Chăm sóc tại nhà cho trẻ bị viêm phổi
Viêm phổi là bệnh lý hô hấp thường gặp, đặc biệt vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết trở lạnh. Cả người lớn và cả trẻ nhỏ đều có khả năng bị viêm phổi. Tuy nhiên trẻ em là nhóm đối tượng dễ mắc nhất. Cùng vicare trang bị những kiến thức cần thiết để chăm sóc trẻ bị viêm phổi qua bài viết sau đây.
Chăm sóc tại nhà cho trẻ bị viêm phổi
Tại sao trẻ liên tục bị viêm phổi
Viêm phổi là bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó thường gặp nhất là trẻ em. Thống kê cho thấy Việt Nam đứng hàng thứ 9 trên 15 nước có số trẻ bị viêm phổi hàng năm cao nhất. Tổng số trẻ mới mắc là 2.9 triệu trẻ/năm.
Đầu tiên, trẻ sơ sinh thường bị viêm phổi do nhiễm khuẩn phổi trước, trong và sau khi sinh ra. Nguyên nhân do trẻ hít phải nước ối, phân su bị nhiễm khuẩn hoặc hít dịch tiết đường sinh dục của người mẹ. Quá trình sinh và hồi sức sau sinh không đảm bảo vô trùng cũng có thể khiến trẻ nhiễm khuẩn.
Thứ hai, cơ quan hô hấp ở trẻ nhỏ chưa hoàn thiện, còn rất non nớt, đường hô hấp nhỏ, hẹp và ngắn, dễ dàng bị sự ảnh hưởng từ môi trường bên ngoài. Khi quá trình viêm tiến triển dễ gây phù nề niêm mạc đường thở, khiến trẻ khó thở. Sau đó viêm sẽ lan rộng ra xung quanh làm bệnh tiến triển rất nhanh và nặng ở trẻ bị viêm phổi.
Đối với trẻ dưới một tuổi, số lượng phế nang của trẻ còn ít, do đó mỗi khi thở gần như tất cả phế nang đều hoạt động và hoạt động nhanh hơn bình thường nhằm đáp ứng nhu cầu oxy cao hơn người lớn. Khi nhịp thở tăng quá nhanh, kéo dài khiến trẻ kiệt sức, có thể bị suy hô hấp vô cùng nguy hiểm. Ở trẻ lớn, cơ quan hô hấp đã phát triển và hoàn thiện hơn. Đến khi trẻ hơn 5 tuổi, tỉ lệ bị viêm phổi sẽ giảm hẳn đồng thời các biến chứng nặng cũng ít xảy ra.
Tác nhân khiến trẻ bị viêm phổi
- Virus: thường gặp là virus hợp bào hô hấp (RSV), virus cúm, á cúm, Adenovirus. Thời điểm virus bùng phát mạnh mẽ nhất là vào giai đoạn chuyển mùa
- Vi khuẩn: nhiều loại nhưng chủ yếu là do phế cầu.
- Ký sinh trùng, vi nấm (thường gặp là nấm Candida albicans)
- Điều kiện sống không tốt, nguồn nước và không khí ô nhiễm, nhà vệ sinh bẩn. Gia đình có người bị bệnh lao, nghiện hút thuốc lá.
- Không chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đúng cách: trẻ không được bú mẹ, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, thiếu kẽm, trẻ không được tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch. Phụ huynh ủ con quá ấm, mồ hôi chảy nhiều nhưng lại không thay quần áo thường xuyên khiến trẻ bị ngấm mồ hôi ngược. Sử dụng thiết bị làm mát (quạt, máy điều hòa) không phù hợp, không đắp chăn cho trẻ khi ngủ, thường xuyên mang trẻ ra ngoài vào sáng sớm hoặc lúc đêm muộn.
- Trẻ sinh non, cân nặng sơ sinh thấy, dị tật tại đường hô hấp bẩm sinh, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải.
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phổi
Trẻ sốt cao trên 37.5 độ C, trẻ bị ho, bú ít hoặc bỏ bú kèm theo nhịp thở nhanh hơn bình thường. Nên đưa trẻ ngay lập tức đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và xác định chính xác hơn. Các dấu hiệu cho thấy viêm phổi trở nặng: ngủ li bì, bỏ bú, nôn ói, tím tái, lõm ngực khi thở, thở khò khè, rên rỉ...
Đếm nhịp thở khi bé nằm yên, đếm trong vòng 1 phút và xác định bé thở nhanh khi: nhịp thở từ 60 lần/phút trở lên đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi, từ 50 lần/phút trở lên đối với trẻ từ 2 tháng đến 1 tuổi, từ 40 lần/phút trở lên đối với trẻ 1-5 tuổi.
Chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà
- Hạ sốt cho trẻ: khi trẻ sốt không nên quấn trẻ quá kĩ, cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, kết hơn chườm ấm hoặc chườm mát tích cực. Nếu sốt trên 38.5 độ cho dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định
- Vỗ lưng cho trẻ khi trẻ ho khạc đờm: giúp lưu thông tuần hoàn máu ở phổi, long đờm trong phế quản và thải đờm ra ngoài dễ dàng hơn. Vỗ lưng trước bữa ăn hoặc sớm nhất sau ăn 1 giờ để tránh gây nôn ói. Gập bàn tay ở chỗ cổ tay rồi khum bàn tay lại, giữ cho ngón cái ép vào ngón trỏ và vỗ nhẹ từ bên trái rồi sang bên phải, khoảng 3-5 phút ở mỗi bên, không vỗ ở vùng dạ dày, vùng xương ức hoặc xương sống.
- Khuyến khích trẻ ho làm thông thoáng đường thở, tống các dịch tiết ra khỏi phổi. Đối với trẻ lớn, hướng dẫn trẻ ho sau khi vỗ lưng, trẻ chưa ngừng ho thì không được vỗ tiếp. Cho trẻ ngồi, đầu ngả nhẹ về phía trước và hít vào. Hướng dẫn trẻ mở miệng và thót cơ bụng để ho sâu, không ho ở cổ họng. Hít vào lần nữa và tiếp tục ho tới khi khạc đờm ra ngoài. Với trẻ sơ sinh có thể dùng máy hút đờm dãi (nếu có) ra khỏi hầu họng khi trẻ không tự ho khạc ra được.
- Vệ sinh mũi miệng bằng khăn giấy mềm, lau sạch dịch mũi và nước dãi rồi vứt bỏ sau khi sử dụng. Nếu dùng khăn vải thì phải đặc biệt chú ý giữ vệ sinh khăn, nên giặt sạch và luộc chín khi tái sử dụng. Vệ sinh nhà cửa, đồ dùng của trẻ cẩn thận. Rửa tay bằng xà phòng trước khi tiếp xúc hoặc chế biến thức ăn cho trẻ.
- Chế độ ăn giàu dinh dưỡng, thức ăn mềm, dễ tiêu, dễ nuốt. Cho trẻ theo nhu cầu, nên chia làm nhiều bữa trong ngày và số lượng thức ăn mỗi bữa ít hơn, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn đã chuẩn bị tránh nôn ói. Dùng tắc (quất) hấp mềm cùng với mật ong hoặc nước ấm pha chanh mật ong cho trẻ uống để giảm ho.
Dấu hiệu báo động cần đưa trẻ đến viện ngay
- Lõm ngực hoặc phần giữa bụng và ngực khi trẻ hít vào.
- Thở khó khăn, cánh mũi phập phồng liên tục, có dấu hiệu tím tái.
- Thở khò khè hoặc thở rít khi nằm yên.
- Trẻ không thể uống được, xuất hiện cơn co giật hoặc trẻ li bì khó đánh thức.
Xem thêm:
- Viêm phổi ở trẻ nhỏ
- Điều trị viêm phổi ở trẻ sơ sinh