run tay chân, chới với, đi loạng choạng, mạch nhanh không tương ứng với nhiệt độ thân người.
- Thở khó/ thở nhanh, da nổi vằn.