Cắt dạ dày: Lựa chọn cuối cùng khi điều trị các bệnh lý nghiêm trọng
Cắt dạ dày là một loại phẫu thuật được dùng để điều trị các bệnh lý nghiêm trọng có liên quan đến dạ dày. Đây là loại phẫu thuật lớn, tiềm ẩn nhiều biến chứng và có thể làm thay đổi cuộc sống của bạn. Bài viết sau đây sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về cắt dạ dày cho bạn.
Cắt dạ dày: Lựa chọn cuối cùng khi điều trị các bệnh lý nghiêm trọng
Cắt dạ dày là gì?
Cắt dạ dày là phẫu thuật loại bỏ một phần hoặc toàn bộ dạ dày. Việc loại bỏ dạ dày chỉ làm giảm chứ không làm mất đi hoàn toàn khả năng tiêu hóa thức ăn của bạn. Tuy nhiên, bạn có thể cần thực hiện một số thay đổi lối sống sau phẫu thuật này để đảm bảo có sức khoẻ tốt.
Tại sao bạn cần cắt dạ dày?
Phẫu thuật cắt dạ dày được sử dụng để điều trị các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến dạ dày mà các phương pháp khác không thể điều trị được. Điều đó có nghĩa là: cắt dạ dày chính là phương pháp điều trị được lựa chọn cuối cùng cho bệnh nhân. Bác sĩ có thể đề nghị cắt dạ dày để điều trị các bệnh lý cụ thể như sau:
- Khối u lành tính ở dạ dày.
- Chảy máu ở dạ dày (xuất huyết tiêu hoá).
- Thủng dạ dày.
- Polyp hoặc cấu trúc tăng trưởng bên trong dạ dày.
- Viêm dạ dày.
- Ung thư dạ dày hoặc thực quản.
- Loét dạ dày hoặc tá tràng nặng.
- Phẫu thuật cắt dạ dày cũng có thể được sử dụng để điều trị bệnh béo phì. Bằng cách làm cho dạ dày nhỏ lại, khiến bạn sẽ rất dễ no chỉ với một lượng nhỏ thức ăn. Điều này có thể giúp bạn ăn ít hơn và làm giảm cân. Tuy nhiên, cắt dạ dày là phương pháp điều trị béo phì chỉ được đề nghị trong trường hợp bạn đã hoàn toàn thất bại với các phương pháp điều trị không phẫu thuật như thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục, sử dụng thuốc hay điều trị tâm lý.
Có mấy loại phẫu thuật cắt dạ dày?
Hiện nay, có 3 loại phẫu thuật cắt dạ dày chính sau đây.
Cắt dạ dày một phần
Còn được gọi là cắt dạ dày bán phần. Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ loại bỏ phần nửa dưới của dạ dày bạn. Bác sĩ cũng có thể loại bỏ các hạch bạch huyết gần đó nếu bên trong đó có chứa các tế bào ung thư. Sau đó, bác sĩ sẽ đóng tá tràng của bạn lại. Thông thường, tá tràng là đoạn ruột non đầu tiên nhận thức ăn được tiêu hóa một phần từ dạ dày. Sau khi đóng tá tràng, phần còn lại của dạ dày sẽ được nối với ruột non của bạn.
Cắt dạ dày toàn phần
Còn được gọi là cắt dạ dày toàn bộ. Phẫu thuật này sẽ loại bỏ hoàn toàn dạ dày của bạn. Bác sĩ phẫu thuật sẽ nối trực tiếp thực quản với ruột non của bạn. Thông thường, thực quản là đoạn ống tiêu hoá nằm giữa cổ họng và dạ dày của bạn.
Cắt tạo hình dạ dày hình ống
Còn được gọi là phẫu thuật cắt dạ dày tạo hình kiểu ống tay áo. Phẫu thuật này thường được thực hiện như là một phần của quá trình điều trị giảm cân.
Đến 3/4 dạ dày của bạn có thể được loại bỏ trong phẫu thuật này. Bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bên trái dạ dày của bạn để biến nó từ dạng hình túi thông thường sang dạng hình ống, giống như ống tay áo. Điều này sẽ làm cho thể tích dạ dày của bạn nhỏ lại.
Bạn cần chuẩn bị gì trước khi cắt dạ dày?
Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện xét nghiệm máu cũng như các phương pháp chẩn đoán hình ảnh trước khi tiến hành phẫu thuật cắt dạ dày. Những việc này giúp xác định rằng bạn có đầy đủ sức khỏe để thực hiện cuộc phẫu thuật hay không. Bạn cũng có thể sẽ phải trả lời một bộ câu hỏi để đánh giá chi tiết về thể chất, sức khoẻ và tiền sử bệnh lý của bạn trước phẫu thuật.
Ngoài ra, bạn cần nói cho bác sĩ biết về bất kỳ loại thuốc nào mà bạn đang dùng, bao gồm cả những loại thuốc được kê đơn và không kê đơn. Bạn có thể phải ngừng sử dụng một số loại thuốc trước khi phẫu thuật.
Đặc biệt, bạn cần nói cho bác sĩ biết về việc bạn đang có thai hoặc nghi ngờ mình có thai, cũng như các bệnh lý mà bạn đã và đang mắc phải, chẳng hạn như bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch, rối loạn đông máu...
Bên cạnh đó, bạn cần ngưng hút thuốc lá nếu bạn quyết định cắt dạ dày, do việc hút thuốc lá sẽ làm bạn mất thêm nhiều thời gian hơn sau phẫu thuật để phục hồi. Hơn nữa, hút thuốc lá còn có thể gây ra nhiều biến chứng, đặc biệt là các biến chứng liên quan đến nhiễm trùng và các vấn đề tại phổi.
Cắt dạ dày được thực hiện như thế nào?
Hiện nay, có 2 phương pháp phổ biến để thực hiện cắt dạ dày là phương pháp phẫu thuật hở và phương pháp phẫu thuật nội soi. Cả 2 phương pháp này đều được thực hiện dưới sự gây mê toàn thân (gây mê qua nội khí quản). Điều này sẽ giúp bạn ngủ sâu và không có bất kỳ cảm giác đau đớn gì trong suốt quá trình phẫu thuật.
Phẫu thuật hở
Phẫu thuật hở là phương pháp phẫu thuật cắt dạ dày liên quan đến một vết mổ lớn trên thành bụng. Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch da, cơ và mô trên thành bụng để từ đó tiếp cận vào dạ dày của bạn.
Phẫu thuật nội soi
Phẫu thuật nội soi còn được gọi là "phẫu thuật lỗ khoá". Đây là một phương pháp phẫu thuật chỉ xâm lấn tối thiểu, do nó chỉ liên quan đến các vết mổ khá nhỏ và sử dụng các công cụ chuyên dụng. Phương pháp này ít gây đau đớn cho bạn sau phẫu thuật và cho thời gian phục hồi nhanh hơn so với phương pháp phẫu thuật hở. So với phẫu thuật hở, phẫu thuật nội soi là một phương pháp phẫu thuật tiên tiến với tỷ lệ biến chứng thấp hơn. Chính vì thế, nó được ưa chuộng hơn so với phẫu thuật hở.
Các biến chứng của cắt dạ dày là gì?
Phẫu thuật cắt dạ dày có khá nhiều biến chứng mà bạn cần đặc biệt chú ý. Các biến chứng phải kể đến như sau:
Thiếu vitamin
Cắt dạ dày có thể làm cho cơ thể bạn thiếu đi các vitamin quan trọng được hấp thu chủ yếu tại dạ dày, bao gồm vitamin B12, vitamin C và vitamin D. Tình trạng này có thể dẫn đến một loạt các vấn đề về sức khoẻ, chẳng hạn như thiếu máu, tăng nguy cơ nhiễm trùng, loãng xương và yếu cơ. Thay đổi chế độ ăn có thể giúp bù đắp cho việc dạ dày của bạn không thể hấp thu đủ được các vitamin này. Tuy nhiên, trong một số trường hợp thiếu nặng các vitamin thì bạn có thể được bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc.
Sụt cân
Sau khi cắt dạ dày, bạn có thể thấy rằng ngay cả việc ăn một bữa ăn nhỏ cũng sẽ khiến bạn có cảm giác no một cách khó chịu. Điều này có thể dẫn đến sụt cân. Tuy nhiên, sụt cân có thể là mong muốn nếu bạn cắt dạ dày để điều trị béo phì, nhưng sụt cân lại là một nguy cơ sức khỏe nếu như bạn đang điều trị các bệnh lý nghiêm trọng, chẳng hạn như ung thư.
Thông thường sau khi cắt dạ dày, bạn có thể lấy lại được cân nặng của mình thông qua việc thay đổi chế độ ăn uống. Tuy nhiên trong trường hợp bạn bị sụt cân quá nhiều, bạn hãy nên đến gặp chuyên gia dinh dưỡng để được hỗ trợ.
Hội chứng Dumping
Hội chứng Dumping là một tình trạng xảy ra do thức ăn, đặc biệt là thức ăn giàu đường và tinh bột, mà bạn ăn đột ngột di chuyển vào ruột non sau khi bạn đã cắt dạ dày. Thông thường, dạ dày là nơi tiêu hóa phần lớn đường và tinh bột. Tuy nhiên, sau khi cắt dạ dày, ruột non phải rút dịch từ cơ thể của bạn vào lòng ruột để giúp tiêu hoá thức ăn. Lượng dịch đi vào trong lòng ruột non của bạn có thể lên đến 1,5 lít. Phần lớn lượng dịch này được lấy từ máu, dẫn đến bạn có thể bị tụt huyết áp đột ngột, gây ra các triệu chứng như ngất xỉu, đổ mồ hôi, đánh trống ngực, cần phải nằm xuống ngay. Lượng dịch lớn trong ruột non có thể gây ra các triệu chứng như đầy hơi, khó tiêu, sôi bụng, buồn nôn, tiêu chảy.
Để giảm bớt sự khó chịu của hội chứng này, bạn nên ăn chậm, tránh sử dụng các thực phẩm có đường và tinh bột, chẳng hạn như bánh kẹo, nước ngọt, tránh ăn cháo, súp và các loại thức ăn lỏng khác, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và nghỉ ngơi từ 20 đến 45 phút sau mỗi bữa ăn. Đối với hầu hết mọi người, hội chứng Dumping sẽ cải thiện theo thời gian. Tuy nhiên nếu bạn quá lo lắng, bạn có thể đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cụ thể.
Nôn vào buổi sáng
Sau khi cắt dạ dày một phần, một số ít bệnh nhân có thể bị nôn mửa vào buổi sáng.
Nôn mửa xảy ra khi dịch mật - một loại chất lỏng được sử dụng bởi hệ tiêu hóa để phân hủy chất béo, được tích tụ nhiều tại đoạn đầu của ruột non (tá tràng) vào ban đêm, trước khi nó di chuyển lên dạ dày của bạn. Sau khi cắt dạ dày, dạ dày của bạn sẽ nhỏ lại và bạn có thể cảm thấy đầy bụng khó chịu, gây ra phản xạ nôn để loại bỏ lượng dịch mật dư thừa ra ngoài vào buổi sáng. Uống các thuốc điều trị khó tiêu, chẳng hạn như nhôm hydroxit, có thể giúp làm giảm tình trạng nôn mửa vào buổi sáng cho bạn.
Tiêu chảy
Trong phẫu thuật cắt dạ dày, đôi khi cần phải cắt một dây thần kinh, được gọi là dây thần kinh phế vị, khiến nhiều người sẽ dễ bị tiêu chảy sau phẫu thuật. Dây thần kinh phế vị giúp kiểm soát sự chuyển động của thức ăn trong hệ tiêu hóa của bạn. Bạn cần đến gặp bác sĩ nếu tình trạng tiêu chảy của bạn trầm trọng và kéo dài, ảnh hưởng lớn đến tình trạng sức khoẻ.
Các biến chứng khác
Ngoài các biến chứng kể trên, các biến chứng sau đây cũng khá thường gặp, bao gồm:
- Nhiễm trùng tại vết mổ.
- Nhiễm trùng ở ngực.
- Rò rỉ dạ dày tại nơi phẫu thuật.
- Chảy máu bên trong cơ thể (xuất huyết nội).
- Buồn nôn và nôn.
- Tắc nghẽn ruột non.
- Khó thở.
- Viêm phổi.
- Dịch axit của dạ dày có thể rò rỉ vào thực quản của bạn, gây ra sẹo, hẹp hoặc co thắt thực quản theo thời gian.
- Gây tổn thương cho các cấu trúc liền kề.
Để dự phòng cũng như phát hiện sớm các biến chứng này sau phẫu thuật cắt dạ dày, bạn cần khám định kỳ theo sự chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
Phục hồi sau cắt dạ dày như thế nào?
Cắt dạ dày là một cuộc phẫu thuật lớn nên bạn có thể phải mất khá nhiều thời gian để phục hồi sau phẫu thuật.
Sau khi thực hiện việc cắt dạ dày, bác sĩ sẽ đóng vết mổ của bạn bằng chỉ khâu và vết mổ sẽ được băng lại. Sau đó, bạn sẽ được đưa đến phòng hồi sức sau phẫu thuật. Các nhân viên y tế sẽ theo dõi các dấu hiệu quan trọng của bạn trong giai đoạn này.
Sau phẫu thuật cắt dạ dày, bạn có thể được đặt một ống thông ở mũi trong khoảng 48 giờ đầu. Đây là một ống nhỏ đi vào mũi và xuống đến dạ dày hoặc ruột non của bạn. Nó giúp loại bỏ được một lượng dịch do dạ dày tiết ra thường xuyên, điều này sẽ làm bạn không còn cảm giác buồn nôn. Ngoài ra, bạn cũng sẽ có một ống thông được đặt từ lỗ tiểu lên đến bàng quang. Mục đích là để theo dõi sự cân bằng dịch bên trong cơ thể bạn cũng như để chứa và theo dõi tính chất nước tiểu trong quá trình bạn phục hồi.
Trước khi bạn có thể ăn uống bình thường, các chất dinh dưỡng sẽ được cung cấp cho cơ thể bạn bằng một trong hai cách sau:
- Đưa chất dinh dưỡng trực tiếp vào máu của bạn bằng một ống thông vào tĩnh mạch (nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch).
- Đưa chất dinh dưỡng vào một đường ống đi từ thành bụng đến ruột non của bạn.
Hầu hết mọi người có thể bắt đầu một chế độ ăn nhẹ khoảng 1 tuần sau khi cắt dạ dày. Ngoài ra, bạn có thể cần sử dụng thuốc giảm đau thường xuyên cho đến khi bạn hồi phục hoàn toàn và việc sử dụng thuốc giảm đau cần phải tuân thủ theo sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Tuỳ theo từng trường hợp, nhưng thông thường, bạn có thể sẽ nằm viện từ 1 đến 2 tuần sau phẫu thuật cắt dạ dày. Hãy đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu bạn phát hiện bất kỳ triệu chứng hoặc bất kỳ cơn đau nào mà bạn không thể kiểm soát được bằng thuốc.
Bạn cần ăn uống như thế nào sau khi cắt dạ dày?
Cho dù bạn thực hiện loại phẫu thuật cắt dạ dày nào thì bạn cũng sẽ cần thay đổi chế độ ăn uống sau phẫu thuật. Tuy nhiên, việc thay đổi chế độ ăn uống chỉ kéo dài khoảng vài tháng trước khi bạn có thể quay trở lại chế độ ăn uống bình thường của mình. Một chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn thực hiện việc thay đổi chế độ ăn uống nếu bạn có bất kỳ khó khăn nào. Sau đây là những điều bạn cần làm nhằm thay đổi chế độ ăn uống sau khi cắt dạ dày.
Ghi lại nhật ký ăn uống
Các loại thực phẩm hay đồ uống mà bạn yêu thích trước khi phẫu thuật có thể khiến bạn đầy bụng và khó tiêu. Do đó, bạn nên ghi lại nhật ký các loại thực phẩm cũng như đồ uống mà bạn sử dụng hàng ngày, nhằm mục đích tìm ra một số loại thực phẩm và đồ uống có ảnh hưởng không tốt đối với quá trình tiêu hóa của bạn, làm bạn có cảm giác khó chịu.
Ăn nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày
Trong thời gian đầu sau khi cắt dạ dày, bạn sẽ phải ăn nhiều bữa ăn nhỏ, thay vì một vài bữa ăn lớn trong ngày. Tuy nhiên, theo thời gian, phần dạ dày còn lại và ruột non của bạn sẽ căng ra và dần dần bạn sẽ có thể ăn được những bữa ăn lớn hơn.
Tránh sử dụng thực phẩm giàu chất xơ
Bạn nên tránh sử dụng các thực phẩm giàu chất xơ ngay sau khi cắt dạ dày, vì chúng sẽ khiến bạn có cảm giác đầy bụng rất khó chịu. Thực phẩm giàu chất xơ bao gồm: bánh mì, gạo, mì ống, các loại đậu, yến mạch... Tuy nhiên, bạn có thể tăng dần lượng chất xơ trong chế độ ăn uống do dạ dày và ruột non của bạn sẽ dần dần căng ra và thích ứng được với chất xơ.
Bổ sung các vitamin và khoáng chất
Nếu bạn chỉ cắt dạ dày một phần, bạn có thể nhận đủ lượng vitamin và khoáng chất từ chế độ ăn uống của mình bằng cách sử dụng các loại thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm chứa nhiều chất sắt, canxi, vitamin C và vitamin D. Nếu bạn đã được cắt dạ dày toàn phần, bạn có thể sẽ không nhận đủ những chất dinh dưỡng này từ chế độ ăn uống, vì vậy bạn có thể cần phải bổ sung thông qua việc sử dụng thuốc.
Hầu hết những bệnh nhân đã cắt dạ dày toàn phần và một vài bệnh nhân cắt dạ dày một phần, cần tiêm vitamin B12 thường xuyên vì vitamin này khó được hấp thu từ thức ăn nếu dạ dày của bạn đã bị cắt bỏ.
Ngoài ra, sau khi cắt dạ dày, bạn có thể cần xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra xem bạn có nhận đủ lượng vitamin và khoáng chất trong chế độ ăn uống của mình hay không.
(HoiBenh chuyển ngữ từ Healthline - NHS)
Xem thêm:
- Cắt dạ dày có sống được không?
- Ung thư dạ dày có chữa được không?
- Cắt dạ dày có sao không?