Cha mẹ cần làm gì khi bé trai bị ngứa vùng kín?

Cha mẹ thường cho rằng ngứa vùng kín chỉ xảy ra khi con bắt đầu vào độ tuổi dậy thì, và ngứa vùng kín thường xảy ra ở bé gái nhiều hơn. Tuy nhiên, bé trai cũng có thể bị ngứa vùng kín. Mời các bậc cha mẹ cùng tìm hiểu thông tin về ngứa vùng kín của bé trai ở dưới đây.

Cha mẹ cần làm gì khi bé trai bị ngứa vùng kín? Cha mẹ cần làm gì khi bé trai bị ngứa vùng kín?

Những bậc làm cha làm mẹ luôn muốn những điều tốt nhất cho con, chăm lo kỹ càng từng bữa ăn giấc ngủ. Tuy nhiên, có rất nhiều bậc cha mẹ chưa đủ tinh tường để phát hiện ra những vấn đề ở vùng kín của trẻ. Cha mẹ thường cho rằng ngứa vùng kín chỉ xảy ra khi con bắt đầu vào độ tuổi dậy thì, và ngứa vùng kín thường xảy ra ở bé gái nhiều hơn. Tuy nhiên, bé trai cũng có thể bị ngứa vùng kín. Mời các bậc cha mẹ cùng tìm hiểu thông tin về ngứa vùng kín của bé trai ở dưới đây.

Nguyên nhân dẫn đến ngứa vùng kín ở bé trai

Vùng kín của bé trai có thể bị sưng đỏ ngứa ngáy nếu như bị bẩn hoặc bị viêm nhiễm. Nguyên nhân chính gây ra viêm ngứa vùng kín của bé trai là do bao quy đầu chưa được lộn. Việc này sẽ khiến cho nước tiểu dễ bị đọng lại ở vùng bao quy đầu. Lâu dần, thành cặn trắng, mùi hôi, sưng tấy.

vicare.vn-cha-me-can-lam-gi-khi-be-trai-bi-ngua-vung-kin-body-1
Nguyên nhân gây ngứa vùng kín ở bé trai thường là do nước tiểu đọng ở bao quy đầu

Phần lớn các bé trai khi mới sinh ra đều có hiện tượng hẹp bao quy đầu sinh lý. Theo thời gian, khi dương vật to ra, cùng với phát triển sinh lý, bao quy đầu sẽ tự tuột ra khỏi quy đầu. Tuy nhiên, một số trẻ có thể bị hẹp bao quy đầu bệnh lý. Tỷ lệ này chiếm khoảng 5% ở Việt Nam và cần được bác sĩ chẩn đoán và điều trị.

Cần làm gì khi trẻ bị ngứa vùng kín?

Với các trẻ nhỏ, cha mẹ có thể quan sát được dấu hiệu trẻ bị ngứa vùng kín như: trẻ hay ngọ nguậy, quấy khóc, tay hay chạm vào hoặc cào cấu bộ phận sinh dục. Lúc thay tã, cha mẹ có thể thấy vùng kín của trẻ bị ửng đỏ hoặc có cặn ở đầu dương vật. Nếu trẻ chỉ bị ngứa nhẹ, và vùng kín không có dấu hiệu sưng nhiều, cha mẹ chỉ cần lưu ý vệ sinh thường xuyên, thật sạch sẽ và lau khô.

vicare.vn-cha-me-can-lam-gi-khi-be-trai-bi-ngua-vung-kin-body-2
Khi có dấu hiệu ngứa vùng kín, cha mẹ nên vệ sinh vùng kín cho bé sạch sẽ và lau khô

Nếu như vùng kín của bé trai có tình trạng ngứa và đau, có cặn nhiều, thậm chí cặn màu vàng hoặc chảy dịch, bé quấy khóc nhiều hơn, và đi tiểu khó khăn thì vùng kín của bé rất có thể đã bị viêm nhiễm. Cha mẹ cần lập tức đưa đến bác sĩ để khám và điều trị.

Cách chăm sóc vùng kín cho trẻ để tránh bị ngứa

  • Vệ sinh vùng kín hằng ngày khi tắm cho trẻ.
  • Bôi một ít dầu dưỡng ẩm vào đầu dương vật để không bị dính vào tã.
  • Cần thao tác nhẹ nhàng khi vệ sinh vùng kín để tránh gây tổn thương.
  • Tránh các chất tẩy rửa và các hóa chất có thể gây kích ứng da.
  • Thấm khô vùng kín của trẻ sau khi tắm hoặc tè dầm, trước khi mặc quần áo.
  • Với các trẻ lớn đã có thể lộn bao quy đầu, thỉnh thoảng nên nhẹ nhàng kéo bao quy đầu về hướng bụng để vệ sinh phần phía dưới, rồi lộn trở lại chỗ cũ.
  • Không sử dụng bỉm quá nhiều, có thể gây chứng khó tiểu, tiểu không tự chủ và viêm nhiễm bộ phận sinh dục.
  • Chọn trang phục thông thoáng, chất liệu dễ thấm mồ hôi cho trẻ.

Một số bệnh vùng kín cần lưu ý ở bé trai

Cha mẹ nên đưa bé trai đi khám vùng kín 6 tháng một lần để bác sĩ có thể kiểm tra các bất thường ở bộ phận sinh dục hoặc tình trạng viêm nhiễm nếu có. Ngoài ra, cha mẹ nên tự tìm hiểu về các bệnh ở vùng kín của trẻ dưới đây để có kiến thức chăm sóc con đầy đủ hơn.

  • Hẹp bao quy đầu bệnh lý: như đã nói ở trên, chỉ khoảng 5% bé trai ở Việt Nam bị hẹp bao quy đầu thành bệnh. Với những bé từ ba tuổi trở lên, nếu bao quy đầu không kéo xuống được, bé thường khó tiểu, phải rặn khiến bao quy đầu phồng lên và nước tiểu bắn xa, thì bé có thể bị hẹp bao quy đầu bệnh lý. Cha mẹ cần đưa đến bác sĩ khám để có biện pháp nong bao quy đầu hợp lý.
  • Thoát vị bẹn: trẻ khi mới sinh thường có một lỗ thông từ bụng xuống bẹn. Lỗ này sẽ liền lại một thời gian ngắn sau khi sinh. Nhưng khi lỗ này không liền lại, ruột và một số nội tạng khác có thể theo lỗ chui xuống vùng bẹn, tạo thành một khối phồng. Khối phồng này có thể di chuyển chứ không cố định. Khi trẻ nằm thì khối này xẹp đi. Cha mẹ nếu để ý thấy những triệu chứng này thì cần phải theo dõi và trao đổi với bác sĩ.
  • Ẩn tinh hoàn: các bé trai sinh ra đều có hai tinh hoàn. Tuy nhiên một số bé trai có tinh hoàn không nằm ở bìu mà ẩn trong bẹn hoặc ổ bụng. Cha mẹ có thể tự phát hiện dị tật này khi sờ vào bìu của con. Trong vòng một năm đầu, tinh hoàn có thể tự chui xuống. Nhưng nếu bố mẹ thấy tinh hoàn con vẫn bị ẩn sau một năm, nên đưa bé trai đi khám bác sĩ để có biện pháp can thiệp kịp thời.
  • Ứ nước màng tinh hoàn: khi còn trong bụng mẹ, các bé trai đều có một ống thông từ bụng bé xuống bìu. Sau khi sinh, ống sẽ tự bịt lại. Thế nhưng một số bé ống vẫn thông, dẫn nước từ ổ bụng xuống bìu. Khi kiểm tra, cha mẹ sẽ thấy phần bìu mọng nước. Tình trạng này thường tự hết sau một thời gian. Nếu sau một năm tuổi mà bé vẫn bị ứ nước ở tinh hoàn, bé cần được đi khám bác sĩ.

Vùng kín của bé là vùng da nhạy cảm và hay tiếp xúc với chất bẩn. Bởi vậy cha mẹ cần lưu ý vệ sinh sạch sẽ và quan sát vùng kín để phát hiện ra những triệu chứng ngứa vùng kín của bé sớm nhất có thể. Ngoài ra, các bậc cha mẹ cũng nên kiểm tra vùng kín của bé trai thường xuyên xem con có bị mắc một trong những dị tật hay bệnh thường gặp nêu trên không, để đưa con đến bác sĩ kịp thời.

Xem thêm:

  • Cách điều trị ngứa vùng kín nam giới
  • Top 5 loại bệnh ngứa ngoài da ở vùng kín nam giới thường gặp